| Hotline: 0983.970.780

Đi không biết sợ là gì

Thứ Năm 20/06/2013 , 09:39 (GMT+7)

Nghề nào cũng có nỗi trần ai của nó, nhưng mình vướng nghề báo, chịu thiệt nhất vẫn là người thân.

Thời kỳ chưa có tên tuổi trong làng báo (và cả làng văn), tôi lặn lội như bây giờ cánh trẻ gọi là phượt. Phóng viên một tờ "Thông tin" của Sở Thông tin Văn hóa (lúc ấy họ gọi vậy chắc là để nhấn mạnh phần thông tin tuyên truyền), phạm vi đi quanh quẩn trong một tỉnh.

Nhưng tỉnh Hậu Giang những năm người ta “thay trời đổi đất sắp xếp lại giang sơn” ấy gồm tới 3 tỉnh là Cần Thơ, Sóc Trăng và Hậu Giang bây giờ. Vì vậy mà tỉnh rộng như một vương quốc, từ thủ phủ miền Tây là Cần Thơ tới huyện Vĩnh Châu cuối trời phải một ngày đường. Và dân số của tỉnh thì bằng dân số của nước Mông Cổ hồi ấy.

Cô nhà báo trẻ chưa đầy ba mươi tuổi nhưng đã kịp có hai con nhỏ gửi cho bạn bè. Tự tìm địa bàn mà đi, tự quan sát và viết những thứ mình thu nhận được, dĩ nhiên là phải nhớ “con người mới điển hình mới đấy nhá”, các sếp thay nhau căn dặn vậy. Những bài báo cỏn con không bao giờ viết hết mọi thứ mình nghĩ nhưng được cái, những thứ còn lại nằm sâu trong ký ức và nó sẽ giúp ích cho những chủ kiến riêng sau này. Và nó là quặng vỉa cho văn chương.

Những chuyến đi giống du lịch ba lô, nhiều lần giống như home stay của mấy ông tây bà đầm ngày nay. Một cỗ xe thổ mộ trong mùi hành tím của xứ nhiều người Khmer ở Vĩnh Châu. Một chuyến ven thị xã Sóc Trăng với trại phong (cùi); những ngôi chùa Khmer cổ kính mê hồn; những chủ ghe tốt bụng cho người quá giang mà không đòi một khoản đóng góp nào; những bữa ăn trên sông trên nước kiểu “có gì ăn nấy” nhưng bao giờ cũng ngon hơn khi ăn ở trên bờ; những buổi tối với những gia đình nông trăn trở chuyện lúa gạo, chuyện thời giá bên ngọn đèn dầu…

Má hỏi con làm nghề gì mà quanh năm không thấy ai biếu xén gì hết trơn? Anh chị trách cái con nầy mê đi gửi con gửi cái tùm lum (tôi thường nhờ bạn bè trông coi hai đứa nhỏ). Nghề nào cũng có nỗi trần ai của nó, nhưng mình vướng nghề báo, chịu thiệt nhất vẫn là người thân. Biết sao được, nghề nào cũng đòi hỏi đam mê, không đam mê đố ai thành nhà gì.


Nhà văn Dạ Ngân và chồng - nhà văn Nguyễn Quang Thân

Khi đã có chân trong làng văn, thì cái chân báo trong tôi lại càng phấn khích. Xê dịch đã thành nhu cầu, như thở, như ăn, như uống. Mười năm cuộc chiến với lũ Pôn Pốt trên đất Campuchia, tôi 4 lần sang với quân đội Việt Nam bên ấy. Eo ơi, nghe lại đã thấy ớn, không biết hồi ấy sức mạnh đâu mà đi hăng vậy.

Lần thứ nhất chỉ mấy tháng sau cái ngày quân Việt Nam vận động chiến thần tốc sang (tháng Giêng năm 1979). Chuyến đi phải vòng đường Mộc Bài, qua phà Niek-Luon rồi mới là Phnom Pênh (đường Tịnh Biên thuộc Quân khu 9 đảm trách chưa yên). Các nhà báo luôn được bộ đội hộ tống cả khi đi bộ trên đường phố hoang phế, đầy tiếng ễnh ương oàm oạp khắp nơi. Có thể bị tàn quân bắn tỉa trong ngõ hẻm hay trên nóc nhà nào đó.

Lần thứ hai vào năm 1981, lúc này đường Tịnh Biên - Tà Keo - Kom-pong- chnăng đã thông thoáng nhưng bộ đội vẫn còn thường xuyên chết vì mìn, vì tàn quân lẩn trong phum sóc mà địa hình phức tạp và ngôn ngữ xa lạ luôn là trở ngại. Tôi đi, nói là không sợ gì nhưng sâu xa vẫn sợ một phát đạn từ trên tàng thốt nốt nào đó, hay một quả mìn nằm chờ trong một cụm cỏ dại bên đường, hay một ánh mắt thù địch của nữ du kích Pôn Pốt đã trà trộn về an toàn bởi nỗi khiếp sợ của dân chúng.

Lần thứ ba đúng là phiêu lưu, tới cùng, vì tình thương những người lính lúc này đã thực sự là “lính viễn chinh” thôi thúc. Họ cần sự có mặt của những nữ nhà báo, có khi chỉ vì chúng tôi là phụ nữ mà thôi. Họ thèm một dáng nón lá, thèm một giọng nữ nói tiếng Việt, thèm bữa ăn mà đầu bếp là nữ. Đó là mùa hè năm 1984, chiến trường giằng co dữ dội, bộ đội áp gần sát biên giới với Thái Lan, nơi Pôn Pốt mượn đất (hay mua) làm căn cứ dưới cái bóng của nước lớn nào thì bây giờ mọi người đều đã biết.

Nơi ấy là rừng già, túi chứa của vi trùng sốt rét khiến lũ voi còn phải rụng cả lông. Đồng Băt-đom-băng bát ngát không thấy ven cây nào nhưng tàn quân Pôn Pốt có thể phục kích ở những lùm bụi mà chúng thuộc như lòng bàn tay của chúng. Và người lính chết khát trên những điểm cao bị bao vây, hoặc bị mìn zip phải cưa chân, hoặc tả tơi vì sốt rét hoành hành còn hơn cả quân giặc… Pai-lin là địa danh thực sự ám ảnh trong đời làm báo của tôi.

Lần thứ tư thì đi, như thể được đền bù, vào năm 1989, để biết thế nào là “quân đi nước lũ”, trong thế khải hoàn. Cũng là để mừng cho ba chuyến đi trước mình đã dấn thân mà không hề gì, một nhà báo gặp may.

Quãng làm báo 15 năm ở Hà Nội vẫn là cái “thói” đi bạt tử và tôi nhớ nhất hai chuyến.

Chuyến thứ nhất đi giàn khoan ngoài biển. Thực sự tôi không thích đi giàn Trung tâm suốt ngày khách khứa nườm nượp, có thể họ miễn cưỡng với khách và có thể họ cũng trơn tuột với báo cáo thành tích. Tôi chọn Giàn 5, nhỏ lẻ, chưa từng nhà báo nào đặt chân đến. Lúc bước chân lên trực thăng và ngồi nhìn xuống đại dương mới thấm thía câu nói của dân đi giàn: “Đi ra giàn cũng chưa phải là yên, khi về, trực thăng chạm xuống sân bay mới biết chuyến đi ca ấy nguyên vẹn”.

Một “ngôi nhà” chân cắm vào biển sâu, khép kín tuyệt đối và cũng nhiều tiếng ồn đến mức ăn ngủ với tiếng ồn của máy móc và có thể phát điên vì chúng. Ai mới ra giàn cũng bị viêm mũi, gọi là “nộp thuế” cho giàn khoan vì không khí lưu cữu trong môi trường không có gió lưu thông. Mười ngày một ca, con người chống chọi với đủ thứ, quá bé nhỏ so với đại dương, cô độc và bất trắc.

Không ước gì, chỉ ước rau muống luộc, vì vậy mà người thân luôn đón dân đi giàn về bằng món rau muống! Những ghi nhận về mười ngày ở Giàn 5 tôi đã viết trong Bút ký đi giàn in 3 kỳ trên báo Văn Nghệ năm 1998 ấy, đọng lại cho đến hôm nay trong tôi vẫn là: để có một giọt dầu thô phải mất quá nhiều tâm sức của biết bao người. Và, không phải nữ nhà báo nào cũng nhìn thấy được những công đoạn mồ hôi nước mắt đó.

Chuyến thứ hai tôi đi vùng mỏ Quảng Ninh. Đèn trước trán, ủng cho đôi chân, tôi quả quyết theo công nhân hầm lò đi ca. Đi mãi đi mãi xuống, hàng mấy trăm bậc xuống âm ti, trong không gian càng lúc càng ngộp thở. Mỗi ngày người thợ hầm lò phải mất hàng giờ cho mỗi lượt đi như vậy. Những xe goòng và những công nhân tựa lưng vào hầm ăn vội vàng ổ bánh mì giữa ca, không giống bất cứ thứ gì đã thấy trên mặt đất. Chỉ có ánh mắt là sáng để nhận ra đó là người chứ không phải “một đụn than”.

Đi bộ một quãng dài vào đường ngách, càng đi càng hẹp, càng thiếu ô-xy. Hết đường ray cho xe goòng là những công nhân ở khâu cuối cùng tột độ hiểm nguy: những người bới than bằng xẻng với những cây chống trên đầu như cái sườn công sự thời chiến. Tôi luồn vào, trò chuyện với một nhóm thợ trẻ chỉ thấy mắt nhấp nhánh. Một người nhẹ nhàng nhắc: Cô lên đi cô, ở đây nguy hiểm! Nếu có câu nói nào, có bối cảnh nào khiến tôi bùi ngùi đeo đẳng nhất, ngoài những người lính ở Campuchia mà mình không gặp lại nữa, thì chính là những người thợ công đoạn chót ấy, giọng nói và cả cách nói ấy.

Đi là thuộc tính của nghề báo. Và đi không biết sợ là gì, là một trong những phẩm chất của người làm báo. Biết bao người đã đi với tâm thế ấy nhưng đâu có may mắn như tôi. Bằng chứng là có 6 người từng cùng chung vui buồn với tôi trong chiến tranh đã đi và không bao giờ trở về được nữa.

Biết làm sao được. Hằng ngày trên thế giới này vẫn đang có những nhà báo lâm nạn đó thôi. Cảm ơn một công việc mà con người luôn phải gan góc, trí tuệ, khôn ngoan và được cống hiến.

Xem thêm
Đảng ủy Bộ NN-PTNT bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024

Ngày 27/3, tại Trường Cán bộ quản lý NN-PTNT, Đảng ủy Bộ NN-PTNT đã tổ chức Bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024.

Nhãn, vải ra hoa ít, ong nuôi ‘đói’ mật, nông dân thất thu

Vụ mật ong xuân năm nay chỉ có 40% số hộ nuôi ong mật nội rừng ở Kinh Môn (Hải Dương) thu được mật, sản lượng giảm so với vụ xuân trước.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Lão nông U70 với tham vọng đưa bưởi Diễn xuất ngoại

Bằng tình yêu nông nghiệp cùng óc sáng tạo trong sản xuất, ông Lê Hữu Diện đã trở thành người tiên phong làm nông nghiệp hữu cơ tại huyện Chương Mỹ, thành phố Hà Nội.

Bình luận mới nhất