| Hotline: 0983.970.780

Để Chư Sê mãi xanh...

Thứ Tư 29/10/2014 , 08:28 (GMT+7)

Từ vùng đất toàn lau sậy, bom mìn còn sót lại nhiều sau chiến tranh, nhưng từ khi cây cao su bén rễ thì cả huyện Chư Sê (tỉnh Gia Lai) nghèo nàn, lạc hậu đã trở nên trù phú…

Không hiểu do thói quen hay do công việc, TGĐ Cty TNHH MTV Cao su Chư Sê, Nguyễn Quốc Khánh hôm nào cũng đúng 19 giờ mới ngồi vào bàn ăn bữa tối. Bữa ăn của anh thật đơn giản. Một món rau xào, một tô canh, một đĩa mặn (bữa thì cá chiên, thịt kho hoặc cá khô).

Người phụ nữ vừa nấu ăn vừa làm tiếp phẩm và tạp vụ thấy anh vất vả nên chị lo tươm tất. Hết giờ, xếp gọn đồ đạc, ông Khánh khép cửa ra về. Ông gần như chẳng bao giờ ăn được một bữa cơm nóng...

Còn ông Đặng Đức Tri, PGĐ Cty mới ngoài 50 mà tóc đã bạc nhiều. Quê ông dưới Bình Định, dăm ba tháng mới về một lần. Cty Cao su Chư Sê có 8.697 ha, đi kiểm tra vườn cây cao su đến đầu này, đầu kia đã phải kiểm tra lại. Ông Tri để ý từ miếng cạo đến cành cây, có hôm về tới văn phòng thì trời đã tối sẫm. Làm việc nhiều thành ra ít nói. Lăn lộn với vườn cây làm ông già trước tuổi.

Cty Cao su Chư Sê có chủ trương thành lập từ đầu những năm 1980. Nhưng mãi đến tháng 8/1984, từ Cty Cao su Dầu Tiếng, 19 cán bộ, nhân viên đi tiên phong trong cuộc chinh phục đất đai Tây Nguyên đã để lại gia đình, bạn bè, vợ con đến vùng đất mới mang tên một ngọn núi cao - Chư Sê.

Mặc cho sốt rét rừng, mặc cho những quả mìn còn sót lại sau chiến tranh, họ đến đây vừa xây dựng cơ sở vật chất, lo tuyển dụng công nhân, khai hoang, ươm trồng mới cao su.

Rơlan Hem kể rằng, ngày đầu tiên vui lắm. Cả làng Bang xin làm công nhân, chưa thấy cây cao su bao giờ nhưng ai cũng cơm nắm, cơm đùm đi theo ủng hộ. Trống dong cờ mở, phát dọn khai hoang mà cũng thấy vui như ngày hội.

Thoạt đầu mới có quyết định thành lập Cty, đến năm 1985 thì thành lập Nông trường Laglai. Năm 1986, thành lập Nông trường LaHlôp… Tất cả đứng lên từ bãi cỏ tranh, lau sậy bời bời. Một vùng hoang mạc sau chiến tranh đã trở thành những cánh rừng cao su xanh bạt ngàn, trải rộng một màu xanh ngút mắt.

Mới đó mà đã 30 năm trôi qua, cao su cũng đã 30 mùa thay lá. TGĐ Nguyễn Quốc Khánh là một trong số 19 người có mặt từ “cái thủa ban đầu dễ mấy ai quên”. Các anh đã trưởng thành theo năm tháng cùng với sự gian nan vất vả vì màu xanh của Tây Nguyên.

Suốt 30 năm vượt qua bao khó khăn trở ngại, Cty Cao su Chư Sê vững bước đi lên trở thành điểm sáng của ngành cao su ở Tây Nguyên. Đến nay, Cty có diện tích vườn cây 8.697 ha, trong đó diện tích cao su đưa vào khai thác 5.514 ha.

Ông Nguyễn Quốc Khánh cho biết: "Cty thực hiện việc giao khoán vườn cây, công nhân thực sự làm chủ vườn cây, lợi ích công nhân được gắn với giá trị năng suất của vườn cây nhận khoán. Đồng thời Cty kiểm tra, giám sát chặt chẽ từ khâu chăm sóc đến khâu cạo mủ. Bên cạnh đó, hằng năm Cty còn tổ chức thi cạo mủ giỏi, nhằm nâng cao tay nghề cho đội ngũ công nhân. Nhờ vậy mà vườn cây khai thác của Cty luôn đảm bảo kỹ thuật".

Cây cao su được trồng đến đâu thì vùng đất đó như được thay da đổi thịt. Những con đường mới được xây dựng. Những con em nông dân nhất là con em người đồng bào dân tộc thiểu số được tuyển dụng vào làm công nhân. Đây là việc làm mang tính xã hội, nhân văn cao, thể hiện sự ưu việt của chế độ XHCN.

"Cái khó ở đây là vấn đề lao động và chất lượng cũng như năng suất lao động thường không ổn định, ban đầu đã gây khó khăn cho công tác khai hoang, trồng mới cũng như chăm sóc cây cao su.
Nhưng với sự nhạy bén của đội ngũ quản lý cộng với sự giúp đỡ của chính quyền địa phương nên đơn vị chúng tôi đã dần thay đổi được tập quán lao động lạc hậu của công nhân.
Khó khăn chung của các đơn vị khi triển khai dự án trồng mới cây cao su ở Campuchia là vấn đề lao động. Tuy nhiên, chúng tôi đã vượt qua để trồng, chăm sóc 16.268,68 ha cao su như kế hoạch đề ra", ông Nguyễn Quốc Khánh.

Từ 19 người đến nay Cty có gần 2.600 người lao động, trong đó công nhân là đồng bào dân tộc thiểu số gần 70%. Với con số 24 làng bản, trên 1.000 hộ với hàng ngàn nhân khẩu được Cty đầu tư hỗ trợ, tuyển dụng vào làm công nhân đã định canh, định cư xây dựng cuộc sống mới.

Tôi cứ liên tưởng nếu như không có Cty Cao su Chư Sê trụ ở đây thì những con người này chắc chắn sẽ tham gia phá bao nhiêu héc ta rừng nữa. Nhưng tôi cũng hiểu rằng tuyển công nhân là người đồng bào dân tộc thiểu số đó là khó khăn cho DN vì trình độ dân trí thấp, nhận thức chậm nên đơn vị lại phải tổ chức đào tạo, hướng dẫn kỹ thuật… tốn rất nhiều thời gian và tiền của.

Với đội ngũ cán bộ công nhân đông như vậy mà lại SX nông nghiệp, Cty vẫn đảm bảo mức lương trên 6 triệu đồng/người/tháng, nhất là trong bối cảnh năm qua giá cao su thấp đến mức kỷ lục, mới thấy được sự năng động sáng tạo, quản lý giỏi, nhạy bén với thương trường của lãnh đạo Cty.

Không chỉ dừng lại ở việc SXKD, Cty còn làm “bà đỡ” cho các nông trại, trang trại về dịch vụ kỹ thuật. Hiện tại trong khu vực có trên 1.000 ha cao su đã đến thời kỳ kinh doanh. Ngoài việc hướng dẫn, giúp đỡ các nông trại cách chăm sóc, cạo mủ còn nhận chế biến mủ cao su. Bên cạnh đó, Cty còn giúp đỡ bà con dân tộc ổn định SX.

Năm 1998, Cty đã giúp đỡ cho 41 hộ đồng bào dân tộc mỗi hộ trồng 1 ha cao su. SX phát triển, kinh doanh đạt hiệu quả, đời sống công nhân ổn định từng bước được nâng cao, Cty đã đưa điện về các bản, nông trường, đội, tổ SX, phục vụ đời sống, SX của công nhân.

Chiến tranh đã lùi về dĩ vãng, cả Chư Sê đã đổi thay, cây cao su trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Người Kinh, người Thượng xích lại cùng nhau, đồng cam cộng khổ để có một Chư Sê xanh mãi một màu.

Hỏi chuyện Kpá Bia, một trong những người cán bộ đồng bào dân tộc Gia Rai có mặt từ những ngày đầu mới thành lập nông trường về cuộc sống, anh cho biết: "Trước khi chưa có nông trường, người Gia Rai ở Laglai, Lahlôp… nhà nào cũng giống nhau ở điểm… đói và mù chữ. Làng nào cũng giống nhau là lạnh lẽo và cỏ tranh tràn ngập lối về.

Từ khi có cây cao su, đường về buôn được mở rộng, trẻ em được ăn no, mặc đẹp và cắp sách tới trường. Ấy là cái chung cho cả vùng, còn hơn 1.000 người và công nhân, gia đình nào cũng có đời sống ổn định. Những căn nhà ngói, nhà lầu đang thay dần những căn nhà sàn vách gỗ".

Ông Nguyễn Quốc Khánh cho biết thêm: "Thực hiên tốt dự án trồng mới cao su tại Campuchia, từ năm 2010 - 2014, Cty CP Cao su Chư Sê - Kampong đã khai hoang trồng mới được 16.268,68 ha. Đây là nhiệm vụ hết sức khó khăn, bởi triển khai dự án ở nước bạn là việc làm mới.

Với vườn cây, cùng các đơn vị bạn đầu tư trên địa bàn Campuchia, Cty là điển hình về tốc độ khai hoang trồng mới. Tốc độ sinh trưởng của cao su cho thấy vườn cây phát triển đồng đều. Quy trình kỹ thuật cũng như chọn giống chúng tôi hoàn toàn chủ động".

Xem thêm
Tôm Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ sẽ gánh thêm thuế chống trợ cấp

Tôm Việt Nam, Ấn Độ, Ecuador xuất khẩu sang Hoa Kỳ có thể bị buộc trả thuế chống trợ cấp sơ bộ với mức dao động từ dưới 2% đến tối đa 196%.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

Tháp cao tầng là biểu tượng của các thành phố lớn trên thế giới

Cùng chiêm ngưỡng những tòa cao ốc đã và đang góp phần quảng bá hình ảnh của các thành phố và quốc gia lớn trên thế giới.

Chuyên gia: 'Thế giới có gì, Vinhomes Royal Island có đó, thậm chí còn có nhiều hơn'

Đảo Vũ Yên (Hải Phòng) đang là 'tâm chấn' của thị trường BĐS kể từ sau khi Vinhomes Royal Island chính thức ra mắt.

Bình luận mới nhất