| Hotline: 0983.970.780

Dịch bệnh giảm nhưng tái phát cao

Thứ Năm 01/11/2012 , 10:47 (GMT+7)

Theo đánh giá của các địa phương trong khu vực miền Trung , Tây Nguyên, từ đầu năm đến nay tình hình dịch bệnh trên gia súc gia cầm diễn biến khá phức tạp...

Phòng chống dịch bệnh quyết liệt, không lây lan ra diện rộng, đó là ý kiến chỉ đạo của Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Diệp Kỉnh Tần tại hội nghị triển khai công tác phòng chống dịch bệnh và kiểm soát buôn bán gia súc, gia cầm khu vực miền Trung, Tây Nguyên tổ chức hôm qua (31/10) tại Khánh Hoà.

Theo đánh giá của các địa phương trong khu vực miền Trung , Tây Nguyên, từ đầu năm đến nay tình hình dịch bệnh trên gia súc gia cầm diễn biến khá phức tạp với dịch cúm gia cầm, LMLM, tai xanh. Bệnh tai xanh đã xuất hiện tại Đăk Lăk, Quảng Nam, Phú Yên và Khánh Hoà, CGC xuất hiện tại Đăk Lăk, Kon Tum, Khánh Hoà, Quảng Nam, Quảng Ngãi, LMLM tại Quảng Nam.

Ông Lê Muộn, PGĐ Sở NN-PTNT Quảng Nam cho biết, mấy năm qua tỉnh Quảng Nam đều có dịch do nằm trên tuyến quốc lộ 1A và là điểm dừng chân, trung chuyển xe vận chuyển gia súc, gia cầm từ Bắc vào Nam và ngược lại. Mặt khác tình hình chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán, các điểm giết mổ gia súc quá nhiều nên khó kiểm soát.

Nhờ triển khai tiêm phòng nên dịch đã không bị lây lan rộng, đặc biệt là bệnh heo tai xanh. Năm nay chỉ có 4 xã của 2 huyện có dịch với trên 800 con mắc bệnh, số lượng heo tiêu huỷ 65 tấn. Nếu không phát sinh thêm ổ dịch mới thì trong tuần tới sẽ đề nghị Trung tâm Thú y vùng IV làm thủ tục công bố hết dịch.

Theo ông Thuỷ Lệ Vũ, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y Đăk Lăk, năm nay dịch tai xanh đã giảm nhiều so với năm trước, tuy nhiên vẫn có 13/15 huyện, TP xuất hiện dịch với 23.277 con heo mắc bệnh, số heo phải tiêu huỷ là 12.350 con với trọng lượng 412 tấn, ước thiệt hại 30 tỷ đồng (năm 2011 thiệt hại 72 tỷ do bệnh tai xanh).

Nguyên nhân, theo ông Vũ, do tỷ lệ đàn heo được tiêm phòng rất thấp, mặt khác công tác kiểm dịch nội tỉnh gặp rất nhiều khó khăn do các Trạm thú y trực thuộc huyện chứ không thuộc ngành dọc quản lý nên việc công bố dịch do huyện đảm nhiệm, chính điều này khiến cho dịch lây lan rất nhanh (?).

Ông Vũ cũng cho biết, do không có kinh phí để mua dự trữ vacxin nên khi xuất hiện dịch không có ngay nguồn để tiêm phòng, khi tỉnh bố trí kinh phí lại qua khâu đấu thầu rất mất thời gian. Năm nay số heo mắc bệnh tai xanh giảm là do các huyện đã ra chỉ thị bắt buộc toàn dân phải tiêm phòng, nếu không tiêm phòng khi heo bị mắc bệnh sẽ không được hỗ trợ.

Còn tại Khánh Hoà và Phú Yên dịch heo tai xanh xuất hiện từ đầu tháng 10 đến nay. Phú Yên đã có 3 xã tại huyện Đông Hoà với 535 con mắc dịch tai xanh, đã tiêu huỷ 53 con. Khánh Hoà có 3 huyện với 1.008 con mắc bệnh, đã tiêu huỷ 942 con. Còn tại Quảng Ngãi dịch GCG lại bùng phát dữ dội từ ngày 9/8, đến nay đã có 7 huyện với 125.000 con gia cầm mắc bệnh, nhiễm 2 chủng virus nhánh A và nhánh C.

Đối với công tác phòng chống buôn lậu gia cầm, theo Thứ trưởng Diệp Kỉnh Tần, mặc dù khu vực miền Trung, Tây Nguyên chưa có cần thông tin để các địa phương được biết bởi tình hình nhập lậu giống gia cầm rất phức tạp. Chính nguồn gia cầm nhập lậu khiến tình hình phòng chống dịch càng thêm khó khăn. Do vậy phải quản lý chặt chẽ nguồn gốc xuất xứ giống gia cầm từ miền Bắc chuyển vào.

Để chủ động phòng chống dịch TƯ đã hỗ trợ Quảng Ngãi 1 triệu liều vacxin và 15.000 lít hoá chất. Ngoài ra tỉnh còn dùng ngân sách mua thêm 400 ngàn liều vacxin để phân bổ cho các địa phương tiêm phòng bao vây khống chế ổ dịch, đến nay tình hình dịch đã có chiều hướng giảm nhiều.

Thứ trưởng Diệp Kỉnh Tần đánh giá cao công tác phòng chống dịch gia súc, gia cầm; đặc biệt là Quảng Nam, Đăk Lăk dịch đã giảm nhiều so với những năm trước. Còn Kon Tum có biện pháp làm hay, là khi phát hiện ổ dịch, chính quyền tiêu huỷ ngay và hỗ trợ cho người chăn nuôi, nhờ vậy đã không xảy ra dịch...

Thứ trưởng cũng đề nghị Phú Yên, Khánh Hoà  tăng cường công tác chống dịch quyết liệt, tránh lây lan ra diện rộng gây thiệt hại lớn. Đồng thời thống kê số lượng heo trong vùng ổ dịch cũng như số heo mắc dịch để tiêm phòng bao vây và tiêm thẳng vào vùng ổ dịch. Trung tâm Thú y vùng IV phải phối hợp chặt chẽ với tỉnh Phú Yên phòng chống dịch.

Xem thêm
Hơn 300 đại lý tham gia Hội nghị khách hàng Japfa Việt Nam

Ngày 28/3, Hội nghị khách hàng khu vực miền Bắc của Công ty TNHH Japfa Comfeed Việt Nam (Japfa Việt Nam) được tổ chức tại Vĩnh Phúc với chủ đề 'Đồng kiến tạo giá trị'.

Đề xuất không xử phạt hành chính thuốc thú y chưa kịp công bố hợp quy

Bộ NN-PTNT đề xuất Chính phủ không xử phạt thuốc thú y đã được cấp chứng nhận lưu hành nhưng chưa thực hiện công bố hợp quy từ ngày 14/2/2024 đến ngày 31/5/2025.

Tháo gỡ 2 điểm nghẽn chính

Ngành mía đường có những điểm nghẽn cần phải giải quyết để phát triển ổn định, bền vững, đó là chia sẻ của TS Cao Anh Đương, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Mía đường (SRI).

Bình luận mới nhất