| Hotline: 0983.970.780

Thứ Năm 22/03/2018 , 09:15 (GMT+7)

09:15 - 22/03/2018

Đề kháng trước tin giả

Tin giả liên tục tràn lan trên mạng xã hội! Chỉ trong vòng vài ngày gần đây, hết cơn sốt đồn đoán về “sinh con thuận tự nhiên” thì cư dân thế giới ảo lại sôi sùng sục về “bồ nhí của lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa”.

Tình trạng tin giả, mà giới chuyên môn quốc tế gọi là “fake news” đã và đang gây nhiều hệ lụy cho cộng đồng.

Ảnh minh họa

Việt Nam đang phát triển nhanh thị trường công nghệ số, kéo theo sự tăng vọt lượng người tham gia mạng xã hội. Chỉ tính riêng mạng xã hội lớn nhất là Facebook, hiện nay nước ta đã có hơn 50 triệu người dùng. Theo khảo sát sơ bộ, trung bình mỗi người Việt Nam bỏ ra khoảng 2 giờ cho Facebook. Chính cơ sở lý tưởng ấy, đã tạo điều kiện cho các loại tin giả phát tán với tốc độ chóng mặt.

Ai cũng biết, sinh con tại nhà có thể gây ra những biến chứng nghiêm trọng, ảnh hưởng tính mạng người mẹ và đứa trẻ. Thế nhưng, một tài khoản Facebook rêu rao một sản phụ sau khi tham dự khóa tập huấn đã chọn cách “sinh con thuận tự nhiên” để dẫn đến mẹ con cùng tử vong do mẹ kiệt sức và con bị ngạt, vẫn khiến bao nhiêu người hốt hoảng. Bước đầu, ngành y tế đã xác định đó là tin giả, và đề nghị ngành công an có biện pháp xử lý.

Dựa vào sự kiện “hot girl xứ Thanh thăng tiến nhanh” từng xôn xao trước đây, trên mạng xã hội lại tung tin một lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa có “bồ nhí” bằng cách trưng trổ những chứng cứ được lắp ghép vụng về.

Nạn nhân bỗng dưng trở thành “bồ nhí” là cô Nguyễn Thị Trang trú tại phường Nam Ngạn, thành phố Thanh Hóa phải thống thiết kêu cứu: "Tôi thực sự choáng váng, không tin nổi vào mắt mình. Không hiểu vì động cơ gì họ lại có thể dựng chuyện, vu khống tôi một cách trắng trợn như thế này. Họ đã lấy ảnh của tôi trên trang Facebook cá nhân, sau đó lồng ghép với nội dung tin nhắn mà họ tự tạo ra để vu khống tôi. Không thể tin được họ lại có thể ác độc đến thế. Thực sự, qua phương tiện thông tin đại chúng, tôi biết ông Đỗ Trọng Hưng là Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy Thanh Hóa, chứ bản thân chưa từng gặp ông Hưng bao giờ".

Đồng thời, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Thanh Hóa cũng khẳng định: "Những thông tin lan truyền trên mạng xã hội từ tối 19-3 đến nay được cho là có liên quan đến phó bí thư thường trực tỉnh ủy là hoàn toàn nhảm nhí, bịa đặt nhằm nói xấu lãnh đạo tỉnh. Những thông tin trên mạng xã hội đó đều là cắt ghép hình ảnh, thông tin trên mạng xã hội đều rất lộ liễu, thô và không phải sự thật".

Làm sao để chống lại tin giả? Không thể trông cậy vào thuật toán ngăn chặn của những nhà điều hành mạng xã hội, mà trông cậy vào khả năng đề kháng của mỗi người sử dụng mạng xã hội. Người xưa đúc kết “uốn lưỡi bảy lần trước khi nói”, còn người nay cần đắn đo dăm bảy lần để suy ngẫm và kiểm chứng trước khi like hoặc share những thông tin bịa đặt trên mạng xã hội!