| Hotline: 0983.970.780

Thứ Hai 16/04/2018 , 06:25 (GMT+7)

06:25 - 16/04/2018

Đề xuất đánh thuế đất ở và nhà - vét sạch túi dân?

Trong khi chưa có bất cứ kế hoạch gì nhằm ngăn chặn hiệu quả sự lãng phí đầu tư công, tham nhũng, trục lợi ngân sách..., thì Bộ Tài chính tiếp tục bàn chuyện tăng thuế.

Chuyện là, ngày 13/4, Bộ Tài chính đã tổ chức họp báo trình bày một số nội dung về đề nghị xây dựng dự án Luật Thuế tài sản.

Bộ này đề xuất đánh thuế đối với đất ở và nhà. Cụ thể, với nhà ở, Bộ Tài chính xây dựng 2 phương án đánh thuế: Một là đối với nhà ở có giá trị từ 700 triệu đồng trở lên; hai là nhà ở có giá trị 1 tỷ đồng trở lên.

Bộ Tài chính xây dựng 2 phương án đánh thuế: Một là đối với nhà ở có giá trị từ 700 triệu đồng trở lên; hai là nhà ở có giá trị 1 tỷ đồng trở lên (Ảnh minh họa)

Ngưỡng không chịu thuế là nhà có giá trị 700 triệu đồng trở xuống hoặc 1 tỷ đồng trở xuống. Điều này có nghĩa, phần bị đánh thuế tài sản là phần có giá trị trên 700 triệu đồng hoặc trên 1 tỷ đồng.

Với phương án thuế suất 0,4% và ngưỡng không chịu thuế với nhà là 700 triệu đồng mà Bộ Tài chính đang nghiêng về thì với một căn chung cư có giá trị khoảng 1,7 tỷ đồng, sau khi trừ đi 700 triệu đồng ngưỡng không chịu thuế, hàng năm người sở hữu phải nộp thuế tài sản cho phần dư ra 1 tỷ đồng. Mức thuế hàng năm phải đóng tính vào khoảng 4 triệu đồng.

Chưa kể, phần đất để xây chung cư cũng phải tính thuế tài sản hàng năm, khoản thuế này sẽ được tính cho từng tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sử dụng nhân với hệ số cụ thể.

Không những thuế nhà, những chiếc xe có giá trị từ 1,5 tỷ trở lên, theo dự thảo, cũng bị đánh “thuế tài sản”.

Chưa hết, cách đây không lâu, Bộ này cũng đưa ra khi đề xuất tăng thuế VAT lên 12% và 14% “theo lộ trình quốc tế”. Chẳng biết là quốc tế nào, khi mức 10% như hiện tại đã thuộc nhóm cao trên thế giới. VAT Nhật Bản 5%, Singapore và Thái Lan chỉ 7%.

Tiếp đến, Bộ Tài chính lại đề xuất tăng phí môi trường để “hội nhập” với thế giới. Để làm căn cứ, Bộ này đưa ra một khảo sát trên 60 người để nói rằng “đa số đồng ý”(?).

Một chuyên gia kinh tế phải thốt lên rằng, không thể nào bắt nhân dân chịu tăng thuế liên tục khi mà họ vẫn đang chứng kiến Tập đoàn Điện lực than thở để trở thành quán quân vay nợ, Tập đoàn Than Khoáng sản thành trùm nợ hay những TCty, Tập đoàn Nhà nước thoải mái nhóm lò... đốt tiền ngân sách.

Thuế, xét cho cùng, cũng là để chi cho mục đích xây dựng đất nước, an sinh xã hội… Nhưng kiểu đề xuất thu thuế “vét sạch tiền túi của dân” mà không có biện pháp quản lý chặt chẽ, luôn bội chi ngân sách, thì rõ ràng là rất vô lý!