| Hotline: 0983.970.780

Dịch cúm gia cầm tái bùng phát: Nhiều kẽ hở chết người

Thứ Tư 15/02/2012 , 09:21 (GMT+7)

Dịch cúm gia cầm (CGC) đang diễn biến phức tạp ở một số tỉnh vùng ĐBSCL...

Mua bán gia cầm sống - mối nguy lây lan dịch bệnh CGC

Dịch cúm gia cầm (CGC) đang diễn biến phức tạp ở một số tỉnh vùng ĐBSCL. Hiện tượng gà chết, vịt chết từ nhỏ lẻ vài con đến những đàn trên trăm con và cực kỳ nguy hiểm khi lây sang người.

Hiện gà, vịt chết rải rác vẫn tiếp diễn ở một số vùng nông thôn các tỉnh Bạc Liêu, Sóc Trăng. Tỉnh Sóc Trăng buộc tiêu hủy đàn gia cầm có dấu hiệu mắc CGC. Đã hai, ba năm qua, các tỉnh ĐBSCL có kinh nghiệm khống chế, đẩy lùi dịch CGC thành công. Vì sao từ sau Tết Nhâm Thìn đến nay CGC vẫn tái phát?

Cuối năm 2011, cán bộ thú y ở Sóc Trăng tưởng như tình hình dịch CGC lắng dịu. Thế nhưng thời tiết lạnh kéo dài, tại các cuộc họp cuối năm lãnh đạo cơ quan nông nghiệp tỉnh đã cảnh báo cán bộ, nhân viên túc trực tại các trạm thú y, không nên lơ là trong việc kiểm tra, đề phòng dịch CGC tái diễn, nhất là trong những ngày nghỉ tết.

 Quả nhiên ra tết, người dân Sóc Trăng bất ngờ trước hiện tượng gà bị bệnh chết và đã có 1 người tử vong nhiễm cúm A H5N1 sau khi làm gà chết cho gia đình ăn. Lần tìm trở lại nguyên nhân vì sao dịch CGC tái diễn, các cơ quan chuyên môn đã đến tìm hiểu, phân tích những kẽ hở trong công tác phòng chống dịch.

Mới đây các cán bộ đoàn công tác liên ngành gồm Cục Thú y (Bộ NN-PTNT), Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) và Sở NN-PTNT Sóc Trăng về ấp B1, xã Thạnh Tân, huyện Thạnh Trị (Sóc Trăng). Qua tiếp xúc, trò chuyện, nhiều người dân địa phương thật thà nói, họ không hề biết gì về dịch CGC.

Như chị Danh Thị Giỏi, người chị chồng của bệnh nhân tử vong do nhiễm cúm A (H5N1) cho biết: “Mấy năm qua, cứ lúc gần tết là có gà bị bệnh chết, đem làm thịt ăn đâu thấy có hề gì. Năm nay gà bệnh chết nhiều hơn, có nhà ăn không hết còn làm khô để dành”. Cha chị Giỏi nói giọng bình thản: “Gà chết thì làm thịt ăn, kéo nhau cùng nhậu chứ đâu có biết bị bệnh gì”.

Chính quyền xã Thạnh Tân cho biết: Từ khi có bệnh nhân tử vong đến nay, một số phụ huynh lo lắng không dám cho con mình đi học, vì ngôi trường chỉ cách nhà bệnh nhân tử vong chừng 500m. Khi hỏi chuyện nhiều người dân trong ấp, có người rất vô tư như không hề hay biết gì về sự nguy hiểm của dịch bệnh CGC và các chính sách hỗ trợ phòng chống dịch của Nhà nước. Điều đó cho thấy, công tác tuyên truyền về dịch CGC đã không đến được tới dân.

Ở khu vực xảy ra dịch CGC ở ấp B1, xã Thạnh Tân đến nay vẫn chưa có điện lưới quốc gia, dù nơi đây chỉ cách đường hạ thế chưa đầy 1km. Không có điện nên không loa truyền thanh. Việc tuyên truyền bằng các phương tiện truyền thông càng khó đến với người dân.

Bác sĩ Lê Hoàng San, Phó Viện trưởng Viện Pasteur TP HCM nhận xét: Ở ấp B1 phần nhiều là người dân tộc Khmer, nhưng tài liệu bướm tuyên truyền lại không có phần chữ Khmer nên sẽ rất khó cho người dân tiếp cận. Theo Bác sỹ San, công tác tuyên truyền nên sát thực với người dân, nhất là về trình độ nhận thức, phong tục, tập quán của đồng bào dân tộc. Trong công tác tuyên truyền cần lưu ý việc sử dụng nguồn nước dưới kênh. Vì có người dân vứt xác gia cầm chết xuống kênh nên khả năng nguồn nước mang mầm bệnh càng cao.

Bên cạnh đó, một kẽ hở khác trong công tác phòng chống dịch là việc giám sát, phát hiện dịch. TS Đàm Xuân Thành - Phó Cục trưởng Cục Thú y cho rằng: “Gia cầm mắc bệnh chết đã xuất hiện trong thời gian khá dài, người dân đã giết thịt ăn, làm khô, hay vứt xác xuống kênh gần hết mà ngành chuyên môn và chính quyền địa phương vẫn chưa hay biết. Đến khi có ca tử vong, mới tiến hành điều tra và phát hiện dịch đã có từ trước thì đã không còn mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm. Ở vùng nông thôn quanh đây, hầu như nhà nào cũng nuôi gà, có hộ nuôi đến vài trăm con vậy mà ấp, xã đều không hay biết và đàn gia cầm đều không được tiêm phòng”.

Với những lỗ hổng trên, TS Đàm Xuân Thành đề nghị: Cần kiện toàn lại BCĐ phòng chống dịch các cấp và thực hiện chế độ giám sát, thông tin báo cáo định kỳ. BCĐ phòng chống dịch của huyện không nên phó mặc cho cơ quan thú y hay y tế, mà phải có sự huy động cả hệ thống chính trị cùng tham gia giám sát, phát hiện dịch sớm. Vai trò của tuyến cơ sở là rất quan trọng, nhất là các Trưởng ban nhân dân ấp và đoàn thể.

Xem thêm
Công đoàn NN-PTNT Việt Nam phát động Tháng Công nhân và an toàn lao động

Sáng 24/4, tại Công đoàn NN-PTNT Việt Nam tổ chức phát động 'Tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động và Tháng Công nhân năm 2024'.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Không tùy tiện tăng giá, ép khách du lịch dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5

Ngành du lịch yêu cầu các cơ quan quản lý địa phương và doanh nghiệp công khai giá bán hàng hóa, dịch vụ và bán đúng giá niêm yết, không tùy tiện tăng giá.