| Hotline: 0983.970.780

Để nông dân làm được nghề sau khi học

Thứ Tư 14/03/2018 , 14:50 (GMT+7)

Thực hiện Đề án dạy nghề theo Quyết định 1956 của Thủ tướng Chính phủ, nông dân học nghề được hưởng nhiều chính sách hỗ trợ như miễn học phí, giới thiệu việc làm sau khi học nghề; đối với các nghề cơ khí, may, trồng nấm, chăn nuôi… được hỗ trợ bao tiêu sản phẩm.

Nghề dệt thổ cẩm đang rất bí đầu ra tại Con Cuông (Nghệ An)

Ngoài ra, người học nghề còn được vay vốn Ngân hàng Chính xách xã hội để giải quyết việc làm. Đối tượng chính sách được hỗ trợ tiền ăn và chi phí đi lại, được cung cấp giáo trình, nguyên vật liệu thực hành miễn phí... Tuy nhiên để người nông dân "sống" được sau khi học nghề, theo chúng tôi cần thực hiện tốt các yêu cầu sau:

Thứ nhất, bố trí lại đội ngũ giáo viên. Thực tế đội ngũ giáo viên các trường nghề, trung tâm dạy nghề hầu hết là giáo viên dạy văn hóa chuyển sang, từ các trường ĐH sau khi tốt nghiệp về công tác, cho nên kỹ năng nghề nghiệp không có, đa số dạy lý thuyết còn thực hành lúng túng cho nên không bắt đúng “bệnh” để chữa. Và khi thầy không giỏi làm sao có trò giỏi?

Theo chúng tôi, các trường nghề chỉ nên để lại bộ khung vài ba người làm quản lý, còn giáo viên nên hợp đồng với các thợ bậc cao hoặc các cơ sở tư nhân, nhất là trong khâu tác nghiệp. Các cơ sở đào tạo còn hạn chế trong chuẩn bị giáo trình, nội dung giảng dạy, trong khi trang thiết bị dạy học thì lạc hậu… làm cho người học chán nản, học xong không hành nghề được.

Thứ hai, tăng thời gian đào tạo nghề cho nông dân. Thực tế cho thấy đào tạo 3 tháng thì người lao động rất khó kiếm được việc làm. Với 3 tháng, tay nghề chưa sâu, đặc biệt đối với người học nghề nông nghiệp, học xong chủ yếu phục vụ phát triển kinh tế gia đình, không có nơi tiếp nhận. Các nghề phi nông nghiệp như dệt, may, thú y, hàn… cũng chỉ để phục vụ trong gia đình, rất khó đứng ra mở xưởng.

Theo chúng tôi nên tăng thời gian đào tạo lên 6 tháng đến 1 năm và cần đầu tư thời gian lớn cho khâu thực hành trên máy và thực tế trên đồng ruộng, để người học tận mắt thấy và làm theo. Tránh học chay, thầy nói, trò ghi, chẳng giải quyết được gì.

Thứ ba, rất cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Hạn chế trong đào tạo nghề có nhiều nguyên nhân, nhưng trước hết trách nhiệm thuộc về cấp ủy, chính quyền chưa quan tâm. Trong khi đang có hàng trăm ngàn cử nhân, thạc sỹ thất nghiệp. Thời buổi phát triển kinh tế là nhiệm vụ hàng đầu thì lãnh đạo địa phương phải xây dựng quy hoạch phát triển kinh tế, lo đầu ra, tìm thị trường tiêu thụ sản phẩm cho dân.

Mỗi địa phương phải phối hợp với các trường nghề, khảo sát người dân muốn học nghề gì để đào tạo, còn cứ dạy tràn lan, không chú trọng nhu cầu học nghề thì chỉ học theo phong trào, học cho hay, cho vui, tốn kinh phí Nhà nước. Bên cạnh đó, trong quá trình dạy và học nghề phải lấy hiệu quả kinh tế để đánh giá đúng các trường nghề, đừng lấy số lượng như số lớp, số người học, còn chất lượng sau học không ai biết.

Hiện việc dạy và học nghề đang chạy theo thành tích. Người học chưa nghiêm túc, học viên không tuân thủ kỷ luật , nghỉ học không có lý do, đi học muộn bỏ về sớm, không ghi chép bài... Không ít đoàn viên, hội viên đi học để lấy mấy chục ngàn/ngày mà không cần và không nắm được kiến thức gì.

Thứ tư, đẩy mạnh việc phân luồng và hướng nghiệp từ lớp cuối bậc trung học cơ sở. Đây là việc lâu nay đã làm nhưng chưa kiên quyết, chưa triệt để khiến bệnh thành tích trong giáo dục còn hiện hữu.

Làm gì để nông dân sống được sau khi học nghề? Câu hỏi nghe đơn giản nhưng không dễ trả lời. Người viết bài này xin mạo muội đề xuất các phương án trên và rất mong các nhà hoạch định chính sách lao động nghiên cứu.

Xem thêm
Hỗ trợ phát triển cho đồng bào dân tộc và hộ nghèo ở Hà Nội

Nội dung thực hiện theo chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi và chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững.

Thạc sĩ kinh tế đối ngoại nghỉ việc về quê trồng rau sạch

Mỗi năm chị Dung thu nhập khoảng 500 triệu đồng từ tiền bán rau thủy canh. Đây cũng là mô hình trồng rau thủy canh thương mại đầu tiên tại Thanh Hóa.

Trưng bày các sản phẩm OCOP tại Hội Báo toàn quốc

Quảng Bình mở một gian trưng bày, giới thiệu và bán các sản phẩm OCOP tại Hội Báo toàn quốc 2024.