| Hotline: 0983.970.780

Thứ Tư 10/05/2017 , 06:30 (GMT+7)

06:30 - 10/05/2017

Để Nghị định 67 thực sự đi vào đời sống xã hội...

Theo Nghị định 67 thì Chính phủ chỉ hỗ trợ lãi suất. Tàu kém chất lượng, không ra khơi được, không những không trả được nợ ngân hàng mà còn...

Ngày 7/7/2014, Chính phủ ban hành Nghị định số 67/2014/NĐ-CP, quy định một số chính sách về đầu tư, tín dụng, bảo hiểm, ưu đãi thuế... nhằm phát triển thủy sản, có đối tượng áp dụng là tổ chức, cá nhân Việt Nam hoạt động thủy sản; các chủ tàu đặt hàng đóng mới tàu, nâng cấp tàu (thay máy mới, gia cố bọc vỏ thép, bọc vỏ vật liệu mới, mua ngư lưới cụ, trang thiết bị hàng hải, trang thiết bị bảo quản hải sản, bốc xếp hàng hóa) phục vụ hoạt động khai thác hải sản.

Như vậy, mục đích của nghị định là vô cùng đúng đắn: Tạo điều kiện tối đa để ngư dân có điều kiện đóng mới, hiện đại hóa đội tàu và những trang thiết bị, ngư lưới cụ của mình, khiến ngư dân yên tâm vươn khơi, vừa khai thác nguồn tài nguyên dồi dào trên biển, vừa bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

Từ khi có nghị định đến nay, hàng trăm ngư dân đã có điều kiện làm chủ những con tàu lớn, trang bị hiện đại, vươn khơi, mang về những thành quả có giá trị lớn, làm giầu cho mình và cho quê hương.

Nhưng, cùng với những thành quả đó, còn không ít những bất cập, chủ yếu là từ phía những người thực hiện: Không ít những con tàu được đóng mới đã không đáp ứng được yêu cầu vươn khơi, chỉ sau vài chuyến đã hỏng hóc. Có ngư dân còn phải trả lại tàu cho nơi đóng. Những bất cập đó đã khiến ngư dân bức xúc.

Nhất là gần đây, dư luận đã lên tiếng chỉ rõ những công ty đóng tàu gian dối, tự ý thay đổi vật liệu, như  tàu phải được đóng vỏ bằng thép Hàn Quốc, thì lại dùng thép Trung Quốc, rồi ngư dân tố vỏ, thân tàu thép cũng bị rút mỏng xuống... Biết thế, nhưng ngư dân đành phải chấp nhận. Kết quả là tàu không chỉ không chịu nổi sóng gió của đại dương, mà còn rất nhanh bị han rỉ, nhưng công ty đóng tàu lại chối bỏ trách nhiệm...

Những việc làm trên của những cơ sở đóng tàu đó thật đáng lên án. Biển đâu chỉ có sóng yên gió lặng, tôm cá dồi dào. Mà biển còn có rất nhiều bão táp phong ba. Đã ra khơi, là tính mạng của ngư dân phụ thuộc hoàn toàn vào những con tàu. Tính mạng ngư dân phụ thuộc khả năng chống chịu, vận hành của con tầu. Những con cá, con tôm được lấy lên từ lòng biển, không chỉ bằng mồ hôi nước mắt, mà còn bằng cả máu và mạng người. Tiền đóng tàu là tiền vay ngân hàng.

Theo Nghị định 67 thì Chính phủ chỉ hỗ trợ lãi suất. Tàu kém chất lượng, không ra khơi được, không những không trả được nợ ngân hàng mà còn phải mất thêm chi phí sửa chữa. Chỉ vì một chút lợi nhỏ mà bất chấp mạng sống và lợi ích của ngư dân, về mặt pháp luật, đã là vi phạm rồi. Nhưng còn về mặt đạo đức và lương tâm, lại càng không thể chấp nhận được.

Cần có biện pháp xử lý nghiêm khắc với những cơ sở đóng tàu như trên để Nghị định 67 thực sự đi vào đời sống xã hội, thúc đẩy ngành khai thác hải sản phát triển.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm