| Hotline: 0983.970.780

Dịch CGC, LMLM tái bùng phát: Các ổ dịch đều “trắng” tiêm phòng

Thứ Tư 27/01/2010 , 10:31 (GMT+7)

Báo cáo của Cục Thú y tới ngày hôm qua, cả nước đã phát hiện 4 ổ dịch. Đáng chú ý là cả 4 ổ dịch này đều chưa được tiêm phòng vacxin CGC hoặc có tiêm nhưng tỉ lệ rất thấp.

* Sẽ siết chặt trâu bò lậu

Trước tình hình dịch cúm gia cầm (CGC) và LMLM tái bùng phát vào những ngày cuối năm 2009 đầu năm 2010, chiều qua Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Diệp Kỉnh Tần đã chủ trì cuộc họp BCĐ quốc gia phòng chống dịch CGC ráo riết triển khai biên pháp phòng chống.

Đi 150km mới tiêm được một đầu gia súc 

Báo cáo của Cục Thú y tới ngày hôm qua, cả nước đã phát hiện 4 ổ dịch CGC tại 2 tỉnh Cà Mau và Hà Tĩnh trong khoảng từ 25/12/2009 đến ngày 17/1/2010 với tổng số gần 4.000 con gia cầm mắc bệnh. Đáng chú ý là cả 4 ổ dịch này đều chưa được tiêm phòng vacxin CGC hoặc có tiêm nhưng tỉ lệ rất thấp. Đặc biệt 2 trong tổng số 4 ổ dịch thuộc địa bàn thị xã, thị trấn chứ không phải là địa bàn vùng sâu vùng xa.

Đáng lo ngại nhất về diễn biến của dịch CGC có lẽ là Cà Mau. Trong vòng 1 tháng, các ổ dịch liên tiếp bùng phát lòng vòng, dập được nơi này lại bùng phát nơi kia. Nhận định về nguyên nhân dịch xẩy ra kéo dài tại Cà Mau, Cục Thú y cho rằng vấn đề tiêm phòng hiện vẫn đang gặp rất nhiều khó khăn do mạng lưới thú y của Cà Mau rất mỏng và yếu, trong khi địa hình sông nước rất khó triển khai tiêm phòng.

Một nguyên nhân khác theo Thứ trưởng Diệp Kỉnh Tần thì: “Có vẻ như chính quyền địa phương dường như thiếu quyết liệt. Bởi hệ thống thú y đã đến tận cấp xã nên chẳng có lí do gì lại không kiểm soát nổi dịch trong một thời gian dài như vậy”. Năm 2009, Cà Mau cũng là địa phương “nổ phát pháo đầu” cho dịch bùng phát tại ĐBSCL, và năm nay cũng lại là Cà Mau “đến hẹn dịch lại về”. Thứ trưởng Diệp Kỉnh Tần quyết liệt chỉ đạo: “Ngay ngày mai (27/1), Trung tâm Thú y vùng VII sẽ phải tăng cường nhân lực xuống Cà Mau dập dịch, quyết không để ổ dịch mới phát sinh trước khi vụ thu hoạch lúa mùa đại trà diễn ra vào tháng 2/2010”.

Cùng lúc dịch CGC tái bùng phát thì trong vòng 2 tuần gần đây, cả nước đã xuất hiện thêm 2 ổ dịch LMLM tại 5 xã của tỉnh Cao Bằng và TX Cửa Lò- Nghệ An (NNVN hôm qua đã đưa tin), nâng số tỉnh có dịch LMLM chưa qua 21 ngày lên con số 7. Cũng như các ổ dịch CGC, các ổ dịch LMLM mới bùng phát cũng đều xẩy ra tại các vùng “trắng” về tiêm phòng. Trong đó theo nhận định của Cục Thú y thì thời điểm này, Lạng Sơn và Lai Châu diễn biến dịch sẽ rất nguy hiểm bởi việc tiêm phòng tại các tỉnh này hết sức khó khăn. Tại Lai Châu, nhiều điểm tiêm phòng phải đi bộ hơn 150km mới có thể tiếp cận được gia súc. Trong khi đó được biết nhiều tủ lạnh được hỗ trợ về tận các xã để bảo quản vacxin theo chương trình hỗ trợ tiêm phòng nhưng đành xếp xó vì... không có điện!

Cho nhập trâu bò công khai có kiểm soát? 

Tại các tỉnh miền Trung, ông Nguyễn Thanh Sơn, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi cảnh báo nguy cơ bùng phát dịch LMLM trên diện rộng cũng rất đáng báo động bởi tình hình buôn bán trâu bò lậu qua biên giới Lào đang có chiều hướng sôi sục trở lại khi Tết Nguyên đán đến gần. Theo ước lượng của Cục Chăn nuôi thì trong năm  2009, có ít nhất là 350 nghìn con trâu bò lậu đã được tuồn qua biên giới Lào và Campuchia về Việt Nam, trong đó đa phần chưa được kiểm dịch.

Về vấn đề nóng bỏng này, Thứ trưởng Tần nhận định: “Hàng trăm nghìn con bò chui qua biên giới một năm, lớn như thế thì không thể gọi là buôn lậu được nữa mà là...buôn công khai rồi! Nếu không có hoạt động theo đường dây có tổ chức thì không thể làm nổi”. Để siết chặt nạn trâu bò lậu qua biên giới, mà đặc biệt là tại cửa khẩu Lao Bảo (Quảng Trị) và các cửa khẩu trọng điểm tại Nghệ An, Thứ trưởng Diệp Kỉnh Tần đã đề nghị Bộ Công an phối hợp cùng Bộ NN-PTNT, từ nay đến Tết Nguyên đán sẽ tập trung vào các điểm nóng này. Đại diện Bộ Công an đã chấp thuận đề nghị này.

Cũng xung quanh vấn đề kiểm soát bò lậu tiến tới kiểm soát dịch LMLM, nhiều ý kiến cho rằng thời gian tới nên chú trọng đầu tư trọng điểm 3 giải pháp mang tính lâu dài đó là: Đầu tư tiêm phòng trọng điểm tại các vùng biên giới của Việt Nam, thậm chí có cơ chế hỗ trợ hoặc trích một phần vốn ODA mà Việt Nam đã viện trợ cho Lào và Campuchia để mua vacxin LMLM tiêm phòng cho gia súc của họ tại vùng biên. Thứ hai là cho nhập gia súc công khai, nhưng phải xúc tiến nhanh việc thành lập các chợ đầu mối buôn bán gia súc để kiểm soát dịch, đồng thời cải tiến công nghệ test dịch để tránh rườm rà trong kiểm dịch (mô hình này tại An Giang đã thành lập chợ Tà Ngáo và hiện đang phát huy tác dụng kiểm soát dịch rất tốt. Bên cạnh đó BQL chợ sẽ thu 30 nghìn đồng/con gia súc vào chợ). Giải pháp cuối cùng theo Thứ trưởng Diệp Kỉnh Tần sẽ phải phối hợp với cơ quan Thú y, cơ quan an ninh của hai nước Lào và Campuchia để cùng nhau kiểm soát tình trạng trâu bò nhập lậu.

Xem thêm
Bò 3B mang tới hi vọng cho người dân miền núi

QUẢNG TRỊ Người dân hi vọng bò 3B sẽ là đối tượng nuôi mới mang lại hiệu quả kinh tế cao, một số hộ dự kiến mở rộng chăn nuôi sau khi kết thúc hỗ trợ.

Tiêm phòng dại vì cộng đồng

Chương trình ‘Tiêm phòng dại vì cộng đồng’ lần 4 vừa được triển khai tại Đức Huệ, Long An, Những năm qua, chương trình đã giúp nâng cao tỷ lệ tiêm phòng trên địa bàn.

Hỗ trợ để sản xuất phát thải thấp cho 200 nghìn ha lúa ở ĐBSCL

AN GIANG 10 doanh nghiệp liên kết với các HTX và nông dân 3 tỉnh An Giang, Đồng Tháp và Kiên Giang sẽ được hỗ trợ để sản xuất lúa phát thải thấp với diện tích 200.000ha.

Hơn 35.000m2 nhà màng ở Mộc Châu được hỗ trợ nâng cấp, cải tạo

SƠN LA Dự án ‘Nông nghiệp thông minh vì thế hệ tương lai’ hỗ trợ 34 hộ gia đình ở Mộc Châu cải tạo và tối ưu hóa 35.420m2 nhà màng, nhà kính.