| Hotline: 0983.970.780

Để kinh doanh hiệu quả với thị trường Trung Quốc

Thứ Hai 22/05/2017 , 07:25 (GMT+7)

Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh Cần Thơ mơi tổ chức buổi tọa đàm “làm thế nào để kinh doanh hiệu quả với thị trường Trung Quốc”.

Buổi tọa đàm có sự tham gia của các chuyên gia, hiệp hội và DN kinh doanh xuất nhập khẩu hàng hóa với thị trường Trung Quốc.

13-58-45_dbscl-co-the-mnh-tri-cy-xk-sng-trung-quoc-nh-hd
ĐBSCL có thế mạnh trái cây XK sang Trung Quốc

TS Võ Hùng Dũng, Giám đốc VCCI Cần Thơ phân tích: Trung Quốc (TQ) là thị trường lớn đối với Việt Nam, trong đó ĐBSCL là vựa lúa gạo, trái cây, thủy hải sản có quan hệ thương mại thị phần lớn với TQ. Trong 3 tháng đầu năm 2017 XK trái cây nước ta đạt trên 500 triệu USD thì có hơn 310 triệu USD XK vào thị trường TQ. 

Các nông sản khác xuất vào thị trường nước này: Gạo chiếm 36%, tôm chiếm 11-15%, cá tra tăng mạnh trở thành dẫn đầu so với các thị trường khác. Tuy nhiên thị trường này cũng có những rủi ro, như khi TQ ngưng mua heo khiến giá giảm khủng khiếp. Trước đó một số mặt hàng như sắn, khoai lang, dưa hấu… cũng chịu tác động rất mạnh từ biến động thị trường này.

Theo TS Dũng, qua kinh doanh mua bán chỉ qua một số thương nhân, doanh nhân nhỏ theo dạng thương lái buôn chuyến qua đường tiểu ngạch chưa đủ tạo niềm tin. Hơn nữa hoạt động thương mại biên mậu gần đây tiềm ẩn nhiều rủi ro do hai bên chưa hiểu biết sâu sắc về văn hóa, thể chế thương mại. Khách du lịch ngày càng gia tăng ở các tỉnh miền Trung, miền Bắc cho thấy một số bất cập gây tổn thương hoạt động kinh doanh hai nước do thiếu thông tin, thiếu thể chế kiểm soát phù hợp.

Rút kinh nghiệm, khi lượng du khách TQ tăng lên, các DN và nông dân ở miền Tây Nam bộ cần có chuẩn bị tốt cho mối quan hệ kinh doanh trong lĩnh vực này, từ đó làm cơ sở đề xuất các phương thức, chính sách đối với chính quyền địa phương và bộ ngành liên quan, giúp chủ động tìm cơ hội kinh doanh với thị trường TQ.

Ông Phan Chánh Dưỡng, chuyên gia kinh tế, giảng viên thực tiễn lĩnh vực quản lý chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright, cho rằng: Thực tại DN hai nước vẫn chưa thật sẵn sàng cho cuộc hợp tác làm ăn lớn, dù rằng DN hai bên đều biết thị trường tiềm năng của nhau. Hơn nữa thông tin thị trường giữa hai nước còn rất thiếu, không đủ để DN tránh được rủi ro trong kinh doanh.

Ông Phan Đình Huê, Giám đốc Cty Du lịch Vòng Tròn Việt: Năm 2017 ước có 10% khách TQ đến ĐBSCL, từ năm 2018 kỳ vọng có khách du lịch TQ từ 20% trở lên. Tuy nhiên, xúc tiến du lịch là khâu yếu nhất nếu không muốn nói là ĐBSCL chưa làm bao giờ. Cần tiếp thị sản phẩm đến hội chợ du lịch TQ và mời các hãng lữ hành TQ đến khảo sát.

Vì sao một số mặt hàng nông sản Việt Nam XK đôi khi gặp rủi ro, điệp khúc cũ cứ lặp đi lặp lại? Cách nào để DN Việt tìm kiếm cơ hội kinh doanh và ít bị rủi ro nhất đối với thị trường TQ?

Ông Dưỡng đề xuất: Vai trò nhà nước vô cùng lớn trong kinh tế, nhất là kinh tế đối ngoại. Do đó phải có một chủ trương, chính sách pháp luật rõ ràng từ hai nước để DN hai bên hợp tác kinh doanh yên tâm. Chúng ta cần có bộ phận nghiên cứu thị trường nhằm nắm bắt được những đặc tính, yêu cầu tiêu dùng của thị trường để khai thác hiệu quả, trong đó hàng nông - thủy hải sản, du lịch là quan trọng nhất.

Các DN và tổ chức hiệp hội ngành hàng xây dựng ngay kế hoạch tìm hiểu, xâm nhập thị trường TQ, nắm bắt thị hiếu, độ lớn của thị trường từng vùng của TQ; kết hợp DN TQ tại địa phương, xây dựng mạng lưới cung ứng hàng đến nơi tiêu thụ. Xây dựng đầu mối giao dịch ngay các cửa khẩu (khu ngoại quan), phát triển dịch vụ logistic tổng hợp nhằm giảm các chi phí và những rủi ro trong kinh doanh, tạo điều kiện cho các DN vừa và nhỏ của Việt Nam tham gia khai thác thị trường TQ; mời gọi sự hợp tác của các tay nghề chế biến hay các xí nghiệp chế biến của Trung Quốc đến cùng với DN Việt Nam tạo ra những sản phẩm theo qui cách, thị hiếu tiêu dùng của thị trường Trung Quốc nhằm nâng giá trị hàng hóa XK của Việt Nam.

Khuyến khích các DN lớn của TQ hợp tác với DN Việt Nam trong khai thác thị trường TQ cũng như thị trường thế giới; đồng thời hạn chế tối đa XK biên mậu đối với những mặt hàng có khối lượng, doanh số lớn, làm ảnh hưởng đến giá cả thị trường XK chính ngạch của hai nước.

So sánh doanh số các đối tác XNK của Việt Nam năm 2016:

- Mỹ: XK 38,4 tỉ USD, chiếm 21,7% (hàng máy móc thiết bị, máy tính, sản phẩm điện tử, hàng dệt may, giầy, thủy sản, nông sản, gỗ…), xuất siêu gần 30 tỉ USD; NK 8,7 tỉ USD, chiếm 5% (hàng máy móc móc thiết bị, phụ tùng máy tính, thức ăn gia súc, bông…).

- EU: XK 37,8 tỉ USD, chiếm 21,4% (điện thoại, linh kiện, máy móc thiết bị, nông - thủy sản), xuất siêu 27 tỉ USD; NK 11,07 tỉ USD, chiếm 6,4% (máy móc thiết bị, tân dược, nguyên phụ liệu dệt may, hóa chất…).

- TQ: XK 21,9 tỉ USD, chiếm 12,4% (nông - thủy sản, rau quả, máy vi tính, sản phẩm linh kiện điện tử); NK 49,9 tỉ USD, chiếm 28,7% (vải, phụ liệu dệt, giầy, sắt thép, máy móc thiết bị, vật tư, điện thoại, hàng tiêu dùng…), nhập siêu 28 tỉ USD.

 

Xem thêm
350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

Bảo an tín dụng đạt trên 300 tỷ đồng/năm

ĐBSCL Năm 2023, tổng doanh thu giữa Ngân hàng Agribank - Bảo hiểm Agribank tại khu vực Tây Nam bộ đạt trên 300 tỷ đồng.

Bất động sản nghỉ dưỡng và những dấu hiệu phục hồi

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong nhận định: Năm 2023 thị trường bất động sản đã vượt qua giai đoạn 'bĩ cực' nhất, 2024 sẽ ghi nhận những động thái tích cực hơn.