| Hotline: 0983.970.780

Điểm tựa mới cho ngư dân ra Trường Sa yên tâm bám biển

Thứ Ba 23/05/2017 , 06:30 (GMT+7)

Trong khuôn khổ chuyến công tác từ ngày 10 đến 20/5 tại huyện đảo Trường Sa, Bộ NN-PTNT đã tổ chức lễ khánh thành và chính thức đưa vào hoạt động khu dịch vụ hậu cần nghề cá đảo Đá Tây (huyện đảo Trường Sa) kể từ ngày 13/5/2017.

Đây là tin vui và là chỗ dựa vững chắc mới giúp ngư dân yên tâm bám biển, giảm chi phí để đánh bắt dài ngày tại ngư trường Trường Sa truyền thống.
 

Phục vụ “từ A đến Z” cho ngư dân

Khu dịch vụ hậu cần nghề cá đảo Đá Tây được xây dựng trên cơ sở quy hoạch khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá đến năm 2020, định hướng 2030 đã được Chính phủ phê duyệt năm 2011.

16-22-07_dscf3980
Ngư dân hào hứng mua đá lạnh SX ở khu dịch vụ đảo Đá Tây

Theo đó, năm 2012, Bộ NN-PTNT đã có quyết định phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình nâng cấp khu dịch vụ hậu cần nghề cá đảo Đá Tây (huyện đảo Trường Sa) giai đoạn II. Dự án được triển khai từ tháng 4/2013 và đã chính thức hoàn thành đi vào hoạt động kể từ ngày 13/5/2017. Công trình được Bộ NN-PTNT giao cho Cty TNHH MTV Dịch vụ Khai thác hải sản Biển Đông (thuộc Bộ NN-PTNT) quản lí sử dụng.

Theo Ban quản lí dự án, khu dịch vụ bao gồm nhiều hạng mục, có khả năng phục vụ toàn diện cho nhu cầu đánh bắt xa bờ của ngư dân tại ngư trường Trường Sa như: Âu tàu có khả năng neo đậu cùng lúc cho khoảng 200 tàu cá, cho phép tàu có tải trọng 1.000 tấn ra vào; hệ thống đê, kè chắn sóng kết hợp làm cảng neo đậu tàu cá; hệ thống phao neo đậu tàu cá trong âu; hệ thống cảng cá…

Đặc biệt, khu dịch vụ còn cung cấp đầy đủ các nhu cầu hậu cần cho tàu cá đánh bắt xa bờ như: Nhà máy SX đá lạnh có công nghệ làm nước ngọt trực tiếp từ nước biển; kho cung cấp xăng dầu và NM cung cấp nước ngọt; cơ sở sửa chữa có khả năng sửa chữa cho các tàu cá có công suất tới 600CV; hệ thống bệnh viện phục vụ khám chữa bệnh cho ngư dân…

Ông Lương Quốc Vinh, Giám đốc Cty TNHH MTV Dịch vụ Khai thác hải sản Biển Đông cho biết: Việc thi công Khu dịch vụ hậu cần nghề cá đảo Đá Tây được tiến hành trong điều kiện muôn vàn khó khăn, tình hình Biển Đông có nhiều diễn biến phức tạp, xa đất liền, việc thi công phải phụ thuộc vào thời tiết, một số thiết bị phải lắp đặt trong đất liền chuyển ra…

Tuy nhiên với quyết tâm cao nhất, dự án đã hoàn thành đảm bảo chất lượng vượt tiến độ. Theo ông Vinh, cùng với việc phục vụ các dịch vụ hậu cần nghề cá cho ngư dân tại ngư trường Trường Sa, tới đây, Cty đã có kế hoạch mở rộng thêm các dịch vụ mới, đặc biệt là xây dựng nhà máy chế biến, tiến tới trực tiếp thu mua hải sản cho ngư dân đánh bắt được để tăng chất lượng sản phẩm, giảm chi phí SX cho ngư dân…

Đồng thời, đề xuất được tiếp tục đầu tư hoàn thiện, trang bị thêm các dịch vụ khác như cung cấp ngư cụ đánh bắt, hạ tầng kỹ thuật, cây xanh trên đảo, triển khai đăng ký đăng kiểm để ngư dân ra đánh bắt dài ngày…
 

Không còn phải đi đi, về về

Ngay trong ngày đầu đi vào hoạt động, đông đảo ngư dân đánh bắt tại khu vực quần đảo Trường Sa đã nô nức tìm tới đảo Đá Tây. Hàng nghìn cây đá lạnh đầu tiên đã được các tàu cá của ngư dân Bình Định, Phú Yên… trực tiếp mua từ Khu dịch vụ để phục vụ cho đánh bắt dài ngày.

16-22-07_dscf3993
Hàng nghìn cây đá lạnh đã được các tàu cá của ngư dân Bình Định, Phú Yên… trực tiếp mua từ Khu dịch vụ

Thoăn thoắt chuyển những cây đá lạnh từ khu dịch vụ lên tàu, ngư dân Trịnh Văn Nhơn (tàu cá TS-95810) của tỉnh Bình Định không giấu được niềm vui, đánh giá: Chất lượng đá lạnh SX tại khu dịch vụ rất tốt, đá rất đặc ruột, “ăn đứt” so với các cơ sở đá lạnh trong đất liền thường bị rỗng ruột.

Theo anh Nhơn, hầu hết tàu cá đánh bắt tại khu vực Trường Sa làm nghề câu cá ngừ đại dương. Mỗi con cá ngừ bảo quản phải cần tới 5 cây đá nên mỗi chuyến ra khơi, các tàu phải chất tới trên 1.000 cây đá lạnh, chưa kể nước ngọt và nhu yếu phẩm khác nên tàu rất nặng, di chuyển chậm.

“Biết trung tâm dịch vụ ở đảo Đá Tây đi vào hoạt động, tụi tui vui quá trời, bởi không còn phải vận chuyển đá lạnh tốn kém, mà còn thoải mái ở lại Trường Sa bao lâu cũng được”, anh Nhơn phấn khởi.

16-22-07_dscf3990
Sửa chữa tàu cá cho ngư dân tại khu dịch vụ

Thuyền viên Trần Văn Thỏ, ngư dân tàu TS- 90945 của tỉnh Phú Yên vừa cập bến vào âu tàu đảo Đá Tây để đánh bắt dài ngày không giấu được niềm vui, kể: Tàu anh đóng từ năm 2004, chuyên câu cá ngừ tại Trường Sa. Trước đây, dù đánh được hay không thì thường mỗi chuyến câu chỉ kéo dài khoảng một tháng là tàu phải quay về để bán cá, “tiếp tế” xăng dầu, đá lạnh và thực phẩm. Do đánh bắt xa bờ nên chỉ tính thời gian di chuyển đi ra và về bờ cũng đã mất tới 8 - 9 ngày. Vì vậy có chuyến không may là bị lỗ cả tiền dầu.

Bây giờ thì khác, với sự đi vào hoạt động của khu dịch vụ hậu cần đảo Đá Tây, ngư dân không còn phải mất thời gian chi phí quay về bờ như trước mà có thể dễ dàng tạt vào để mua xăng dầu, nước ngọt, đá lạnh… để ở lại đánh bắt bao lâu cũng được.

Ngay trong ngày đầu khánh thành khu dịch vụ hậu nghề cá cần đảo Đá Tây, chúng tôi tình cờ gặp anh Nguyễn Minh Trí, nhân viên thu mua cá ngừ của Cty TNHH Hải Vương (Khánh Hòa). Anh Trí cho biết Cty anh đóng tại KCN Suối Dầu (Cam Lâm, Khánh Hòa), là một DN lớn chuyên thu mua, chế biến cá ngừ cho ngư dân miền Trung.

Anh cho biết, được tin Trung tâm Dịch vụ hậu cần đảo Đá Tây đi vào hoạt động, Cty đã có kế hoạch sẽ thay đổi hình thức thu mua để giảm bớt tối đa chi phí cho ngư dân.

Theo đó, thay vì đi thu gom cá ngừ tại các tàu ở đất liền như trước đây, Cty sẽ trực tiếp tổ chức thu mua cho ngư dân ngay tại khu dịch vụ ở đảo Đá Tây, sau đó chuyển về đất liền bằng tàu chuyên dụng cỡ lớn. Điều này vừa giúp ngư dân không cần phải quay về bờ để bán sản phẩm như trước, vừa giúp chất lượng cá được bảo quản tập trung tốt hơn.

 

Xem thêm
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng

Sáng 18/4 (tức 10/3 năm Giáp Thìn - ngày Giỗ Tổ Hùng Vương), Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng tại Điện Kính Thiên trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh thuộc Khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Đền Hùng ở TP. Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Hậu Giang được phân bổ 200 tỷ đồng xử lý sạt lở bờ sông

Tỉnh Hậu Giang đang tập trung đẩy nhanh tiến độ hai dự án xử lý sạt lở đất, làm kè chống sạt lở bờ sông với tổng vốn đầu tư 200 tỷ đồng.

Cứu lấy gần 30ha rừng ngập mặn ở Nam Định: [Bài 2] Chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm?

Chủ đầu tư Khu công nghiệp Rạng Đông phải chịu trách nhiệm nếu kênh xả thải khu công nghiệp chặn dòng chảy làm gần 30ha rừng ngập mặn ven biển Nghĩa Hưng bị thiệt hại.