| Hotline: 0983.970.780

Đi tìm chân dung đồng nghiệp

Thứ Bảy 23/09/2017 , 14:05 (GMT+7)

Chân dung văn học là một thể loại từ lâu đã không còn xa lạ với bạn đọc Việt Nam. Ví von hơi khập khiễng nhưng tạm coi đây như kí họa trong mỹ thuật. 

Người họa sĩ bằng tài năng của mình khi nhìn nhân vật là có thể vẽ rất nhanh chân dung họ, dù chỉ là chân dung đơn thuần hoặc đang làm công việc gì đó. Tưởng như dễ mà không hẳn nếu như vẽ không tới.

08-12-43_trng_32
Nhà thơ Vũ Từ Trang

Trong văn học còn phức tạp hơn, người viết không chỉ “vẽ” ra được con người, ra được tính cách cùng những giá trị văn chương mà phải chứng minh được phần nào những đóng góp văn chương của họ vào dòng chảy văn học nói chung.

Ở Việt Nam đã có khá nhiều người viết chân dung văn học nhưng thật chuyên nghiệp, chuyên tâm vào thể loại này lại không nhiều. Vũ Từ Trang là một trong những trường hợp hiếm hoi đã nhiều năm nay một lòng chuyên tâm vào các nhân vật văn học và có lẽ là người viết nhiều nhất về thể loại này. Và thành công. Trong khoảng mười năm nay, Vũ Từ Trang đã cho xuất bản tới 3 đầu sách về thể loại này. Sau “Phía sau con chữ” (NXB Thanh niên, 2007), “Nhà văn độc hành độc bộ” (NXB Phụ nữ, 2013) và bây giờ là “Vì ai ta mãi phong trần”. 

Tất cả những nhân vật anh viết, trừ một vài nhân vật là họa sĩ, điêu khắc ít nhiều có liên quan đến văn học… còn thì chủ yếu là những người làm văn chương (nhà văn, nhà thơ, dịch giả văn học). Tên tuổi, tài năng, sự nổi tiếng mỗi người nhiều ít khác nhau nhưng tất cả đều ít nhiều để lại những dấu ấn, xuất hiện trên văn đàn nước ta trong khoảng nửa thế kỉ trở lại đây..

“Vì ai ta mãi phong trần” viết về các nhà thơ, nhà văn, dịch giả: Vũ Quần Phương, Trần Ninh Hồ, Nguyễn Phan Hách, Tạ Vũ, Tạ Hữu Yên, Anh Vũ, Chử Văn Long, Vương Tùng Cương, Tô Hà, Nguyễn Thanh Kim, Lê Minh Khuê, Nhật Tuấn, Thúy Toàn… Trong tập sách còn có thêm một câu chuyện nhỏ về nhà thơ Xuân Diệu và ghi lại những kỉ niệm về những học viên tham gia Lớp Viết văn khóa 6 mà tác giả Vũ Từ Trang là một học viên.

Như trên đã nói, ở Việt Nam có nhiều người viết chân dung văn học, có người viết nhiều, có người thi thoảng viết về một trong những người quen biết, tuy nhiên, ở mỗi tác giả có cách nhìn, cách khai thác tư liệu, cách viết khác nhau. Có người khi viết trung thực với những gì mình biết, có người ý thức hoặc vô ý thức đã nói ra cả những cái đáng ra không nên nói. 

Có người vì thân thiết, hiểu rõ về nhau nên viết ra, nhưng khéo léo biết bỏ đi những chi tiết quá riêng tư, nhưng cũng có người viết chỉ qua người khác kể lại, thậm chí chắp vá nhân vật qua khai thác trên internet nên nhân vật trở nên méo mó, sai lệch. Riêng Vũ Từ Trang mà tôi biết, anh chỉ viết về những người anh thật sự quen biết đến mức thân thiết. Những người được anh viết tuổi tác tuy có khác nhau nhưng cũng chỉ hơn kém anh không quá nhiều, lại là những người đương thời nên anh hiểu biết sâu từ cuộc đời đến văn thơ của họ. Cái khó khi viết về những người đương thời được quá nhiều người biết là làm sao để người đọc hiểu biết thêm về nhân vật? Viết về ai anh đều nắm vững, thậm chí chi tiết. 

Cái khó của người viết là nhân vật đều là những người đang hiện diện, được quá nhiều người biết tới, vậy làm sao có cái mới để hấp dẫn và cuốn hút người đọc? Vũ Từ Trang viết về các nhân vật tên tuổi dù quen biết nhưng không đi vào các chi tiết vụn vặt gây tò mò mà chủ yếu đi sâu khai thác về những số phận không mấy bình an, những góc khuất ẩn sau nơi mỗi người, với một tình cảm yêu thương, chia sẻ. Đôi khi nói về những người hôm nay, dù đã có danh, có chức vụ thì Vũ Từ Trang vẫn như chỉ nói về những năm tháng họ còn rất lận đận, khốn khó.

Cũng cần nói thêm, Vũ Từ Trang là người cầu toàn. Với những nhân vật tuy anh cũng quen biết nhưng không thật sâu sắc, đúng hơn anh chưa hiểu kĩ thì anh không viết, ngay cả khi anh chỉ cần mất công hỏi người này người khác thêm chút tư liệu như nhiều người khác vẫn làm. Điều ấy khiến người đọc tin và yêu những gì anh viết và cảm thông với những cuộc đời nhân vật. Câu chữ của Vũ Từ Trang nhẹ nhàng, nhưng sâu sắc, từ tốn và mực thước khi nhận xét những cái hay, thậm chí cả cái chưa hay, những hạn chế cần khắc phục thì bản thân nhân vật đó cũng bị thuyết phục.

Nhận xét về nhà thơ Vũ Quần Phương, Vũ Từ Trang viết: “Kế cận, học tập được nhiều kinh nghiệm của lớp nhà thơ đi trước như Xuân Diệu, Huy Cận, Chế Lan Viên…; Vũ Quần Phương cũng dành phần tâm huyết đáng kể cho việc nghiên cứu, phê bình thơ và đi nói chuyện thơ. Ông là người thẩm thơ tinh, biết gọi ra hồn cốt của mỗi tác giả…”. Lý giải cho cá tính Vũ Quần Phương, Vũ Từ Trang cảm thông và thấu hiểu sâu sắc khi giải thích: “Về già ông được sống trong niềm hạnh phúc của gia đình, con cái thành đạt. Đời sống vật chất so với anh em trong giới văn chương, ông là người đầy đủ nhưng ông vẫn giữ cái nếp sống căn cơ, tiết kiệm thuở nào”.

Đã có những giai thoại đôi khi sai lệch quanh tính cách căn cơ, thậm chí còn chi li, chặt chẽ của nhà thơ Vũ Quần Phương khiến nhiều người nghĩ không đầy đủ về ông. Nhưng khi đọc đoạn văn trên giúp bạn đọc hiểu ra dụng ý của Vũ Từ Trang khi trong bài viết, anh dành tả rất tỉ mỉ cảnh cậu bé 8 tuổi gầy yếu từng có tuổi thơ vất vả, hàng ngày phải đội cái nồi đồng to nặng úp chụp trên đầu đem đi bán để có tiền hai bà cháu sinh sống. Đó là tuổi thơ vất vả của Vũ Quần Phương mà hẳn nhiều người không biết...

08-12-43_trng_34
Một cuốn sách của Vũ Từ Trang

Viết về nhà thơ Nguyễn Thanh Kim, Vũ Từ Trang có đoạn: “Tôi nghĩ những người lấy văn chương làm trò chơi trang sức thì chẳng bàn làm gì. Chứ còn những người đã nhận văn chương làm nghiệp thì tôi luôn tin họ có những nỗi niềm trăn trở, đau đáu gửi gắm dưới những con chữ tưởng như tẻ nhạt và bình yên kia. Tôi biết Nguyễn Thanh Kim luôn giữ được niềm mê đắm đền đài với con chữ. Anh chân thành gửi gắm nỗi niềm của anh qua từng con chữ. Còn tài năng và tần số cảm xúc của người viết thăng hoa được đến đâu, thì có khi còn là trời cho. Người đọc sẽ phán xét và nhận định”.

Không tràn lan, không dài dòng, chỉ qua một vài câu chữ nhận xét ngắn gọn về nhà thơ đủ cho người đọc hiểu biết thêm về nhân vật. Chính xác, thẳng thắn nhưng nhân hậu, tinh tế.

Mặc dù với mỗi chân dung văn học, Vũ Từ Trang đã khá dụng công, song cá nhân tôi vẫn cảm thấy chưa thật thỏa mãn khi anh viết với một vài nhân vật. Những nhân vật này theo tôi biết thân với anh từ thuở nối khố, với rất nhiều kỉ niệm vui buồn… Có đôi khi do quá hiểu nhân vật nên anh như sa đà vào miêu tả những chi tiết đời sống của nhân vật mà quên đi trích dẫn thơ ca nơi họ, kể cả hay lẫn chưa hay. Ví như về nhà thơ Vương Tùng Cương hoặc nhà thơ Nguyễn Thanh Kim… Vũ Từ Trang như đi vào những uẩn khúc trong đời sống nhân vật - dù có cả những chi tiết “nặng ký” - mà không đề cập tới những đóng góp văn chương, thơ ca cụ thể nơi mỗi người. Mà với chân dung văn học hẳn không thể thiếu nó.

Nhưng tôi nghĩ, một người kín nhẽ như anh thì hẳn đây là một chủ ý?

Là một nhà thơ, Vũ Từ Trang có những câu chữ sống động và tài hoa, luôn được anh dùng trong các trang viết chân dung của mình, nhưng cũng có thể do sao lãng nên đôi khi anh tự lặp lại dù tôi biết đó là những câu chữ anh rất tâm đắc, chẳng hạn như “quặn thắt”, “hổn hển”...

Có lẽ cũng cần nói thêm, theo ý kiến cá nhân tôi, trong tập sách, có một, hai bài viết xem chừng hơi “lạc điệu”. Ví dụ, anh đưa vào bài “Chuyện nhỏ về một nhà thơ lớn”, đây chỉ là một bài viết kiểu “tản mạn chuyện làng văn”, hay “Niềm khát khao thánh thiện thuở ban đầu” kể lại những kỉ niệm về Lớp Viết văn khóa 6 do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức.

Tôi là người luôn tìm đọc những trang viết về chân dung văn học của nhiều tác giả. Với tôi, trong thể loại này, Vũ Từ Trang có nhiều đóng góp, gây dấu ấn riêng rất đáng trân trọng. Nhiều người nhận xét, viết về các chân dung văn học thì hiện nay ở Việt Nam, Vũ Từ Trang không chỉ là người viết nhiều mà còn là người viết hay, chân thực và có tình.

Cái khó khi viết về những người đương thời được quá nhiều người biết, là làm sao để người đọc hiểu biết thêm về nhân vật… Là một nhà thơ, Vũ Từ Trang có những câu chữ sống động và tài hoa, luôn được anh dùng trong các trang viết chân dung của mình.

 

(Kiến thức gia đình số 37)

Xem thêm
Nhịp sống giới trẻ phản ánh trong bộ phim ‘Bóng của thị thành’

Nhịp sống giới trẻ thời công nghệ số có những màu sắc bất ngờ, thể hiện qua bộ phim ‘Bóng của thị thành’ phát sóng trên HTV7, Đài truyền hình TP.HCM.

Rượt đuổi mãn nhãn, Man United đả bại Liverpool tại Cúp FA

Trận Tứ kết Cúp FA giữa Man United vs Liverpool đã diễn ra với kịch bản không ngờ khi hai đội rượt đuổi nghẹt thở trong suốt 120 phút của trận đấu. 

120 vận động viên tham gia giải dù lượn trên cao nguyên đại ngàn

Giải dù lượn tại huyện Sa Thầy (tỉnh Kon Tum) sẽ quy tụ 120 vận động viên, trong đó có 41 vận động viên người nước ngoài tham gia tranh tài.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.