| Hotline: 0983.970.780

“Đề nghị người dân rộng lượng tha thứ”

Thứ Tư 23/07/2014 , 10:16 (GMT+7)

Đó là phát ngôn của ông Nguyễn Thành Phương, Chủ tịch HĐQT Vinaconex trong cuộc tiếp xúc với báo giới hôm 22/7 liên quan đến hàng loạt sự cố vỡ đường ống của hệ thống cấp nước Sông Đà.

Sự cố đã khiến trên 70.000 hộ dân Thủ đô sống khổ sở vì mất nước sinh hoạt.

Tại cuộc gặp, ông Phương nêu ra những lý do không mới về nguyên nhân vỡ đường ống. Nhưng trên hết, nguyên nhân chính khởi nguồn từ việc “mạnh dạn đi đầu trong việc tìm kiếm và ứng dụng công nghệ tiên tiến nhất”, mà ở đây cụ thể là nghiên cứu ứng dụng ống composite cốt sợi thủy tinh.

Dẫn ra hàng loạt những đặc điểm ưu việt để thuyết minh cho việc quyết định bỏ các vật liệu, công nghệ truyền thống (ống gang, ống bê tông nòng thép) và lựa chọn công nghệ mới này, ông Phương cho hay ống cốt sợi thủy tinh (CSTT) đã được sử dụng rộng rãi ở các nước tiên tiến, ống nhẹ, tiện cho vận chuyển nên hạ chi phí vận tải; tuổi thọ đảm bảo 50 năm, lưu lượng truyền dẫn lớn, nguồn cung cấp chủ động, xây lắp, vận hành, sửa chữa thay thế dễ dàng hơn.

Ưu việt như vậy nên TCty Vinaconex đã lập dự án đầu tư, chọn nhà cung cấp dây chuyền thiết bị, chuyển giao công nghệ tiên tiến, hiện đại để sản xuất ống CSTT phục vụ dự án. Tiếp đó, đơn vị thành viên được giao làm tổng thầu của TCty đã tiến hành ký hợp đồng với các đơn vị tư vấn thiết kế và triển khai thi công tuyến ống.

Điều đáng nói, việc thiết kế, thi công và nghiệm thu tuyến ống dù đã được “áp dụng theo các tiêu chuẩn Việt Nam và Mỹ” lại cho ra đời sản phẩm kém chất lượng. Bằng chứng là, đường ống liên tục bị vỡ (9 lần), nguồn cấp nước liên tục bị gián đoạn, làm hơn 70.000 hộ dân cơ cực, khốn đốn, có những tuần ròng các hộ gia đình ở phía tây Thủ đô không được cấp một giọt nước.

Trả lời câu hỏi, TCty có bồi thường thiệt hại cho các cá nhân và DN bị ảnh hưởng hay không? Và với cương vị của mình, Chủ tịch HĐQT có muốn nói gì với người dân, ông Nguyễn Thành Phương phân trần: Hồi đó, TCty là DN nhà nước, nhà nước cần gì, vấn đề gì bức xúc thì giao và Vinaconex nhận trách nhiệm. Thực hiện dự án này, Vinaconex sử dụng vốn tự có của DN và thiếu thì phải tự đi vay vốn thương mại chứ không sử dụng vốn ngân sách.

“Nhà nước không hỗ trợ gì, Vinaconex làm bằng cái tâm và trách nhiệm của một DN nhà nước, và kể từ khi đầu tư đến giờ, vốn bỏ ra hơn 1.500 tỷ chưa thu hồi xong, chưa có lãi, vì vậy mong muốn người dân rộng lượng, tha thứ cho Vinaconex” – ông Phương nói.

Làm ăn kém cỏi như vậy nhưng gần đây, dư luận hết sức ngạc nhiên khi Vinaconex lại tiếp tục được giao làm chủ đầu tư xây dựng tuyến đường ống mới dẫn nước từ Hòa Lạc về vành đai 3 (Hà Nội).

Tại cuộc gặp báo chí hôm qua, ông Phương cho biết, dự án đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước chuỗi đô thị Sơn Tây – Hòa Lạc – Xuân Mai- Miếu Môn - Hà Đông có 2 giai đoạn với tổng công suất 600.000m3/ngày đêm của TCty đã được Thủ tướng cho phép đầu tư. Bằng nguồn vốn tự có và vốn vay, giai đoạn một của dự án với công suất 300.000m3/ngày đêm, 01 tuyến ống truyền tải nước sạch DN 1500- DN 1800 dài 45,8 km đã được TCty thực hiện.

Nhận thức được hệ thống truyền tải nước sông Đà là hệ thống độc đạo, dài nhất Việt Nam tại thời điểm đầu tư nên khó tránh khỏi các vấn đề rủi ro nên ngay khi thi công đường ống giai đoạn 1, TCty đã xin phép Thủ tướng Chính phủ thi công lắp đặt tuyến ống giai đoạn 2, nhưng sau đó TCty không thu xếp được vốn nên phải dừng lại.

18-41-29_ong-nuoc-1-7bd5b-1
Đường ống cốt sợi thủy tinh đưa vào sử dụng chưa lâu đã vỡ toang

Ông Nguyễn Thành Phương cho biết, sau những sự cố xảy ra, Vinaconex đang kiểm điểm, xác định rõ trách nhiệm của tập thể và cá nhân, nhận khuyết điểm trước Chính phủ, Bộ Xây dựng và nhân dân Thủ đô. Còn với cơ quan pháp luật, nếu có vấn đề gì, người nào sai, cấp nào sai thì người đó phải chịu trách nhiệm.

Nay được phép triển khai dự án giai đoạn 2, thay mặt cho TCty, ông Phương khẩn thiết đề nghị người dân và các cơ quan báo chí ủng hộ, chia sẻ đồng hành cùng đơn vị trong việc khắc phục sự cố cũng như triển khai đầu tư giai đoạn mới của dự án.

Trả lời câu hỏi của NNVN, về phương án khắc phục trước mắt và lâu dài, có phải đào và thay thế toàn bộ hệ thống ống CSTT hay sự cố xảy ra ở đâu, thay thế ở đấy? Ông Phương cho rằng chất lượng đường ống chỉ là một nguyên nhân, ngoài ra còn do các yếu tố như địa chất, quá trình vận chuyển, thi công, lắp đặt đã có những tác động bất lợi.

Như quá trình thi công, vận hành khai thác đại lộ Thăng Long cũng đã tác động lên tuyến đường ống. Sự cố vừa qua xảy ra chủ yếu là dọc đại lộ Thăng Long (đường Láng – Hòa Lạc đến BigC). Do vậy, trong quá trình triển khai xây dựng tuyến đường ống số 2, TCty sẽ tiến hành khảo sát, đánh giá lại các điểm sự cố của tuyến đường ống số 1, sau đó đơn vị tư vấn, Hội đồng khoa học sẽ đưa ra phương án sửa chữa, thay thế hợp lý và hiệu quả nhất.

Về câu hỏi, liệu trong giai đoạn 2 của dự án có sử dụng ống CSTT nữa không hay lại quay về công nghệ vật liệu truyền thống? Ông Phương cho biết, mặc dù loại ống này đang được nhiều quốc gia sử dụng nhưng “lúc này không thể tin được nữa” và “không dám dùng vì lòng dân không yên tâm”.

Cũng theo ông Phương, sắp tới sẽ chọn một trong hai phương án, ống thép hoặc là ống HDPE (nhựa) và việc lựa chọn vật liệu bắt buộc phải tính toán đến tổng mức đầu tư làm sao thấp nhất mà hiệu quả nhất.

Với khẩu hiệu “Xây những giá trị, dựng những ước mơ” của Vinaconex, rồi đây cùng với việc khắc phục đường ống số 1 là triển khai lắp đặt hệ thống đường ống số 2, người dân Thủ đô đang đặt câu hỏi, liệu Vinaconex sắp tới có thực hiện được cam kết hay không, hay lại biến những nhu cầu tối thiểu, quyền lợi chính đáng của người dân trở thành mơ ước và kéo dài chuỗi vật vã, thất vọng?

Xem thêm
Đảng ủy Bộ NN-PTNT bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024

Ngày 27/3, tại Trường Cán bộ quản lý NN-PTNT, Đảng ủy Bộ NN-PTNT đã tổ chức Bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024.

Nhãn, vải ra hoa ít, ong nuôi ‘đói’ mật, nông dân thất thu

Vụ mật ong xuân năm nay chỉ có 40% số hộ nuôi ong mật nội rừng ở Kinh Môn (Hải Dương) thu được mật, sản lượng giảm so với vụ xuân trước.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Lão nông U70 với tham vọng đưa bưởi Diễn xuất ngoại

Bằng tình yêu nông nghiệp cùng óc sáng tạo trong sản xuất, ông Lê Hữu Diện đã trở thành người tiên phong làm nông nghiệp hữu cơ tại huyện Chương Mỹ, thành phố Hà Nội.

Bình luận mới nhất