| Hotline: 0983.970.780

Dịch giả Trần Đình Hiến: Trung Quốc không có tư cách nước lớn

Thứ Ba 14/08/2012 , 09:06 (GMT+7)

Dịch giả Trần Đình Hiến nguyên là Tùy viên báo chí, văn hóa Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc. Ông từng dịch nhiều cuốn sách nổi tiếng. Trò chuyện với phóng viên NNVN, dịch giả Trần Đình Hiến khẳng định: Trung Quốc là nước lớn, đông dân nhưng không có tư cách nước lớn.

Dịch giả Trần Đình Hiến nguyên là Tùy viên báo chí, văn hóa Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc. Ông từng dịch nhiều cuốn sách nổi tiếng như: Tuyển tập Lão Xá, Gieo hạt tình yêu, Khát vọng, Báu vật của đời, Cây hợp hoan, Đàn hương hình, Cây tỏi nổi giận, Rừng xanh lá đỏ, To tem Sói, Vú to mông nở...

>> Vì sao Trung Quốc hành động ngang ngược?

Trò chuyện với phóng viên NNVN, dịch giả Trần Đình Hiến khẳng định: Trung Quốc là nước lớn, đông dân nhưng không có tư cách nước lớn.


Dịch giả Trần Đình Hiến

Mưu đồ của Trung Quốc có từ lâu

Thưa ông, ý ông muốn nói tới cách hành xử ngang ngược của Trung Quốc trong vấn đề biển Đông hiện nay?

Đúng thế. Thật ra, đến nay Trung Quốc chỉ còn có mỗi biển Đông để duy trì sự phát triển. Chủ yếu là giá trị về con đường thông thương, con đường nhập năng lượng, từ Nam Mỹ, qua Châu Phi, vào Ấn Độ Dương, qua Malaca về biển Đông. Nếu không có con đường để nhập năng lượng ấy thì Trung Quốc sẽ dừng lại, không phát triển nữa, thậm chí là sụp đổ. Điều này là rất rõ.

Người ta nói rằng biển Đông giàu năng lượng, cả khí cả dầu, nhiều đá cháy. Mà đá cháy là một loại năng lượng mới, năng lượng gấp nhiều lần dầu lửa. Và Trung Quốc cũng đã khai thác thử đá cháy từ nhiều năm nay ở Bắc biển Đông. Cho nên không còn nghi ngờ gì nữa, đây là mưu toan chiếm biển Đông của Trung Quốc.

Đầu tiên là để đánh thông con đường vận chuyển. Họ nghĩ rằng, không gì hay bằng việc biến biển Đông thành ao nhà mình. Đi đi về về không cần xin phép ai. Nếu là ao nhà mình thì ai đi qua phải xin phép, thích thì cho đi còn không thích thì thôi. Cho nên biển Đông rất quan trọng.

Gần đây có thông tin Trung Quốc nhập 1.200 triệu tấn dầu, tuy nhiên con số ấy chưa chính xác đâu, chỉ khoảng 200 triệu tấn thôi. Mà 200 triệu ấy phải vận chuyển bằng đường biển, phải qua biển Đông. Tầm quan trọng của biển Đông đối với Trung Quốc cũng giống như con đường sạn đạo vào đất Ba Thục ấy. Nếu bị chặn con đường ấy thì mọi việc sẽ gay go. Cho nên trong ý đồ của giới lãnh đạo Trung Quốc mưu toan độc chiếm biển Đông đã có từ lâu và đến bây giờ mới rõ rệt, họ không cần che giấu nữa. Đấy là một vấn đề về đạo lý.

Nhân việc ông nói đến vấn đề về đạo lý, chúng tôi nhớ không nhầm thì chính triết gia người Trung Quốc là Lâm Ngữ Đường từng nói đại ý rằng, triết lý lớn nhất của người phương Đông nói chung và người Trung Quốc nói riêng là “hợp tình hợp lý”. Nhìn tổng thể vấn đề biển Đông, rõ ràng người Trung Quốc hiện nay đang đi ngược với triết lý đó. Có phải không thưa ông?

Nhìn vào các triều đại dân tộc, ngắn nhất là 5000 năm trở lại đây thì không có chuyện người Trung Quốc xử lý “hợp tình hợp lý”, bởi vì văn hóa dân tộc họ không xử lý như thế. Cụ thể, các triều đại phong kiến Trung Quốc đã 13 lần sang xâm lược nước ta. Trong khi Việt Nam chưa bao giờ có động thái nào gây hấn để đến mức họ đưa quân sang đánh cả. Lý do là vì những triều đại phong kiến Trung Quốc khi đã cảm thấy mình hùng mạnh thì thực hiện âm mưu bành trướng. Trước Hán Vũ Đế (năm 140 TCN) người đàn ông Trung Quốc chỉ gọi là nam tử hoặc nam nhi, trẻ nhỏ thì gọi là nam hài tử. Đến thời Hán Vũ đế - tên vua bành trướng khủng khiếp nhất trong các triều đại phong kiến Trung Quốc, thì người ta gọi đám quân lính đốt-cướp-hiếp-giết của ông ta là những trang hảo hán. Tóm lại lịch sử Trung Quốc là bành trướng, bất cứ khi nào có điều kiện, không có điều kiện thì nấn ná đợi chờ.

Lấy thịt đè người

Bành trướng? Điều đó rất đúng với ngay cả bối cảnh hiện nay, bởi không chỉ với Việt Nam, Trung Quốc gây hấn với hàng loạt các nước láng giềng: Hàn Quốc, Nhật, Ấn Độ…?

Đúng thế. Một đặc điểm của văn hóa người Trung Quốc là ý thức bầy đàn mà họ gọi là ý thức quần thể. Người Trung Quốc không tin vào khả năng cá nhân. Anh muốn cho người ta tin thì anh phải vẽ theo hướng thần thánh hóa. Như Lưu Bang chỉ là một anh trưởng thôn bình thường, tư cách cực kỳ lưu manh, hạ lưu nhưng đến lúc làm vua thì phải dựng chuyện lúc sinh ông này, trên nóc nhà hào quang sáng rực. Có nghĩa là thượng đế “ký gửi” vào người trần này rồi.

Giữa đời nhà Thương, ngang với đời Hồng Bàng bên mình thì tuổi thọ của người Trung Quốc chỉ là 25 tuổi, tỷ lệ giữa sống và chết là 50-50. Người Trung Quốc thời đó chống lại chuyện suy giảm dân số bằng cách đẻ nhiều. Nhưng khả năng đẻ của con người có hạn, trong ý thức của người Trung Quốc, để có thể đẻ nhiều họ đã đi tìm tới lực lượng siêu nhiên giúp đỡ. Vì vậy vật tổ đầu tiên của người Trung Quốc thờ là con cá chép. Bởi vì sao? Là vì một con cá chép có hai buồng trứng. Mỗi buồng trứng có thể đẻ hàng chục nghìn con. Họ nghĩ chắc là thượng đế ký gửi vào con cá chép này một sức mạnh siêu nhiên, giúp một cá thể sản sinh ra hàng vạn cá thể. Đàn ông không đẻ, họ thờ cá để phụ nữ của họ đẻ nhiều. Chuyện này để lại dấu ấn trong văn hóa: thư tình trai gái gửi cho nhau thời ấy gọi là ngư thư (thư cá).

Từ đó họ hình thành ý thức, chỉ có số đông mới giải quyết được mọi chuyện. Với người Trung Quốc, khi đã có số đông rồi thì ỷ vào số đông đó để chèn ép người khác. Tào Tháo từng chỉ roi xuống sông Chương: Quân ta chỉ cần ném roi ngựa xuống sông cũng đủ lấp. Đấy là tư tưởng số đông. Đến thời ông Mao Trạch Đông thì cũng từng nói: Mỗi người dân Trung Quốc chỉ cần nhổ một bãi nước bọt đã đủ lấp eo biển Đài Loan!

Và bây giờ Trung Quốc huy động 23.000 tàu cá xô ra biển Đông thì là tư tưởng gì? Chiến thuật gì? Là chiến thuật lấy thịt đè người.

Về lý không thắng được Việt Nam, không thắng được thiên hạ chuyện biển Đông không phải của Trung Quốc thì bây giờ dùng số đông, dùng chính sách tằm ăn rỗi. Ba bốn ngàn năm trước đã vậy, bây giờ vẫn như vậy…

Nhưng người Trung Quốc vẫn hay nói về Nhân, Lễ, Nghĩa, Trí, Tín… đó thôi, thưa ông?

Những cái đó bây giờ miễn bàn. Không cần bàn thêm gì cả bởi vì tất cả những quan niệm đó đều là  bịp.

Nhân là thương người. Nghĩa là giúp người. Lễ là trọng người. Trí là hiểu người. Tín là tin người và được người tin. Để nói về 5 điều này trong xã hội Trung Quốc thì xin được mượn lời đại văn hào Lỗ Tấn thế này: “Các giai cấp thống trị Trung Quốc trong lịch sử dùng đạo Khổng (tức là Nhân, Lễ, Nghĩa, Trí, Tín) để làm hòn đá gõ cửa nhà người ta. Khi chủ nhà mở cửa cho vào rồi thì nó quẳng hòn đá ngay ngoài cửa”.

Ngày xưa còn giả vờ liêm sỉ đã như thế, huống hồ bây giờ mặt dày, bất cần. Trung Quốc không sợ dân mình chửi, có biết xấu hổ đâu mà sợ! 

Xin cám ơn ông!

“Về mặt chứng và lý, Trung Quốc không thể chứng minh biển Đông là của họ. Người ta căn cứ vào nhiều cứ liệu để giải mã chuyện này. Các nước và các nhà truyền giáo phương Tây đã vẽ khoảng 100 bản đồ về biển Đông, trong đó Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam, không phải của Trung Quốc. Địa giới cuối cùng của Trung Quốc là đảo Hải Nam. Nhưng Trung Quốc “mặt dày mày dạn” cãi lấy được. Họ cãi rằng đây là thiên hạ vẽ, mà thiên hạ vẽ thì có nhiều lý do, anh vẽ không chuẩn, tư liệu còn thiếu…

Thế nhưng lại có chuyện này, đến nay tạm liệt kê ra có khoảng 7 bản đồ do chính người Trung Quốc vẽ. Hầu hết các bản đồ ấy đã được ngự phê, tức là nhà vua duyệt. Ngự phê thì có nghĩa là cấp cao nhất đã công nhận. Bản đồ gần nhất công bố năm 1904 có tên “Đại Thanh trực tỉnh dư địa toàn đồ” được vua Khang Hy đặt vấn đề các giáo sĩ Tây Phương vẽ trong vòng 50 năm. Vẽ xong đưa về các tỉnh để chính quyền địa phương xác nhận. Những bản đồ này không có Hoàng Sa và Trường Sa. Mốc địa giới cuối cùng thời nhà Thanh là đảo Hải Nam.

Những bằng chứng lịch sử thì không đưa ra được, thì giở thủ đoạn “lấy thịt đè người”. 23.000 tàu cá Trung Quốc hiện nay ở khu vực Trường Sa là như vậy. Do đó Trung Quốc không có tư cách nước lớn, tư cách anh cả. Anh cả đúng nghĩa chứ không phải kiểu đại ca”, dịch giả Trần Đình Hiến.

Xem thêm
Đảng ủy Bộ NN-PTNT bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024

Ngày 27/3, tại Trường Cán bộ quản lý NN-PTNT, Đảng ủy Bộ NN-PTNT đã tổ chức Bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024.

Nhãn, vải ra hoa ít, ong nuôi ‘đói’ mật, nông dân thất thu

Vụ mật ong xuân năm nay chỉ có 40% số hộ nuôi ong mật nội rừng ở Kinh Môn (Hải Dương) thu được mật, sản lượng giảm so với vụ xuân trước.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Yên Bái: Cảnh tan hoang những ngôi nhà bị mưa đá, giông lốc tàn phá

Ngày 28/3, tại tỉnh Yên Bái đã xảy ra mưa đá, giông lốc gây thiệt hại nhiều nhà ở và cây cối hoa màu các huyện Mù Cang Chải, Trấn Yên và Văn Chấn.

Bình luận mới nhất