| Hotline: 0983.970.780

Để nông nghiệp tạo bứt phá

Thứ Ba 31/12/2013 , 14:11 (GMT+7)

Năm 2013 là năm không thuận lợi cho tiêu thụ nông sản và XK. Tuy nhiên, tổng kim ngạch XK toàn ngành cả năm ước đạt 27,5 tỷ USD, tăng 1% so với năm 2012, thặng dư thương mại đạt hơn 8,5 tỷ USD...

Năm 2013, ngành nông nghiệp triển khai kế hoạch trong điều kiện phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Tuy vậy, với sự phối hợp chặt chẽ giữa Bộ với các địa phương trong chỉ đạo điều hành; sự nỗ lực của các DN và nông dân trong cả nước nên lĩnh vực nông nghiệp tiếp tục phát triển toàn diện, góp phần duy trì tăng trưởng chung của nền kinh tế, kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội.

>> Phát huy thế mạnh của từng ngành, địa phương

Hôm nay (31/12), Bộ NN-PTNT tổ chức hội nghị trực tuyến với các địa phương triển khai nhiệm vụ năm 2014. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng dự và chỉ đạo hội nghị.


Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng phát biểu chỉ đạo hội nghị

Toàn ngành duy trì tốc độ tăng trưởng khá

Theo Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát, tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành đạt 2,67%, tương đương mức tăng của năm 2012 (2,68%), trong đó: trồng trọt tăng 2,6%, chăn nuôi tăng 1,4%, lâm nghiệp tăng 5,18%, thủy sản tăng 3,05%. Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản (theo giá so sánh 2010) ước đạt 801,2 nghìn tỷ đồng, tăng 2,95% so với 2012. Mặc dù tốc độ tăng trưởng GDP và giá trị SX toàn ngành thấp hơn mức tăng của năm 2012 (3,4%), nhưng được đánh giá là mức tăng trưởng khá trong bối cảnh có nhiều khó khăn cả trong và ngoài nước.

Sản lượng lúa đạt 44,1 triệu tấn, tăng 338 nghìn tấn so với năm trước. Sản lượng ngô đạt 5,2 triệu tấn, tăng 6,6%. Sản lượng rau và hoa màu khác đều tăng. Đối với cây công nghiệp lâu năm, sản lượng cà phê đạt 1.322,1 nghìn tấn, tăng 2,3%; cao su đạt 934,5 nghìn tấn, tăng 8,2%; hồ tiêu đạt 123,4 nghìn tấn, tăng 5,3%; chè đạt 934,9 nghìn tấn, tăng 1,3%. Riêng diện tích điều vẫn có xu hướng giảm, ước đạt 310 nghìn ha, giảm 16 nghìn ha, sản lượng đạt 285 nghìn tấn, giảm 4,3%.

Về chăn nuôi, 6 tháng đầu năm chăn nuôi gặp nhiều khó khăn. Chính phủ đã có chính sách kịp thời hỗ trợ sản xuất, tiêu thụ và chỉ đạo quyết liệt ngăn chặn tình trạng nhập lậu. Từ tháng 7 sản xuất chăn nuôi đã được hồi phục. Ước cả năm 2013, tổng sản lượng thịt hơi các loại đạt 4,33 triệu tấn tăng 1,5%. Trứng và sữa tươi tăng lần lượt là 10,3% và 10,5%. Sản lượng thức ăn chăn nuôi công nghiệp quy đổi đạt 13,6 triệu tấn, tăng 7,1% so với năm 2012.

Công tác bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng cũng có nhiều chuyển biến tích cực. Tổng diện tích rừng bị thiệt hại là 1.964 ha, giảm 39,1%. Công tác trồng rừng được chỉ đạo tích cực và thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ nên diện tích rừng trồng mới tập trung đạt 205,1 ngàn ha, tăng 9,7% so năm 2012. số cây lâm nghiệp trồng phân tán là 50 triệu cây, tương đương năm 2012. Tỷ lệ che phủ từ cây rừng và cây có tán như cây rừng ước đạt 41,1%.

“Thủy sản vẫn là một trong những thế mạnh của nông nghiệp. Năm 2013, sản lượng khai thác ước đạt 2.709 ngàn tấn, tăng 3,3% so với 2012, trong đó khai thác biển đạt 2.519 ngàn tấn, tăng 3,5%. Sản lượng thủy sản nuôi trồng đạt 3.210 ngàn, tăng 3,2% so với năm trước, trong đó cá 2.407 ngàn tấn, tăng 0,2%; tôm 544,9 ngàn tấn, tăng 15%”, Bộ trưởng nói.

Năm 2013 là năm không thuận lợi cho tiêu thụ nông sản và XK. Tuy nhiên, tổng kim ngạch XK toàn ngành cả năm ước đạt 27,5 tỷ USD, tăng 1% so với năm 2012, thặng dư thương mại đạt hơn 8,5 tỷ USD, trong đó: thủy sản đạt 6,7 tỷ USD (tăng 10,6%); đồ gỗ và sản phẩm từ gỗ 5,5 tỷ USD (tăng 17,8%); tôm ước đạt 3,0 tỷ USD, tăng 25%.

Bên cạnh những kết quả đạt được, theo Bộ trưởng, ngành NN-PTNT vẫn còn những hạn chế, thách thức cần phải tập trung giải quyết trong năm 2014 và những năm sau, đó là tăng trưởng chưa bền vững và có xu hướng chậm dần; Công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp, đảm bảo VSATTP vẫn là vấn đề gây nhiều bức xúc trong xã hội; Chương trình xây dựng NTM nhiều nơi thực hiện chậm.

Ngoài ra, việc triển khai thực hiện Đề án tái cơ cấu mới chỉ tập trung ở Bộ và các đơn vị trực thuộc; nhiều địa phương triển khai còn chậm, vẫn chưa thực sự quan tâm và còn lúng túng; Hệ thống quản lý nhà nước của ngành từ Trung ương đến địa phương chưa hoàn thiện, ảnh hưởng đến hoạt động của ngành. Chỉ đạo điều hành thực hiện các nhiệm vụ của ngành có nơi có lúc thiếu quyết liệt, kém hiệu quả.

Tái cơ cấu ngành là nhiệm vụ trọng tâm

Bộ trưởng Cao Đức Phát cho rằng, để nông nghiệp năm 2014 có sự bứt phá, gia tăng giá trị nông sản, việc tái cơ cấu là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Từng địa phương rà soát xác định lựa chọn những cây trồng vật nuôi có lợi thế, có thị trường; hình thành các chương trình dự án tập trung chỉ đạo thực hiện các giải pháp đồng bộ, hình thành các vùng SX hàng hóa quy mô lớn, hiệu quả cao, bền vững.

Về trồng trọt, tập trung phát triển SX lúa gạo chất lượng cao, hạn chế diện tích gieo trồng các giống chất lượng thấp. Tập trung đẩy mạnh thâm canh tăng năng suất cao su, điều, hồ tiêu, chè, tái canh bằng các giống năng suất chất lượng cao. Mở rộng SX rau an toàn, hoa công nghệ cao hướng tới XK.

Trong chăn nuôi, phát triển đàn bò sữa bằng giống nhập nội năng suất cao, tạo điều kiện thuận lợi phát triển chăn nuôi lợn, gia cầm công nghiệp; chấn chỉnh, nâng cao chất lượng bộ giống gia cầm nuôi ở nông hộ để đạt năng suất cao hơn.

Lĩnh vực thủy sản, tập trung chuyển giao tiến bộ kỹ thuật kết hợp thực hiện các chính sách khuyến khích đánh bắt xa bờ, phát triển các hình thức dịch vụ trên biển; mở rộng mô hình quản lý cộng đồng đối với nghề cá ven bờ; Hướng dẫn phát triển bền vững nuôi tôm và nhuyễn thể đảm bảo an toàn dịch bệnh, chấn chỉnh cơ bản sản xuất kinh doanh cá tra để nâng cao hiệu quả trên cơ sở phát huy lợi thế quốc gia, mở ộng áp dụng thâm canh nuôi cá nước ngọt, nước lạnh.

Ngoài ra, cần thúc đẩy nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng KHCN, tổ chức lại sản xuất, đẩy mạnh đào tạo nghề cho nông dân, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của ngành.


Bộ trưởng Cao Đức Phát phát biểu tại hội nghị

Đồng thời với các giải pháp trên, cần thực hiện tái cơ cấu đầu tư công để tập trung vốn đầu tư công cho các nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách, khuyến khích mạnh mẽ đầu tư tư nhân trong và ngoài nước.

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng, năm 2013 tình hình kinh tế thế giới phục hồi chậm, tình hình kinh tế trong nước cũng diễn biết hết sức khó khăn, thiên tai bão lũ gây thiệt hại nặng nề… Trong bối cảnh đó, những đóng góp của ngành nông nghiệp của bà con nông dân là rất lớn, rất quan trọng. Những thành tựu đạt được của ngành nông nghiệp được đánh giá rất cao.

 

Tuy nhiên, theo Thủ tướng, nông nghiệp năm nay vẫn tăng 2,67%, nhưng tính bình quân 3 năm (2011 – 2013) thì tăng trưởng của ngành có xu thế giảm dần. Ngoài ra, thu nhập của nông dân vẫn thấp, tốc độ thực hiện chương trình tái cơ cấu ngành và xây dựng NTM còn chậm.

Tăng cường quản lý vật tư nông nghiệp, đảm bảo ATTP

Theo Bộ trưởng, phải coi quản lý vật tư nông nghiệp và VSATTP là nhiệm vụ trọng tâm của toàn ngành. Thực hiện tốt Thông tư 14/2011/TT-BNNPTNT và Thông tư 01/2013/TT-BNNPTNT đối với đầy đủ các nhóm sản phẩm vật tư nông nghiệp và nông lâm thủy sản, ưu tiên thanh, kiểm tra nhóm sản phẩm đang gây bức xúc về chất lượng.

Chủ động đánh giá, cung cấp kịp thời thông tin ATTP cho người tiêu dùng. Tiếp tục giải quyết các rào cản kỹ thuật liên quan đến XK nông lâm thủy sản và kiểm soát chặt chẽ hàng hóa NK có nguồn gốc động, thực vật nhằm ngăn chặn hàng kém chất lượng, hàng mất vệ sinh ATTP vào Việt Nam. Xử lý kịp thời các sự cố về ATTP.

Năm 2014, để ngành nông nghiệp thực sự bứt phá, Thủ tướng yêu cầu phải đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng tăng giá trị gia tăng, phát triển bền vững, xây dựng NTM và nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước của ngành.

Về tái cơ cấu ngành, người đứng đầu Chính phủ cho rằng, GDP của nông nghiệp chỉ chiếm 19% trong tổng GDP của cả nước, nhưng 49% lao động lại nằm trong khu vực này. Rõ ràng nguời làm nông nghiệp thu nhập rất thấp. Cho nên khoảng cách giàu nghèo giữa 20 hộ thu nhập cao và 20% số hộ thu nhập thấp đang ngày càng nới rộng.

“Tái cơ cấu nghĩa là tổ chức lại SX để hiệu quả cao hơn, giá trị cao hơn và thu nhập của người nông dân cao hơn, từ đó thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, cải thiện đời sống nhân dân. Đây là đòi hỏi bức xúc và hết sức đúng đắn của Đảng, Nhà nước và mong đợi của nhân dân”, Thủ tướng nói.

Đồng thời, theo Thủ tướng, tái cơ cấu để tăng trưởng cao hơn theo hướng bền vững hơn không thể tách rời xây dựng NTM. Không có xây dựng NTM thì không thể tái cơ cấu nông nghiệp thành công, vì nó đòi hỏi cả cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực, môi trường… và ngược lại. Đảng, Nhà nước và cả hệ thống chính trị phải xem tái cơ cấu nông nghiệp là một nhiệm vụ chính trị hàng đầu của đất nước.

Để làm được song song 2 việc này, Thủ tướng đề nghị cần có nhiều cơ chế, chính sách hơn nữa để nâng cao giá trị gia tăng của nông sản. Đầu tiên là áp dụng HKCN vào SX, giảm chi phí đầu vào, khuyến khích, nhân rộng các mô hình liên kết hợp tác từ SX, chế biến, tiêu thụ sản phẩm.

Ngoài ra, cần thu hút các nguồn lực để đầu tư vào hạ tầng nông thôn, tăng cường đào tạo nghề, thực hiện tốt chương trình giảm nghèo, phát huy truyền thống văn hoá.

Thủ tướng cũng yêu cầu ngành nông nghiệp cần tiếp tục nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước, nhất là trong quản lý vật tư nông nghiệp và ATVSTP.

Bộ trưởng Cao Đức Phát: Huy động toàn xã hội tham gia xây dựng NTM

”Rà soát nâng cao chất lượng công tác quy hoạch và xây dựng đề án. Đẩy mạnh đổi mới cơ cấu và phát triển sản xuất để tăng nhanh thu nhập cho cư dân nông thôn.

Mỗi xã căn cứ điều kiện cụ thể lựa chọn 1-3 sản phẩm hàng hóa chủ lực xây dựng mô hình, hướng dẫn và hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất hàng hoá. Các địa phương dành ngân sách cho chương trình, đồng thời tập trung huy động nguồn lực xã hội để đầu tư, làm chuyển biến hạ tầng cơ bản cấp xã và thôn: giao thông, thuỷ lợi, điện, nước sinh hoạt, trường học, trạm xá, nhà văn hoá thôn, ấp; ưu tiên nâng cấp, cải thiện các công trình hiện có.

Đồng thời, thực hiện đồng bộ các nội dung về phát triển y tế, giáo dục, văn hóa xã hội, môi trường. Năm 2014, phấn đấu mỗi tỉnh đều có xã đạt chuẩn NTM, cả nước có trên 500 xã đạt chuẩn NTM”.


Thủy sản vẫn là một trong những thế mạnh của nông nghiệp

Xem thêm
Đảng ủy Bộ NN-PTNT bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024

Ngày 27/3, tại Trường Cán bộ quản lý NN-PTNT, Đảng ủy Bộ NN-PTNT đã tổ chức Bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024.

Nhãn, vải ra hoa ít, ong nuôi ‘đói’ mật, nông dân thất thu

Vụ mật ong xuân năm nay chỉ có 40% số hộ nuôi ong mật nội rừng ở Kinh Môn (Hải Dương) thu được mật, sản lượng giảm so với vụ xuân trước.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Yên Bái: Cảnh tan hoang những ngôi nhà bị mưa đá, giông lốc tàn phá

Ngày 28/3, tại tỉnh Yên Bái đã xảy ra mưa đá, giông lốc gây thiệt hại nhiều nhà ở và cây cối hoa màu các huyện Mù Cang Chải, Trấn Yên và Văn Chấn.

Bình luận mới nhất