| Hotline: 0983.970.780

Đề hóa khá vừa sức với thí sinh

Thứ Hai 05/07/2010 , 13:21 (GMT+7)

Trái ngược với cảnh “mếu máo” vì đề vật lý khá dài và khó, phần lớn thí sinh sau khi kết thúc môn thi sáng 5/7 đều thở phào vì cho rằng đề thi khá vừa sức.

Các thí sinh khối A và V đã hoàn thành xong kỳ thi "vượt vũ môn" quan trọng nhất của mình sau 12 năm đèn sách

Trái ngược với cảnh “mếu máo” vì đề vật lý khá dài và khó, phần lớn thí sinh sau khi kết thúc môn thi sáng nay đều thở phào vì cho rằng đề thi khá vừa sức.

Hớn hở chạy ra khỏi phòng thi của trường Đại học Giao thông Vận tải, em Nguyễn Văn Chiều hào hứng so đáp án với người bạn cùng quê Hải Phòng. Chiều tươi cười bảo, đề môn hóa sáng nay không khó nên kết quả của em cũng khá tốt.

“So với năm ngoái thì đề hóa năm nay cũng tương đương, thậm chí có phần dễ hơn. Mặc dù còn bỏ 5, 6 câu nhưng nhìn chung em hài lòng về kết quả môn thi cuối này,” Chiều rạng rỡ nói.

Đứng cạnh Chiều, cậu bạn quê đất Cảng cũng không giấu nổi niềm vui vì “may mà đề hóa làm tốt sẽ kéo lại môn vật lý chiều qua.”

Tại trường Đại học Thương mại, nhiều thí sinh cũng thể hiện tâm trạng khá thoái mái vì đã có một kết thúc đẹp cho môn thi cuối cùng.

Em Vũ Thị Vân vừa ra khỏi phòng thi đã ríu rít đòi bố đưa đi ăn sáng vì “sáng nay em lo quặn ruột gan, chả thiết ăn uống gì.”

“Thi xong, nhìn cháu nó hớn hở vì làm được bài thế này tôi mới tạm yên tâm. Hai bố con sẽ ở lại Hà Nội nghỉ xả hơi một hôm,” bác Hiền, bố Vân, vui vẻ tâm sự.

Em Trần Thị Thúy, học sinh trường phổ thông trung học Yên Viên – Gia Lâm – Hà Nội, vui vẻ bước ra khỏi địa điểm thi trường Thủy Lợi. Thúy tâm sự, đề hóa học năm nay tương đối dài nhưng vừa sức học sinh.

“Vì thế em làm bài tương đối tốt. Em vừa so nhanh kết quả với các bạn thì chắc cũng đúng được khoảng 80%,” Thúy hớn hở.

Cùng nhận định này, em Hồ Văn Thìn (Bắc Giang) cũng khẳng định, đề thi năm nay chủ yếu tập trung vào kiến thức của lớp 12 nên thí sinh chỉ cần học khá trở lên cũng dễ dàng làm được tới 70% đề bài.

“Em chỉ đăng ký duy nhất trường đại học Thủy lợi nên cũng lo trượt lắm. Thế nhưng, với kết quả này, em nghĩ mình hoàn toàn có cơ hội,” Thìn cười tươi nói.

Thìn cũng cho hay, đây mới chỉ là lần thứ hai em lên Hà Nội. Bởi thế, hai bố con Thìn sẽ nán lại người nhà bà con chơi ít hôm cho thỏa công sức 12 năm miệt mài trên ghế nhà trường.

Tuy nhiên, xen lẫn giữa vẻ rạng rỡ của nhiều thí sinh, vẫn có không ít sĩ tử lầm lũi ra về vì không hoàn thành quá nửa bài thi.

Vác theo hai chiếc valy chất đầy sách vở, quần áo, hai bố con Nam (quê Thái Bình) lặng lẽ bắt xe ôm rời điểm thi trường Đại học Giao thông Vận tải. Với đề hóa học sáng nay, Nam chỉ hoàn thành được gần một nửa.

“Hai bố con chẳng còn tâm trí đâu mà ở lại Hà Nội chơi. Bây giờ tôi dắt con lên Thái Nguyên luôn để chuẩn bị cho kỳ thi khối B. Thôi thì đành hy vọng vào đó,” bố Nam buồn bã nói.

Cùng tâm trạng này, em Ngô Hùng Dũng mệt mỏi đứng đợi bố phía ngoài cổng trường Giao thông. Dũng chia sẻ, năm ngoái khoa cậu đăng ký lấy 17,5 điểm. Thế nhưng, môn thi này Dũng chỉ ước chừng được 4 hoặc 5 điểm.

“Tí nữa bố đến đón, em không biết phải nói sao. Cả nhà hy vọng vào em kỳ thi này lắm. Tình hình này, em đành cố thi cao đẳng thôi,” Dũng ngậm ngùi nói.

Thất thểu rời khỏi cổng trường Đại học Thủy lợi, em Nguyễn Thành (Bắc Ninh) cho biết đề thi với em là hơi quá sức, em chỉ làm được gần một nửa. Ngước mắt nhìn nhiều sĩ tử khác hả hê so kết quả với nhau, Thành bảo, cậu chỉ muốn về quê thật nhanh.

“Với em, đề thi sáng nay khá khó. Em cố gắng hết sức cũng không bằng nhiều bạn khác. Có lẽ em không mong đợi gì vào năm nay nữa,” Thành ngậm ngùi nói.

Ngay sau kết thúc môn thi hóa, nhiều tuyến đường đã bị tắc cục bộ, nhất là dọc tuyến Hà Đông - Nguyễn Trãi, đường Tây Sơn, khu vực cổng các trường Đại học Thủy lợi, Đại học Công đoàn. Sinh viên tình nguyện đã phải khá vất vả khi giúp lực lượng công an, cảnh sát giao thông điều phối tại các điểm này.

Khu vực cổng trường Cao đẳng Giao thông Vận tải và Đại học Ngoại thương, một dải ngăn cách màu áo xanh được thiết lập dài cả trăm mét để phân làn đường.

Hầu hết được tham gia vào đội tình nguyên đều là những sinh viên ưu tú, có ý thức.

Các sinh viên tình nguyện chỉ dẫn, nhắc nhở giúp đỡ thí sinh cùng người nhà khi cần thiết. Việc các em giải tỏa những lúc tắc nghẽn ở cổng trường thi thật sự rất hiệu quả. Ở các bến xe, sinh viên tình nguyện thật sự rất nhập cuộc khiến "cò" xe, "cò" nhà trọ đều rất cay cú với "màu áo xanh." Hình ảnh các em ngỡ hiền lành mà dám “đương đầu” với thực tế chốn xe đò cũng là điểm đặc biệt trong mùa thi này.

Trao đổi cùng thầy giáo Tạ Minh Kháng, Phó hiệu trưởng trường Đại học Công Đoàn, chúng tôi được biết, trường đã chọn ra 60 sinh viên tham gia đội sinh viên tình nguyện mùa thi này. Các em được chia đều đến các điểm thi để hỗ trợ các Hội đồng thi.

Thầy còn cho biết, các sinh viên cũng được nhà trường bồi dưỡng 25.000 đồng một ngày. Con số này chỉ là “tượng trưng” vì thực tế nắng nóng, vất vả không thể bù đắp đơn thuần bằng vật chất được.

(Theo Vietnam+)

Xem thêm
Ngành sắn đặt mục tiêu giá trị xuất khẩu đạt 2 tỷ USD vào năm 2030

Bộ NN-PTNT vừa phê duyệt Đề án 'Phát triển bền vững ngành hàng sắn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050' với mục tiêu đến năm 2030 xuất khẩu 1,8 - 2 tỷ USD.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Chuyện làm du lịch ở miền núi Phú Thọ: [Bài 1] Đồi chè Long Cốc, nàng tiên không ban cho dân được mấy tiền

'Không mấy ai nhìn ra giá trị của rừng Xuân Sơn, Tân Sơn nên bỏ lỡ cơ hội phát triển du lịch', TS. Ngô Kiều Oanh tiếc rẻ.

Bình luận mới nhất