| Hotline: 0983.970.780

Điểm tựa của nông dân nghèo

Thứ Ba 23/08/2011 , 09:48 (GMT+7)

Ba năm qua, Hội Nông dân tỉnh Thái Nguyên đã có nhiều hoạt động thiết thực, trở thành điểm tựa cho hội viên thoát nghèo, xây dựng NTM.

Tham quan mô hình trồng nấm
Ba năm qua, Hội Nông dân (HND) tỉnh Thái Nguyên đã có nhiều hoạt động thiết thực, trở thành điểm tựa cho hội viên thoát nghèo, xây dựng NTM. Hội đã vinh dự được đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhì (2010) và nhiều phần thưởng cao quý của các Bộ, ngành TƯ và tỉnh.

Trao đổi với NNVN, bà Nguyễn Thị Ngà, Chủ tịch HND tỉnh Thái Nguyên, nêu bật mấy kinh nghiệm hoạt động của Hội. Trước hết, đặc biệt coi trọng công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng cho hội viên. Nội dung tuyên truyền tập trung vào Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh; Đại hội Đảng toàn quốc; Đại hội Hội Nông dân tỉnh lần thứ VI; Đại hội đại biểu Hội Nông dân Việt Nam lần thứ V; Nghị quyết 26 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; các tiêu chí về xây dựng NTM; các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống... Kết quả 100% các cấp Hội đã tổ chức, triển khai được 6.187 buổi tuyên truyền cho 443.413 lượt cán bộ, hội viên, nông dân.

Công tác tuyên truyền luôn được đổi mới cả về nội dung và hình thức, phù hợp với trình độ của hội viên, nông dân. Đặc biệt từ năm 2010, Hội Nông dân tỉnh đã trang bị Báo NNVN cho 181 cơ sở Hội. Thường xuyên phối hợp với các cơ quan báo chí tuyên truyền các mô hình, điển hình về phát triển kinh tế trong cán bộ, hội viên, nông dân.

Thực hiện chương trình xây dựng NTM, các cấp Hội đã vận động hội viên nông dân thực hiện phong trào hiến đất làm đường, thi đua xây dựng NTM, tuyên truyền, vận động hội viên nông dân chấp hành tốt các chủ trương về giải phóng mặt bằng để triển khai các dự án, kiên cố hóa kênh mương, đóng góp ngày công, đối ứng kinh phí để làm đường bê tông nông thôn. Kết quả trong 3 năm qua đã có 1.350 hộ hiến trên 5.230m2 đất, đóng góp trên 66.700 ngày công lao động, đối ứng kiên cố hóa trên 1.079 km đường bê tông, nạo vét 18.148 km kênh mương, làm mới và tu sửa 35 cầu cống trị giá trên 57 tỷ 243 triệu đồng.

Thứ hai, đẩy mạnh các hoạt động dịch vụ, dạy nghề, tư vấn, hỗ trợ nông dân. Ban chấp hành Hội Nông dân các cấp đã phối kết hợp với các ngành tổ chức nhiều hoạt động hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, ổn định đời sống. Chủ động phối hợp với Ngân hàng NN - PTNT, Cty TNHH MTV Máy kéo và máy Nông nghiệp Việt Nam... tạo điều kiện hỗ trợ cho nông dân mua máy móc phục vụ nông nghiệp, cung ứng vật tư phân bón, giống và vốn để phát triển sản xuất. Kết quả đã có 122 hộ mua được ô tô, 4 hộ được tặng máy cày, 55 hộ mua được máy cày, tổ chức tập huấn cho 200 hội viên về cách sử dụng máy cày...

Thực hiện Đề án tổ chức sản xuất và tiêu thụ nấm tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2010 - 2015, Hội Nông dân tỉnh đã khảo sát, đánh giá nhu cầu sản xuất và tiêu thu nấm của các DN, các hợp tác xã, nông hộ trên địa bàn; tổ chức tập huấn, hướng dẫn cho 100 hội viên; phát hành 10.000 tờ tin tuyên truyền về nấm; hỗ trợ giống, thiết bị sản xuất cho 3 DN, hợp tác xã trị giá trên 448.640.000đ, đến nay trên địa bàn đã sản xuất được trên 1.000 tấn nấm các loại, doanh thu đạt trên 15 tỷ đồng, thu hút 30 DN, hợp tác xã và Chi hội Nông dân tham gia.

Thực hiện quản lý có hiệu quả nhãn hiệu tập thể Chè Thái Nguyên, Hội đã tổ chức tuyên truyền nâng cao nhận thức về sở hữu trí tuệ cho người sản xuất chè, kiểm định và cấp 240 giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể chè Thái Nguyên cho các DN, hộ gia đình, tổ chức đăng ký tham gia. Dự án mô hình chè an toàn và chè hữu cơ thực hiện có hiệu quả, đã có 18 tổ hợp tác thực hiện liên kết trong việc sản xuất tiêu thụ sản phẩm chè an toàn tại các vùng chè đặc sản.

Các cấp Hội phối hợp chặt chẽ với Trạm Khuyến nông, Phòng Nông nghiệp tập huấn, chuyển giao khoa học, kỹ thuật được 6.367 buổi về kỹ thuật chăn nuôi thú y, kỹ thuật mạ khay, mạ ném, gieo sạ, sử dụng phân bón, phòng bệnh trên gia súc, gia cầm, cách phòng bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá, rày nâu, lùn sọc đen cho 377.958 lượt hội viên tham dự.

Thực hiện Kế hoạch đào tạo nghề cho nông dân giai đoạn 2009 – 2013. Trong ba năm Trung tâm dạy nghề và hỗ trợ việc làm nông dân tỉnh đã tổ chức, phối hợp tổ chức được 48 lớp dạy nghề trồng trọt, chăn nuôi, thú y cho 1.415 hội viên nông dân. Hội Nông dân các huyện, thành phố, thị xã liên kết với Hội Làm vườn tỉnh, trung tâm đào tạo nông dân, trung tâm dạy nghề cấp huyện, thành, thị mở 342 lớp học với các nghề như: thuỷ sản, chăn nuôi, trồng trọt, trồng nấm, chăm sóc chế biến chè cho 9.213 hội viên, nông dân. Sau các lớp dạy nghề, các học viên đã được cấp chứng chỉ và sử dụng có hiệu quả ngành, nghề đã học vào hoạt động sản xuất của gia đình.

Thông qua phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, cán bộ, hội viên, nông dân đã đóng góp xây dựng Quỹ Vì người nghèo tại địa phương. Kết quả các cấp Hội đã phối hợp với chính quyền, các ngành chức năng, các tổ chức đoàn thể xoá nghèo cho 4.033 hộ, xoá nhà tạm cho 37 hộ hội viên nông dân; vận động hội viên, nông dân đóng góp ngày công, giúp đỡ về giống, vốn, lương thực cho 474 hộ nghèo.

Thứ ba, xây dựng phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, trở thành động lực hấp dẫn nông dân tham gia sinh hoạt hội. Phong trào có sức lan tỏa lớn trên tất cả các lĩnh vực nông lâm nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ; đã khích lệ, động viên hội viên, nông dân khai thác tiềm năng thế mạnh về vốn, lao động, đất đai đầu tư cho sản xuất. Phong trào đã cuốn hút hàng nghìn hộ nông dân hăng hái thi đua, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, cơ cấu ngành nghề, phát triển kinh tế trang trại ở địa phương, hình thành nhiều mô hình sản xuất có hiệu quả như mô hình nuôi rắn, ba ba, lợn rừng, mô hình trồng chè giống mới, chè an toàn, hoa, cây cảnh, rau an toàn, nấm và mô hình nông lâm kết hợp.

Toàn tỉnh đã có 25.720 mô hình sản xuất tổng hợp, 9.820 mô hình chăn nuôi, 5.260 mô hình trồng trọt, 2.645 mô hình dịch vụ và 720 mô hình thuỷ sản. Trung bình hàng năm có trên 55.800 hộ đăng ký thực hiện sản xuất kinh doanh giỏi, qua bình xét từ cơ sở đã có: 25.462 hộ đạt tiêu chuẩn sản xuất giỏi cấp xã (đạt 62,43% so với hộ đăng ký), 8.782 hộ đạt tiêu chuẩn sản xuất giỏi cấp huyện (đạt 53,6% so với hộ đăng ký), 1.250 hộ đạt tiêu chuẩn sản xuất giỏi cấp tỉnh (đạt 42% so với hộ đăng ký) trên các lĩnh vực, sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ có mức thu nhập từ hàng chuc triệu đồng đến hàng trăm triệu đồng/năm.

Xem thêm
Thái Nguyên chấp thuận nhà đầu tư 2 dự án dân cư nông thôn

Thái Nguyên chấp thuận nhà đầu tư Dự án Khu dân cư nông thôn số 1 xã Ký Phú và Dự án Điểm dân cư nông thôn số 1 xã Bình Thuận (huyện Đại Từ).

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Trưng bày các sản phẩm OCOP tại Hội Báo toàn quốc

Quảng Bình mở một gian trưng bày, giới thiệu và bán các sản phẩm OCOP tại Hội Báo toàn quốc 2024.

Bình luận mới nhất