| Hotline: 0983.970.780

Đi chợ vùng biên

Thứ Sáu 23/12/2011 , 12:39 (GMT+7)

Đó là chợ Hòa Bình (xã Thành Long, huyện Châu Thành, Tây Ninh), chợ nằm cách thị xã Tây Ninh chừng 20 cây số, nằm sát biên giới Campuchia.

Chợ Hòa Bình (xã Thành Long, huyện Châu Thành, Tây Ninh) nằm cách thị xã Tây Ninh chừng 20 cây số, nằm sát biên giới Campuchia. Mặc dù chỉ là ngôi chợ nghèo, nhưng đến tận nơi mới thấy, đây không chỉ là nơi giao thương, mà còn là nơi giao tình hữu hảo, những nét đẹp về văn hóa Việt Nam - Campuchia như được hòa tan trong nhau.

NHỮNG NÉT RIÊNG ĐỘC ĐÁO

Mặc dù ánh nắng đã rải vàng khắp nơi, nhưng buổi sáng tiết trời vẫn se lạnh. Con đường đất dẫn vào chợ mịt mù bụi vì các loại xe ra vào tấp nập. Dạo một vòng quanh chợ, quan sát trang phục, khuôn mặt những người đến chợ, chúng tôi thấy có đến hơn một nửa trong số họ đến từ Campuchia. Điều thú vị là, dù đã rất cố gắng nhưng chúng tôi vẫn không thể theo dõi đầy đủ một cuộc trao đổi, mua bán nào giữa người Việt và Campuchia bởi họ sử dụng cùng lúc cả hai ngôn ngữ Việt - Cam xen lẫn và rất trôi chảy.

Chợ Hòa Bình chỉ có 140 gian hàng, ki - ốt lớn nhỏ, nhưng vẫn được coi là chợ lớn nhất trong số các chợ dọc vùng biên giới huyện Châu Thành. Lớn không phải vì lượng hàng hóa và lượt người đến nhiều, mà bởi chợ có những thứ mà các chợ khác không thể có, như dịch vụ mua bán lao động, thu đổi tiền đồng và tiền ria (Riel - đơn vị tiền tệ Campuchia). Đặc biệt là món gà Miên chỉ có ở chợ Hòa Bình.

Bên hông chợ, một nhóm chừng 20 người Campuchia đang túm năm tụm ba trò chuyện, hút thuốc phì phèo. Thoạt nhìn, tưởng họ chạy xe ôm, nhưng nhìn kỹ thì không phải. Ngoài chiếc xe máy cà tàng (nhiều chiếc không có biển số) ra họ còn mang theo cuốc, xẻng, dao rựa. “Mùa này bên Cam đang rỗi việc, trong khi bên mình lúc nào cũng thiếu nhân công thu hoạch mía, khoai mì, cao su… nên họ sang làm thuê. Họ chỉ làm trong ngày, chiều tối lại tập trung ở đây, vào chợ mua sắm những thứ cần thiết mang về”, anh bạn đồng nghiệp nói.

Những người đàn ông Campuchia đang đợi việc

Tôi để ý thấy các cuộc giao dịch giữa người thuê lao động và người cần việc diễn ra rất nhanh, rất vui vẻ, khi thì bằng tiếng Việt, lúc lại líu lo tiếng Cam. Lân la bắt chuyện một người đàn ông chừng 50 tuổi nói tiếng Việt rất sõi, anh cho biết tên Pathet Lieng, năm nay 48 tuổi, cả 2 vợ chồng anh từ nhiều năm nay vẫn sang Việt Nam làm thuê mỗi năm vài tháng trước mùa thu hoạch thốt nốt như vậy.

“Làm thuê vậy mỗi ngày thu nhập bao nhiêu?”, tôi hỏi. “Cũng khá đấy, đủ sống cho 2 vợ chồng và mấy đứa nhỏ ở nhà”, anh cười đáp. “Ở bên mình ngày càng hiếm lao động. May có lực lượng lao động Campuchia sang chứ nếu không cũng mệt. Họ sang đây làm chung với lao động người Việt, được trả công bằng người Việt nên họ thích và làm rất khỏe. Chính vì thế, chỉ cần đến kêu là họ đi chứ không kỳ kèo trả giá”, chị Nguyễn Thị Bình, người vừa đến thuê 5 lao động đốn mía cho biết.

Ở một góc chợ khác, có gần chục người phụ nữ làm nghề đổi tiền, trước mặt họ là những giỏ tiền to tướng, khu vực này khá náo nhiệt. Ghé lại chỗ một người phụ nữ đứng tuổi đang ngồi, tôi móc tờ 100 ngàn đồng ra đổi tiền ria và hỏi thăm. Chị vừa cho biết tên Phan Thị Mừng vừa nhanh nhẹn mở giỏ lấy ra những cọc tiền, chọn các tờ đủ mệnh giá từ 1 ngàn đến 10 ngàn ria và đếm đủ 19.000 ria đưa cho tôi.

“Hình như chị tính lãi suất hơi cao thì phải?”, tôi đùa. Chị quả quyết: “Lãi suất chưa tới 0,5% đâu. Tỷ giá giờ là 1.000 ria “ăn” 5.300 đồng. Ở đây đổi lãi suất cao người ta đi chỗ khác ngay”. Tôi hỏi: “Sao người ta toàn đổi tiền đồng sang tiền ria vậy chị?”. Chị Đỗ Thị Nhung, một “đồng nghiệp” ngồi cạnh chị Mừng nhanh nhảu đáp: “Đó là những người làm thuê, họ được trả công bằng tiền Việt nên đổi qua tiền ria mang về. Hoặc người Việt đổi để trả công lao động cho tiện. Cũng có khi người Việt đổi tiền ria rồi sang bên đó mua hàng. Đến mùa thốt nốt (khoảng từ tháng 2 trở đi), người Campuchia mang qua đây bán, lúc đó họ lại đổi tiền ria sang tiền Việt để buôn bán với mình. Tùy theo mùa mà tiền đồng hay tiền ria được đổi nhiều hơn”. 

Hoạt động đổi tiền (từ tiền Ria sang tiền Đồng và ngược lại) lúc nào cũng nhộn nhịp

Tôi hỏi: “Mấy chị làm nghề này vừa nhàn vừa thu nhập khá nhỉ?”, chị Mừng nói ngay: “Làm gì có, ngày kiếm chừng 3 - 4 chục thôi hà”. Tôi ngạc nhiên: “Thấy nhiều người đến đổi tiền lắm mà?”. Chị giải thích: “Ở đây toàn dân lao động nghèo, đi làm thuê ngày kiếm 1 - 2 trăm ngàn là cùng, lấy đâu ra mà đổi nhiều. Bịch to vậy chứ toàn tiền lẻ thôi”. Theo những người làm nghề đổi tiền ở đây, một ngày đổi 6 triệu ria cũng chỉ lời khoảng 30.000 đồng.

HÀNG VIỆT CHIẾM ƯU THẾ

Mặc dù được xem là chợ sầm uất nhất vùng biên giới huyện Châu Thành, nhưng chợ Hòa Bình vẫn chỉ là một chợ biên giới nghèo. Hàng hóa trong chợ là các mặt hàng thiết yếu như nông sản, bánh kẹo, gạo, thực phẩm đóng gói, quần áo, giày dép. Điều khiến chúng tôi vui nhất khi đến chợ Hòa Bình là thấy các mặt hàng của Việt Nam chiếm ưu thế, đâu đâu cũng thấy các thương hiệu Việt Nam như: Kinh Đô, Bibica, Vissan, Thực phẩm Cầu Tre, đồ hộp Hạ Long, sữa Vinamilk, giày dép Bitis... trên bao bì tất cả những sản phẩm này đều in hướng dẫn sử dụng bằng chữ Việt Nam và Campuchia.

Ngoài hàng Việt Nam chiếm đa số, trong chợ cũng có một số mặt hàng của Thái Lan. Riêng hàng Trung Quốc thì gần như không thấy! Bà Răn Phút, người Campuchia, vừa cùng 2 đứa con nhận tiền công làm cỏ rẫy ngót 500 ngàn đồng nên dẫn nhau vào chợ mua sắm. Đến 1 kios bán bánh kẹo, bà săm soi rất kỹ bao bì, đến khi chắc chắn gói kẹo là của Cty Bibica bà mới mua. “Hàng Việt Nam chất lượng cũng chẳng thua gì hàng Thái, giá lại rẻ hơn nhiều, nên chúng tôi vẫn thích mua hàng Việt Nam, khi nào không có mới mua hàng Thái”, bà nói. 

Đồ gỗ nội thất được “dân ta” mua từ Campuchia về

Ở chợ Hòa Bình còn có món gà Miên mà nhiều người nói lên đây mà không mua mang về coi như chưa đi chợ Hòa Bình. Gà Miên không chỉ là đặc sản mà còn là một phần thương hiệu của chợ Hòa Bình, giá lại rất “mềm”, chỉ 90 ngàn đồng/ký. Đặc điểm của gà Miên rất dễ nhận biết, đó là thân hình nhỏ nhắn, ít lông, và có cặp chân cao gấp đôi gà ta (của Việt Nam).

Giống gà này được người dân Campuchia nuôi thả tự nhiên nên thịt rất chắc và thơm, ngọt, hơn hẳn các loại gà khác. Ngoài các tiểu thương ở thị xã Tây Ninh lên mua về bán cho khách quen, khách vãng lai khi ghé chợ đều không quên mua ít nhất một cặp mang về thưởng thức.

Chợ Hòa Bình lâu nay còn là điểm đến của các cô gái Campuchia. Thỉnh thoảng họ dành ra một ngày sang chợ mua mỹ phẩm như dầu gội, dầu thơm, sữa tắm, xà bông… do Việt Nam sản xuất và làm đẹp. Chính vì vậy, mặc dù chợ nhỏ, ít người, nhưng mấy tiệm làm đẹp lúc nào cũng chật kín những cô gái trẻ.

Ghé tiệm làm tóc Mỹ Như, tôi thấy tiệm chỉ rộng chừng chục mét vuông nhưng đang chật khách. Đa số họ là những cô thôn nữ Campuchia với nét mặt hồn nhiên, nước da bánh mật, khỏe khoắn. Cô chủ tiệm tên Như cho biết, những ngày cuối tuần hoặc gần tết, khách đông, làm không ngơi tay. Giá làm đẹp cũng rất rẻ: vừa cắt tóc, nhuộm tóc, sơn vẽ móng, đắp mặt nạ, mát xa… tất tần tật cũng chưa tới 100.000 đồng.

Quan sát các hoạt động trong chợ, chúng tôi thấy việc mua bán giữa người dân hai nước diễn ra rất vui vẻ. Người bán rất chiều khách, còn người mua tha hồ trả giá, sau đó muốn trả bằng tiền Việt hay tiền Cam đều được. Tuyệt nhiên không có chuyện cãi cọ, lớn tiếng.

Một tiểu thương trong chợ tâm sự: “Hòa Bình chỉ là một cái chợ rất nhỏ, buôn bán ở đây không thể giàu được, nhưng dù có đi chợ lớn thế nào, tôi vẫn cứ nhớ ngôi chợ nhỏ này. Có lẽ, cái “hồn” của chợ đã thấm sâu trong tâm trí mọi người rồi. Đó là thứ khiến cho mọi người gắn bó với nhau. Những người Campuchia sang đây đi chợ giống như ở quê họ vậy. Họ sang mua từ mắm, muối, tỏi ớt trở đi. Ngay cả cái xe đạp bị hư họ cũng mang sang chợ để sửa và học nghề”.

Xem thêm
Đưa tư duy thị trường vào phát triển khoa học - công nghệ trong nông nghiệp

Chiều 19/4, Bộ NN-PTNT phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức Hội nghị trao đổi về nội dung phối hợp hoạt động khoa học - công nghệ (KHCN) giữa hai bộ.

Giá cam sành giảm mạnh, nông dân thất thu

ĐBSCL Hiện tại, cam sành loại 1 chỉ còn 5.000 đồng/kg, giảm 4.000đồng/kg so với dịp Tết Nguyên đán. Với giá bán hiện tại người trồng cam thua lỗ từ 2.000 - 3.000 đồng/kg.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Giá đất bồi thường thấp hơn giá thị trường ảnh hưởng đến giải phóng mặt bằng

THỪA THIÊN - HUẾ Giá bồi thường đất ở, đất trồng rừng sản xuất thấp hơn nhiều so với giá thị trường dẫn đến công tác giải phóng mặt gặp rất nhiều khó khăn.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm