| Hotline: 0983.970.780

Diệt chuột bảo vệ lúa xuân

Thứ Hai 21/03/2011 , 11:02 (GMT+7)

Theo phản ánh của ngành BVTV các tỉnh, bước vào vụ xuân năm nay tình trạng gây hại của chuột đối với nhiều loại cây trồng, đặc biệt là cây lúa trên phạm vi cả nước đã ở mức báo động.

Nhiều diện tích lúa đang thời kỳ đẻ nhánh, làm đòng đang bị chuột đồng phá hại nặng nề từ 10-15%, thậm chí có nơi lên tới 30-50% và đang có nguy cơ lan rộng vì số chuột sinh sản ngày một nhiều. Đây là thời điểm cây lúa đứng cái làm đòng, đang độ phát triển, nếu bị chuột cắn phá sẽ không còn khả năng mọc lại dẫn đến giảm năng suất. Trước hiện tượng chuột đồng hoành hành, NNVN giới thiệu một số biện pháp diệt chuột được Cục BVTV hướng dẫn:

Các biện pháp diệt trừ: - Các biện pháp thủ công gồm có: đào bắt, hun khói, đổ nước, dùng chó săn, đặt bẫy, làm chà… để bắt chuột. Đây là các biện pháp dễ làm, có khả năng tiêu diệt được số lượng lớn vì phần lớn chuột bắt được dạng này thuộc loại chuột cái đang có chửa hoặc nuôi con, sẽ hạn chế được số lượng cho vụ sau do đó cần phát động nhiều người cùng làm, nhiều địa phương cùng diệt. Tuy nhiên, các biện pháp này chỉ nên làm sau khi đã thu hoạch lúa. Biện pháp đặt bẫy được nhiều địa phương áp dụng có hiệu quả cao, nhất là trong thời gian này. Bẫy chuột có nhiều loại, song hiện nay loại bẫy bán nguyệt do ông Trần Quang Thiều ở thôn Bình Vọng, xã Văn Bình, huyện Thường Tín, Hà Nội sáng tạo dễ làm, dễ thao tác, không dùng mồi, chỉ dùng miếng cao su hoặc mẩu xốp làm đối trọng nhưng có độ nhạy cao, được nhiều địa phương ứng dụng cho hiệu quả diệt chuột cao nhất.

- Làm hàng rào nilon bao quanh ruộng: Xung quanh ruộng lúa cắm các cọc tre, gỗ cao khoảng 50-60cm cách nhau 1,5-2m rồi dùng nilon loại trắng trong dựng thành hàng rào quây kín xung quanh ruộng. Chú ý dùng bùn phủ kín nilon ở dưới chân tường không cho chuột chui vào. Đây là biện pháp dễ làm, chi phí không cao (khoảng 30.000-50.000 đồng/sào, nếu bảo quan tốt, nilon có thể sử dụng nhiều lần sẽ giảm được chi phí giá thành) nhưng cho hiệu quả cao, bảo vệ được ruộng lúa khá an toàn được nông dân nhiều nơi ấp dụng.

- Dùng thuốc hóa học: Có thể dùng các loại thuốc như: Rat K, Klerat 0,05%, Lanirat 0,005%G, ưu tiên sử dụng các bả chuột sinh học như BIORAT, hạn chế dùng các loại thuốc độc cấp tính như Fokeba 20%, Zinphos 20%. Cách làm như sau: dùng thóc luộc nứt vỏ trấu để trộn với mồi. Trộn đều 1 gói thuốc Rat K 10 gam với 400-500g. Sử dụng khoảng 100g mồi bả đặt thành 5-7 mô cho 1 sào Bắc bộ. Chú ý đặt bả nơi chuột thường qua lại, đặt cách xa nguồn nước sinh hoạt, xa bãi chăn thả gia súc, gia cầm. Chú ý thu gom chuột bị sập bẫy hoặc bị đánh bả bẫy kịp thời, chôn lấp với vôi bột, không để chuột chết trên đồng ruộng gây ô nhiễm môi trường.

- Do chuột sinh sản nhanh và nhiều nên việc diệt trừ phải tổ chức làm đồng loạt, thường xuyên, liên tục trong nhiều vụ, nhiều năm mới có hiệu quả cao. Tuy nhiên, có 3 thời điểm trong năm cần đặc biệt chú ý là: tháng 3-4 trước khi chuột đẻ rộ và là thời kỳ lúa xuân đẻ nhánh, ngô đang ngậm sữa; tháng 7-8 trước khi chuột đẻ rộ, là lúc nguồn thức ăn và nơi sống của chúng bị thu hẹp do bị mưa lũ; và tháng 11-12 sau khi thu hoạch lúa mùa, chuột thiếu thức ăn, thời tiết lạnh, chúng sống co cụm thành từng đàn lớn dễ diệt trừ.

Xem thêm
Bò 3B mang tới hi vọng cho người dân miền núi

QUẢNG TRỊ Người dân hi vọng bò 3B sẽ là đối tượng nuôi mới mang lại hiệu quả kinh tế cao, một số hộ dự kiến mở rộng chăn nuôi sau khi kết thúc hỗ trợ.

Tiêm phòng dại vì cộng đồng

Chương trình ‘Tiêm phòng dại vì cộng đồng’ lần 4 vừa được triển khai tại Đức Huệ, Long An, Những năm qua, chương trình đã giúp nâng cao tỷ lệ tiêm phòng trên địa bàn.

Hơn 35.000m2 nhà màng ở Mộc Châu được hỗ trợ nâng cấp, cải tạo

SƠN LA Dự án ‘Nông nghiệp thông minh vì thế hệ tương lai’ hỗ trợ 34 hộ gia đình ở Mộc Châu cải tạo và tối ưu hóa 35.420m2 nhà màng, nhà kính.