| Hotline: 0983.970.780

Điểm sáng quản lý, bảo vệ rừng

Thứ Sáu 27/11/2015 , 08:45 (GMT+7)

Đến thăm Ban Quản lý rừng phòng hộ Tân Kỳ (Nghệ An) chúng tôi được tận mắt thấy việc quản lý bảo vệ rừng (QLBVR) hiệu quả...

Ông Cao Tiến Hạnh, Trưởng BQL rừng phòng hộ Tân Kỳ cho biết, đơn vị chịu trách nhiệm quản lý, bảo vệ 7.958 ha rừng các loại, trong đó rừng phòng hộ 5.314 ha; rừng SX 2.644 ha (1.800 ha quy hoạch cho Tập đoàn TH). Toàn bộ diện tích đất lâm nghiệp nói trên trải dài trên 11 xã của huyện Tân Kỳ. Ngoài 14 biên chế được giao, đơn vị đang quản lý thêm 21 lao động tự trang trải.

"Hàng năm, ngoài tiền khoán BVR của cấp trên, đơn vị phải chủ động tạo nguồn thu thông qua việc SX cây giống và thực hiện dịch vụ tư vấn cho các dự án trồng rừng SX, dự án WB3, JICA2... Có thể nói, để có được kết quả như ngày hôm nay, là nhờ mồ hôi, công sức của chúng tôi đổ ra trong nhiều năm qua.

Bằng sự nỗ lực của cả tập thể nên đời sống vật chất, tinh thần của người lao động luôn được chăm lo chu đáo. Đây là yếu tố quan trọng để tập hợp mọi thành viên trong cơ quan thành một khối, đoàn kết, phấn đấu, thi đua lao động SX để hoàn thành tốt chỉ tiêu kế hoạch đề ra", ông Hạnh chia sẻ.

Theo ông Cao Tiến Hạnh, sở dĩ công tác BVR ở đây được cấp trên ghi nhận, bởi đơn vị đã thực hiện nghiêm túc chủ trương đóng cửa rừng của tỉnh, đồng thời làm tốt công tác giao khoán BVR cho các hộ sống gần rừng, chủ động phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương để quản lý BVR nên toàn bộ diện tích rừng phòng hộ đã từng bước ổn định và phát triển.

Lâu nay chúng tôi luôn cho rằng thuật ngữ “đóng cửa rừng” chỉ là nghĩa bóng, có tính chất trừu tượng để nói về việc cấm rừng không cho khai thác, chặt phá nữa. Nhưng khi vượt trên 40 km từ thị trấn Lạt lên “mục sở thị” khu vực rừng phòng hộ đầu nguồn xung yếu của BQL rừng phòng hộ Tân Kỳ thì mới biết chuyện “đóng cửa rừng” ở đơn vị này là chuyện hoàn toàn có thật.

Được tận mắt chứng kiến hai cánh cửa sắt khá lớn được khóa chặt, chắn ngang con đường độc đạo đi vào khu vực rừng phòng hộ, cạnh đó là một căn nhà khá khang trang để phục vụ công tác BVR chúng tôi mới nhận ra điều đó.

Ông Cao Tiến Hạnh cho biết, ngoài cánh cửa sắt nói trên, tất cả các tuyến đường vận xuất, vận chuyển lâm sản trước đây từ các huyện như Anh Sơn, Quỳ Hợp, nối với khu vực rừng phòng hộ Tân Kỳ đều đã được đơn vị kiểm soát chặt chẽ, tại các điểm xung yếu bằng những tuyến hào rộng 2 mét sâu tới 2 mét, dài hàng trăm mét.

Bởi thế, từ nhiều năm nay, rừng phòng hộ của đơn vị hoàn toàn yên ổn. Người dân địa phương muốn vào khai thác chuối rừng làm thức ăn gia súc hay thu hái lâm sản ngoài gỗ nếu không được phép đều không thể thâm nhập được vào khu vực rừng phòng hộ rộng lớn này.

17-23-35_img_0014
Một góc khu vườn ươm của BQL

Đi trên những cánh rừng gỗ tự nhiên rậm rạp đã được phục hồi xanh tốt, chúng tôi để ý thấy không hề có một dấu vết nào chứng tỏ đã có một cây gỗ lớn, nhỏ nào bị chặt hạ. Cả khu rừng đang hồi sinh trở lại. Điều đó chứng tỏ công tác BVR tại đây là rất tốt.

Anh Nguyễn Duy Tân, Trạm trưởng Trạm BVR Thung Khiển cho biết: "Nhờ đóng cửa rừng sớm nên 3.600 ha rừng phòng hộ do trạm quản lý luôn yên bình. Hàng ngày người dân sống xung quanh khu vực rừng phòng hộ không một ai dám tự ý vào trong khu vực. Trong những cánh rừng rậm rạp và tươi tốt ấy, hiện số cây lấy gỗ đã đạt bình quân trên 5.000 cây/ha, trong đó có hàng nghìn cây gỗ nhóm 2 - 4.

Để làm giàu vốn rừng, thực hiện dự án Jica 2 chúng tôi đang tích cực trồng mới nhiều loại cây lấy gỗ. Từ năm 2014 - 2015, chúng tôi đã trồng thêm 280 ha cây bản địa trong đó chủ yếu là lát hoa, sao đen và ngân hoa...".

Thấy chúng tôi thắc mắc khi chứng kiến sự đối lập rõ nét giữa một bên là diện tích rừng đã phục hồi đang xanh tốt với đủ các chủng loại cây, một bên là những cánh rừng chỉ độc một loại cây keo chưa phủ kín đất? Ông Cao Tiến Hạnh cho biết, khu vực rừng trồng keo ấy chính là rừng SX đã giao cho dân và địa phương quản lý.

"Nếu không đóng cửa rừng sớm hoặc chỉ cần lơ là công tác BVR trong thời gian ngắn thôi thì toàn bộ khu vực rừng phòng hộ giàu tài nguyên này sẽ bị dân vào khai thác vô tội vạ", ông Hạnh cho biết thêm.

Để giúp Tân Kỳ làm tốt hơn nữa công tác QLBVR, theo ông Cao Tiến Hạnh, các cơ quan có thẩm quyền cần sớm tháo gỡ 2 vướng mắc sau:

Thứ nhất là khẩn trương chỉ đạo các cấp, các ngành công bố và triển khai thực hiện nghiêm túc quy hoạch 3 loại rừng đã được phê duyệt, có bàn giao kết quả kiểm kê đất cho các chủ rừng ở ngoài thực địa.

Từ đó làm căn cứ lập hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các chủ rừng để tránh sự quản lý trùng lặp, hoặc bỏ sót, điều này dễ gây ra các vụ việc tranh chấp, phá hoại rừng mà không biết quy kết trách nhiệm cho chủ rừng nào.

Thứ hai là công tác quy hoạch đất lâm nghiệp cho các dự án đã được UBND tỉnh phê duyệt trên địa bàn huyện Tân Kỳ, đã qua nhiều năm nhưng các nhà đầu tư không thực hiện, vì thế công tác quản lý quy hoạch gặp nhiều khó khăn. Đây là lý do mà chủ rừng và các hộ dân được nhận khoán không yên tâm đầu tư SX trên số diện tích đã được quy hoạch.

Xem thêm
Nghề đón 'lộc trời': [Bài 3] Thời cơ cho vùng nắng gió

UBND tỉnh Tây Ninh vừa ban hành chiến lược phát triển chăn nuôi nói chung, yến nói riêng đến 2030 tầm nhìn 2045, mở ra cơ hội phát triển nghề yến vùng nắng gió này.

Truy tố những trường hợp để chó, mèo gây hậu quả nghiêm trọng

Đắk Lắk sẽ điều tra, truy tố, xử lý nghiêm những trường hợp không tuân thủ quy định trong việc nuôi, quản lý chó, mèo để xảy ra hậu quả nghiêm trọng.

Thủ phủ cam Cao Phong tái canh để cứu cây đặc sản

Cao Phong, Hòa Bình từng là thủ phủ cam nổi tiếng của miền Bắc nhưng khi giá bán hạ, bệnh phát sinh khiến địa phương này phải tính đến bài toán tái canh.

Giảm hơn 70% lượng nước nhờ tưới phun tận gốc

Tại các tỉnh Tây Nguyên, rất nhiều diện tích cà phê áp dụng công nghệ tưới phun mưa tận gốc giúp giảm được hơn 70% lượng nước tưới và chi phí nhân công.