| Hotline: 0983.970.780

Di sản nhiều, đọng lại bao nhiêu?

Thứ Hai 02/01/2012 , 08:43 (GMT+7)

Sau những danh hiệu, chúng ta đã phát huy giá trị của di sản thế nào trong đời sống, để di sản được bảo tồn xứng đáng và đem lại giá trị cho đời sống?

Năm 2011, cùng với Thành Nhà Hồ, chúng ta có thêm Hát Xoan thành di sản của nhân loại. Chúng ta có nhiều di sản được thế giới công nhận. Song sau những danh hiệu, chúng ta đã phát huy giá trị của di sản thế nào trong đời sống, để di sản được bảo tồn xứng đáng và đem lại giá trị cho đời sống? 

Hát Xoan mới được công nhận trở thành di sản của nhân loại

Được đã khó

Chúng ta có hàng trăm di sản lưu giữ dấu ấn về truyền thống văn hóa, bản sắc dân tộc, trong đó có 15 di sản đã được UNESCO công nhận. Một hồ sơ theo quy định của công ước UNESCO phải trình trước hai năm mới được xem xét qua các vòng. Để có được bộ hồ sơ trình lên UNESCO cũng không dễ dàng gì. Mỗi một bộ hồ sơ được hoàn thành là bao tâm sức của các nhà khoa học, các nhà quản lý. Thời gian hoàn thành mỗi bộ hồ sơ ít nhất cả năm trời, như hồ sơ Hoàng thành phải mất 2 năm, Hội Gióng cũng tương tự… Hồ sơ gửi đi, phải chờ Hội đồng khoa học của UNESCO thẩm định. Sau khi thẩm định hồ sơ, hội đồng sẽ đến quốc gia, địa phương có di sản để nghiên cứu, thẩm tra.

Bà Lê Thị Minh Lý, nguyên Phó Cục trưởng Cục Di sản Văn hoá (Bộ VHTTDL), người tham gia nhiều chương trình lập hồ sơ Di sản trình UNESCO và có mặt ở hầu hết các chương trình đệ trình hồ sơ của Việt Nam cho biết: Quy trình đánh giá các hồ sơ di sản đề cử có 3 bước, mỗi bước đều có yêu cầu riêng và đều quan trọng, phải qua bước này rồi mới đến bước khác.

 Bước 1 do Ban Thư ký UNESCO xem xét, bước 2 thẩm định chuyên môn có Ban tư vấn của Ủy ban (đối với danh sách đại diện) và chuyên gia của các tổ chức khoa học phi chính phủ của quốc tế (đối với danh sách đại diện) được mời đánh giá độc lập; Ủy ban Liên chính phủ gồm đại diện của 24 nước sẽ có quyết định cuối cùng và công bố danh sách ở bước thứ 3. Hằng năm, có hàng trăm hồ sơ từ các nước trên thế giới gửi đến UNESCO đệ trình là danh sách Di sản văn hoá đại diện và gần 1/3 số hồ sơ không được vào xem xét ở bước cuối cùng này.

Theo quy định của UNESCO, mỗi quốc gia lưu giữ di sản của nhân loại phải đưa ra được một chương trình hành động thiết thực, liên tục để gìn giữ, kế thừa và phát huy di sản theo hướng ổn định, bền vững. Nếu sau một thời gian nhất định, những tiêu chí giúp công nhận không còn và chương trình hành động không còn đi theo hướng đã cam kết ban đầu, Uỷ ban giám sát đã đưa ra lời cảnh báo nhưng không được hồi đáp theo hướng tích cực, UNESCO có thể đưa ra quyết dịnh tước đi danh hiệu đó (có thời hạn và vĩnh viễn).

Trên thế giới đã có những trường hợp bị thu hồi danh hiệu Di sản thế giới. Lệnh trừng phạt đầu tiên dành cho hệ sinh thái động thực vật ở vương quốc Hồi giáo Oman. Lần thứ hai là năm 2006, UNESCO đã thông báo đến chính quyền Đức về việc thung lũng Elbe có nguy cơ bị gạt khỏi danh sách di sản thế giới khi chính quyền địa phương đưa ra dự án xây dựng cây cầu tại khu vực di sản. Dresde được đưa vào danh sách những di sản thế giới của nhân loại vào năm 2004 nhờ cảnh quan tuyệt mỹ chạy dọc 18km vùng thung lũng Elbe, bao quanh khu vực trung tâm của thành phố Dresde là những lâu đài theo phong cách baroc (nửa sau thế kỷ 16 đến thế kỷ 18) và những khu vườn ngát hương hoa.

Đối với Việt Nam, UNESCO từng có văn bản khuyến cáo Quảng Ninh về tình trạng khai thác than gây ô nhiễm mặt biển và ảnh hưởng đến cảnh quan môi trường Hạ Long. Quảng Ninh đã phải cật lực dọn rác biển ròng rã hơn nửa năm trời, phải chuyển cả cảng than từ Hòn Gai qua Cẩm Phả.

Trong những tháng cuối năm 2010, việc Phong Nha - Kẻ Bàng bị KfW (Ngân hàng Phát triển Đức) đòi hoàn trả số tiền 200.000/360.000 euro mà ngân hàng này đã chi cho dự án Bảo tồn và quản lý bền vững nguồn tài nguyên thiên nhiên vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng thu hút sự quan tâm của công luận. Lý do là quản lý của địa phương chưa tốt, cháy rừng vẫn thường xuyên xảy ra trong mùa khô, những vạt rừng phòng hộ quanh Phong Nha bị đốt cháy loang lổ vì bị khai thác trái phép… KfW không phải là UNESCO nhưng thiết nghĩ, đây cũng là một bài học cho việc quản lý, thực hiện cam kết của chúng ta.

Giữ còn khó hơn

Năm 1993, lần đầu tiên Việt Nam vinh dự có tên trong danh sách các quốc gia có di sản văn hóa thế giới nhờ những giá trị của cố đô Huế. Với hệ thống cung điện, đền đài, lăng tẩm... còn khá nguyên vẹn, cố đô Huế như một pho sử sống về triều đại quân chủ cuối cùng tại Việt Nam. Sau đó gần chục năm, Nhã nhạc cung đình Huế cũng góp mặt trong danh sách Di sản thế giới đưa mảnh đất tươi đẹp này thành nơi lưu giữ hai di sản của nhân loại.

Được khai thác tốt, nguồn lợi từ di sản không nhỏ. Năm 2010, nguồn thu từ bán vé vào các điểm tham quan di tích cố đô Huế là 80 tỷ đồng. Đó là chưa tính đến các lợi ích khác từ các hoạt động dịch vụ du lịch đem lại… Do đó, phải xem văn hóa là một sản nghiệp, là tài sản cần được đầu tư xứng đáng và xác định, đầu tư cho bảo tồn di sản cũng là đầu tư cho phát triển.

Trở lại với Vịnh Hạ Long, từng hai lần được UNESCO công nhận là di sản thiên nhiên thế giới: Ngày 17/12/1994, Vịnh Hạ Long được công nhận về giá trị thẩm mỹ; Ngày 2/12/2000, được công nhận về giá trị địa chất, địa mạo. Ngày 11/11 vừa qua Hạ Long được cộng đồng thế giới bầu chọn là Kỳ quan thiên nhiên thế giới mới. Di sản làm thế nào để có sức sống trong lòng du khách nếu tình trạng chặt chém du khách, dịch vụ du lịch còn yếu kém vẫn còn? Chưa kể, ngay sau khi được bầu chọn là Kỳ quan thiên nhiên thế giới mới chưa được bao lâu thì BQL Vịnh Hạ Long lại có động thái gây mất cảm tình của du khách bằng việc nâng giá tham quan.

Làm gì để di sản đem lại lợi ích?

Năm 2012 được coi là Năm du lịch Di sản. Xác định điều này, có thể thấy, ngành văn hóa đã khai thác lợi thế di sản nhằm phát triển kinh tế, xã hội. Thế nhưng không phải cứ có di sản là đưa du lịch vào được. Khách tham quan có thể thưởng thức Nhã nhạc trên thuyền rồng ở sông Hương nhưng lại từ chối nghe Ca trù ở giữa thành phố Hồ Chí Minh. Bởi thế, ông PGĐ Sở VHTTDL thành phố này đã phải thốt lên: “Ở đâu có thể phục hồi, bảo tồn được Ca trù, chứ ở TP Hồ Chí Minh thì khó”.

Tương tự như vậy, đối với di sản Hội Gióng, ngay khi được công nhận Di sản, người ta đã nghĩ đến việc tổ chức lễ hội để thu hút khách du lịch. Song các nhà nghiên cứu văn hóa đều cho rằng: các nhà quản lý và Nhà nước càng ít tác động càng tốt và không thể đưa du lịch vào Hội Gióng. Ông Nguyễn Chí Bền, Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật Việt Nam, cho biết: “Hội Gióng do cộng đồng sáng tạo ra và đang được nuôi dưỡng trong cộng đồng nên càng ít có sự can thiệp của Nhà nước vào khâu tổ chức lễ hội càng tốt”.

"Điều quan trọng là di sản phải gắn với cộng đồng, làm cho cộng đồng gắn với di sản từ đó, bảo vệ tốt, khai thác tốt di sản chứ không phải di sản chỉ phục vụ du lịch. Điều tiên phải là cái lợi của cộng đồng lưu giữ di sản”, GS Nguyễn Văn Huy từng nhận định.

Vẫn biết, không có đáp án chung nào cho bài toán bảo tồn di sản cũng như kinh nghiệm thành công của nước này không thể áp dụng cho nước khác. Tuỳ từng loại hình với những đặc điểm riêng biệt sẽ có những cách bảo tồn, phát triển riêng. Đối với các di sản vật thể hiện hữu: Hoàng thành Thăng Long, nhóm tháp Mỹ Sơn, Vịnh Hạ Long, Thành Nhà Hồ... bảo tồn có nghĩa là phải để nó tồn tại đúng như đã được vinh danh. Không những thế, phải để nó sống cùng với cộng đồng, phục vụ cộng đồng, tuyên truyền để cộng đồng thấy được giá trị đích thực của nó từ đó có những hành động thiết thực, chung tay gìn giữ và phát triển...

 Đối với các loại hình nghệ thuật được xếp hạng di sản phi vật thể của nhân loại như Ca trù, Nhã nhạc cung đình Huế, Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, Hát Xoan… khi được UNESCO công nhận ngoài ý nghĩa tôn vinh còn ngầm cảnh báo về nguy cơ biến mất vĩnh viễn. Vì thế muốn bảo tồn trước hết chúng ta phải chăm lo cho những nghệ nhân - báu vật nhân văn sống- người lưu giữ và sẽ truyền dạy, phát triển di sản cho các thế hệ sau. Nếu không họ ra đi cũng có nghĩa là di sản bị thất truyền. Không chỉ có các nghệ nhân mà những người theo học, làm nhiệm vụ duy trì và phát triển di sản cũng phải có môi trường tốt để để tồn tại và nuôi dưỡng niềm đam mê với nghề.

Câu chuyện về một ngôi làng ở Thụy Sỹ đã phải làm những bãi phân ngựa bằng nhựa để ở đường nhằm nhắc nhở về một thời văn hóa của họ được hình thành và phát triển không phải là từ xe hơi mà là những con ngựa. Thiết nghĩ, đó cũng là bài học đừng để di sản biến mất rồi phục dựng.

Xem thêm
Diễn viên Midu sẽ tổ chức đám cưới vào tháng 6

Diễn viên Midu vừa thông báo sẽ tổ chức đám cưới vào tháng 6/2024. Cô cũng đã gửi thiệp đến những người bạn thân thiết về sự kiện trọng đại này.

HLV Hoàng Anh Tuấn: U23 Việt Nam sẽ thể hiện bộ mặt khác ở tứ kết

Phát biểu tại cuộc họp báo sau trận đấu với U23 Uzbekistan, HLV trưởng Hoàng Anh Tuấn thừa nhận sự vượt trội của đội bạn so với U23 Việt Nam.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.