| Hotline: 0983.970.780

Để có được 'tỷ đô' từ mắc ca: Quá nhiều việc phải làm

Thứ Sáu 24/04/2015 , 09:38 (GMT+7)

Mắc ca được gọi là "cây tỷ đô" đã nhanh chóng tạo ra sự quan tâm của toàn xã hội trong thời gian vừa qua. Tuy nhiên để có được “tỷ đô” từ mắc ca thì còn quá nhiều việc phải làm./ Phát triển 'cây tỷ đô': Thận trọng!

Làm nông nghiệp, giống là vấn đề xếp thứ 4 sau "nước, phân và cần" nhưng giai đoạn hiện nay, giống mắc ca đang được coi là rất quan trọng.

Trong số hơn 2.000 ha mắc ca hiện có, nhiều chuyên gia nhận định, có đến quá nửa diện tích trồng bằng cây thực sinh.

Như vậy nếu không nhanh chóng kiểm soát vấn đề này, chỉ vài năm nữa khi diện tích trồng mắc ca tăng lên con số 10.000 ha theo chủ trương của Bộ NN-PTNT thì diện tích trồng mắc ca với các cây giống kém chất lượng cũng lan rộng và sẽ mất kiểm soát.

Hiện giống cây mắc ca trôi nổi trên thị trường rất nhiều. Nhiều nông dân đã mua phải giống kém chất lượng, giống có mắt ghép từ cây không phải cây đầu dòng, cây kém chất lượng hoặc giống thực sinh.

Những cây mắt ghép kém chất lượng nhân rất nhỏ có giá khoảng 30.000 đồng/mắt ghép, mắt ghép tốt có giá 70.000 đồng/mắt ghép. Cây được ghép mắt đủ tiêu chuẩn chỉ sau 3 năm là cho trái trong khi mắt ghép kém có thể tới 5 -7 năm mới cho trái, trái nhỏ và ít.

Trong khi tình trạng cây giống như trên, một số doanh nghiệp lại tuyên bố sẽ nhanh chóng xây nhà máy chế biến. Những tuyên bố trên cho thấy xã hội đang thiếu quy hoạch và mất tầm nhìn chiến lược.

Với tình trạng trồng cây hiện nay, mắc ca lại là cây dài ngày tức là 5 năm tới, sản lượng mắc ca trong nước vẫn rất thấp, như vậy xây nhà máy sơ chế trong 3 năm tới vẫn là đầu tư thiếu hiệu quả, chưa kể có thể gây thua lỗ.

Ông Lê Tùng Anh, Giám đốc dự án Macca của Cty CP Thương mại, đầu tư và phát triển công nghệ quốc tế (IDT) cho rằng: “Với quy mô mắc ca như hiện nay, chúng ta chỉ nên đầu tư các xưởng sơ chế mắc ca nhỏ ở ngay vùng nguyên liệu, với công suất từ 5 - 10 tấn/năm. Về chế biến sâu, nên khuyến khích xây dựng nhà máy ở gần thị trường tiêu thụ.

Ví dụ như các đô thị lớn để bảo đảm rằng, sản phẩm mắc ca sau khi ra lò sẽ được vận chuyển nhanh nhất, trong điều kiện tốt nhất đến nơi có nhu cầu để đảm bảo chất lượng cao. Không nhất thiết phải đặt ngay tại các vùng nguyên liệu như Tây Bắc, Tây Nguyên, bởi hạt mắc ca sau khi đã qua sơ chế thì có thể bảo quản được thời gian lên tới cả tháng”.

Cũng theo ông Lê Tùng Anh, do tình hình SX trong nước như trên, DN chế biến cơ bản vẫn phải trông vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu ít nhất là trong 3 - 5 năm tới. Đối với việc nhập khẩu thực tế cũng cho thấy không hề dễ dàng do khả năng cung của thế giới chỉ bằng 1/5 lượng cầu và giá nhập khẩu rất cao.

Trên thế giới, mô hình thành công nhất là của MPC, Cty hàng đầu của Australia về mắc ca. Để có nguồn nguyên liệu ổn định, họ đầu tư vốn cho các nông trại và ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm của các nông trại. Hợp đồng này rất chặt chẽ và được pháp luật bảo vệ nên không bên nào muốn vi phạm. Hiện tại, MPC có quan hệ hợp đồng với 750 nông trại khắp Australia. Đây có thể là mô hình đáng để tham khảo cho việc áp dụng tại VN.

Cũng tại Australia, để xây dựng một nhà máy sơ chế hạt mắc ca với công suất 11.000 tấn/năm mức đầu tư trung bình khoảng 60 triệu USD.

Công nghệ sơ chế cũng không đơn giản. Để có thể sấy hạt mắc ca đạt được độ ẩm 10% theo tiêu chuẩn chung của thế giới, phải mất thời gian sấy lên tới 4 tuần với nhiệt độ ổn định ở mức 40 độ C. Do đó việc nghiên cứu, ứng dụng công nghệ và xây dựng nhà máy cũng là một nội dung cần đầu tư nghiên cứu bài bản.

Trong bối cảnh như vậy, các tài liệu hướng dẫn trồng, chăm sóc và chế biến vẫn còn rất thiếu. Nông dân cơ bản làm theo kinh nghiệm và mang tính tự phát theo phong trào...

Trong vòng 5 năm nữa, với diện tích quy hoạch trồng mắc ca chỉ 10.000 ha như Bộ NN-PTNT chỉ đạo thì không khó để VN lọt vào top 5 quốc gia đứng đầu thế giới về diện tích trồng mắc ca. 

Trong 10 năm tiếp theo, việc VN tiếp tục đạt thứ hạng cao hơn so với các nước trồng mắc ca trên thế giới là không khó. Tuy nhiên vấn đề là phải làm ra hạt mắc ca chất lượng như Úc, Mỹ, Nam Phi thì mắc ca VN mới có chỗ đứng trên thị trường mắc ca thế giới.

Như vậy, để cây “tỷ đô” mang lại tiền tỷ, chúng ta còn nhiều việc phải giải quyết và không dễ dàng cho dù VN đang có khá nhiều lợi thế và mọi thứ mới chỉ bắt đầu.

 

Xem thêm
Giá heo nhích kích thích người nuôi tái đàn

Sau thời gian dài duy trì ở mức thấp, từ đầu năm 2024 đến nay, giá heo ở Bình Định không ngừng tăng, hiện ở mức 51.000đ/kg, người chăn nuôi hồ hởi tái đàn…

Quảng Ninh có vùng an toàn dịch bệnh cúm gia cầm đầu tiên

Tháng 1/2024, xã Quảng Tân, huyện Đầm Hà, tỉnh Quảng Ninh được Sở NN-PTNT cấp giấy chứng nhận vùng an toàn dịch bệnh đối với bệnh cúm gia cầm.

Mỗi hộ trồng hàng trăm ha mía vẫn khỏe re

GIA LAI Những năm gần đây, cây mía đã cho nông dân vùng Đông Gia Lai có cuộc sống đủ đầy nhờ tiền vào rủng rỉnh. Cây mía đã khẳng định vị thế trên vùng đất này.