| Hotline: 0983.970.780

"Đi đêm" với ngân hàng

Thứ Tư 27/07/2011 , 10:24 (GMT+7)

Dù biết nuôi lợn vào thời điểm hiện tại cầm chắc thắng to, nhưng người chăn nuôi nhỏ vẫn “lực bất tòng tâm” do không vay được vốn.

Đói vốn, nhà nông kiệt sức

Kỳ 2: "Đi đêm" với ngân hàng

Dù biết nuôi lợn vào thời điểm hiện tại cầm chắc thắng to, nhưng người chăn nuôi nhỏ vẫn “lực bất tòng tâm” do không vay được vốn. Nguyên nhân chủ yếu không gì khác ngoài việc sổ đỏ của họ hiện vẫn nằm trong ngân hàng sau đợt dịch tai xanh mấy năm về trước.

LỢN CŨNG PHẢI ĂN ĐONG

Hưng Yên là một trong những địa phương có phong trào nuôi lợn phát triển mạnh ở miền Bắc. Tuy nhiên, sau hai đợt dịch tai xanh, số lượng các hộ nuôi lợn ở đây đã giảm quá nửa. Anh Nguyễn Thành Luận, một hộ nuôi lợn ở xã Cẩm Ninh, huyện Ân Thi cho biết, với quy mô 400 lợn thịt, tham vọng của anh Luận là mở rộng chăn nuôi lên thành trang trại cỡ vừa để dễ bề đối phó với dịch bệnh. Nhưng đã hai tháng nay, hồ sơ thủ đã hoàn chỉnh nhưng anh Luận vẫn không thể tiếp cận được nguồn vốn từ ngân hàng.

Gặp chúng tôi, anh Luận lôi ra một đống thủ tục giấy tờ có con dấu đỏ chót ngán ngẩm nói: “Hồ sơ vay vốn của tôi có đầy đủ chữ ký của các cơ quan chức năng, nhưng đến ngân hàng nhất định họ không cho vay vì tôi chưa thanh toán nợ cũ. Cũng chính vì muốn trả nợ ngân hàng nên tôi mới vay tiền để tái sản xuất mong gỡ gạc chút ít, chứ bình thường chắc tôi chẳng cậy cục họ làm gì cho mệt”.

Không có vốn quay vòng, gia đình anh Luận phải chạy vạy vay mượn khắp nơi, bất kể lãi suất có chênh lệch cao so với ngân hàng.  Đàn lợn nhà anh Luận phải 3 - 4 tháng nữa mới được bán nhưng ngày nào chúng cũng ăn hết cả triệu tiền cám nên việc lo ngày 3 bữa cho đàn lợn đầy chật vật, khốn khổ. Ngoài việc “nài nỉ” các đại lí cám bán chịu, anh Luận liên tục bươn bả đến nhà anh em, họ hàng nhờ mỗi người giúp đỡ một ít để lấy tiền mua cám cho lợn ăn ngày một.

Cũng là người chăn nuôi có máu mặt ở xã Cẩm Ninh, nhưng đến nay chuồng lợn của gia đình anh Đỗ Xuân Chiêm, thôn Đông Bạn đã trống rỗng vì không có vốn. Nhiều lần vợ anh Chiêm tỉ tê với chồng vay ngân hàng lấy vài trăm triệu vực lại chăn nuôi. Nhưng lãi suất quá cao như hiện nay anh Chiêm biết chắc không thể kham nổi, trong khi đó nhà anh vẫn còn nợ ngân hàng 20 triệu đồng. Giả sử có vay được 300 - 400 triệu, phải nửa năm sau mới bán lợn trả được. Như vậy, mỗi tháng trả 5 - 7 triệu tiền lãi biết lấy đâu ra. Đó còn chưa kể đến tiền cám, vacxin, nhân công, điện nước… Nghĩ đã thấy mịt mù nên anh Chiêm đành bỏ trống chuồng đi làm thuê đong gạo ăn qua ngày.

ĐƯỢC ĂN CẢ, NGÃ VỀ KHÔNG

Năm 2009, sau khi vay ngân hàng được vài trăm triệu, gia đình chị Đỗ Thị Nguyên, xã Cẩm Ninh, huyện Ân Thi đã khôi phục đàn lợn vài trăm con. Chị Nguyên thật thà cho biết, để có được số vốn kha khá đó, chị phải chạy chọt chữ ký, con dấu từ cấp thôn trở lên. Vậy mà khi đến ngân hàng cũng phải "này nọ" cho cán bộ tín dụng mới cầm được đồng vốn trong tay. Tưởng sau đợt đó chăn nuôi gặp may sẽ có tiền trả nợ ngân hàng, nhưng giữa năm 2010, đàn lợn nhà chị Nguyên bị dịch tai xanh phải tiêu hủy gần hết.

Đến nay, 7 chuồng nuôi chỉ còn lèo tèo chưa đầy chục con lợn còi cọc vì đói ăn. Hỏi có dám nuôi lợn nữa không, chị Nguyên lắc đầu lè lưỡi nói không dám liều nữa, bởi lãi suất trên 20%/năm như hiện nay là quá cao, nếu không may dính dịch bệnh chỉ còn nước bán nhà vác bị đi ăn mày. Mặt khác, chị Nguyên bảo ngân hàng giờ không cho vay nhiều, tối đa cũng chỉ được vài ba chục triệu, lấy được số tiền đó lại còn phải “bôi trơn”, hao hụt nhiều nên thà đi làm việc khác còn đỡ đau đầu.

Cũng như tại Hưng Yên, các hộ chăn nuôi ở Vĩnh Phúc đang chật vật tiếp cận mọi nguồn vốn qua các kênh HTX, Hội Phụ nữ, Nông dân...Tuy nhiên số tiền không được bao nhiêu. Nhiều người trước đây đã thế chấp sổ đỏ để vay vốn chăn nuôi, giờ cần thêm vốn không biết lấy gì để thế chấp, tín chấp với ngân hàng. Anh Nguyễn Văn Chiến, xã Tam Phúc, huyện Vĩnh Tường tâm sự, năm 2007 gia đình anh vay 60 triệu đồng xây dựng chuồng nuôi lợn, giờ muốn vay thêm tiền để quay vòng cám bã, điện đóm, nhân công nhưng không còn gì để thế chấp nữa. Trước tình cảnh khó khăn đó, anh Cường trù liệu sẽ gắng xoay sở nuôi hết lứa lợn này rồi bỏ nghề. "Lãi suất cao như vậy, lợn béo đâu chả thấy, chỉ thấy béo mấy anh ngân hàng và công ty TĂCN" -anh Cường chán nản nói.

Với giá lợn hơi 67.000 – 70.000 đồng/kg như hiện nay, người chăn nuôi chắc chắn nhìn thấy có lãi.  Vì vậy, bên cạnh những hộ nông dân đã chùn tay, vẫn có những người sẵn sàng vay vốn để “đánh bạc” thêm một vài lứa nữa. Tuy nhiên, một cán bộ ngân hàng tại Vĩnh Phúc thú thật với chúng tôi rằng, giờ nhìn thấy người chăn nuôi đến vay, họ thậm chí phải đi trốn. Bởi cho vay không biết bà con có trả được cả nợ cũ lẫn mới hay không, chẳng may xảy ra dịch bệnh một cái vỡ nợ là cái chắc. Khi đó, không chỉ người chăn nuôi chết chìm mà đến ngân hàng cũng đuối theo vì nợ xấu.

 Do vậy, hiện cả phía các ngân hàng và người dân đều trông chờ phía nhà nước có chính sách, cơ chế đặc thù để giúp đỡ hỗ trợ người chăn nuôi trong thời điểm mà họ đã “lực bất tòng tâm” không tự cứu được chính mình.

Box

Một người dân đắng đót tâm sự, nợ ngân hàng không thể không trả, vậy nên nhiều hộ chăn nuôi đã đánh liều chọn cách “được ăn cả ngã về không”- tiếp cận nguồn vốn bằng mọi con đường để khôi phục sản xuất. Người chăn nuôi rất cần ngân hàng, nhưng ngân hàng lại sợ người chăn nuôi, nên việc người dân phải khổ sở cắn răng chịu cảnh “đi đêm” cũng là điều dễ hiểu.

LÂM NGUYÊN

Chú thích ảnh:

1.2. Nhiều hộ chăn nuôi lợn ở Hưng Yên đã treo chuồng vì cạn vốn

3. Hồ sơ của gia đình anh Luận có đầy đủ chữ ký, con dấu nhưng vẫn không vay được vốn từ ngân hàng 

 

126072011164821.JPG

226072011164822.JPG

326072011164823.JPG

Xem thêm
Chăn nuôi hướng đến hiệu quả bền vững tại Sóc Trăng

Gói giải pháp chăn nuôi toàn diện từ con giống, thức ăn, thuốc thú y và hỗ trợ kỹ thuật của nhà phân phối Bích Phúc giúp nhiều nông hộ đạt lợi nhuận tốt.

Điều trị, làm đẹp cho thú cưng: Đã học rồi còn phải học thêm

Thú cưng đưa vào các phòng khám thú y điều trị được siêu âm, X quang để chẩn đoán bệnh như người nên nhân viên phòng khám phải được đào tạo bài bản.

Lúa đông xuân thắng lớn, giá tăng 2.000 đồng/kg so với năm trước

Lúa đông xuân năm nay tại Trà Vinh được mùa, hiện giá lúa cũng đang ở mức cao, tăng khoảng 2.000 đồng/kg so với vụ đông xuân năm trước.

Đồng Nai hướng tới cơ giới hóa đồng bộ trong trồng trọt

Cơ giới hóa trong trồng trọt ở Đồng Nai đã có nhiều thành tựu nhưng chưa đồng bộ. Tỉnh này đang hướng tới việc cơ giới hóa đồng bộ trong thời gian tới.

Bình luận mới nhất