| Hotline: 0983.970.780

Dịch chồng dịch!

Thứ Sáu 24/05/2013 , 09:19 (GMT+7)

Từ giữa tháng 4/2013 đến nay, dịch lở mồm long móng và tụ huyết trùng tại Nghệ An đang có diễn biến khá phức tạp tại nhiều địa phương.

Từ giữa tháng 4/2013 đến nay, dịch lở mồm long móng (LMLM) và tụ huyết trùng (THT) tại Nghệ An đang có diễn biến khá phức tạp tại nhiều địa phương. Từ ngày 13/4 đến 21/5, toàn tỉnh đã xuất hiện 20 ổ dịch, trong đó có 16 ổ dịch LMLM và 4 ổ dịch THT trâu bò, khiến cơ quan thú y từ tỉnh đến huyện đang phải gồng mình chống dịch...

Chỉ tính riêng dịch LMLM tại 4 huyện Diễn Châu, Nam Đàn, Quỳnh Lưu và Thanh Chương đã có 181 hộ, thuộc 35 xóm của 13 xã bị dịch LMLM thời gian qua khiến tổng số gia súc mắc bệnh lên đến 286 con (223 con trâu bò, bê nghé, 62 con lợn, 1 con hươu). Trong đó số gia súc mắc bệnh LMLM buộc phải tiêu hủy là 71 con với gần 5,6 tấn thịt hơi gây thiệt hại cho nông dân ngót nghét 2 tỷ đồng. Theo báo cáo của Chi cục Thú y Nghệ An, năm nay, dịch LMLM vẫn tiếp tục xuất hiện trên địa bàn của một số xã thuộc huyện Thanh Chương (một trong 8 huyện nằm trong chương trình khống chế quốc gia về dịch LMLM dành cho Nghệ An, được cấp phát vacxin và không thu tiền công tiêm phòng).

Ông Đặng Văn Minh, Phó chi cục trưởng Chi cục Thú y Nghệ An cho biết: Dịch LMLM năm nay ở Nghệ An xuất hiện sau khi dịch tai xanh vừa được khống chế. Cái bất thường của dịch LMLM năm nay là xuất hiện sớm hơn mọi năm và rải rác tại nhiều huyện khiến công tác dập dịch thêm khó khăn.

Trong khi đó, công tác tiêm phòng vacxin LMLM và THT trên đàn trâu bò hàng năm tại cơ sở có tỷ lệ rất thấp. Người chăn nuôi vẫn bàng quan trước tình hình dịch bệnh nên chưa quan tâm đến công tác tiêm phòng, tỷ lệ trâu bò có nguy cơ bị lây nhiễm hiện rất cao. Đây là nguyên nhân bùng phát 16 ổ dịch LMLM đều tại những địa phương từng có ổ dịch cũ các năm 2011 - 2012. Một số ổ dịch LMLM có gia súc mắc bệnh lây lan nhanh như Diễn Trường (66 con), Diễn Hùng (19 con), Diễn Mỹ (23 con), Diễn Nguyên (23 con); Xuân Lâm (23 con), Nam Thanh (27 con); Thanh Lương (53 con); Quỳnh Hồng (17 con)...


Mổ khám nghiệm bò bị THT tại xã Nam Thanh (Nam Đàn)

Ngay sau khi các địa phương phát hiện và báo cáo số gia súc mắc bệnh LMLM lên cấp trên, Trạm thú y các huyện đã cùng với chính quyền cấp huyện chỉ đạo các xã, xóm và người dân tiến hành ngay các biện pháp cấp bách phòng chống dịch. Số gia súc bị bệnh lập tức được nhốt tại chuồng để cách ly, kiên quyết không để gia súc cảm nhiễm tiếp xúc với số gia súc chưa bị bệnh, đồng thời tiến hành chăm sóc chữa trị. Riêng những con trâu bò ốm nặng, chết và số lợn ốm được tiêu hủy ngay sau khi mắc bệnh.

Chi cục Thú y Nghệ An đã tham mưu cho UBND tỉnh công bố dịch và tiến hành cung cấp tổng cộng 33.550 liều vacxin LMLM type O cho các huyện để tiêm phòng bao vây, khống chế dịch. Trong đó lượng vacxin được tập trung nhiều nhất tại các huyện Diễn Châu 9.500 liều; Nam Đàn 7.500 liều; Nghi Lộc 6.650 liều; Quỳnh Lưu 4.000 liều; Yên Thành và Đô Lương, mỗi huyện 2.000 liều... do đó 100% số trâu, bò tại các xã có dịch LMLM và các xã vùng bị dịch uy hiếp đã được tiêm phòng vacxin LMLM type O. Nhờ đó, tính đến ngày 23/5 các ổ dịch LMLM tại các xã Nghi Trường, Nghi Hưng, Nghi Long, Nghi Phong (Nghi Lộc); Diễn Trường, Diễn Hùng (Diễn Châu); Khánh Sơn, Nam Hưng (Nam Đàn) đã qua 21 ngày không phát sinh thêm gia súc mắc bệnh.

Để dịch LMLM type A không lây lan từ tỉnh Hà Tĩnh sang, Chi cục Thú y Nghệ An đã thành lập chốt kiểm dịch tạm thời tại cầu Bến Thủy và yêu cầu các huyện như Nam Đàn, Hưng Nguyên, Nghi Lộc, TP Vinh phải triển khai ngay việc tiêm phòng vacxin type A, đồng thời chỉ đạo các địa phương tiếp tục tăng cường công tác giám sát đàn gia súc trong khu dân cư nhằm, phát hiện dịch sớm, báo cáo dịch kịp thời và tổ chức xử lý ổ dịch nhanh chóng.

Một con trâu bò trưởng thành giá hiện nay dao động từ 30 đến 40 triệu đồng/con. Để bảo vệ đàn trâu bò của mình, các hộ chăn nuôi không thuộc diện được Nhà nước hỗ trợ nên chủ động mua vacxin tiêm phòng để tránh bị thiệt hại về sau. Vacxin LMLM type O giá hiện nay là 14.000 đồng/liều, vacxin type A giá 26.000 đồng/liều. Vacxin THT 4.000 đồng/liều - ông Đặng Văn Minh, Phó chi cục trưởng Chi cục Thú y Nghệ An.

Tại các vùng đã có dịch, Chi cục Thú y chỉ đạo và phân công cán bộ xuống cùng với địa phương thành lập chốt trực gác tại trục đường chính ra, vào vùng có dịch. Đẩy mạnh tuyên truyền trên phương tiện thông tin cấp huyện, hệ thống loa phát thanh xã về tình hình, diễn biến dịch bệnh và khuyến cáo kịp thời các biện pháp phòng chống để người dân chủ động phối hợp với các cơ quan chuyên môn thực hiện. Cán bộ xóm đến từng hộ yêu cầu hộ chăn nuôi có gia súc mắc bệnh LMLM phải ký cam kết chấp hành nghiêm việc nuôi nhốt gia súc bị bệnh tại chuồng, cách ly, chăm sóc, điều trị, không bán chạy, thường xuyên theo dõi sức khỏe của trâu bò bị bệnh và báo cáo kịp thời để có biện pháp xử lý.

Điều tai hại là trong khi dịch LMLM hiện chưa bị chặn đứng, thì dịch THT trên đàn trâu bò cũng đã xuất hiện rải rác tại một số địa phương. Từ ngày 6/5 đến nay, tại Nghệ An đã xuất hiện 4 ổ dịch THT làm chết 8 con bò. Ổ dịch đầu tiên xuất hiện tại xã Diễn Thịnh, huyện Diễn Châu vào ngày 6/5 làm chết 1 con bò. Đến ngày 10/5 lại xuất hiện ổ dịch THT khác tại xã Nam Thanh, Nam Đàn làm chết 3 con bò. Tiếp đó, ngày 14/5 tại xã Hưng Lĩnh, Hưng Nguyên thêm ổ dịch THT mới làm chết thêm 3 con bò nữa. Mới đây, ngày 21/5, tại xã Nghi Trung, Nghi Lộc lại thêm 1 con bò nữa chết do bệnh THT.

Theo ông Đặng Văn Minh, Phó chi cục trưởng Chi cục Thú y Nghệ An thì dịch THT ở Nghệ An cũng rất đáng lo ngại. Thời điểm này đang vào mùa dịch THT, nhưng tỷ lệ trâu bò được tiêm phòng vacxin THT trong dân chỉ mới đạt khoảng 40%. Đáng nói trâu bò bị chết do dịch THT, không được tiêm phòng, khi bị tiêu hủy lại không được Nhà nước hỗ trợ nên người dân sẽ thiệt hại rất lớn.

Xem thêm
Huấn luyện kỹ năng phòng, chống bệnh dại

CẦN THƠ Ngày 16/4, Chi cục Chăn nuôi và Thú y TP. Cần Thơ phối hợp với Sở Y tế, Trường Nông nghiệp (Đại học Cần Thơ) tập huấn phòng, chống bệnh dại trên động vật.

Bình Định lên phương án né hạn cho vụ hè thu

Bình Định đang lên phương án chủ động ứng phó với tình hình hạn hán, tập trung vận động người dân tiết kiệm nước để đảm bảo thắng lợi vụ hè thu 2024.

Tưới tiết kiệm: Khó khăn trước mắt, lợi ích dài lâu

Đầu tư cho hệ thống tưới tiết kiệm có thể tốn kém trước mắt cho nhà nông, song sẽ mang lại nhiều lợi ích dài lâu.