| Hotline: 0983.970.780

Dịch sởi bùng phát trên diện rộng

Thứ Ba 11/02/2014 , 09:39 (GMT+7)

Chỉ vì lừng khừng không cho con đi tiêm chủng mà nhiều bà mẹ đã khiến con bị nhiễm bệnh sởi phải nhập viện...

"Chỉ vì lừng khừng không cho con đi tiêm chủng mà nhiều bà mẹ đã khiến con bị nhiễm bệnh sởi phải nhập viện- là một trong nhiều nguyên nhân khiến cho dịch sởi lần này rộ lên mạnh hơn”- Thạc sĩ, BS Nguyễn Văn Thường, Phó trưởng Khoa Nhi tổng hợp, BV Xanh Pôn (Hà Nội) chia sẻ với phóng viên NNVN sáng ngày 10/2.

Con lây bệnh cho mẹ

Dẫn phóng viên đến tận nơi những đứa trẻ mắc sởi đang nằm điều trị nội trú trong BV. Một phòng chỉ có 8 giường, rộng khoảng 10 mét vuông nhưng bệnh nhân nằm chật kín, phải nằm ghép.

BS Thường chỉ về một đứa trẻ còn đỏ hỏn, nồng mùi sữa mẹ và bảo: “Đây là bệnh nhi nhỏ tuổi nhất, hôm nay được tròn 50 ngày sinh, tên là Nguyễn Hải Đăng, điều trị tại Khoa được 8 ngày. Cháu mắc bệnh sởi và bị biến chứng viêm phổi. Đặc biệt lại lây bệnh sởi cho cả mẹ nên các BS đang phải điều trị đồng thời cho hai mẹ con. Chúng tôi vừa phải lấy máu của cả hai mẹ con để kiểm tra mức độ kháng thể rồi tiếp tục có đơn thuốc điều trị phù hợp”.

Điều trị cạnh giường là cháu bé Bùi Khánh Lâm, 5 tuổi, dù có chút hiểu biết so với các em bé cùng phòng nhưng Lâm cũng tỏ ra mệt mỏi, dựa lưng vào bố và chốc chốc lại thở hắt ra. Bố cháu, anh Trần Huy Hoàng cho hay, nguyên nhân cũng bởi mỗi lần định cho con đi tiêm phòng các mũi trong chương trình tiêm chủng thì cháu lại bị ốm vặt. Vì thế gia đình lại bỏ qua rồi quên luôn, kể cả mũi tiêm sởi.

Cùng chung lý do “chưa tiêm phòng sởi cho con” là cháu bé Nguyễn Đình Quốc Tuấn, 15 tháng tuổi, huyện Hoài Đức, Hà Nội. Mẹ cháu, chị Lê Thị Thu Dung đang nằm thiêm thiếp cạnh con vì cả đêm qua cháu quấy khóc, cũng cố gượng mình nhỏm dậy. Chị Dung cho biết, Tuấn là con thứ hai sinh ra được 3,8kg. Nhưng không hiểu sao “nuôi khó” hơn thằng anh và suốt ngày ốm vặt. Cứ định cho con đi tiêm phòng theo lịch thì nó lại lăn ra ốm nên chị chưa kịp tiêm bổ sung thì bé đã nhiễm bệnh sởi. Hai ngày trước, bé Tuấn phải nhập viện trong tình trạng viêm phổi cấp cứu.

Rộ bệnh sởi theo quy luật

Theo BS Thường, ngày 15/12/2013 ca bệnh sốt phát ban nghi sởi đầu tiên nhập viện. Tiến hành xét nghiệm thêm 7 ca nữa thì phát hiện 5 ca có kết quả dương tính với bệnh sởi. Từ đó đến ngày 8/2/2014 thì có tới 110 ca sốt phát ban nghi sởi. Lấy hơn 60 ca làm xét nghiệm thì có hơn 40% dương tính. Bệnh nhi ít tuổi nhất đang điều trị tại khoa chỉ mới hơn 1 tháng tuổi, nhiều tuổi nhất là 15.

Theo quy luật, sau 3- 4 năm thì bệnh sởi lại quay trở lại. Bệnh thường gặp ở mọi đối tượng, đặc biệt là trẻ em, do chưa miễn dịch. Tác nhân gây bệnh là nhóm Paramyxovirus, tồn tại trong nhầy nhớt cổ họng. Virus này ra ngoài theo đường ho, hắt hơi, nước tiểu. So với mùa dịch lần cuối vào năm 2009, biểu hiện lâm sàng của bệnh nhân năm nay không khác nhưng tỷ lệ trẻ biến chứng lại nhiều hơn, thời gian phát bệnh cũng sớm hơn gần 2 tháng.

Đặc biệt, đợt dịch này, nguyên nhân của phần lớn trẻ em mắc chỉ vì các mẹ nói không với chữ “vắc xin sởi” bởi e ngại sau hàng loạt sự cố có liên quan đến tiêm phòng vắc xin viêm gan B trong thời gian vừa qua. Ngoài ra, cũng có nhiều khả năng các bà mẹ miễn dịch yếu (hoặc không có) nên đã truyền bệnh sởi cho con nhỏ.

Để phòng tránh biến chứng của bệnh sởi, BS Thường khuyến cáo: Bệnh sởi không nguy hiểm nhưng biến chứng của nó thì vô cùng nguy hiểm, chủ yếu biến chứng vào phổi và thời gian điều trị trung bình 20 ngày. Vì vậy, các bà mẹ khi thấy trẻ bị sốt cao, phát ban dạng sởi, kèm theo các biểu hiện suy hô hấp, khó thở, cần đưa đến ngay cơ sở y tế để theo dõi, điều trị và không nên tự dùng kháng sinh điều trị tại nhà cho các cháu.

Tuy nhiên, khi trẻ bị sốt cũng không nhất thiết phải đưa đến bệnh viện mà cách ly ở nhà, chăm sóc dinh dưỡng và hạ sốt cho các cháu. Chỉ khi trẻ có biểu hiện sốt cao, tiêu chảy mất nước, ho nhiều, suy hô hấp thì cần phải đưa ngay đến bệnh viện để được điều trị kịp thời, tránh tai biến cho trẻ. Riêng với những phụ nữ cơ thể yếu, tốt nhất trước khi mang thai từ 2- 3 tháng nên tiêm phòng vắc xin MMR để có thể tránh được 3 bệnh là sởi, Rubella và quai bị.

Sốt phát ban nghi sởi thường có một số biểu hiện sau:

Thời gian ủ bệnh: 1-2 tuần với một số cảm giác khó chịu, mệt mỏi, ho, hắt hơi, sổ mũi, mắt đỏ và chảy nước mắt giống như người cảm cúm. Một số có thể bị sốt, thở khò khè do viêm thanh quản co thắt hoặc tiêu chảy...

Giai đoạn phát ban: Xuất hiện những nốt tròn đỏ màu hồng, hơi gồ trên da, không ngứa, xuất hiện từ sau tai, lan dần ra cổ, mặt, tứ chi... Các nốt ban sẽ tự hết sau một tuần, để lại những vết thâm loang lổ trên da, tồn tại khoảng 7-10 ngày thì nhạt dần và mất hẳn.

Biện pháp phòng ngừa: Trẻ em cần được tiêm phòng sởi theo định kỳ. Việc chữa trị sởi chủ yếu là hạ sốt, nâng đỡ cơ thể và chống bội nhiễm vì chưa có đủ thuốc để tiêu diệt virus. Điều quan trọng nhất là nên cách ly, phòng bệnh cho khỏi lây lan.

Ông Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng Hà Nội cho biết, tính từ 1/1 – 6/2/2014 đã phát hiện 98 trường hợp sốt phát ban nghi sởi, trong đó 40 trường hợp dương tính. Bệnh nhân phân bố rải rác ở 36 phường của 9 quận nội thành Hà Nội, chủ yếu là lứa tuổi trẻ em dưới 5 tuổi (78%) trong đó trẻ em dưới 1 tuổi chiếm 57,5%. Trong số bệnh nhân mắc sởi thì có đến 40% chưa được tiêm vắc xin phòng sởi và 12,5% trước đó đã được tiêm 1 mũi vắc xin phòng sởi trước 1 tuổi. Các trường hợp còn lại chủ yếu là người lớn không rõ tiền sử tiêm chủng. 

Theo thống kê của Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), từ đầu năm đến ngày 10/2 có hơn 630 trường hợp mắc dịch sởi tại 5 tỉnh thành là Yên Bái, Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Lào Cai và Sơn La, trong đó khoảng 80% bệnh nhân chưa được tiêm phòng.

Xem thêm
'Trục xuất' khối bướu khổng lồ hơn 20 kg cho bệnh nhân

TP.HCM Mới đây, Bệnh viện Ung bướu TP.HCM đã phẫu thuật thành công khối u buồng trứng khổng lồ gây chèn ép nội tạng cho bệnh nhân nữ 46 tuổi.

Điều trị suy tim sung huyết

Mục tiêu của điều trị suy tim sung huyết là để tim đập hiệu quả hơn giúp đáp ứng nhu cầu năng lượng của cơ thể.

Đối tượng nào cần xét nghiệm tiền đái tháo đường?

Bộ Y tế khuyến cáo, phụ nữ đã được chẩn đoán đái tháo đường thai kỳ thì cần phải theo dõi lâu dài, thực hiện xét nghiệm ít nhất 03 năm/lần.

Bảo tồn bài thuốc gia truyền Kháu Vài Lèng giúp đàn ông tăng sinh lý

Bài thuốc gia truyền Kháu Vài Lèng giúp đàn ông cải thiện sức khỏe sinh lý được Chủ nhiệm Hợp tác xã Dược liệu Nam dược Mạc Minh tâm huyết phát triển.

Bình luận mới nhất