| Hotline: 0983.970.780

Đi tìm dấu chân đoàn quân Tây Tiến

Thứ Bảy 02/01/2010 , 08:15 (GMT+7)

Những ngày cuối năm, chúng tôi có dịp hành trình về với núi rừng vùng biên Mường Lát (Thanh Hoá). Ở nơi thượng nguồn sông Mã ấy, nhiều bản làng, địa danh đã từng ghi lại dấu chân đoàn quân Tây Tiến năm xưa.

Những ngày cuối năm, chúng tôi có dịp hành trình về với núi rừng vùng biên Mường Lát (Thanh Hoá). Ở nơi thượng nguồn sông Mã ấy, nhiều bản làng, địa danh đã từng ghi lại dấu chân đoàn quân Tây Tiến năm xưa, nay đang từng ngày “thay da đổi thịt”. Đỉnh Pha Luông chọc trời vẫn còn đó. Suối Cát Trắng, bản Sài Khao...vẫn trường tồn cùng thời gian.   

Đường vào Sài Khao hiểm trở

I. Sáng sớm từ thành phố Thanh Hoá, chiếc xe máy gồng mình chở chúng tôi và hai chiếc ba lô chứa đầy đồ đạc. Nửa ngày đường đã qua, 12 giờ 30 chúng tôi dừng lại tại xã Hiền Kiệt, huyện Quan Hoá. Gần một giờ nghỉ trưa tại bàn ăn, như để lấy lại sức khoẻ và tiếp thêm tinh thần vượt núi. Men theo tỉnh lộ 520 - con đường độc đạo từ Quan Hoá đi Mường Lát toàn những khúc cua tay áo, lượn rồng rắn quanh các sườn núi cheo leo. Địa danh Cổng Trời nổi tiếng thuộc xã Trung Lý dần hiện ra. Tại nơi cao gần 1.000 m so với mực nước biển này, phóng tầm mắt ra xa, những bản làng xen giữa những cánh rừng ngút ngàn như nói lên sức sống mãnh liệt của đồng bào Mường Lát…Và sau gần 1 ngày đường, chúng tôi đã có mặt tại thị trấn Mường Lát lúc trời chạng vạng.

Hôm sau, chúng tôi tiếp tục cuộc hành trình qua cầu treo Mường Lát bắc ngang dòng sông Mã hung dữ, ngoằn ngoèo qua bản Lát, bản Poọng...gần chục cây số, mới chạm đến đất Mường Lý. Dọc đường đi, đổi thay dễ nhìn thấy nhất của các bản làng nghèo nơi đây chính là những ngôi “nhà 167” vững chắc đã và đang mọc lên để thay thế cho những ngôi lều tạm. Trên đường vào Sài Khao, gặp chúng tôi, 2 thanh niên người Mông ngồi trên chiếc xe Win cà tàng lắc đầu nói: “Đường vào Sài Khao gian nan lắm. Có đoạn đi được xe máy, có đoạn phải đi bằng cái chân mình thôi”.

Chỉ chưa đầy 40 cây số tính từ thị trấn huyện, mà phải đi hết hơn nửa ngày trời. Thế rồi xã Mường Lý cũng hiện ra trước mắt chúng tôi thật nguyên sơ và thơ mộng. Các chòm dân cư của bản phân bố rải rác trên nhiều triền núi cao thấp khác nhau, kéo dài cả mấy cây số.

Tìm đến nhà trưởng bản Vàng A Sỉ, còn chưa biết chúng tôi là ai, ở đâu đến, nhưng các thành viên trong gia đình ông đã chạy ra đỡ xe, mời vào nhà với sự chân thành, hồ hởi. Tại bản vùng sâu giáp tỉnh Sơn La này, có khi cả năm mới có khách lạ tới nên anh em trong đoàn đã trở thành “thượng khách” của bản.

II. Tại Sài Khao, dòng suối Cát Trắng vẫn còn đó như minh chứng cho tinh thần vượt khó của những người lính Tây Tiến năm xưa. Do độ cao hơn 1.000m, nguồn nước rất hiếm nên những người lính ấy đã dựng trại ngay tại bờ suối. Một số người già trong bản kể lại: cách đây hơn chục năm, vẫn còn một vài đồ vật như bình toong, áo của người lính Tây Tiến để lại trên vách đá. Xa xa, đỉnh núi Pha Luông cao nhất tỉnh Thanh với độ cao 1.507 m so với mặt nước biển ẩn hiện. Nơi ấy, những chàng trai trong binh đoàn Tây Tiến năm xưa cũng đã hành quân, nằm lại để bảo vệ dải đất biên cương cật ruột này.

Trưởng bản Vàng A Sỉ không nói được tiếng Kinh nên người con trai Vàng A Sùng thay cha nói chuyện với phóng viên. Bản Sài Khao hiện có 66 hộ đều là đồng bào Mông, với gần 500 nhân khẩu. Nghề chính của người dân nơi đây là chăn nuôi và làm nương rẫy. Biết phát huy những điều kiện tự nhiên, hiện người dân trong bản đã phát triển tới hơn 450 con trâu và nhiều vật nuôi khác như bò, dê. Gà thì nhà nào cũng có hàng chục con, chủ yếu để phục vụ thực phẩm trong nhà.

Đời sống tinh thần cũng đang thay đổi tích cực. Trong bản đã có gần chục chiếc tivi, 46 chiếc xe máy. Nhiều hộ gia đình đã được sử dụng điện nhờ các tua-bin thuỷ điện mi-ni đặt ven các suối. Tại bản, nay đã có trường học. Ở khu lẻ này, hiện có 4 thầy, cô cắm bản để dạy chữ cho các em nhỏ từ lớp 1 đến lớp 5. Hàng chục cháu nhỏ đã được học chữ. Ngày càng có nhiều người trong bản biết chữ và nói được tiếng phổ thông. Tình trạng trắng đảng viên ở đây cũng không còn nữa, đã có 2 đảng viên là Vàng A Hành và Vàng Thanh Chu. Chi đoàn thanh niên của bản cũng đã được thành lập.

Qua phiên dịch, trưởng bản Vàng A Sỉ cho chúng tôi biết: “Nghe lời chính quyền, mấy năm nay, người dân ở đây đã bỏ hẳn trồng cây thuốc phiện. Bà con chủ động trồng ngô, lúa nương, chăn nuôi để phát triển kinh tế nên nhiều gia đình không còn đói”. Trưởng bản Vàng A Sỉ cũng cho biết việc cấp uỷ, chính quyền luôn bám sát dân bản nên đã không còn tình trạng kẻ xấu xúi giục người dân làm điều xấu nữa. Trong bản, nếu có người ốm thì được đưa đi trạm xá, bệnh viện, được bác sĩ cho thuốc uống. Chuyện cúng bái, đuổi tà ma khi ốm đau gần như không còn nữa.

III. Hành trình tiếp theo của chúng tôi là trường Tiểu học Tây Tiến nằm trên đường về. Lần này, chúng tôi được dẫn đi bằng con đường khác. Đường lên bản đã khó vì lên nhiều dốc, đường từ bản xuống lại càng khó hơn. Những con dốc cao chót vót, những đoạn cua khúc khuỷu, uốn lượn quanh co như kéo dài thêm đường đi giữa ngút ngàn rừng núi nơi biên cương Mường Lát xa xôi ấy. Chúng tôi chỉ dám dắt xe mà không thể nổ máy chạy được. Bởi chỉ một bất cẩn là cả người và xe có thể lao xuống vực thẳm.

Cách thị trấn 30 km, khu trường tiểu học mang tên đoàn quân Tây Tiến toạ lạc tại bản Xì Lồ, xã Mường Lý khá kiên cố và khang trang. Ngôi trường được thành lập từ tháng 2/2008 với nhiệm vụ xây dựng và đẩy mạnh sự nghiệp giáo dục cho 8 bản của xã Mường Lý. Đến nay, trẻ em đồng bào Mông, Thái ở các bản Trung Thắng, Chiềng Nưa, Trung Tiến 1, Trung Tiến 2, Sài Khao, Chà Lan, Xì Lồ và Suối Ún đã được đi học vì đều có các khu lẻ của trường đóng tại các bản. Hiện nay nhà trường có 33 cán bộ, giáo viên, tất cả đều đạt chuẩn. Số học sinh tham gia theo học 418 em.

Hầu hết giáo viên là người ở dưới xuôi lên đây công tác. Ở khu tập thể vào buổi chiều muộn, người lên rừng lấy củi, người nấu cơm, người chế biến thức ăn...đầm ấm như một gia đình. Để tự túc thực phẩm nơi vùng cao, các thầy cô ở đây đã nuôi cả đàn gà hàng chục con. Trước sân, những giàn bầu, giàn mướp quả tua tủa. Những vườn rau, vườn chuối quanh năm cho thu hoạch...

Nhằm phát triển kinh tế lâu dài, năm qua, nhà trường đã trích quỹ và phát động giáo viên đóng góp mua giống keo tai tượng trồng rừng. Sự năng động của những thanh niên đồng bằng lên đây lập nghiệp đã làm hồi sinh những đồi cằn đất dốc. Họ đang khẳng định một chân lý của Bác Hồ: “Không có việc gì khó- Chỉ sợ lòng không bền”.

Cô giáo Mai Thanh Tâm, quê Bỉm Sơn tâm sự: “Giờ thấy quen, em cũng chẳng có ý định chuyển về”. Thầy hiệu phó Lê Văn Cường quê xã Quảng Bình (Quảng Xương) chia sẻ: “Cuộc sống là do mình tạo lập. Nếu có gì thiếu thốn, có khó khăn, mọi người cùng chung tay, chia sẻ với nhau như gia đình. Nhờ vậy mà ở đây, chúng tôi không ai cảm thấy chán nản cả”. Trong bữa cơm tối tại nhà trường, không khí đầm ấm mến khách, sự sôi nổi của những giáo viên - thanh niên ở đây khiến chúng tôi thấy Mường Lát rất đỗi gần gũi, thân thương.

Những thanh niên miền xuôi ấy đang viết tiếp trang sử hào hùng của một thời chống Pháp nơi vùng biên Tổ quốc.

Xem thêm
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng

Sáng 18/4 (tức 10/3 năm Giáp Thìn - ngày Giỗ Tổ Hùng Vương), Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng tại Điện Kính Thiên trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh thuộc Khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Đền Hùng ở TP. Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.

Giá cam sành giảm mạnh, nông dân thất thu

ĐBSCL Hiện tại, cam sành loại 1 chỉ còn 5.000 đồng/kg, giảm 4.000đồng/kg so với dịp Tết Nguyên đán. Với giá bán hiện tại người trồng cam thua lỗ từ 2.000 - 3.000 đồng/kg.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Cứu lấy gần 30ha rừng ngập mặn ở Nam Định: [Bài 2] Chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm?

Chủ đầu tư Khu công nghiệp Rạng Đông phải chịu trách nhiệm nếu kênh xả thải khu công nghiệp chặn dòng chảy làm gần 30ha rừng ngập mặn ven biển Nghĩa Hưng bị thiệt hại.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm