| Hotline: 0983.970.780

Đi gặt lúa mì với nông dân Pháp

Thứ Sáu 12/02/2010 , 08:41 (GMT+7)

Monsieur le journaliste vietnamien, ông Daniel Lavaud vừa gọi điện báo là 30 phút nữa, ông ấy sẽ đưa convoi đến đón monsieur đi gặt lúa mì!

Monsieur le journaliste vietnamien, ông Daniel Lavaud vừa gọi điện báo là 30 phút nữa, ông ấy sẽ đưa convoi đến đón monsieur đi gặt lúa mì!

- Cảm ơn Théo nhé!

Théo là cậu con trai thứ hai của anh chị Lune và Michel Feintrenie. Cậu đang học tiểu học. Hễ được nghỉ ở nhà, nghe tiếng chuông điện thoại reng reng, là cậu liền vớ lấy máy nghe ngay, rồi báo lại cho cả nhà biết nội dung cuộc gọi. Monsieur le journaliste vietnamien (ông nhà báo Việt Nam) là cách cậu gọi tôi trang trọng mà đùa vui. Tính cậu hóm hỉnh, thích đùa.

Ông Daniel sẽ đưa convoi đến đón tôi ư? Chữ convoi trong tiếng Pháp có nghĩa là đoàn xe, vậy thì đoàn gồm mấy chiếc xe, những loại gì?

Đã mấy năm rồi, năm nào cũng vậy, vào dịp cuối xuân đầu hạ, tôi được mời sang Pháp dự Gặp gỡ Blois về vật lý thiên văn. Sau một tuần hội họp căng thẳng, tôi không trở lại Paris đô hội, mà ghé về xã Chezelles yên tĩnh ở miền trung nước Pháp, nghỉ ngơi vài tuần, theo lời mời của gia đình Feintrenie. Đây cũng là dịp tốt để tôi tìm hiểu cuộc sống ở nông thôn Pháp.

Cuối xuân năm 2009, khi tôi đến Chézelles, thì hoa hướng dương đã nở vàng rực cánh đồng. Vụ gặt lúa mì gần như đã xong, chỉ còn sót lại đó đây dăm bảy thửa chưa gặt. Tôi liền đề nghị ông Daniel cho tôi được đi gặt lúa một buổi cùng bố con ông, gọi là được “ba cùng” với người nông dân Pháp. Không ngờ chiều hôm ấy, ông gọi điện hẹn đưa convoi tới đón tôi.

Tôi vội mặc thêm cái áo blu-dông, chả là vì đối với dân xứ nhiệt đới như tôi, tiết trời cuối xuân ở Pháp vẫn còn se lạnh. Khoác túi máy ảnh, sổ tay lên vai, tôi ra cổng sau nhà Michel trên đường D’Argy, đứng đợi.

Đoàn xe của nông trại Daniel Lavaud tới. Đi đầu là chiếc xe con du lịch do chính ông Daniel lái. Tiếp sau là chiếc máy liên hợp gặt đập nhãn hiệu John Deere, to lừng lững như toà nhà hai tầng, do anh Romaric, con trai thứ hai của ông lái. Và, cuối cùng, là một chiếc xe tải lớn, do anh Cédric, con trai đầu lái. Đúng là một convoi agricole (đoàn xe nông nghiệp).

Đoàn xe dừng bánh. Ông Daniel, 62 tuổi, mũ lưỡi trai ka-ki màu nhạt, râu cằm trắng như bông, mở cửa ca-bin chiếc xe con bước xuống, mời tôi lên xe. Tôi hơi ngượng vì ông chỉ mặc áo vải cộc tay mỏng manh, còn tôi thì khoác cả blu-dông giả da!

Đoàn xe chạy vòng qua khu nghĩa địa xã, về phía con đường đi bộ dọc bờ suối vắng mà chiều chiều tôi vẫn dạo qua. Ở đấy còn một vạt ruộng chưa gặt của nhà ông Daniel. Chúng tôi chụp chung một tấm ảnh trước khi bắt tay vào việc.  

Tác giả chụp chung với ba cha con ông Daniel một tấm ảnh trước khi bắt tay vào công việc gặt đập lúa mì

Ông Daniel phân công: Romaric 24 tuổi, còn sung sức, lái chiếc máy gặt đập to kềnh. Cédric 33 tuổi, đã lấy vợ, lái chiếc xe tải chở thóc về kho. Còn ông Daniel thì đứng đầu bờ, điều khiển buổi gặt qua điện thoại di động.

- Xin mời ông nhà báo Việt Nam lên ca-bin máy gặt đập, ngồi cùng cậu Romaric nhà tôi. Không đáng ngại đâu, khá tiện nghi.

Tôi theo Romanic trèo những bậc thang sắt lên ca-bin, ngồi trong khoang lái. Đúng là “khá tiện nghi” như ông Daniel nói, vì ca-bin luôn được điều hoà ở 20 0C. Tôi nghiêng mình chụp cho Romanic một pô ảnh, rồi nhờ anh bấm cho tôi một pô làm kỷ niệm, đáng tiếc là hơi ngược sáng.

Đồng đất ở đây khô cứng. Bánh cao-su xe tài, máy gặt đập chạy qua chạy lại không để vết hằn. Nhìn vào bảng điều khiển, tôi biết tốc độ trung bình máy chạy là 7 km/h; chiều ngang của giàn lưỡi hái là 11,4 m. Romaric cho biết thửa ruộng rộng khoảng 30.000 m2, sẽ phải gặt mất một giờ.

- Ông có nghe tiếng hạt lúa mì đổ rào rào phía sau ông không? Romaric hỏi tôi.

Lúc bấy giờ tôi mới quay đầu nhìn lại cái vách nhựa trong suốt ngăn thùng xe với ca-bin, và mới thấy vô số hạt lúa mì vàng đậm đang bay rào rào, nằm chồng lên nhau, cao dần, cao dần thành đụn. Máy gặt xong là đập ngay, tách hạt lúa ra khỏi rơm rạ.

Nhìn qua ô cửa sổ ca-bin, tôi thấy chiếc xe tải do Cédric lái, theo lệnh điều khiển bằng điện thoại di động của ông bố, đang lăn bánh trên đám đất vừa gặt xong, tiến gần đến bên phải máy gặt đập, rồi chạy song song. Bỗng từ bên hông chiếc máy gặt đập chìa ra một cái ống kim loại lớn như ống dẫn dầu thô, vươn dài đến tận giữa thùng xe tải, và rồi từ cái ống ấy, một dòng hạt lúa mì như dòng nước xiết “tuôn chảy” đúng vào thùng xe. Máy gặt đập vẫn cứ tiếp tục gặt và đập, đồng thời, trút dòng hạt thóc xuống thùng chiếc xe tải chạy song song bên cạnh, cho đến khi thùng xe đầy ắp, thế mà hầu như không để rơi vãi ra ngoài hạt nào! Tôi như được xem một tiết mục xiếc do hai nghệ sĩ điêu luyện biểu diễn với độ chính xác cao.

Cédric phải chạy ba chuyến xe tải mới chở hết 15 tấn hạt lúa mì vừa gặt và đập xong về kho.

Ngồi trong ca-bin, nhìn đám đất quang quẻ vừa gặt sát gốc rạ, tôi hỏi:

- Ba bố con anh hiện canh tác bao nhiêu héc-ta?

- 300 héc-ta.

Tôi thầm nghĩ, vậy là về mặt diện tích canh tác, thì một hộ ở đây làm bằng cả một xã bên ta!

- Diện tích rộng như vậy, chắc phải thuê thêm người làm?

- Hầu như không! Chỉ vào mùa vụ, mới mướn tạm vài ba công nhật.

- Sản lượng hàng năm đạt bao nhiêu tấn?

- 1.500 tấn hạt cốc (lúa mì, lúa mạch). Đó là chưa kể các loại sản phẩm khác như hạt hướng dương, hạt cải dầu...

- Năng suất quá cao!

- Cái chính là do máy. Chúng tôi “bóc lột” máy móc thôi mà!...

Một điều nữa khiến tôi ngạc nhiên là, trong buổi gặt hôm ấy, hầu như Romaric không bỏ sót một bông lúa nào! Kể cả những bông sát bờ hay ở góc ruộng, anh cũng khéo léo lái máy đưa lưỡi hái tới nơi, gặt cho kỳ hết.

Chiều hôm ấy, ông Daniel mời tôi về nhà ông chơi, nhắm rượu với cá trích phết bơ. Vào độ cuối xuân, bên Pháp trời tối muộn. 21 giờ, vẫn còn trông thấy mặt trời chói loá ở chân mây. Vườn nhà Daniel rộng khoảng 7.000 m2. Ông dẫn tôi đi dạo một vòng quanh. Trong vườn xây một nhà kho chứa được 1.300 tấn hạt cốc, có lắp thiết bị tự động sấy khô. Ngoài máy liên hợp gặt đập, ông còn sắm bao nhiêu thứ máy móc nông nghiệp khác nữa, như 2 máy cày, 2 máy cán cỏ dại, 5 máy kéo loại mạnh nhất tới 170 sức ngựa, 5 rơ-moóc, rồi giàn phun nước. Đó là chưa kể xe ôtô con và ôtô tải...

- Lúc đầu, gia đình tôi chỉ có 66 ha đất, về sau, mua thêm 28 ha, rồi thuê gần 200 ha, tổng cộng canh tác ngót nghét 300 ha.

Theo GS Đào Thế Tuấn, một chuyên gia nông nghiệp nổi tiếng thế giới, thì kinh tế nông thôn Pháp hiện là kinh tế hộ nông dân (peasant household economy), chứ không phải kinh tế tư bản chủ nghĩa (capitalist economy). Mỗi hộ sở hữu 30 - 300 ha. Nhờ máy móc tiên tiến, họ tự mình canh tác trên nông trại của mình, không bóc lột sức lao động của ai.

Năng suất cao khó tưởng tượng! Ở các nước như Mỹ, Pháp, số người làm nông nghiệp chỉ chiếm 2 - 7% số dân, thế mà vẫn cung ứng đủ bánh mì, bơ sữa, thịt trứng, hoa tươi, quả ngọt, rượu ngon… cho toàn dân nước họ. Lắm khi lại còn thừa, xuất sang các nước đang phát triển, nơi 80% số dân làm nghề nông!

Chézelles dân cư thưa thớt, vỏn vẹn chỉ có 450 người. Thế mà diện tích thì rộng tới 2.500 ha (gấp 5 lần Hồ Tây, Hà Nội). Dân cư hầu hết thuộc tầng lớp trung lưu. Họ vừa là chủ nông trại gia đình, vừa là người trực tiếp làm ra của cải vật chất. Cả làng chỉ còn 3 người làm thuê thời vụ.

Đến các nước phương Tây, nếu ta chỉ quẩn quanh ở các thành phố lớn, thì những gì ta thấy cũng chẳng khác mấy ở các thành phố Việt Nam ta, khách sạn, chung cư, nhà bê-tông cốt thép thì ở đâu mà chẳng na ná như nhau! Nhưng, nếu ta về nông thôn, sống lâu với nông dân Pháp, Đức hay Mỹ, Canada, Australia, thì sẽ thấy khác hẳn. Và ta sẽ tự hỏi: Đến bao giờ nông dân ta mới đạt được năng suất cao như họ? Và, do đó, có cuộc sống tiện nghi như họ? Nông dân ở Chezelles hầu như ai cũng có ôtô riêng, một vài người còn sắm cả máy bay cánh quạt để chơi thể thao! Nhiều gia đình có bể bơi riêng, chỉ riêng số tiền gas dùng để sưởi ấm bể bơi vào độ xuân - hè cũng “ngốn” mất 1.000 euro (29 triệu đồng tiền Việt) một tháng!...

Xem thêm
4,2 triệu Euro hỗ trợ nông dân ĐBSCL làm nông nghiệp sinh thái, thông minh

Trà Vinh Dự án được tài trợ bởi Liên minh Châu Âu và triển khai tại các tỉnh Đồng Tháp, Kiên Giang và Trà Vinh, với tổng vốn đầu tư 4,2 triệu Euro.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Cầu Trần Hoàng Na phục vụ lưu thông từ ngày 26/4

Từ ngày 26/4, cầu Trần Hoàng Na, bắc qua sông Cần Thơ chính thức đưa vào khai thác sử dụng, phục vụ nhu cầu lưu thông cho người dân.

Bình luận mới nhất