| Hotline: 0983.970.780

Đem Tết phố về quê

Thứ Bảy 28/01/2012 , 11:01 (GMT+7)

Cả năm quay quắt mưu sinh nơi phố xá, gần Tết, những người làm nghề thu mua phế liệu, nhặt rác cũng chuẩn bị những món quà rất “đặc thù” đem về cho gia đình. Chúng là những món quà Tết giá trị thì ít nhưng tình cảm thì chứa chan

Còn dùng được thì mang về quê
     
Trên một bãi đất trống trên phố Hoàng Cầu (quận Đống Đa, Hà Nội), chị Nguyễn Thị Hoa (quê ở xã Hải Minh, huyện Hải Hậu, Nam Định) đang tỷ mẩn gỡ đống dây điện rối vừa lượm được. Những đoạn dây không còn khả năng sử dụng chị để một bên và châm lửa đốt. Khi nguội, chị lấy đá đập phần muội than còn bám trên dây để lấy lõi đồng. Còn đoạn dây lành, chị cuộn tròn lại cho vào một chiếc túi nhỏ để mang về quê.

 

Chị Hoa đang tỷ mẩn gỡ đống dây điện rối vừa lượm được

Mỗi lần chị gom được một ít, đến nay chị cũng có được trên 100m dây điện có thể sử dụng được. Số dây đó chị tận dụng để mắc điện ra chuồng lợn, chuồng gà. Chị Hoa bảo: “Từng ấy dây điện mà đi mua chắc cũng phải mất 400 ngàn, số tiền đó bằng 80 kg thóc ở quê”.
Chồng mất sớm, mình chị phải nuôi hai con nhỏ và bố mẹ chồng già yếu. Tài sản của gia đình chẳng có gì đáng giá ngoài căn nhà cấp 4 làm nơi che mưa, che nắng. Thu nhập từ vài sào ruộng không đủ nuôi sống 5 người trong gia đình, chị đành khăn gói lên thành phố đi tìm việc làm.
 
Tay nghề không, kiến thức không, chưa biết làm gì thì một đồng hương rủ đi mua đồng nát, chị vào nghề từ đó. Cứ 6h sáng, sau khi vệ sinh cá nhân, chị ăn tạm vài thìa cơm nguội, lấy chai nước lọc rồi gồng gánh lên đường.

Ngoài thu mua ở các khu dân cư, chị còn bới ở các bãi rác, thùng rác những đồ có thể bán được. Thứ nào có thể tận dụng được thì để riêng, khi nào về nhà thì mang về dùng, cũng có nhiều chủ nhà thương tình cho thêm manh áo cũ, hay bán đồ với giá rẻ cho chị. Chả thế mà trong căn phòng trọ ọp ẹp của chị cũng có ti vi, quạt điện, nồi cơm điện, bàn là, lò vi sóng… “Toàn đồ phế phẩm bỏ đi, nhưng chúng tôi vẫn dùng được vài năm đấy”, chị Hoa nói.
    
Cách đó không xa, chị Lê Thị Hoài, đầu đội nón mê, mặt đeo khẩu trang kín chỉ để hở hai con mắt dừng chiếc xe đạp cũ trước một thùng rác công cộng. Chị lấy móc sắt móc trong thùng rác để bới tìm bất cứ thứ gì mà theo chị là có thể mang đến bán cho những điểm mua bán phế liệu. Vừa mở nắp thùng rác, chị thấy một chiếc cặp màu đen bị rách đường chỉ nhưng còn khá mới. Xem xét một lát, chị để chiếc cặp lên giỏ xe và tiếp tục công việc. Chị Hoài cho biết sẽ giặt sạch chiếc cặp để mang về quê cho con.
     
Gia cảnh khó khăn, vợ chồng chị Hoài phải gửi con cho ông bà nội nuôi rồi lên thành phố tìm việc. Chồng chị đi phụ hồ nhưng bị tai nạn lao động nên phải về quê dưỡng bệnh, còn chị thì đi lượm ve chai, mua phế liệu. Thu nhập trung bình mỗi ngày được khoảng 100 ngàn đồng, trừ chi phí ăn ở chẳng dư được bao nhiêu. Vì thế, chuyện sắm cho con tấm áo, chiếc cặp mới là điều khó khăn.
 

Đã 4 năm qua, con bé út của chị vẫn phải dùng chiếc cặp mua từ lớp 1. Nhìn chiếc cặp rách tả tơi, chị muốn mua cho con chiếc cặp mới nhưng chưa có tiền. “Mình khâu lại, để vài hôm nữa nghỉ Tết mang về cho con. Cũ người mới ta, chắc nó sẽ rất thích”, chị Hoài nói.

Đìu hiu quà Tết
     
Phòng trọ của chị Nguyễn Thị Tính (quê ở Cao Bằng) nằm trong một ngách nhỏ của phố Định Công (quận Hoàng Mai, Hà Nội) rộng khoảng 8m2. Mấy chị em cùng xóm trọ đang làm bữa cơm chia tay để hôm sau chị về quê.

Chị Hoài dừng chiếc xe đạp cũ trước một thùng rác công cộng

 
Bên trong góc nhà là những thùng các tông đã được đóng hộp gọn gẽ, bên ngoài ghi rõ tên từng thùng đựng món đồ gì. Chỉ vào thùng quần áo cũ, chị cho biết đó là của một chủ nhà cho.

Chị đem giặt sạch những bộ quần áo còn sử dụng được để mang về cho người thân. Chị dành chiếc khăn nhung cho mẹ chồng, chiếc áo rét màu đỏ dành cho con gái út, chiếc áo sơ mi trắng và chiếc quần bò cho con trai lớn 15 tuổi, đôi giày đen dành cho chồng...

Ngoài quần áo, chị còn mang về một chiếc ấm điện cũ, một nồi cơm điện cũ, một mớ dây điện, còn có cả 4 tấm Pro xi măng cũ để lợp chuồng gà. Chị bảo: “Người ta bỏ đi, nhưng thấy còn sử dụng được thì mang về dùng, coi như quà Tết cho gia đình”.
     
Khoảng 17h chiều, khi đã nhập hàng cho đại lý đồng nát xong, chị Lê Thị Loan (quê Diễn Châu, Nghệ An) rẽ vào quán tạp hóa quen thuộc trên phố Tam Trinh. Chị mua một kg kẹo cân, 1 lạng mộc nhĩ, miến và gói mì chính. Theo chị Loan, số thực phẩm ấy là đồ chị mua làm quà Tết cho gia đình.

Không có nhiều tiền để mua đồ một lần, mỗi ngày đi làm, lời lãi thu được chị đều dành mua một vài món đồ. Hôm thì mua bánh, hôm thì mua kẹo, có hôm thì mua được tấm áo mới cho con. Chị cũng để dành được gần 3 triệu đồng mang về quê, nhưng tiền tàu xe đã ngốn mất gần 300 ngàn, số còn lại chị chia thành từng khoản: mừng tuổi ông bà nội ngoại, làm nồi bánh chưng cho con và dành trả nợ. Chị bảo: “Mình chịu khổ một chút để sau này cho con đỡ vất vả hơn”.

Theo Bee.net
                                   

Xem thêm
Đảng ủy Bộ NN-PTNT bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024

Ngày 27/3, tại Trường Cán bộ quản lý NN-PTNT, Đảng ủy Bộ NN-PTNT đã tổ chức Bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024.

10 năm lực lượng kiểm ngư cùng ngư dân bám biển

Trong 10 năm qua, lực lượng kiểm ngư ngày đêm bám biển, điều động hơn 1.500 lượt tàu tuần tra, kiểm tra, kiểm soát nghề cá trên các vùng biển Việt Nam.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Thêm 4 điểm du lịch tiêu biểu ở ĐBSCL

Cần Thơ Hiệp hội Du lịch ĐBSCL vừa công nhận 4 điểm du lịch tiêu biểu của vùng, các đơn vị tiếp tục đầu tư, nâng chất, làm mới những sản phẩm du lịch hiện có.

Bình luận mới nhất