| Hotline: 0983.970.780

Điện Biên Phủ - Âm vang thế kỷ

Điện Biên hôm nay

Thứ Sáu 25/04/2014 , 07:00 (GMT+7)

Từ sau 7/5/1954, Điện Biên đã đổi thay không chỉ tên tỉnh, thành hay tên con đường, khu phố mà con người Điện Biên cũng đã đổi thay.

Mặt trời khuất dần trên đỉnh núi phía Tây, những tia nắng hình rẻ quạt xiên chéo hắt lên nền trời xanh thẳm. Chúng tôi lặng lẽ đi bên nhau trong đất trời và tình người Điện Biên. Hương hoa ban dịu ngọt lan xa từng con phố, trong mỗi chúng tôi đều có cảm nhận rất riêng về mảnh đất Điện Biên huyền thoại.

Ký ức chưa phai

Người tiếp chúng tôi là ông Lò Văn É (88 tuổi) ở bản Pa Pe, xã Thanh Hưng, huyện Điện Biên (tỉnh Điện Biên). Ông là người biết 3 thứ tiếng: Pháp, Việt, Thái. Những năm 1952 - 1953, ông đã từng làm thầy giáo dạy cho bộ đội tiếng và chữ Thái, dạy cho người lớn và trẻ con dân tộc Thái biết con chữ của bộ đội. Ông học cả tiếng Pháp để dịch thứ ngôn ngữ “xì xồ” giúp bộ đội ta.

Ông É kể lại: "Xưa bản mình khác lắm, không nhận ra chỗ mình ở bây giờ là ở đâu. Máy bay trên trời cứ chạy đi, chạy lại rồi thả xuống người Tây, súng ống, bom đạn… Bản mình dân chạy đi các nơi, vào rừng sâu nấp. Cánh đồng Mường Thanh lúc ấy cỏ không mọc, cây không lên được vì thuốc súng; đồng ruộng bị cày phá tan tành, đường hào, dây thép gai, bom mìn nhiều lắm.

Nhất là năm đầu tiên lính Pháp nhảy dù xuống lòng chảo Điện Biên bắn phá mới ác liệt, chỗ nhà tôi ở cháy hết. Tôi nhớ nhất là vào khoảng từ tháng 2-3/1954, trâu, bò của dân bản bị Pháp bắn làm thức ăn, cả bản chỉ còn sót lại vài con. Nhà cửa đổ nát, khổ "tè tè ná" (khổ thật sự đấy)".

Ông É ngồi hai tay bắt chéo vào nhau, đặt lên đầu gối trầm ngâm, rồi kể tiếp: "Mãi đến sau chiến thắng, dân bản tôi chạy dạt từ các hướng đổ về bản Noong Nhai, bản Pa Pe, bản Him Lam… lập lại bản mường. Ngày ấy, ai còn sống sót được gặp lại nhau thì dù quen dù lạ cũng ôm nhau khóc. Vui mừng lắm. Quả tim trong ngực như sắp nhảy ra".


Một góc TP. Điện Biên

Cuộc sống mới của những người Thái xứ Mường Trời bắt đầu xây lên giữa hoang tàn đổ nát. Cuối năm 1953, đầu năm 1954 bản Pa Pe chỉ còn 6 hộ, nhưng đến cuối năm 1955, bản Pa Pe đã có tới 30 hộ. Vì nhiều người đã chạy bạt sang đất bạn Lào, sau khi giải phóng cũng có người trở lại cố hương, nhưng cũng có người không thể quay lại; không chết vì bom đạn thì cũng bỏ xác trong rừng vì bị hổ, cọp ăn thịt.

Chiều rơi rất chậm. Ông É ngồi kể về đời mình, kể về Điện Biên những tháng ngày loạn lạc, ly tán… Rồi đưa ra một câu nhận định rõ ràng. Nay Điện Biên đã thay đổi lắm rồi!

Ngàn đời mãi mãi tri ân

Từ sau 7/5/1954, Điện Biên đã đổi thay không chỉ tên tỉnh, thành hay tên con đường, khu phố mà con người Điện Biên cũng đã đổi thay. 

Dịp này, triệu triệu trái tim từ mọi miền Tổ quốc đang hướng về với mảnh đất Điện Biên. Nơi từng con phố đến bờ tre, gốc lúa đâu cũng có mồ hôi, máu và nước mắt của bao lớp người. Về với Điện Biên không chỉ để tìm về với mảnh đất huyền thoại mà còn tìm lại dư âm của tiếng “hò dô” kéo pháo vào trận địa; trong bát ngát khói hương bay giữa chiều Tây Bắc đại ngàn.

Bên bia mộ các anh hùng liệt sĩ, chúng tôi kính cẩn nghiêng mình. Chợt nghe tiếng chuông vọng vào từ cổng chính, cảm giác tĩnh tâm, trầm mặc, trang nghiêm vọng thẳm sâu xuống tầng đất nâu như thức tỉnh cõi dương gian, như chiêu vong cõi vĩnh hằng, là lời của đất mẹ ngàn năm ru các anh yên giấc ngủ ngàn thu.

"Điện Biên Phủ - Âm vang thế kỷ":

>>Lừng danh hạt gạo Mường Trời
>>Không sờn lòng, không tiếc tuổi xanh
>>Những người “xẻ núi, san rừng”
>>Những "chị gánh anh thồ" huyền thoại
>>Rừng che bộ đội, rừng vây quân thù
>>Chuyện về hai người lính pháo binh
>>Những người mặc áo lính xây dựng nông trường
>>Gánh gạo cho chồng đánh giặc
>>Những người chở quân trên bến Âu Lâu

Đoàn lính già, có lẽ từ nơi xa mới đến. Họ khấp khởi bước đi trong chiều bát ngát khói hương bay, đôi mắt kiếm tìm, rồi họ dừng lại trước một ngôi mộ, đặt lên những cành hoa cúc trắng. Tất thảy cả đoàn người nín lặng, mặc cho những giọt nước mắt lăn trên gò má. Một cụ ông bước lên:

- Chức ơi, bọn tao đến thăm mày đây! Mày có khỏe không? Bọn tao chỉ có thể lên thăm mày lần này nữa thôi! Chức ơ...ơi!..

Rồi tất cả cùng khóc! Điện Biên đã trải qua bao đau thương mất mát, tên núi, tên sông ghi tạc tên tuổi của những người lính đã hy sinh cho ngày hôm qua, hôm nay và mãi mãi mai sau. Người Điện Biên vẫn hằng ngày xây dựng quê hương thứ hai của các anh. Dù biết rằng vẫn còn nhiều gian khó.

Điện Biên ngày mới

Rời nghĩa trang, chúng tôi đi trong lòng TP. Điện Biên Phủ rợp trời cờ hoa đỏ ối. Các tuyến phố, hoa ban nở trắng tinh khôi, người từ các nơi đổ về nườm nượp. Những khu di tích lịch sử Chiến thắng Điện Biên Phủ và những bản Thái đâu đâu cũng thấy khách du lịch ghé thăm và đó cũng là một trong những tiềm năng, điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; do vị trí địa lý “đắc địa” và hoàn cảnh lịch sử để lại, hiếm có tỉnh nào lại hội tụ hầu như đầy đủ các hình thái du lịch hấp dẫn như Điện Biên.

Từ sau Đại lễ kỉ niệm 50 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ năm 2004, Điện Biên đã rốt ráo thành lập 18 bản văn hóa để phát triển du lịch nhằm thu hút du khách ở mọi miền đất nước đến với Điện Biên. Các bản văn hóa như: bản Mển, Phiêng Lơi, bản Ten, Him Lam II, Che Căn… hằng năm đã thu hút được nhiều lượt khách du lịch đến tham quan và giao lưu văn hóa, du lịch tại bản.


Tập văn nghệ chào mừng 60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Đêm đến, bản Mển xã Thanh Nưa (huyện Điện Biên) lại tưng bừng điệu xòe hoa, những chén rượu hết vơi lại đầy được truyền hơi ấm nồng của những người phụ nữ Thái dịu dàng mời khách. Những món ăn tinh tế mang đậm chất văn hóa ẩm thực Thái như: nộm hoa chuối rừng, nộm hoa đu đủ đực, rêu suối, măng rừng, xôi nếp tan dẻo thơm, thịt trâu hun khói, rồi cả những món ăn nghe tên thấy lạ như: canh bon nấu da trâu, thịt “xổm lôm” (thịt trộn lá chua), pa pỉnh tộp (cá nướng theo kiểu người Thái)…

Trên nhà sàn, trong mâm rượu, chị Diên mời tôi một chén rượu giao lưu uống theo kiểu “khát vọng”. Diên uống xong, chị dịu dàng nhìn tôi mỉm cười bắt tay, trân trọng. Chẳng phải xô bồ hay nói cười rộn rã, những người phụ nữ Thái nhẹ nhàng tinh tế, dẫu ngôn ngữ giao tiếp còn mộc mạc, dẫu cử chỉ còn vụng về… nhưng đó là tất cả tình cảm chân thành của người dân bản xứ dành tặng chúng tôi.

Tan cuộc rượu, đội xòe của bản mời chúng tôi xuống sàn nghe hát các làn điệu dân ca, dân vũ. Trong đội xòe bản Mển có đến 25 người đều là những chị đã “tằng cẩu” (búi tóc lên đỉnh đầu), tuyệt nhiên không phải là những cô gái được đào tạo bài bản chuyên nghiệp mà đơn thuần chỉ là những người phụ nữ hằng ngày vẫn lội ruộng, lên nương trong bộ áo cóm eo ong, bước chân uyển chuyển trong điệu xòe Thái.

Anh Quàng Văn Thương, Bí thư Chi bộ bản Mển, kể về thành tích của bản: "Mỗi năm bản tiếp đón khoảng hơn 5.000 lượt người đến giao lưu văn hóa. Ở bản có khoảng 20 hộ gia đình tham gia đăng kí phục vụ khách nghỉ lưu trú. Ngoài ra, bản đã thành lập HTX ngành nghề truyền thống thêu, dệt và làm các sản phẩm du lịch như: khăn piêu, váy Thái, áo cóm… cùng nhiều sản phẩm từ mây tre đan khác để làm quà tặng cho du khách".

Không riêng gì bản Mển mà những bản như: Him Lam II, Phiêng Lơi, bản Ten, Co Mỵ, bả U va, Che Căn… và 10 bản văn hóa mới được UBND tỉnh kí quyết định xây dựng bản văn hóa du lịch hồi tháng 9/2013 đã và đang giới thiệu với du khách thập phương những nét đẹp văn hóa độc đáo của địa phương. (Hết)

Xem thêm
Ngành sắn đặt mục tiêu giá trị xuất khẩu đạt 2 tỷ USD vào năm 2030

Bộ NN-PTNT vừa phê duyệt Đề án 'Phát triển bền vững ngành hàng sắn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050' với mục tiêu đến năm 2030 xuất khẩu 1,8 - 2 tỷ USD.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Ngày hội lớn nhất trong năm của người Sán Chỉ tỉnh Quảng Ninh

Hội Soóng cọ là ngày hội lớn nhất trong năm của người Sán Chỉ (tỉnh Quảng Ninh), thu hút đông đảo người dân và du khách tham gia hưởng ứng.