| Hotline: 0983.970.780

Đê sông Đà bị xâm hại nghiêm trọng

Thứ Năm 28/08/2014 , 13:15 (GMT+7)

Hàng chục ngàn m2 đất trong hành lang bảo vệ, hành lang thoát lũ đê sông Đà đã được tỉnh Hòa Bình “ưu ái” giao cho các doanh nghiệp thuê làm địa điểm tập kết cát, sỏi và kinh doanh vật liệu vây dựng. Lập tức, các DN tiến hành xây dựng những tòa nhà cao tầng, kiên cố ngay trên đó.

Chỉ cách công trình thủy điện Hòa Bình chừng 2 km, phía hạ lưu sông Đà đã có hàng trăm đống cát, sỏi chất lên cao vút như những ngọn núi án ngữ cả một khúc sông dài.

Giao đất vô tội vạ

Từ QL6 ở phường Đồng Tiến, TP Hòa Bình nhìn sang phía bên kia bờ sông ai cũng hết sức lo lắng cho 141 hộ dân thuộc các tổ 26 và 27. Người ta đã chứng kiến cảnh hung bạo của dòng nước tạo nên những cơn xoáy thật kinh hãi cuồn cuộn kéo từng tảng đất đá bờ sông, ngoạm sâu vào đất ở làm nghiêng ngả không ít nhà dân.

Chính hoạt động tập kết cát, sỏi ở phía bên kia bờ sông mà dòng chảy sông Đà đoạn qua đây đã hướng con nước về phía khu dân cư thuộc 2 tổ 26, 27 rồi mới uốn lượn chảy về xuôi. Một thực tế hiển nhiên là hành lang bảo vệ và hành lang thoát lũ của đê sông Đà đang bị xâm hại một cách nghiêm trọng trước sự liều lĩnh của chính quyền các cấp, các ngành tỉnh Hòa Bình.

Cụ thể, ngày 14/10/2002, Sở Địa chính (nay là Sở TN-MT tỉnh Hòa Bình) đã ký cho Cty vận tải và xếp dỡ đường thủy nội địa thuê 31.900 m2 là đất bãi sông Đà thuộc phường Thịnh Giang – TP Hòa Bình. Năm 2004, tỉnh Hòa Bình thi công kè bờ tả sông Đà đã thu hồi của Cty 9.345 m2. Số còn lại Cty tiếp tục sử dụng.

Tiếp đó, ngày 4/12/2007, UBND tỉnh Hòa Bình ra Quyết định cho DNTN Xuân Quỳnh thuê 6.296 m2 với thời hạn 50 năm để sản xuất, kinh doanh. Toàn bộ diện tích này nằm lọt thỏm trong hành lang bảo vệ, thoát lũ đê sông Đà.

 DN đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Đến tháng 1/2008, Sở TN-MT tỉnh Hòa Bình ký hợp đồng cho DN Xuân Quỳnh thuê đất theo quyết định của UBND tỉnh với mức giá 23,4 triệu đồng/năm. Quá trình triển khai việc này, Sở NN-PTNT Hòa Bình không có một ý kiến nào (?).

Đến ngày 20/10/2008, DN Xuân Quỳnh tiếp tục có tờ trình gửi UBND tỉnh xin thuê thêm 1.000 m2 đất gần với khu đất được thuê trước đó. Lần này, Sở NN-PTNT chính thức có văn bản gửi UBND tỉnh chấp thuận cho DN Xuân Quỳnh được thuê đất.


Từ bờ đê nhìn xuống sông Đà, nhà kiên cố và cát sỏi chất cao như núi áng ngự cả khúc sông

Trong văn bản Sở NN-PTNT tỉnh Hòa Bình đề ngày 25/11/2008 gửi UBND tỉnh và Sở TN-MT có đoạn viết: “Sau khi được thuê đất, yêu cầu DN Xuân Quỳnh hoàn thiện thủ tục trình cấp có thẩm quyền cấp phép cho việc tập kết vật liệu trong khu vực bãi sông”. Thế nhưng, theo ông Trần Kim Phàn – Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi và PCLB tỉnh Hòa Bình, đến nay DN vẫn chưa trình giấy phép về nội dung trên.

Hàng trăm đống cát, sỏi chất cao như núi, hàng chục loại phương tiện máy móc gào rú suốt ngày đêm làm rung chuyển cả một khúc sông dài. Những hành động này đã làm giảm quá giới hạn cho phép của lưu lượng lũ thiết kế; làm tăng quá giới hạn cho phép của mực nước lũ thiết kế. Chính điều này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến dòng chảy của khu vực lân cận, thượng lưu, hạ lưu sông Đà.

Cũng theo ông Phàn, văn bản trên còn đề nghị Sở TN-MT: khi tiến hành định vị giới hạn phạm vi giao đất ngoài hiện trường thì cần phối hợp với Sở NN-PTNT để xác định vị trí cụ thể nhằm đảm bảo phù hợp với hiện trạng của đê điều. Thế nhưng đề nghị này đã không được chấp thuận. Để rồi việc giao đất cho DN, Sở NN-PTNT không hề hay biết?

Cùng với DN Xuân Quỳnh thì nhiều DN khác cũng có tờ trình xin thuê đất tại khu vực này. Ngày 13/4/2009, Sở TN-MT tỉnh Hòa Bình đã có công văn gửi UBND tỉnh đề xuất cho Cty TNHH Xây dựng và dịch vụ vận tải Nam Hải được thuê 12.000 m2 đất và cho Cty TNHH Hường Trang được thuê 9.000 m2 để làm bãi chứa vật liệu xây dựng.

Đau thắt lòng sông

Sau khi được giao đất, có bìa đỏ trong tay, các DN lần lượt thi nhau xây dựng nhiều công trình kiên cố. DN nào cũng xây dựng nhà từ 2 đến 3 tầng để vừa ở, vừa làm việc.

Bằng mắt thường, ai cũng dễ dàng nhìn thấy việc xây dựng các công trình này là hoàn toàn trái với các quy định của Nhà nước đối với hành lang bảo vệ, thoát lũ đê điều.

15-55-41_hinh-nh-cho-thy-long-song-d-duong-nhu-bi-thu-hep-dn
Hình ảnh cho thấy lòng sông Đà đang bị thu hẹp

Điều lạ lùng nhất là việc cấp phép xây dựng công trình nhà làm việc cho DN trong hành lang bảo vệ, thoát lũ đê điều của Sở Xây dựng mà không có một văn bản nào của Sở NN-PTNT xung quanh vấn đề này. Căn cứ vào khoản 2 điều 25 của Luật Đê điều thì rõ ràng, Sở Xây dựng Hòa Bình đã vượt mặt cơ quan quản lý Nhà nước về lĩnh vực liên quan, chứ chưa nói đến những sai phạm trong việc ban hành giấy phép xây dựng đó.

Cũng như các DN khác, Cty TNHH Tuân Lộc sau khi được tỉnh cho thuê 4.000 m2 đất thì xây dựng ngay tòa nhà 2 tầng một cách kiên cố. Theo bà Bùi Thị Tươi, vợ của GĐ Cty thì chồng bà đã nhiều lần làm đơn gửi các cấp xin phép xây nhà nhưng chẳng đâu cấp phép. Khi thấy nhiều DN xây được thì Cty cứ thế làm thôi. Quá trình xây dựng cũng có các đoàn đến kiểm tra, có cả công an nhưng sau đó vẫn không vấn đề gì.

“Năm 2013, nước sông Đà dâng cao, tràn vào nhà lên đến hơn 1 m. Nhưng dâng rồi lại rút xuống. Hôm qua cũng có một đoàn đến đây, họ xem hết các loại giấy tờ của Cty.

Nghe đâu các DN quanh đây cũng đều được kiểm tra định kỳ thế cả. Bọn chị làm kinh doanh thì chỉ biết thế thôi. Sau kiểm tra, DN vẫn hoạt động bình thường là được rồi” – bà Tươi vui vẻ nói.

Trong nhiều DN tự ý xây nhà cao tầng ở hành lang bảo vệ, thoát lũ đê sông Đà, chúng tôi được biết có DNTN Xuân Quỳnh được Sở Xây dựng cấp giấy phép cho việc xây nhà. Giấy phép số 78 của GĐ Sở Xây dựng Hòa Bình ký ngày 5/12/2008 ghi rõ: “Cho phép DN Xuân Quỳnh được xây dựng công trình nhà làm việc và bảo vệ (số tầng: 01) trong diện tích 70,11 m2”.

15-55-41_khong-chi-xy-nh-lm-viec-dn-xun-quynh-con-trong-cy-v-boi-them-dt-d-len-bi-v-mep-song-de-cn-tro-dong-chy
Nhà cao tầng, trồng cây xanh và đắp đất đá trong hành lang thoát lũ làm cản trở dòng chảy

Làm việc với PV NNVN, ông Phạm Xuân Quỳnh – chủ DNTN Xuân Quỳnh cho hay, để có được bìa đỏ đất và giấy phép xây dựng, DN hết sức vất vả, tốn kém lắm. Khi tiến hành đào móng để xây dựng công an cũng có ra kiểm tra nhưng vì DN đã có giấy phép nên việc xây dựng vẫn được tiến hành.

Mặc dù giấy phép của Sở Xây dựng do bà Giám đốc Sở lúc bấy giờ là Bùi Thị Dửng ký chỉ cho phép DN xây dựng 1 tầng nhưng thực tế hiện tại, tòa nhà kiên cố này là 3 tầng với tiện nghi sinh hoạt và phòng làm việc khá đầy đủ.

Cũng sau khi được giao đất, DN Xuân Quỳnh còn để các cá nhân, đơn vị có nhu cầu đổ đất đá, chất thải vào phía mép bờ sông trong khu vực đất được giao với mục đích vừa lấn thêm diện tích, vừa tôn cao nền bãi. Một cán bộ ngành NN-PTNT tỉnh Hòa Bình cho biết, khi đến kiểm tra thì ông chủ DN Xuân Quỳnh không thừa nhận mà bảo rằng, người ta mang đất đá đến đổ trộm, chứ DN không biết?

Cho đến nay, hầu hết các DN hoạt động kinh doanh tập kết cát sỏi, vật liệu xây dựng (thuộc xóm Thịnh Minh, phường Thịnh Giang, TP Hòa Bình) đều xây dựng nhà kiên cố, trái phép, tự ý lấn chiếm và tôn cao nền đất. Một khúc sông Đà cách thủy điện Hòa Bình chưa đầy 2km đang bị thắt dần!

Như thế, dòng chảy sẽ đẩy về phía 141 hộ dân ở các tổ 26, 27 phường Đồng Tiến. Mùa mưa lũ về không ai dám chắc hàng trăm tính mạng của người dân nơi đó được an toàn?

Xem thêm
Hội chợ xúc tiến thương mại khu vực kinh tế tập thể, hợp tác 2024

Hội chợ diễn ra từ 18-22/4 tại phố Trần Nhân Tông và công viên Thống Nhất, Hà Nội với sự tham gia của 120 HTX từ 44 tỉnh thành và 30 doanh nghiệp.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

Bảo hiểm Agribank Phú Thọ chi trả 352 triệu đồng quyền lợi cho khách hàng

Bảo hiểm Agribank Phú Thọ phối hợp với Agribank - Chi nhánh Tuyên Quang chi trả quyền lợi Bảo an tín dụng cho khách hàng tham gia vay vốn không may gặp rủi ro.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm