| Hotline: 0983.970.780

Dịch LMLM uy hiếp đàn bò sữa

Thứ Sáu 03/12/2010 , 10:20 (GMT+7)

Hiện các DN chăn nuôi bò sữa tại Nghệ An như ngồi trên đống lửa bởi dịch lở mồm long móng đang uy hiếp đàn bò của họ.

Khu vực TX Thái Hòa và huyện Nghĩa Đàn đã có tổng cộng gần 9.500 con bò sữa HF được nuôi tập trung, trong đó Cty CP Sữa Vinamilk có 1.200 con, Cty CP Thực phẩm sữa TH (Cty CP Sữa TH) có 8.000 con (chưa kể bê sữa mới được đàn bò sữa HF sinh sản), số còn lại là của các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. Hiện các DN này như ngồi trên đống lửa bởi dịch lở mồm long móng đang uy hiếp đàn bò của họ.

Ông Trần Minh Hạnh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y Nghệ An cho biết  ngày 18/11, dịch LMLM bùng phát tại xóm 18, xã Nghĩa Trung, huyện Nghĩa Đàn, cách trại bò sữa HF của Cty CP Sữa TH khoảng 6 km theo đường chim bay. Dịch đã làm 5 con trâu, bò và bê của 4 hộ bị dính bệnh LMLM. Tiếp đến ngày 26/11, tại xóm này phát hiện thêm 7 con trâu bò nữa phát bệnh.

 Cũng trong ngày 26/11, tại địa bàn xóm Bình Nghĩa, xã Nghĩa Bình (cách trại bò sữa của Cty CP Sữa TH khoảng 2,5 km theo đường chim bay) lại có 5 con trâu, bò của 3 hộ dân dính dịch. Ngay khi xẩy ra dịch LMLM, chính quyền xã, huyện Nghĩa Đàn và cơ quan thú y đã tổ chức họp dân để quán triệt công tác tiêm phòng và tiêu độc khử trùng ngay đồng thời báo cáo cấp trên, tổ chức lập chốt ngăn chặn không cho dịch LMLM có điều kiện lây lan ra xung quanh. 

Vậy nhưng, ngày 28/11 lại phát hiện thêm 1 con bò nữa bị phát bệnh. Cơ quan thú y tỉnh và huyện Nghĩa Đàn đã phải huy động thêm lực lượng vừa lập 4 chốt chặn vừa tổ chức tiêu độc khử trùng và tiêm phòng cho đàn trâu, bò còn lại. Do đàn trâu bò bị LMLM tại xã Nghĩa Bình nằm sát với trại bò sữa nên Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An đã lệnh cho cơ quan thú y tổ chức giết và tiêu hủy toàn bộ số trâu, bò bị bệnh tại xã Nghĩa Bình.

Cũng theo ông Trần Minh Hạnh, tại xã Nghĩa Bình, ngoài việc công bố dịch trên các phương tiện thông tin đại chúng, hiện Chi cục Thú y Nghệ An đã chỉ đạo lập 4 chốt chặn không cho vận chuyển, buôn bán, giết thịt đàn trâu, bò trong các địa phương có dịch; cấp đủ lượng thuốc sát trùng và 3.500 liều vacxin để đảm bảo tiêm phòng đủ cho 100% đàn trâu, bò hiện có của 4 xã vùng vành đai khu vực chăn nuôi bò sữa tập trung của Cty CP Sữa TH. Trong đó có 2.000 liều vacxin đa tuýp và 1.500 liều vacxin tuýp O.

Điều đáng nói hiện nay là dịch LMLM đã bùng phát ra ngay trong vùng vành đai (bắt buộc phải tiêm phòng đủ 2 mũi/năm) có bán kính cách khu vực có trại bò sữa tập trung 3 km theo đường chim bay nên các trại chăn nuôi bò sữa tập trung hiện đang bị đặt trong tình trạng báo động đỏ.

Được biết, theo Quyết định số 1798/QĐ-UBND.NN, ngày 06/5/2010, về việc phê duyệt đề án khống chế và tiến tới thanh toán bệnh LMLM gia súc vùng vành đai chăn nuôi bò sữa tỉnh Nghệ An giai đoạn 2010 -2014 của UBND tỉnh Nghệ An, theo đó việc cung cấp đủ lượng vacxin LMLM sẽ được ưu tiên đặc biệt cho 30 xã gồm: 6 xã vùng cảng Cửa Lò thuộc huyện Nghi Lộc; 10 phường, xã thuộc TX Cửa Lò; 10 phường, xã thuộc TX Thái Hòa và 4 xã thuộc huyện Nghĩa Đàn.

Điều đang lo ngại là ngay sau khi xảy ra dịch LMLM, mặc dù nguồn vacxin được Chi cục Thú y Nghệ An cung cấp đủ nhưng một bộ phận người chăn nuôi trong xã vẫn chống đối, không chịu tiêm phòng khiến cán bộ thú y thêm lúng túng.
Thế nhưng trên thực tế, cả năm 2010, Nghệ An mới cấp được 77.800 liều vacxin LMLM các loại (vụ xuân 44.000 liều và vụ thu 33.800 liều) nên lượng vacxin cấp cho 30 phường, xã nói trên vẫn không đủ tiêm cho đàn trâu bò hiện có. Đơn cử, đàn trâu, bò của xã Nghĩa Bình, Nghĩa Đàn có tổng cộng gần 900 con trâu, bò nhưng chỉ mới cấp được 850 liều vacxin các loại (gần 50%). Đây là lý do đầu tiên giải thích vì sao tỷ lệ tiêm phòng tại 4 xã khu vực vành đai các trại bò sữa tại Nghĩa Đàn vẫn đạt thấp, mặc dù 2 đợt tiêm (vụ xuân và vụ thu) vừa qua tại 4 xã vùng vành đai các trang trại bò sữa của Cty CP Sữa TH đã được làm khá quyết liệt.

Theo đó, Nghĩa đàn đã áp dụng theo phương thức: Trong bán kính 2 km trở vào thì cán bộ thú y huyện, xã và cán bộ thú y của Cty CP Sữa TH dàn hàng ngang đi tiêm trực tiếp đến từng hộ nên đàn trâu, bò nằm trong vùng bán kính nói trên đều được tiêm 100%. Vùng hành lang từ 2 km trở ra đến 3 km thì giao cho cán bộ thú y cơ sở tiêm tổ chức tiêm. Nên tỷ lệ tiêm phòng lại càng đạt thấp là khó tránh khỏi…

Trên thực tế, qua kiểm tra đàn bò bị dính dịch của xóm Bình Nghĩa, xã Nghĩa Bình (cách trại bò sữa của Cty CP Sữa TH khoảng 2,5 km) là một ví dụ điển hình. Theo khảo sát tại hồ sơ lưu của xóm trưởng xóm Bình Nghĩa, thì cả xóm có gần 300 con trâu, bò nhưng vụ xuân chỉ có 64 con trâu bò được tiêm, còn vụ thu hiện mới có 54 con đã tiêm phòng vacxin LMLM.

Xem thêm
Điều trị, làm đẹp cho thú cưng: Đã học rồi còn phải học thêm

Thú cưng đưa vào các phòng khám thú y điều trị được siêu âm, X quang để chẩn đoán bệnh như người nên nhân viên phòng khám phải được đào tạo bài bản.

Doanh nghiệp đầu tiên công bố sản xuất cà phê tuân thủ EUDR

ĐẮK LẮK Simexco DakLak đã được cấp chứng nhận tuân thủ EUDR cho 4.957 nông dân với diện tích 5.375ha trong vùng liên kết.

Đồng Nai hướng tới cơ giới hóa đồng bộ trong trồng trọt

Cơ giới hóa trong trồng trọt ở Đồng Nai đã có nhiều thành tựu nhưng chưa đồng bộ. Tỉnh này đang hướng tới việc cơ giới hóa đồng bộ trong thời gian tới.

Bình luận mới nhất