| Hotline: 0983.970.780

Đề tài, dự án khoa học thiếu thực tế

Thứ Năm 25/05/2017 , 13:15 (GMT+7)

Hiện nay, nhiều địa phương bỏ ra ngân sách hàng tỷ đồng để chi cho các đề tài, dự án khoa học công nghệ (KHCN) trong nông nghiệp.

15-42-53_h1
Mô hình vườn lan cắt cành Mokara tại Trung tâm Ứng dụng công nghệ sinh học Đồng Nai sau 4 năm triển khai chỉ nhân rộng chưa đến 4ha

Thế nhưng, việc nhân rộng ra sản xuất gặp khó do thiếu thực tế, nhất là không được sự ủng hộ của nông dân. Đồng Nai là một điển hình.
 

Thiếu thực tế

Tại tỉnh Đồng Nai, theo báo cáo của Sở NN-PTNT, giai đoạn 2010 - 2016, đơn vị đã tiếp nhận 16 đề tài, dự án KHCN trong nông nghiệp từ Sở KH-CN. Một số đề tài tiêu biểu, như xây dựng mô hình sản xuất xoài theo quy chuẩn GlobalGAP tại huyện Xuân Lộc; xây dựng mô hình nuôi chồn hương, quy trình nuôi heo rừng; nghiên cứu các biện pháp phục hồi vườn cà phê tại huyện Cẩm Mỹ... Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, trong đó có trường hợp đề tài được triển khai trên một phạm vi nhỏ (diện hẹp) nên rất khó khăn khi nhân rộng vào thực tế. Ngoài ra, các đề tài, dự án vẫn còn một số điểm chưa phù hợp, chưa kết nối được thị trường...

Chẳng hạn, năm 2013, Trung tâm Công nghệ sinh học TP.HCM phối hợp với Trung tâm Ứng dụng công nghệ sinh học Đồng Nai thực hiện đề tài “Xây dựng mô hình sản xuất thử nghiệm các giống lan Mokara cắt cành tại Đồng Nai”. Mục tiêu của mô hình nhằm thực hiện việc chuyển đổi cơ cấu, đa dạng hóa các chủng loại cây trồng, đồng thời thăm dò khả năng phát triển giống mới để hình thành vùng chuyên canh sản xuất hoa lan Mokara trên địa bàn tỉnh.

Sau quá trình thực hiện cho thấy, hiệu quả kinh tế mô hình mang lại tương đối cao. Cụ thể, từ năm thứ 2 trở đi, người trồng lan Mokara có thể thu nhập hơn 1,2 tỷ đồng/ha. Tuy nhiên, đến nay ngoài 1 điểm trồng (0,1ha tại huyện Cẩm Mỹ) được Trung tâm Khuyến nông tỉnh hỗ trợ thì chỉ có thêm 3,7ha lan Mokara được nhân rộng tại các huyện Long Thành, Cẩm Mỹ và TX Long Khánh. Như vậy, tổng cộng chưa đến 4ha trồng lan mô hình Mokara sau hơn 4 năm triển khai đề tài.

Vì sao lại khó nhân rộng? Ông Trần Vũ, TX Long Khánh, người trực tiếp tham quan mô hình trồng lan Mokara công nghệ cao tại Trung tâm Ứng dụng công nghệ sinh học Đồng Nai cho biết, vốn đầu tư để trồng lan Mokara là hơn 1 tỷ đồng/ha trong khi sản phẩm chưa có đầu ra chắc chắn, ổn định thì làm sao nông dân có niềm tin để làm?

Theo báo cáo kết quả thực hiện các đề tài, dự án khoa học giai đoạn 2010 - 2020 của Trung tâm Ứng dụng công nghệ sinh học Đồng Nai cho thấy, từ đầu năm 2010 đến nay, Trung tâm đã triển khai 30 đề tài, dự án. Trong đó, tại Trung tâm triển khai và duy trì được 14 mô hình là điểm trình diễn KHCN như mô hình nuôi heo rừng, dúi móc lớn, chồn hương, dưa lê trong nhà màng... Ngoài ra, Trung tâm còn phối hợp thực hiện các đề tài đưa vào ứng dụng tại các địa phương như: đánh giá tiềm năng và thực trạng nguồn tài nguyên dược liệu ở Khu Bảo tồn Thiên nhiên - Văn hóa Đồng Nai; hoàn thiện chuỗi giá trị bưởi Tân Triều; mô hình chăn nuôi dê Boer...

Mặc dù nhiều đề tài nói trên đã hoàn thiện, chuyển giao kỹ thuật cho nông dân. Tuy nhiên, đa số các đề tài nghiên cứu vẫn rất khó triển khai và nhân rộng vào thực tế, bởi vì chưa thu hút được doanh nghiệp tham gia, bao tiêu sản phẩm.
 

Chưa kết nối thị trường

Ông Lương Thành Trung, GĐ Trung tâm Khuyến nông, đơn vị nhận chuyển giao và thực hiện nhân rộng các đề tài, dự án KHCN trong nông nghiệp thừa nhận, chính đầu ra bấp bênh là rào cản khiến các đề tài, dự án phần lớn vẫn đang chỉ ở dạng mô hình chứ chưa thể nhân rộng.

“Khi nghiên cứu, xây dựng và thực hiện mô hình đều cho kết quả tốt, năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi được nâng lên. Tuy nhiên, do không có đầu ra, giá cả bấp bênh nên không thu hút được nông dân tham gia. Họ vẫn chỉ sản xuất theo kiểu cây, con nào có giá bán cao thì nuôi, trồng. Trong khi các mô hình nghiên cứu dù đem lại năng suất, chất lượng tốt nhưng giá bán sản phẩm thấp chưa kết nối được thị trường thì vẫn rất khó thu hút nông dân tham gia thực hiện”, ông Trung nói.

Ngoài ra, trong thực tế cho thấy có không ít đề tài, dự án KHCN trong nông nghiệp được triển khai nhưng lại không phù hợp với thực tế sản xuất cũng khiến việc nhân rộng gặp khó khăn. Cụ thể đề tài “Khảo sát tuyển chọn giống và nghiên cứu xây dựng quy trình kỹ thuật thâm canh cây mít ráo tại tỉnh Đồng Nai” với chi phí xây dựng đầu tư hơn 1 tỷ đồng. Đề tài này do Trung tâm Nghiên cứu cây ăn quả Đông Nam bộ tuyển chọn cây đầu dòng và chuyển giao cho Cty Giống cây trồng Đồng Nai nhân giống và cung cấp cho người trồng. Tuy nhiên, với sự lấn át của các giống mít chín sớm, mít nhập ngoại trên thị trường nên giống mít ráo “đề tài” hiện chỉ còn được trồng rải rác tại một số hộ dân.

Chính từ những hạn chế nói trên mà theo ông Trung, trong số 17 dự án, đề tài mà Trung tâm Khuyến nông nhận chuyển giao trong hơn 5 năm qua, thì diện tích nhân rộng mỗi đề tài chỉ vào khoảng vài chục hecta và cũng có rất ít có khả năng để nhân rộng thêm.

Các đề tài, dự án sau khi Sở KH-CN hoàn tất nghiên cứu thì được bàn giao toàn bộ cho ngành NN quản lý theo quy trình còn áp đặt. Nhiều nội dung mà đơn vị tiếp nhận không thể thực hiện được nhưng vẫn phải chấp nhận. Trong khi đó, ở mỗi đề tài, dự án có nhiều nội dung nên khi nhận chuyển giao có những nội dung có thể thực hiện, trái lại có nội dung không thể thực hiện do điều kiện không cho phép. Bởi khi đem ra ứng dụng đại trà thì nó khác do các điều kiện thực tế không giống hoàn toàn như trong phòng thí nghiệm”, ông Đặng Hồng Tăng, PGĐ Sở NN-PTNT Đồng Nai.

 

Xem thêm
Giá heo nhích kích thích người nuôi tái đàn

Sau thời gian dài duy trì ở mức thấp, từ đầu năm 2024 đến nay, giá heo ở Bình Định không ngừng tăng, hiện ở mức 51.000đ/kg, người chăn nuôi hồ hởi tái đàn…

Quảng Ninh có vùng an toàn dịch bệnh cúm gia cầm đầu tiên

Tháng 1/2024, xã Quảng Tân, huyện Đầm Hà, tỉnh Quảng Ninh được Sở NN-PTNT cấp giấy chứng nhận vùng an toàn dịch bệnh đối với bệnh cúm gia cầm.

Điều tra sinh vật gây hại gây bệnh chết nhanh trên cây tiêu

Dự án V-SCOPE đã nghiên cứu, phát hiện 3 loài sinh vật gây hại gây bệnh chết nhanh trên cây tiêu ở Tây Nguyên cũng như việc tưới nước quá mức trên cây cà phê.