| Hotline: 0983.970.780

Địa phương nắm quyền xả lũ thủy điện

Thứ Ba 24/06/2014 , 10:15 (GMT+7)

Đấy là nội dung trong Quyết định số 909/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Vu Gia – Thu Bồn trong mùa lũ hằng năm. Khác với quy trình vận hành trước đây là do các chủ hồ thực hiện thì nay giao địa phương vận hành.

VỪA CẮT LŨ, VỪA CÓ ĐIỆN

Sáng 23/6, tại TP Đà Nẵng, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) phối hợp với nhiều bộ, ngành và TP Đà Nẵng, Quảng Nam tổ chức Hội nghị "Công bố Quyết định 909/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về ban hành quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn trong mùa lũ hằng năm”. Quyết định này có hiệu lực từ ngày 16/6/2014.

Ông Hoàng Văn Bẩy, Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước (Bộ TN-MT) cho biết: Quyết định có 3 chương, 22 điều.

Theo đó, từ ngày 1/9 - 15/12 hằng năm, các hồ chứa thủy điện A Vương, Đắk Mi 4 và Sông Tranh 2 trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn (Quảng Nam) phải vận hành theo nguyên tắc thứ tự ưu tiên như sau: Đảm bảo an toàn tuyệt đối cho các công trình thủy điện; góp phần giảm lũ cho hạ du; và đảm bảo hiệu quả phát điện. Việc vận hành các công trình xả của các hồ chứa phải thực hiện theo đúng quy trình vận hành công trình xả được ban hành, nhằm đảm bảo ổn định cho hệ thống công trình đầu mối.

Theo đó, mực nước cao nhất trước lũ của các hồ trong mùa lũ được quy định cụ thể cho các nhà máy. Thủy điện A Vương ở cao trình 376 m, Đắk Mi 4 ở mức 255 m và Sông Tranh 2 ở mức 172 m.

16-03-51_nh-1
Hội thảo công bố quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Vu Gia – Thu Bồn

Còn mực nước đón lũ các hồ khi tham gia giảm lũ cho hạ du được quy định cụ thể: Mực nước đón lũ của các hồ khi tham gia giảm lũ cho hạ du thì thủy điện A Vương ở cao trình 370 m, Đắk Mi 4 ở cao trình 251 m và Sông Tranh 2 ở cao trình 165 m.

Quy trình cũng quy định, khi Trung tâm Khí tượng Thủy văn quốc gia dự báo có bão khẩn cấp, áp thấp nhiệt đới gần bờ hoặc có các hình thế thời tiết khác có khả năng gây mưa, lũ mà trong vòng 24 đến 48 giờ sau có ảnh hưởng trực tiếp đến các địa phương trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn, Trưởng BCH phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cấp tỉnh quyết định việc vận hành hạ mực nước hồ để đón lũ nhằm tạo thêm dung tích cắt, giảm lũ cho hạ du, nhưng không thấp hơn giá trị mực nước là cận dưới của vùng phát điện với công suất bảo đảm.

Đối với hồ A Vương và Đắk Mi 4, khi mực nước tại Trạm Thủy văn Ái Nghĩa vượt 8,5m, Trưởng BCH phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Nam quyết định vận hành các hồ với lưu lượng xả nhỏ hơn lưu lượng đến hồ nhằm giảm lũ cho hạ du nhưng phải bảo đảm mực nước hồ không vượt cao trình mực nước dâng bình thường.

Trong tình huống bất thường, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam quyết định việc vận hành. Đối với hồ Sông Tranh 2, khi mực nước tại trạm Thủy văn Câu Lâu vượt 3,5m, Trưởng BCH phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Nam quyết định vận hành hồ với lưu lượng xả nhỏ hơn lưu lượng đến hồ nhằm giảm lũ cho hạ du nhưng phải đảm bảo mực nước hồ không vượt cao trình mực nước dâng bình thường.

KHÔNG ĐỂ LŨ CHỒNG LÊN LŨ

Ông Huỳnh Vạn Thắng, PGĐ Sở NN-PTNT TP Đà Nẵng cho rằng: Quy trình này có tính khả thi cao hơn quy trình cũ, bởi quy định được mức nước cao nhất trước lũ của các hồ chứa thủy điện. Đây là bước tiến bộ hơn quy trình cũ, do đó chúng ta thực hiện dễ dàng hơn. Tuy nhiên, thẩm quyền quyết định và chịu trách nhiệm lệnh vận hành trong mùa lũ cho các địa phương trong khi địa phương chuyên môn không nhiều, lực lượng thiếu.

16-03-51_nh-2
Thủy điện Đắk Mi 4 xả lũ

Ông Thắng cho biết thêm, trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn có hai vùng, vùng phía nam có thủy điện Sông Tranh 2, Đắk Mi 4 thì mưa đến trễ hơn và kết thúc mùa mưa muộn. Còn phía bắc có A Vương, Sông Bung 4, mùa mưa đến sớm và kết thúc sớm. Trong quy trình này quy định 15/11 – 15/12 được phép đưa về mực nước dâng bình thường, với trường hợp này các hồ ở phía Nam sẽ khó khăn điều tiết lũ, cắt giảm lũ.

“Thủy điện Sông Bung 4 sẽ tích nước vào tháng 8/2014, thế nhưng năm nay hạn hán kéo dài gây ra thiếu nước nghiêm trọng. Việc Sông Bung 4 tích nước sẽ gây hạn nặng cho hạ du, do vậy, tôi mong muốn Bộ TN-MT và Bộ Công thương có sự can thiệp, điều chỉnh Sông Bung 4 tích nước vào tháng 9”, ông Thắng nói.

Ông Ngô Việt Hải, Tổng GĐ Tổng Cty Phát điện 2, cho biết: "Thực hiện quyết định này trên 3 hồ thủy điện đã làm giảm 975,1 triệu kW gây thất thu 645 tỷ đồng trong một mùa lũ. Tuy nhiên, chúng tôi chấp hành nghiêm túc, do đó đề nghị Bộ TN-MT có ý kiến với Bộ Công thương (đang chủ trì giá điện) quan tâm cho vận hành vào mùa lũ và tính toán giá điện khi bị giảm”.

Ông Nguyễn Đình Phúc, PGĐ Sở Công thương TP Đà Nẵng cho hay: Để việc vận hành tốt thì sau quy trình này phải xây dựng kịch bản, thậm chí phải xây dựng phần mềm vận hành hồ thủy điện. Chúng ta mới đề cập đến 3 thủy điện, sau này vận hành Sông Bung 4.

Ngoài ra, có rất nhiều thủy điện khác, chúng ta phải đưa vào quy trình. Bởi có một thủy điện xảy sự cố thì nó làm cho toàn bộ tính toán sẽ không phù hợp. Do đó, quy định này cần áp dụng cho tất cả các thủy điện.

Ông Phùng Tấn Viết, PCT UBND TP Đà Nẵng đề nghị các nhà máy A Vương, Sông Tranh 2, Đắk Mi 4 và các đơn vị liên quan phối hợp đồng bộ để vận hành quy trình xả lũ đúng quy định, kịp thời, đảm bảo đời sống nhân dân vùng hạ du. Ngoài ra thường xuyên phối hợp với Đà Nẵng, Quảng Nam để kịp thời xử lý các tình huống xấu có thể xảy ra.

“Trong cái này chúng ta mới điều lũ, hiện mùa cạn đang xây dựng, đề nghị kết hợp hai cái lại, và có một ban chỉ đạo, ban điều hành. Nếu không có sự thống nhất của hai cái này thì mùa khô điều hành riêng, mùa lũ điều hành riêng.

Đặc biệt triển khai quy trình điều tiết mùa cạn trước khi trình Chính phủ thì nên triển khai rộng rãi trên thông tin đại chúng đề người dân phản biện đón nhận những thông tin tốt hơn, quyết định sát với thực tiễn hơn”, ông Viết kiến nghị.

Kết luận hội nghị, ông Nguyễn Thái Lai, Thứ trưởng Bộ TN-MT nói: Để thực hiện quy trình tốt, tôi mong rằng UBND TP Đà Nẵng, Quảng Nam chỉ đạo tuyên truyền rộng rãi đến nhân dân. Ngoài ra, các nhà máy thủy điện thực hiện một cách đầy đủ theo quy trình, đảm bảo an toàn trong mùa lũ.

“Trong quy định có một nguyên tắc đảm bảo lũ không được chồng lên lũ. Khi ở Ái Nghĩa, Cao Lâu mực nước trên báo động 2 dưới báo động 3 thì cương quyết phải thực hiện xả lũ lượng nước về thấp hơn lượng đi. Ngoài ra, Trung tâm Dự báo khí tượng văn Trung ương và Trung Trung bộ phải tổ chức dự báo, cảnh báo cung cấp thông tin hết sức đầy đủ, chính xác. Bên cạnh đó rà soát, bổ sung mạng lưới quan trắc khí tượng thủy văn trên lưu vực thủy điện”, ông Lai nhấn mạnh.

Xem thêm
Đảng ủy Bộ NN-PTNT bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024

Ngày 27/3, tại Trường Cán bộ quản lý NN-PTNT, Đảng ủy Bộ NN-PTNT đã tổ chức Bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024.

10 năm lực lượng kiểm ngư cùng ngư dân bám biển

Trong 10 năm qua, lực lượng kiểm ngư ngày đêm bám biển, điều động hơn 1.500 lượt tàu tuần tra, kiểm tra, kiểm soát nghề cá trên các vùng biển Việt Nam.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Hội các ngành Sinh học Việt Nam ra mắt Ban Chấp hành nhiệm kỳ mới

Hội các ngành Sinh học Việt Nam ngày 29/3 đã ra mắt Ban Chấp hành khóa VII, nhiệm kỳ 2024 - 2029 với 49 Ủy viên.

Bình luận mới nhất