| Hotline: 0983.970.780

Đề xuất quản lý khai thác công trình thủy lợi ĐBSCL

Thứ Sáu 17/10/2014 , 08:33 (GMT+7)

Bài này chúng tôi đề xuất một số mô hình tổ chức quản lý khai thác CTTL phù hợp cho vùng này dưới quan điểm của người làm khoa học./ Đổi mới tổ chức quản lý, khai thác công trình thủy lợi ĐBSCL

Mô hình phạm vi tỉnh

Thành lập tổ chức quản lý dịch vụ thủy lợi theo cơ chế đặt hàng ở các tỉnh vùng ĐBSCL. Mục tiêu của việc thành lập tổ chức này là nâng cao hiệu quả quản lý khai thác CTTL, thống nhất quản lý nguồn lực Nhà nước đầu tư cho lĩnh vực thủy lợi ở các tỉnh; tăng cường hợp tác, chỉ đạo của nhà nước trong quản lý bảo vệ khai thác bền vững CTTL bao gồm cống, đập đầu mối và hệ thống kênh thủy lợi lớn.

Tên gọi của tổ chức này có thể là Hội đồng quản lý khai thác CTTL hoặc Hội đồng quản lý nước của tỉnh (sau đây gọi là Hội đồng quản lý hệ thống) có bộ phận thường trực giúp việc.

Hội đồng quản lý hệ thống cấp tỉnh trực thuộc UBND tỉnh. Thành phần của Hội đồng quản lý hệ thống bao gồm đại diện lãnh đạo UBND tỉnh, Sở NN-PTNT (thường trực), lãnh đạo, chuyên viên các cơ quan liên quan của tỉnh, UBND cấp huyện, các tổ chức quản lý khai thác CTTL và người hưởng lợi. Văn phòng thường trực là bộ phận giúp việc trực tiếp cho Hội đồng có thể được tổ chức trong bộ máy của Chi cục Thủy lợi.

Trường hợp Văn phòng thường trực của Hội đồng được tổ chức từ bộ máy của Chi cục Thủy lợi, cần phải bổ sung tổ chức bộ máy, chức năng, nhiệm vụ cho Chi cục. Trong đó, có 1 lãnh đạo chi cục trực tiếp phụ trách Văn phòng này để đảm bảo Hội đồng quản lý hệ thống thực hiện tốt chức năng chủ sở hữu tài sản CTTL phục vụ tốt SX, dân sinh và phát triển bền vững.

Chức năng, nhiệm vụ của Hội đồng quản lý hệ thống bao gồm: i) đại diện chủ sở hữu nhà nước về tài sản hệ thống CTTL để tổ chức quản lý vận hành khai thác theo đúng các mục tiêu quy hoạch, thiết kế; ii) quản lý thống nhất và hiệu quả các nguồn lực về khai thác các hệ thống CTTL chính đã được phân cấp cho cấp tỉnh quản lý; iii) Là diễn đàn quản lý khai thác CTTL có sự tham gia của các bên liên quan quy mô cấp tỉnh, thể hiện vai trò của người hưởng lợi và các nhà quản lý đối với việc cung ứng sản phẩm dịch vụ tưới, tiêu; iv) quản lý đặt hàng, đấu thầu trong vận hành, khai thác CTTL.

Củng cố, thành lập mới

Mục tiêu của việc củng cố, thành lập mới tổ chức quản lý khai thác CTTL cấp tỉnh là nhằm đảm bảo các nguồn lực để quản lý, vận hành CTTL theo Pháp lệnh Khai thác và bảo vệ CTTL và các quy định hiện hành khác, đảm bảo nguyên tắc các công trình phải có chủ quản lý, vận hành.

Chức năng, nhiệm vụ của tổ chức quản lý khai thác CTTL là quản lý, vận hành CTTL hiện có trong phạm vi tỉnh theo thiết kế, quy hoạch, quy chuẩn, tiêu chuẩn hiện hành và các điều khoản trong các hợp đồng đặt hàng với cơ quan đại diện chủ sở hữu. Quản lý vận hành, bảo vệ an toàn hành lang các tuyến kênh chính, cấp I, cấp II, các khu vực sử dụng làm bãi thải bùn nạo vét thuộc hành lang các tuyến kênh được giao quản lý.

Loại hình tổ chức quản lý khai thác CTTL cấp tỉnh được xác định căn cứ vào quy mô, sản phẩm dịch vụ công ích về thủy lợi ở từng địa phương đảm bảo tư cách pháp lý (có tổ chức, con dấu và tài khoản). Đối với một số tỉnh hiện nay Chi cục đang trực tiếp thực hiện chức năng quản lý vận hành CTTL, cần phải tổ chức rà soát, tách chức năng quản lý khai thác ra khỏi các đơn vị quản lý Nhà nước, đồng thời thực hiện phân cấp quản lý khai thác CTTL để thành lập mới tổ chức quản lý, vận hành.

Mô hình cấp liên tỉnh

Về lâu dài, tổ chức quản lý khai thác CTTL liên tỉnh vùng ĐBSCL có vai trò quan trọng trong việc quản lý vận hành các công trình đầu mối, hệ thống kênh chính, kênh cấp 1 chủ đạo nhằm điều hòa phân bổ sử dụng nguồn nước hợp lý, điều tiết lũ, ngăn mặn trong các hệ thống thủy lợi lớn, liên tỉnh. Đây là nhiệm vụ quan trọng, theo cơ sở khoa học về xây dựng tổ chức sẽ khó có thể thực hiện được trong thời gian ngắn. Do vậy, cần thực hiện theo lộ trình, cụ thể như sau:

Giai đoạn ngắn hạn từ 2015 - 2016

Trước mắt thành lập một Hội đồng cấp Bộ quản lý các hệ thống CTTL liên tỉnh vùng ĐBSCL, có Văn phòng thường trực chuyên trách trực giúp việc cho Hội đồng. Văn phòng thường trực thực hiện cả nhiệm vụ về hành chính và công tác chuyên môn để giám sát đánh giá thực hiện các nghị quyết của Hội đồng tại thực địa. Trước mắt văn phòng có thể trực thuộc một đơn vị của Bộ (Viện Quy hoạch thủy lợi miền Nam hoặc Văn phòng phía Nam của Tổng cục Thủy lợi).

Thành phần Hội đồng bao gồm đại diện lãnh đạo Bộ NN-PTNT, Tổng cục Thủy lợi và các Vụ có liên quan thuộc Bộ NN-PTNT, một số Bộ ngành liên quan; đại diện lãnh đạo UBND các tỉnh, Sở NN-PTNT, các cơ quan ban ngành liên quan, tổ chức quản lý khai thác CTTL và người dân trong vùng hưởng lợi. Cơ chế hoạt động của Hội đồng dựa trên cơ sở thảo luận và đồng thuận tập thể của lãnh đạo và thành viên Hội Đồng. Các thành viên của Hội đồng hoạt động theo chế độ kiêm nhiệm.

Hội đồng quản lý hệ thống thủy lợi liên tỉnh vùng ĐBSCL trực thuộc Bộ NN-PTNT hoặc Tổng cục Thủy lợi. Hội đồng có chức năng tư vấn trong hoạch định chủ trương, định hướng quản lý khai thác hệ thống trên cơ sở đồng thuận của các bên liên quan và điều hoà lợi ích giữa các tổ chức, cá nhân, khu vực được hưởng lợi từ hệ thống CTTL.

Để đảm bảo tính khả thi và phù hợp với thực tiễn, các đề xuất trên đây cần tiếp tục được lấy ý kiến từ các chuyên gia, các nhà quản lý về thủy lợi trong thời gian tới để từng bước hoàn thiện về cơ sở khoa học, và thực hiện củng cố, xây dựng các tổ chức quản lý khai thác hiệu quả, bền vững đúng với tầm vóc, quy mô hệ thống CTTL vùng ĐBSCL.

Hội đồng có nhiệm vụ giám sát các địa phương, các tổ chức quản lý khai thác tuân thủ quy trình vận hành các công trình liên tỉnh, liên vùng. Hàng năm tổng kết việc thực hiện quy trình, hiệu quả khai thác hệ thống và kiến nghị cơ quan có thẩm quyền phương án điều chỉnh, bổ sung khi cần thiết.

Về nguồn kinh phí hoạt động của Hội đồng, trước mắt huy động các nguồn lực từ dự án WB6 đang thực hiện trong vùng ĐBSCL. Về lâu dài, nguồn kinh phí này cần được xác định từ nguồn thủy lợi phí cấp bù từ ngân sách Trung ương cho các tỉnh và dựa trên cơ chế đóng góp của các tỉnh theo diện tích hưởng lợi.

Về tiến độ thực hiện, trước mắt củng cố Hội đồng có Văn phòng thường trực (gồm có cả cơ sở vật chất) cho hệ thống Quản lộ - Phụng Hiệp và Ô Môn - Xà No sau đó sẽ mở rộng nhiệm vụ của văn phòng cho toàn bộ 5 hệ thống liên tỉnh trong vùng.

Giai đoạn trung hạn đến 2020

Hội đồng cấp Bộ đã được thành lập trong đoạn ngắn hạn ở trên sẽ là đại diện chủ sở hữu các CTTL liên tỉnh. Đồng thời chuyển đổi Văn phòng thường trực trong giai đoạn ngắn hạn thành Trung tâm Quản lý khai thác CTTL, liên tỉnh vùng ĐBSCL. Nhiệm vụ của Trung tâm bao gồm các nhiệm vụ của Văn phòng thường trực trong giai đoạn ngắn hạn và tổ chức nguồn lực để thực hiện vận hành khai thác các công trình cống, đập, hệ thống kênh chính kênh cấp 1 có phạm vi ảnh hưởng liên tỉnh.

Nguồn tài chính cho Trung tâm sẽ được xác định cụ thể dựa vào phạm vi hoạt động quản lý khai thác cống, đập đầu mối, hệ thống kênh chính, kênh cấp 1 thuộc các hệ thống liên tỉnh nhưng đảm bảo nguyên tắc không vượt quá tỷ lệ thủy lợi phí cho hoạt động cấp nước tạo nguồn.

Nguồn lực để hình thành cơ sở vật chất và nhân lực ban đầu cho việc hình thành Văn phòng thường trực Hội đồng cấp Bộ và tiến tới Trung tâm Khai thác CTTL liên tỉnh toàn vùng là từ dự án WB6 đang đầu tư cho vùng ĐBSCL, đảm bảo năng lực để vận hành bền vững và hiệu quả cho hệ thống CTTL trong vùng ĐBSCL. Việc củng cố tổ chức quản lý khai thác là vấn đề rất cấp thiết trong bối cảnh tái cơ cấu ngành thủy lợi và nâng cao hiệu quả quản lý khai thác CTTL vùng ĐBSCL, ứng phó với các biến đổi khí hậu và nước biển dâng.

(Viện Kinh tế & quản lý thủy lợi)

Xem thêm
Trại cầy vòi mốc lớn nhất miền Bắc thu hàng chục tỷ mỗi năm

Gần 20 năm gắn bó với cầy vòi mốc, anh Phạm Văn Hùng ở huyện Lục Nam, Bắc Giang đang thu được hàng chục tỷ đồng mỗi năm nhờ tâm huyết với loài vật này.

Hơn 200 đơn vị tham gia Triển lãm công nghệ, dịch vụ cho thú cưng

TP.HCM Triển lãm Quốc tế chuyên ngành công nghệ, sản phẩm, dịch vụ chăm sóc thú cưng tại Việt Nam - Petfair Vietnam và Livestock Vietnam 2024 được tổ chức tại SECC, quận 7, TP.HCM.

Tháo gỡ 2 điểm nghẽn chính

Ngành mía đường có những điểm nghẽn cần phải giải quyết để phát triển ổn định, bền vững, đó là chia sẻ của TS Cao Anh Đương, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Mía đường (SRI).

Bình luận mới nhất