| Hotline: 0983.970.780

Thứ Hai 20/08/2012 , 10:00 (GMT+7)

10:00 - 20/08/2012

Đi ngược xu thế!

Tin UBND tỉnh Khánh Hòa vừa xin cấp phép đầu tư cho 3 dự án sân gôn khiến dư luận hết sức hoang mang.

Tin UBND tỉnh Khánh Hòa vừa xin cấp phép đầu tư cho 3 dự án sân gôn, nâng tổng số sân gôn tại địa phương này lên con số 8, trong đó riêng xã đảo Cam Lập (TP Nha Trang) đã phải “gánh” đến 3 sân gôn, choán hầu như toàn bộ diện tích đất sản xuất của xã này, khiến dư luận hết sức hoang mang.

Hoang mang bởi một lẽ, cùng thời điểm trên, 2 tỉnh Tây Ninh và Long An vừa thu hồi hàng loạt các dự án quy hoạch treo để trả đất cho dân sản xuất. Việc xin cấp phép cho sân gôn của Khánh Hòa được ví như chuyện đi ngược xu thế tất yếu của xã hội.

Hiện tỉnh Khánh Hòa đã có đến 5 sân gôn, trong đó riêng xã nghèo Cam Lập là 3 sân. Điều đáng quan ngại là trong số các dự án sân gôn nói trên, sân gôn do chủ đầu tư là Cty CP Đầu tư phát triển Vinashin - Habubank dù đã khởi công 4 năm nay, nhưng hầu như chưa có động thái triển khai. Trong khi đó, người dân nơi đây thì không có đất sản xuất, đời sống gặp muôn vàn khó khăn.


Ảnh minh họa

Xã đảo Cam Lập có khoảng hơn 100ha đìa nuôi tôm thẻ chân trắng. Tuy nhiên, nếu UBND tỉnh Khánh Hòa xin bổ sung tiếp 3 sân gôn nữa, trong đó Cam Lập phải “gánh” thêm 1 sân, diện tích 150ha, thì “chiếc áo” vốn đã quá chật, giờ dân Cam Lập lại phải chứa thêm một “cơ thể gôn” lực lưỡng nữa.

Bởi lẽ, dự kiến 1 trong 3 dự án sân gôn sẽ lấy khoảng 70% diện tích đìa nuôi tôm về phía biển. Tuy nhiên, một khi dự án này thực hiện, 30% diện tích đìa còn lại cũng sẽ “tự tiêu” vì nguồn nước phía biển bị sân gôn che chắn.

Người dân đang đối mặt với nỗi lo nghèo đói, bởi nếu xây 3 sân gôn, họ sẽ mất đất, mất đìa nuôi tôm, mất việc… Hiếm có ai dám mơ về sự đổi đời ở tương lai xa.

Nhưng khoan hãy nói về chuyện của người dân, về nỗi khổ của họ khi mất đất, mà trở lại chuyện UBND tỉnh Khánh Hòa “phớt lờ” chỉ đạo của Chính phủ. Hay nói đúng hơn, có lẽ chủ trương “cấm lấy đất sản xuất lúa 2 vụ để làm sân gôn” do Thủ tướng Chính phủ ký tại công văn số 8170 ngày 16/11/2009 chưa đến được với tỉnh Khánh Hòa? Vậy nên tỉnh này vẫn cố tình đi xin cấp phép sân gôn, mà thực chất là đi “chạy dự án” giúp các chủ đầu tư để chiếm đất của dân.

Còn nhớ, năm 2009, sau khi vấn đề “lạm phát sân gôn” được đưa ra chất vấn trước Quốc hội, Chính phủ có quyết định 1946, loại bỏ hơn 60 dự án chiếm giữ những bờ xôi ruộng mật của nông dân, chấm dứt luôn tình trạng “mỗi tuần Việt Nam có thêm 1 sân gôn” như hồi năm 2006 – 2008.

Tuy nhiên, việc Khánh Hòa xin bổ sung vào quy hoạch thêm 3 sân gôn có thể làm cho “trào lưu” xây dựng sân gôn quay trở lại. Cũng cần phải lưu ý thêm rằng, Việt Nam chúng ta có tốc độ “công nghiệp hóa”, tức là lấy đất nông nghiệp làm công nghiệp, nhanh nhất châu Á. Nếu cứ tiếp diễn kiểu “xin cấp phép sân gôn” như Khánh Hòa, thì Việt Nam lại có thể còn dẫn đầu luôn về số lượng sân gôn.

Một chuyên gia kinh tế ngán ngẩm: “Toàn những thứ “dẫn đầu”, nhưng không người dân nào muốn đón nhận".