| Hotline: 0983.970.780

Di sản chiến tranh: Cha con nhận nhau sau 40 năm

Thứ Tư 22/04/2015 , 06:15 (GMT+7)

Sau 40 năm, nhiều đứa con lai của lính Mỹ tham chiến tại Việt Nam vẫn chưa tìm lại được người thân.

Võ Hữu Nhân đang trên ghe bán rau ở chợ nổi thuộc khu vực ĐBSCL thì điện thoại kêu. Người gọi điện, từ nước Mỹ xa xôi, thông báo kết quả xét nghiệm ADN cho thấy ông là con trai của một cựu binh Mỹ.

Ông Nhân, 46 tuổi, đã biết cha mình là một lính Mỹ tên là Bob, nhưng chỉ thế thôi. “Tôi đã khóc”, ông Nhân nói với báo Washington Post. “Tôi đã mất cha 40 năm nay, và giờ đây cuối cùng lại có cơ hội đoàn tụ với ông ấy”.

Con lai Mỹ - Việt

Nhưng tiến trình đoàn tụ của cha con họ không hề diễn ra êm ả. Họ chỉ là một trong 8.700 trường hợp mà người thân thích phải xa cách nhiều năm, hơn nữa cha ông Nhân, Robert Thedford Jr, một phó cảnh sát trưởng đã về hưu ở Texas, hiện đang đau ốm.

Khi quân nhân cuối cùng của Mỹ rời Sài Gòn trong các ngày 29 và 30/4 năm 1975, họ bỏ lại sau lưng hàng ngàn trẻ em là con lai Mỹ - Việt, có đứa nửa da trắng, có đứa nửa da đen. Đây là kết quả các cuộc tình của lính Mỹ với các cô gái quán bar, nhân viên tiệm giặt ủi và có khi là những lao động chuyên vận chuyển và đổ đầy các bao cát mà quân Mỹ dùng làm công sự. Đến nay, những đứa trẻ ấy đã ở tuổi trung niên và câu chuyện cuộc đời họ cũng phức tạp như lịch sử hai nước Việt - Mỹ.

Sau 40 năm, vẫn còn hàng trăm con lai Mỹ-Việt, hoặc nghèo, hoặc không có bằng chứng chứng tỏ họ là con lai với các chương trình được ra đời theo luật Hồi hương con lai Mỹ ra đời năm 1987.

Nay một hội con lai ở Mỹ đã có những nỗ lực nhằm tái hợp các cặp cha mẹ và con cái Mỹ-Việt bằng phương pháp xét nghiệm ADN.

Trista Goldberg, 44 tuổi, đến từ bang New Jersey là một đứa con lai. Cô thành lập một nhóm thiện nguyện lấy tên là chiến dịch Tái hợp. Trista được một gia đình người Mỹ nhận làm con nuôi năm 1974. Năm 2001, cô tìm thấy mẹ ruột. Hai năm trước, cô đến TP HCM, nơi có 80 người đã tụ tập để cung cấp mẫu nhận dạng ADN. Cô hy vọng sử dụng nguồn dữ liệu đã thu thập được để giúp 400 trường hợp tìm lại người thân.

Hơn 3.000 trẻ mồ côi đã được di tản khỏi Việt Nam trong những ngày cuối cùng của cuộc chiến. Chương trình Hồi hương con lai Mỹ cũng đưa 21.000 người qua định cư tại Mỹ.

Những đứa trẻ “bụi đời” ngày nào giờ đây trở thành những “đứa con vàng”. Đã có những trường hợp nhận trẻ con lai làm con nuôi chỉ với mục đích ra đi. Chính vì những trường hợp này, chính phủ Mỹ thắt chặt thủ tục và số thị thực nhập cảnh được cấp giảm mạnh. Trong năm 2014, chỉ có 13 thị thực dạng này được cấp.

Ông Nhân đã đi từ quê An Giang lên TP.HCM để cung cấp chỉ số ADN cho Trista Goldberg. Nhân là một người ít nói, là cha của 5 đứa con. Ông học hết lớp ba. Mẹ ông nói ông là con một lính Mỹ, hồi ông lên 10.

“Vì sao bọn trẻ luôn chọc phá con? Con rất buồn và lắm khi muốn đánh chúng nó”, Nhân hỏi mẹ. Bà mẹ im lặng trong chốc lát rồi nói cậu bé là con lai. Bà trông có vẻ buồn, nhưng ông bà ngoại nói họ vẫn yêu thương Nhân như những đứa cháu khác”.

Sau khi ông Nhân cung cấp mẫu ADN, tất cả ông có thể làm là chờ đợi.

“Con trai tôi ở Việt Nam”

Vào mùa thu, vợ của Bob Thedford, Louise, đăng nhập vào cây phả hệ ADN trên Facebook của bà, vốn đã kết nối với nhóm của Trista Goldberg và phát hiện một kết quả gây ngạc nhiên. Đó là thông tin mới về quan hệ cha-con của chồng bà. Người con tên là Nhân.

Đã từ lâu, Louise nghi ngờ rằng chồng bà có thể có con hồi ông ta còn ở trong lực lượng quân cảnh Mỹ ở Việt Nam cuối những năm 1960. Bà đã tìm thấy bức ảnh một người đàn bà Việt Nam trong ví của chồng ít lâu sau ngày họ lấy nhau.

Tin bố có con riêng còn sốc hơn đối với con gái họ, Amanda Hazel, 35 tuổi. Lúc đầu cô nghi ngờ đây là một vụ lường gạt. Nhưng những tấm ảnh chụp Võ Hữu Nhân đến ngay sau đó. Ông Nhân trông giống hệt người cha quá cố của Bob Thedford, cựu binh hải quân Mỹ trong thế chiến II, Robert Thedford Sr. “Con giống hệt ông nội”, Bob nói với con trai mình.

min-br-2151517453
Robert Thedford

Thedford đã gặp mẹ ông Nhân khi ông ở căn cứ không quân Quy Nhơn. Hồi ức của ông về người phụ nữ ở Việt Nam không còn nhiều và gia đình hiếm khi nghe ông nói về giai đoạn tham chiến.

Khi Thedford dạy con gái Hazel bơi và đi xe đạp ở Texas, Nhân lớn lên trong trang trại nuôi lợn của ông bà ngoại, tắm sông và đi ăn trộm xoài.

Các cuộc liên hệ thăm dò bắt đầu diễn ra, cho dù Nhân không nói được tiếng Anh, cũng không có máy tính. Thư điện tử được trao đổi thông qua trung gian. Nhưng hai bên đã gửi quà cho nhau. Nhân gửi tặng dép xăng-đan ông tự làm cùng nón lá, nhà Thedford gửi trả Nhân 50USD và một số quà tặng vùng Texas. “Con có cần gì không?”, Robert Thedford luôn hỏi.

Và cuộc đàm thoại đầu tiên diễn ra với sự hỗ trợ của công nghệ Skype. Cả Robert và Nhân đều khóc khi nhìn thấy nhau trên màn hình. “Ông ấy giống hệt tôi”, Nhân nói sau đó. “Tôi cảm thấy có mối liên hệ với ông ấy ngay khi thấy ông”.

Nhưng tháng 8/2014, Thedford, 67 tuổi, trước đó đã phải điều trị chứng ung thư da, lại phải nhập viện. Ông phải trải qua nhiều ca phẫu thuật, lần gần đây nhất là ngày 3/4/2015.

Gần đây, Nhân nói chuyện qua Skype với em gái Hazel qua một máy tính của người bạn có xưởng may ở TP.HCM. Hazel ngồi trong phòng khách, con chó của cô đi qua đi lại. Nhân hỏi thăm sức khỏe của cha.

“Ông ấy đang khỏe lại. Ông ấy có thể ngồi ghế được rồi”, Hazel nói. Ông Thedford đã khoe ảnh Nhân với các y tá. “Đây là con trai tôi, ở Việt Nam”.

Hazel nói cả gia đình đang làm mọi việc có thể để đưa Nhân qua Mỹ đoàn tụ với gia đình cho dù cô biết thủ tục không hề đơn giản. Và rõ ràng Nhân sẽ đứng trước nhiều thay đổi lớn trong cuộc đời anh ấy” Hazel nói.

Câu chuyện của họ cũng cho thấy một điều: Những vết thương chiến tranh sẽ không bao giờ được hàn gắn hoàn toàn.

Xem thêm
Hơn 300 đại lý tham gia Hội nghị khách hàng Japfa Việt Nam

Ngày 28/3, Hội nghị khách hàng khu vực miền Bắc của Công ty TNHH Japfa Comfeed Việt Nam (Japfa Việt Nam) được tổ chức tại Vĩnh Phúc với chủ đề 'Đồng kiến tạo giá trị'.

Giải pháp phòng bệnh dại của thành phố lớn nhất nước

TP.HCM Tập trung tiêm phòng vacxin đại trà cho chó, mèo và tiêm phòng bổ sung thường xuyên theo lứa tuổi, đến nay, TP.HCM là vùng an toàn dịch bệnh động vật đối với bệnh dại.

Giá ớt giảm mạnh, nông dân không buồn thu hoạch

QUẢNG NGÃI Dù mới bước vào đầu vụ nhưng giá ớt giảm mạnh. Bên cạnh đó, một số diện tích sụt giảm năng suất khiến nông dân đứng trước nguy cơ thua lỗ, không buồn thu hoạch.

Bình luận mới nhất