| Hotline: 0983.970.780

Dẻo thơm gạo ĐS1

Thứ Năm 19/06/2014 , 10:30 (GMT+7)

Giống lúa ĐS1 được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đưa vào trồng thử nghiệm với mô hình khảo nghiệm tại một số xã thuộc các huyện: Thông Nông, Hòa An, Nguyên Bình, Trùng Khánh, Quảng Uyên…, mở ra triển vọng phát triển sản xuất lúa chất lượng cao theo hướng hàng hóa cho nông dân.

Những năm gần đây, năng suất và sản lượng lúa của tỉnh khá ổn định, bảo đảm an ninh lương thực ở địa phương. Tuy nhiên, với các giống lúa chủ lực: Nhị Ưu 838, Tiên Ưu 63 và Khang Dân đạt sản lượng cao, nhưng chất lượng gạo chưa cao, giá trị thấp. Mặt khác, do điều kiện thời tiết ở một số địa phương khắc nghiệt, vụ xuân hằng năm thời tiết rét đậm, rét hại kéo dài, cây mạ sinh trưởng chậm, nhiều nơi mạ bị chết phải gieo cấy lại, gây thiệt hại đến kinh tế. Bên cạnh đó, người dân chưa mạnh dạn chuyển đổi giống, đầu tư thâm canh, còn sử dụng các giống địa phương, giống lúa thuần người dân tự để giống qua nhiều năm nên năng suất, chất lượng thấp. Từ năm 2011 đến nay, Sở NN&PTNT đã tập trung chỉ đạo các địa phương chuyển đổi cơ cấu giống lúa bằng việc đưa giống lúa dòng Japonica (ĐS1) vào sản xuất bổ sung vào cơ cấu giống lúa của tỉnh. Sở chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tuyên truyền vận động, phổ biến tiến bộ kỹ thuật, quy trình sản xuất, chăm sóc đưa giống lúa ĐS1 vào sản xuất, bổ sung nguồn giống tại chỗ vào cơ cấu giống lúa chất lượng cao của tỉnh, hướng đến sản xuất hàng hóa.

Được biết, năm 2009, một số hộ nông dân huyện Thông Nông lấy giống lúa ĐS1 tại Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên về trồng thử nghiệm với diện tích 2.000 m2 đất ruộng. Kết quả, giống lúa ĐS1 dễ chăm sóc, chịu hạn tốt, có sức chống sâu bệnh, thời gian sinh trưởng ngắn (từ 105 - 110 ngày), chất lượng gạo tốt, hạt gạo bầu, trong, cơm mềm dẻo và ngon, năng suất đạt từ 60 - 68 tạ/ha. Năm 2010 - 2011, từ hiệu quả bước đầu của mô hình thử nghiệm, UBND huyện Thông Nông giao Phòng NN&PTNT, Trạm Khuyến nông - Khuyến lâm huyện xây dựng mô hình gieo cấy giống lúa ĐS1 trong sản xuất vụ mùa tại các xã: Lương Can, Cần Yên, Đa Thông, Lương Thông và Thị trấn...
Bà Lãnh Thị Sông, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Thông Nông cho biết: Giống lúa ĐS1 phù hợp với điều kiện đất đai của địa phương, sinh trưởng, phát triển tốt ở cả vùng thấp và vùng cao, ưa thâm canh. Nếu giống lúa Đoàn kết chỉ đạt năng suất từ 34 - 36 tạ/ha thì giống lúa ĐS1 năng suất trung bình đạt từ 60 - 68 tạ/ha, cao có thể đạt 70 tạ/ha. Chất lượng gạo giống ĐS1 ngon, sản phẩm bán ra cao hơn giống lúa địa phương từ 1,3 - 1,5 lần. Do đó, từ nguồn vốn Chương trình 30a của Chính phủ, huyện đã hỗ trợ giống, phân bón cho nông dân để nông dân mở rộng diện tích từ 60 ha (năm 2011) tăng lên 120 ha (năm 2012). Năm 2013, huyện tiếp tục hỗ trợ giống, phân bón cho nông dân nghèo trên địa bàn huyện và đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân sử dụng giống lúa ĐS1.

Trên thửa ruộng đã được cày ải chuẩn bị cho vụ xuân, anh Hứa Văn Quân, xóm Nội Phan, xã Lương Thông (Thông Nông) vui vẻ nói: Trước đây gia đình tôi gieo cấy giống lúa Đoàn kết trên diện tích 2.000 m2, mỗi vụ chỉ được 800 - 900 kg thóc, bán giá 6 - 7 nghìn đồng/kg, hiệu quả kinh tế không cao. Năm 2013, cũng trên diện tích đó, tôi đưa giống lúa ĐS1 vào trồng, trừ chi phí đầu tư sau khi thu hoạch được hơn 1 tấn thóc, giá bán ra thị trường được 8 - 9 nghìn đồng/kg, nên gia đình rất phấn khởi, vận động thêm bà con trong xóm chuyển hẳn diện tích để gieo trồng giống lúa ĐS1.

Với chất lượng gạo tốt, cơm mềm dẻo, ngon, phù hợp với nhu cầu thị trường, giá trị cao hơn so với một số giống lúa khác, đến nay, giống lúa ĐS1 đã được nhân rộng ra 7/10 xã, thị trấn trên địa bàn huyện Thông Nông.

Đánh giá về hiệu quả sử dụng giống lúa ĐS1 trên địa bàn tỉnh, ông Lương Xuân Mào, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh cho biết: Giống lúa ĐS1 có khả năng thích nghi cao, phù hợp với điều kiện tự nhiên của Cao Bằng, chịu rét, hạn, sâu bệnh tốt, chất lượng gạo dẻo, đậm ngon, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Trong những năm gần đây, một số địa phương đã hỗ trợ triển khai mô hình trồng thử nghiệm giống lúa ĐS1 đạt kết quả tốt. Qua đó, nông dân đã thay đổi được nhận thức và tư duy mùa vụ, sử dụng cơ cấu giống, đầu tư thâm canh tăng năng suất, thúc đẩy sản xuất hàng hóa. Qua mô hình trồng thử nghiệm thành công ban đầu tại huyện Thông Nông, đến nay, diện tích trồng lúa ĐS1 toàn tỉnh tăng lên 300 ha và được nhân rộng ở các huyện: Thông Nông, Hòa An, Hà Quảng, Quảng Uyên, Trùng Khánh, Nguyên Bình, Thạch An, Phục Hòa. Thời gian tới, ngành NN&PTNT tỉnh tập trung chỉ đạo các địa phương chuyển đổi cơ cấu giống lúa, nhất là trong vụ mùa, mở rộng diện tích trồng giống lúa ĐS1, phấn đấu đến năm 2015, toàn tỉnh đạt khoảng 10.000 ha lúa chất lượng đạt tiêu chuẩn xuất khẩu.

Tết này, nếu bạn có điều kiện hãy đến Thông Nông hay Hòa An..., mua lấy vài cân gạo ĐS1. Khi cầm bát cơm mềm với mùi thơm đặc trưng sẽ đem lại cảm giác mới lạ đón xuân về.

ĐS1 là giống lúa thuần thuộc dòng Japonica được Viện Di truyền nông nghiệp di thực từ Nhật Bản về Việt Nam nghiên cứu chọn tạo và được Bộ NN&PTNT công nhận là giống Quốc gia năm 2010. Đây là giống lúa có thể trồng được 2 vụ/năm, thời gian sinh trưởng trong vụ xuân từ 130 - 135 ngày, vụ mùa từ 110 - 115 ngày, khả năng chịu rét tốt, ưa thâm canh, năng suất trung bình đạt từ 60 - 65 tạ/ha, thâm canh cao có thể đạt từ 75 - 80 tạ/ha. Chất lượng gạo tốt, cơm mềm và ngon có mùi thơm nhẹ, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Giá giống rẻ có thể để cho vụ sau. Kỹ thuật gieo cấy, chăm sóc, thu hoạch giống lúa ĐS1 áp dụng như các giống lúa thuần đã và đang sử dụng.

Xem thêm
Trại cầy vòi mốc lớn nhất miền Bắc thu hàng chục tỷ mỗi năm

Gần 20 năm gắn bó với cầy vòi mốc, anh Phạm Văn Hùng ở huyện Lục Nam, Bắc Giang đang thu được hàng chục tỷ đồng mỗi năm nhờ tâm huyết với loài vật này.

Hơn 200 đơn vị tham gia Triển lãm công nghệ, dịch vụ cho thú cưng

TP.HCM Triển lãm Quốc tế chuyên ngành công nghệ, sản phẩm, dịch vụ chăm sóc thú cưng tại Việt Nam - Petfair Vietnam và Livestock Vietnam 2024 được tổ chức tại SECC, quận 7, TP.HCM.

Hồi sinh giống lúa đặc sản nếp cái hoa vàng Kinh Môn

Hải Dương Giống lúa nếp cái hoa vàng Kinh Môn sau phục tráng cho năng suất và giá trị kinh tế cao hơn so với nếp cái hoa vàng thông thường.

Tháo gỡ 2 điểm nghẽn chính

Ngành mía đường có những điểm nghẽn cần phải giải quyết để phát triển ổn định, bền vững, đó là chia sẻ của TS Cao Anh Đương, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Mía đường (SRI).

Bình luận mới nhất