| Hotline: 0983.970.780

Đe dọa & hiệu ứng ngược

Thứ Sáu 22/09/2017 , 11:10 (GMT+7)

Ngoại trưởng Triều Tiên Ri Yong-ho gọi bài phát biểu của Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump ở Liên hợp quốc là "tiếng chó sủa".

Nhiều nhà phân tích đánh giá tuyên bố “máu lửa” và gây “sốc” nhất từ trước tới nay của một tổng thống Mỹ tại Đại hội đồng Liên hợp quốc - tổ chức lớn nhất thế giới, là phát biểu của ông Trump hôm 19/9 (theo giờ địa phương): “Chúng tôi không có lựa chọn nào khác là phải hủy diệt hoàn Triều Tiên”, nếu cần phải bảo vệ Hoa Kỳ hoặc các đồng minh.
 

Bộ Ngoại giao Mỹ giải thích về phát biểu của ông Trump

Trả lời phỏng vấn với đài NHK ở New York hôm 19/9, bà Heather Nauert - phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, lời lẽ Tổng thống Mỹ Donald Trump dành cho Triều Tiên trong phát biểu tại Liên hợp quốc là có ý kêu gọi các nước thành viên cùng gây áp lực đối với Triều Tiên. Bà nói ông Trump có ý muốn nhấn mạnh rằng cả thế giới đều bất bình trước các hành động của ông Kim Jong Un và tất cả các nước cần hợp tác gây áp lực đối với Triều Tiên. Bà cho biết Bộ Ngoại giao Mỹ có nhiều cuộc thảo luận để tìm cách gây áp lực lên Triều Tiên một cách hòa bình.

20174542816
Tổng thống Mỹ D.Trump phát biểu tại kỳ họp lần thứ 72 của Đại hội đồng Liên hợp quốc

Bộ trưởng Quốc Phòng Jim Mattis, khi được hỏi về bài phát biểu của tổng thống Trump hôm qua, đã tuyên bố rằng chính quyền Hoa Kỳ vẫn muốn giải quyết vấn đề Triều Tiên “thông qua các phương tiện ngoại giao.”
 

Phản pháo cũng "sâu cay"

Ngoại trưởng Triều Tiên Ri Yong-ho gọi bài phát biểu của Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump ở Liên hợp quốc là "tiếng chó sủa". Đây là phản ứng chính thức đầu tiên của Triều Tiên đối với bài phát biểu của ông Trump. Ông Ri nói với các phóng viên gần trụ sở Liên hợp quốc ở New York rằng: "Có một câu nói: 'Chó cứ sủa, đoàn người cứ đi. Nếu (ông Trump) nghĩ sẽ làm chúng tôi ngạc nhiên với tiếng chó sủa thì rõ ràng là ông ta đang nằm mơ".

Khi được hỏi ông nghĩ gì về việc ông Trump gọi ông Kim là "anh hùng hỏa tiễn", ông Ri trả lời: "Tôi cảm thấy tiếc cho phụ tá của ông ta".

Phát biểu tại Đại hội đồng Liên hợp quốc trước các nhà lãnh đạo thế giới, Tổng thống Iran Hassan Rouhani đáp trả mạnh mẽ bài diễn văn của ông Trump hôm thứ Ba, khẳng định rằng Iran sẽ không dễ bị bắt nạt bởi một người mới bước vào chính trường thế giới. Nhưng ông cũng nói rằng Iran muốn duy trì hiệp định này với 6 cường quốc thế giới mà trong đó Tehran đã đồng ý hạn chế chương trình hạt nhân của mình trong khoảng thời gian ít nhất là một thập niên để được nới lỏng các biện pháp trừng phạt kinh tế vốn làm tê liệt nền kinh tế của họ.

Ông Rouhani nói trong một phát biểu với báo giới, chế giễu ông Trump, người hôm thứ Ba gọi Iran là nhà nước “bất hảo”, rằng: "Sẽ là điều đáng tiếc nếu thỏa thuận này bị hủy hoại bởi những kẻ ‘bất hảo’ mới bước vào chính trường thế giới: thế giới sẽ mất đi một cơ hội tuyệt vời".
 

Bên thuận, bên nghịch

Theo Reuters, phát ngôn viên chính phủ Nhật Yoshihide Suga tuyên bố “cảm kích cách tiếp cận mới của tổng thống Donald Trump thúc đẩy Triều Tiên từ bỏ hạt nhân cũng như kêu gọi cộng đồng quốc tế nhất là Nga và Trung Quốc hợp tác gây thêm áp lực”.

Hàn Quốc cũng phản ứng tương tự. Người phát ngôn Phủ Tổng thống Phủ Tổng thống Hàn Quốc, Park Soo-hyun, trong phát biểu cùng ngày, chỉ ra rằng trong bài phát biểu trên, Tổng thống Donald Trump đã dành khá nhiều thời gian để trình bày lập trường liên quan tới vấn đề hạt nhân Bắc Triều Tiên, một điều hiếm thấy, cho thấy Chính phủ Mỹ nhận thức vấn đề này rất nghiêm trọng.

Nhưng cũng lời bình luận ôn hòa của một viên chức chính phủ nhằm xoa dịu tình hình: “Hoa Kỳ chỉ lập lại quan điểm cố hữu, theo đó, mọi giải pháp đều được xem xét. Tổng thống Mỹ chỉ lưu ý tính chất khẩn cấp của vấn đề để gây sức ép buộc Triều Tiên ngồi vào bàn đàm phán vì đó là giải pháp khả thi duy nhất”.

Bà Thủ tướng Đức A.Merkel nói với đài phát thanh truyền hình Deutsche Welle, khi được hỏi về những phát biểu của ông Trump tại Liên hợp quốc: "Tôi phản đối những lời đe dọa như vậy. Chúng tôi xem bất kỳ hình thức giải pháp quân sự nào là hoàn toàn không phù hợp và chúng tôi kiên quyết theo đuổi một giải pháp ngoại giao".

Ngoại trưởng Thụy Điển Margot Wallstrom, nói với BBC: "Đó là bài phát biểu sai lầm, sai thời điểm và sai cả đối tượng".
 

Tác dụng ngược?

Hầu hết các chuyên gia phân tích chính trị đều xem lời đe dọa của tổng thống Donald Trump sẽ gây tác dụng ngược. Bộ máy tuyên truyền của Triều Tiên sẽ khai thác tuyên bố của Donald Trump nhằm gây thêm ấn tượng trong dân chúng là họ bị kẻ thù bao vây.

Tệ hại hơn, tổng thống Mỹ còn đặt hai chế độ Bình Nhưỡng và Teheran vào chung một rọ mang tên là “quốc gia côn đồ”. Bất chấp việc Iran đã chấp nhận ký với các cường quốc một hiệp định về ngưng chương trình hạt nhân của nước này cách đây 2 năm, nhưng tổng thống Trump lại dọa sẽ rút khỏi hoặc sửa đổi hiệp định này. Vô tình, Donald Trump bắn tín hiệu với Bình Nhưỡng là không nên tin cậy vào lời hứa của Mỹ cho dù có ký kết một hiệp ước. Việc ông Trump so sánh Bình Nhưỡng với Teheran có thể khiến cho Kim Jong-Un càng thấy cần phải trang bị vũ khí nguyên tử và tên lửa đạn đạo để đối đầu với Hoa Kỳ, và không thể nào thương lượng một hiệp định tương tự với Mỹ để rồi cũng sẽ có chung số phận như Iran.

Tháng 12/ 2006, Tổng thống Iran từng dọa “xóa sổ” Israel

20b174353638

Tại một hội nghị quốc tế ở Tehran với chủ đề bác bỏ sự kiện người Do Thái bị tàn sát trong Thế chiến II, có 67 nhà văn và nhà nghiên cứu từ 30 nước, Tổng thống Iran khi đó là ông Mahmoud Ahmadinejad phát biểu rằng Israel sắp đến ngày tận số: “Nhờ mong muốn của dân chúng và ý nguyện của Allah, sự tồn tại của chính quyền Zion đang theo chiều đi xuống và đó là điều Allah đã hứa hẹn và tất cả các quốc gia mong muốn”. Ahmadinejad bình luận. “Giống như Liên Xô đã bị xóa sổ và không còn tồn tại, chế độ Zion cũng sẽ bị xóa sổ”.

Tuyên bố của ông đã bị Mỹ và châu Âu lên án kịch liệt. Trước đó, Ahmadinejad từng có lần bình luận rằng việc 6 triệu người Do Thái bị giết trong Thế chiến II chỉ là “chuyện bịa” và kêu gọi xóa Israel khỏi bản đồ.

Xem thêm
Tìm thấy virus dịch tả lợn châu Phi trong xác lợn rừng

Thủ phạm virus gây dịch tả lợn châu Phi (ASF) đã được phát hiện trong xác một con lợn rừng vừa được tìm thấy ở phía tây bắc Singapore.

Chuyên gia Ukraine thừa nhận sự vượt trội của máy bay không người lái Nga

Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Trinh sát Trên không Ukraine Maria Berlinskaya thừa nhận rằng quân đội Nga vượt trội hơn trong phát triển và sản xuất máy bay không người lái (UAV).

Video Thủ tướng Ấn Độ cầu nguyện dưới biển gây 'sốt' trên mạng

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi hôm 25/2 chia sẻ video thực hiện lễ cầu nguyện tại thành cổ Dwarka, khu di tích nằm dưới đáy biển ở bang Gujarat, miền tây nước này.