| Hotline: 0983.970.780

Đi đầu tái canh cà phê

Chủ Nhật 09/08/2015 , 21:01 (GMT+7)

Nhờ tiên phong tái canh cà phê cùng với áp dụng chặt chẽ tiến bộ kỹ thuật vào SX, Cty TNHH MTV Cà phê Ia Grai đã vươn lên top đầu về năng suất, chất lượng.

Tiên phong

Chúng tôi được nghe nói nhiều về vườn cà phê tái canh hiệu quả rất cao của Cty TNHH MTV Cà phê Ia Grai bởi mỗi lần hội nghị bàn về tái canh cà phê từ cấp Trung ương đến địa phương thì đơn vị này luôn được mời lên báo cáo tham luận điển hình.

Trong chuyến công tác tại các tỉnh Tây Nguyên, chúng tôi hẹn gặp Giám đốc Cty Nguyễn Đại Ngọc đưa đi thực tế vườn cây.

Sở dĩ phải hẹn trước bởi vị giám đốc này rất ít khi có mặt tại văn phòng Cty, ông chỉ đến chốc lát giải quyết công việc hành chính, còn lại phần lớn thời gian trực tiếp xuống vườn cây nắm bắt tình hình; từ đó chỉ đạo người lao động chăm sóc đúng kỹ thuật.

Đến Cty đầu giờ chiều, chưa kịp uống nước ông Ngọc đã “lôi” ngay chúng tôi đi thăm vườn cây cà phê tái canh được 7 năm tuổi tại đội 8, xã Ia Hrung, huyện Iagrai. Những hàng cà phê xanh ngút ngàn, đều tăm tắp, qủa sai lúc lỉu đang trong thời kỳ vào chắc hạt.

Ông phấn khởi cho biết: "Những lô cà phê tái canh này được Cty đầu tư toàn bộ trong giai đoạn kiến thiết, đến thời kỳ kinh doanh mới giao khoán cho người lao động.

Nhờ làm đúng quy trình kỹ thuật nên cà phê rất tốt. Hiện năng suất bình quân của 200 ha cà phê đã tái canh đạt 4 tấn nhân/ha, cá biệt có những hộ đạt trên 5 tấn".

Có được thành quả này đó là cả là một quá trình dài đầy gian khó. Ông Ngọc kể, Cty đứng chân trên địa bàn 2 huyện biên giới là Chư Prông và Ia Grai của tỉnh Gia Lai, dân cư sinh sống chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ và di dân xây dựng vùng kinh tế mới đời sống khó khăn, tình hình an ninh chính trị diễn biến phức tạp.

Trong tổng số 1.008 ha cà phê thì có đến 300 ha được trồng từ những năm 1982, do hết chu kỳ khai thác, cây bị già cỗi, nhiễm bệnh nhiều nên năng suất, chất lượng thấp.

Bài toán đặt ra cho lãnh đạo Cty là phải tiến hành tái canh diện tích cà phê này gấp. Tuy nhiên vào năm 2007, thuật ngữ tái canh cà phê vẫn còn là điều mới mẻ, chưa có một mô hình nào làm điểm, chưa có quy trình kỹ thuật hướng dẫn tái canh được ban hành (năm 2013 Bộ NN-PTNT mới ban hành quy trình), mặt khác nguồn vốn tái canh lớn mà đi vay ngân hàng rất khó khăn đó là chưa kể lãi suất cao…

Khó khăn là vậy nhưng Cty vẫn quyết tâm phải tái canh bằng được diện tích cà phê “lão hóa” này.

Từ thực tế SX nhiều sáng kiến xây dựng quy trình, xây dựng kế hoạch, tiến độ được đưa ra, nguồn vốn thì huy động nhiều kênh khác nhau, khi bắt tay vào trồng mới Ban Giám đốc Cty chỉ đạo quyết liệt từng khâu, giám sát nghiệm thu chặt chẽ từng công đoạn.

Đến nay Cty đã tái canh được trên 200 ha, năng suất bình quân đạt trên 4 tấn nhân/ha.

Ông Nguyễn Đại Ngọc khẳng định: “Từ thực tế tái canh chúng tôi đã đúc kết muốn tái canh thành công thì không đào hố mới chồng lên hố cũ, đào hố rộng hơn và sâu hơn, cắm cọc để chống xoay gốc, phải có biện pháp chống dế, đào hố chống xâm thực, tránh rửa trôi xói mòn, xới váng mỗi lần bón phân vô cơ vào mùa mưa…”.

Hơn 30 năm kể từ ngày thành lập đến nay Cty TNHH MTV Cà phê Ia Grai nói riêng và các đơn vị của Tổng Cty Cà phê Việt Nam nói chung đóng chân trên địa bàn Tây Nguyên vừa thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế gắn liền với nhiệm vụ ANQP, vừa thực hiện an sinh xã hội, tạo công ăn việc làm, thu nhập cho người lao động nhất là lao động đồng bào dân tộc (Cty có 1.015 lao động, trong đó 328 người là đồng bào dân tộc), góp phần xóa đói giảm nghèo, xây dựng NTM và ổn định chính trị.

Có lẽ chính sự thành công của đơn vị đi tiên phong trong việc tái canh cà phê mà Cty đã đón hàng trăm đoàn khách từ khắp nơi về thăm quan, học hỏi và đặc biệt hơn một số khâu quy trình của Cty đã được Viện KHKT Nông lâm nghiệp Tây Nguyên, Cục Trồng trọt bổ sung vào bộ quy trình tái canh đã được ban hành.

Khoán đi đôi với quản

Thực hiện Nghị định 135/CP, Cty đã khoán toàn bộ diện tích cà phê cho người lao động. Nhờ chính sách này mà công nhân được nhận vườn cây và coi như của nhà mình nên đầu tư chăm sóc rất tốt, từ đó năng suất cà phê bình quân của toàn Cty đạt trên 3 tấn/ha.

Ông Ngọc kể: "Chúng tôi thực hiện phương án khoán nhưng không khoán trắng cho người lao động mà thực hiện 4 phương châm: Quản lý đất đai và vườn cây, quản lý quy trình kỹ thuật chăm sóc vườn cây, quản lý đầu tư vật tư phân bón, quản lý toàn bộ sản phẩm".

Chính phương án khoán đi đôi với quản đã đem lại hiệu quả thiết thực, Cty SXKD hàng năm đều có lãi, còn người lao động thu nhập được nâng cao từ đó gắn bó với doanh nghiệp, với vườn cây hơn và Cty cũng có điều kiện để áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào SX, quản lý chặt chẽ các công đoạn và tiến độ chăm sóc.

Ông Ngọc cho biết thêm: "Mặc dù niên vụ cà phê vừa qua toàn ngành mất mùa, sản lượng sụt giảm khoảng 30% nhưng năng suất, sản lượng của Cty lại tăng 10% so với vụ 2013.

Đặc biệt 23 hộ lao động là đồng bào Jarai tại làng Siu, xã Ia Vê là công nhân nhận khoán có vườn cà phê đạt năng suất trên 20 tấn quả tươi/ha, lãi ròng 70 - 80 triệu đồng/ha, có hộ lãi trên 100 triệu đồng/ha…

Phương án khoán đi đôi với quản của Cty được lãnh đạo Văn phòng Chính phủ, Bộ NN-PTNT, Tổng Cty Cà phê Việt Nam đánh giá rất cao và xem đây là mô hình cần được nhân rộng".

Xem thêm
Hơn 300 đại lý tham gia Hội nghị khách hàng Japfa Việt Nam

Ngày 28/3, Hội nghị khách hàng khu vực miền Bắc của Công ty TNHH Japfa Comfeed Việt Nam (Japfa Việt Nam) được tổ chức tại Vĩnh Phúc với chủ đề 'Đồng kiến tạo giá trị'.

Đề xuất không xử phạt hành chính thuốc thú y chưa kịp công bố hợp quy

Bộ NN-PTNT đề xuất Chính phủ không xử phạt thuốc thú y đã được cấp chứng nhận lưu hành nhưng chưa thực hiện công bố hợp quy từ ngày 14/2/2024 đến ngày 31/5/2025.

Tháo gỡ 2 điểm nghẽn chính

Ngành mía đường có những điểm nghẽn cần phải giải quyết để phát triển ổn định, bền vững, đó là chia sẻ của TS Cao Anh Đương, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Mía đường (SRI).

Bình luận mới nhất