| Hotline: 0983.970.780

Đề xuất tăng giá điện khó khả thi

Chủ Nhật 15/08/2010 , 20:46 (GMT+7)

Đó là khẳng định của ông Tạ Văn Hường, Vụ trưởng Vụ Năng lượng (Bộ Công thương), bởi lẽ, tăng giá mặt hàng này rất nhạy cảm...

Đó là khẳng định của ông Tạ Văn Hường, Vụ trưởng Vụ Năng lượng (Bộ Công thương), bởi lẽ, tăng giá mặt hàng này rất nhạy cảm, kéo theo sự tăng giá của hàng loạt hàng hóa khác.

Tăng 5% giá điện, mất 6 tháng tính toán giá thành

Như NNVN đã phản ánh, mới đây, Hiệp hội Năng lượng Việt Nam (VEA) đã gửi tới Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ một bản đề xuất, trong đó nội dung chính là tăng giá điện từ 5,3 cent/kWh hiện tại lên đến 8 cent, tức là khoảng 1.500 đồng/kWh.

Trao đổi về vấn đề này, TS Nguyễn Tiến Thỏa, Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) nêu quan điểm, mặc dù văn bản của VEA chưa được gửi đến Cục quản lý giá, song qua các phương tiện thông tin đại chúng, lãnh đạo Cục đã biết. “Chúng tôi là đơn vị cùng với Bộ Công thương được giao nhiệm vụ thẩm định về giá điện. Tuy nhiên, hiện chưa có một phương án nào về tăng giá điện. Ngay cả khi có phương án giá, các Bộ Tài chính và Bộ Công thương cũng phải tính toán dựa trên nhiều yếu tố như chi phí đầu vào, chỉ số CPI, tỷ giá...”.

Đồng quan điểm với TS Thỏa, ông Tạ Văn Hường, Vụ trưởng Vụ Năng lượng gay gắt hơn: “Không hiểu VEA dựa trên cơ sở nào mà có thể đưa ra mức giá mới, bởi lẽ, mỗi lần tăng giá, dù chỉ 5%, Bộ Công thương cùng với các cơ quan liên quan cũng phải mất 6 tháng để tính toán giá thành, các yếu tố tác động đến hàng hóa, dịch vụ khác cũng như tổng thể là tác động đến nền kinh tế. Vì vậy, tôi cho rằng, đề xuất của VEA khó khả thi, nhất là trong thời điểm Chính phủ đang dốc toàn lực để phát triển, nâng cao chỉ số GDP của nền kinh tế”.

Đề xuất của VEA xuất phát từ việc cần tăng cường vốn đầu tư cho ngành điện. Nhưng theo ông Hường, nhu cầu vốn là vô cùng, nếu ngành nào thiếu vốn cũng tăng giá thì thử hỏi giá sẽ tăng đến đâu? “Đến năm 2020 Việt Nam mới có thị trường điện cạnh tranh. Hiện tại khi việc sản xuất, phân phối điện chưa theo thị trường, giá điện dù có theo thị trường thì cũng phải có lộ trình, không thể muốn là tăng được”, ông Hường nói.

Đề xuất chủ quan

Trong kiến nghị của mình, VEA đề xuất xóa bỏ cách tính giá điện bậc thang đang áp dụng, thay vào đó, vẫn hỗ trợ giá thấp đối với các hộ nghèo, cận nghèo, gia đình chính sách, có công với cách mạng, học sinh, sinh viên...

Thoạt tiên, nhìn vào đó, người ta hoàn toàn bị “thuyết phục” bởi dù có tăng giá điện, thì những đối tượng trên vẫn được Nhà nước bao cấp một phần, hay nói đúng hơn là chính sách an sinh xã hội vẫn được đảm bảo. Nếu điện tăng giá, theo lập luận của VEA, thì chỉ “đánh” vào kinh tế của những gia đình có mức thu nhập cao. Tuy nhiên, nên nhớ rằng, Việt Nam hiện có đến 80% dân số thu nhập trung bình. Và nếu tăng giá điện, không chỉ mỗi gia đình tốn thêm một chút tiền điện, mà quan trọng hơn, nó sẽ làm cho đầu vào của nhiều ngành kinh tế trọng điểm tăng, qua đó giá sản phẩm, dịch vụ cũng tăng theo. Ông Nguyễn Văn Thụ, Chủ tịch Hiệp hội Cơ khí Việt Nam lo ngại rằng, tăng giá điện để nhà đầu tư có lãi, nhưng chưa chắc đã đạt mục tiêu đủ điện. “Năm nay giá điện đã tăng rồi, nhưng thiếu điện còn trầm trọng hơn năm ngoái. Nhiều hội viên của Hiệp hội Cơ khí đã phải lao đao vì điện mất liên tục”.

TS Nguyễn Quang A cho rằng, thay vì để ngân sách tiếp tục bù cho người nghèo, có thể dùng phương pháp đấu thầu công khai. Ví dụ ngành viễn thông, tại những vùng sâu vùng xa ít ai chịu lên đặt trạm phát sóng, mỗi mạng viễn thông sẽ trích một khoản từ tiền lãi như quỹ hỗ trợ cho bất kỳ doanh nghiệp nào chịu đấu thầu làm trạm phát sóng. Tương tự với ngành điện, có thể dùng phương pháp đấu thầu này để tiết giảm chi phí khi kéo đường dây lên vùng sâu vùng xa vốn rất tốn kém, qua đó giảm được giá thành bán điện cho người nghèo.
Cách đây không lâu, chính ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch VEA, đăng đàn báo giới còn lớn tiếng chỉ trích việc liên tục đòi tăng giá điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). Tuy nhiên, mới đây, trong một cuộc hội thảo do VEA tổ chức, có sự tài trợ của Tập đoàn trong ngành năng lượng, ông Ngãi lại nói rằng: “Theo các tập đoàn, nhu cầu đầu tư cho điện rất lớn, từ nay đến năm 2025 lên tới vài chục tỷ USD, trong khi nguồn vốn huy động từ viện trợ phát triển (ODA), vay ngân hàng đang gặp khó khăn. Do vậy, cần tăng giá để thúc đẩy đầu tư vào lĩnh vực này.

Đề xuất của VEA, nhiều chuyên gia kinh tế phân tích, mang nặng tính chủ quan và “bênh” EVN. Theo VEA thì tính đến giữa tháng 7, EVN đã bị lỗ tới 5.400 tỷ đồng do phải mua điện từ Trung Quốc với giá cao và huy động tối đa các nhà máy điện chạy dầu. Tuy nhiên, VEA lại không biết, hoặc vô tình “quên” mất rằng, số lỗ rất lớn này sẽ được bù đắp nhờ nguồn dồi dào từ thủy điện trong những tháng cuối năm. Rõ ràng, trong tính toán của mình, VEA chỉ mới tính đến đầu vào giá cao là nhiệt điện mà “quên mất” đầu vào giá thấp là thủy điện.

Theo ông Phạm Mạnh Thắng, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công thương) thì chưa có cơ sở để VEA đề xuất tăng giá tới 1.500 đồng/kWh, tức là tăng 50% hiện tại. Dù rằng, giá điện có thể sẽ tăng vào năm tới, nhưng sẽ không đến mức ấy.

Xem thêm
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng

Sáng 18/4 (tức 10/3 năm Giáp Thìn - ngày Giỗ Tổ Hùng Vương), Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng tại Điện Kính Thiên trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh thuộc Khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Đền Hùng ở TP. Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.

Bộ NN-PTNT đứng đầu về chỉ số cải cách công vụ

Với số điểm đạt 94,4%, Bộ NN-PTNT đứng đầu các Bộ, cơ quan ngang Bộ về chỉ số cải cách chế độ công vụ trong bảng xếp hạng PAR Index 2023.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Cứu lấy gần 30ha rừng ngập mặn ở Nam Định: [Bài 2] Chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm?

Chủ đầu tư Khu công nghiệp Rạng Đông phải chịu trách nhiệm nếu kênh xả thải khu công nghiệp chặn dòng chảy làm gần 30ha rừng ngập mặn ven biển Nghĩa Hưng bị thiệt hại.