| Hotline: 0983.970.780

Thứ Tư 02/04/2014 , 07:10 (GMT+7)

07:10 - 02/04/2014

“Điều chỉnh linh hoạt”

Với việc điều hành giá xăng dầu, thực sự là dư luận đã quá chán nản và thất vọng. Có điều ai cũng nhận thấy cứ mỗi kỳ Quốc hội chất vấn, thì đều có “động thái mềm”: giảm lấy lệ.

Ngày 1/4, lúc 0 giờ, giá bán lẻ các mặt hàng dầu diesel, dầu hỏa, ma-zut… đồng loạt được liên Bộ Tài chính – Công thương điều chỉnh giảm từ 130 đồng đến 240 đồng một lít hoặc một kg, tùy loại. Động thái “giảm giá lúc 0 giờ” trùng khớp với việc, ngay buổi sáng hôm sau, Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng đăng đàn trả lời chất vấn các đại biểu Quốc hội về nhiều nhóm vấn đề, trong đó nổi cộm là cơ chế điều hành giá xăng dầu, vốn là nỗi bức xúc của người dân suốt mấy năm nay.

Còn nhớ, ngày 11/11 năm ngoái, cũng ngay trước khi Quốc hội tiến hành chất vấn Bộ trưởng Hoàng, thì giá xăng dầu trong nước “kịp thời” giảm 500 đồng/lít. Có ý kiến cho rằng, đây là sự “điều chỉnh linh hoạt” của Tổ điều hành giá xăng dầu. Còn một số đại biểu nói vui, giá như lúc nào cũng họp Quốc hội thì xăng dầu sẽ giảm giá liên tục.

Tất nhiên, khách quan mà nói, có thể chưa chắc động thái giảm giá xăng dầu trước khi các đại biểu Quốc hội chất vấn Bộ trưởng Bộ Công thương đã là “điều chỉnh linh hoạt”, bởi theo Nghị định 84, nghị định mà có nhiều ý kiến trái chiều nhất, thì “giá thế giới giảm, trong nước cũng phải giảm theo, và ngược lại”.

Tuy vậy, cũng khó có thể phủ nhận rằng, trong một kỳ họp Quốc hội mà xăng dầu 3 lần giảm giá, là ngẫu nhiên được.

Tại phiên chất vấn hôm qua, nhiều đại biểu đã hỏi thẳng Bộ trưởng Hoàng rằng, có một thực tế là, giá xăng dầu trong nước giảm ít, tăng nhiều, giảm nhỏ giọt và tăng thì lại ào ạt. Có hay không lợi ích nhóm trong việc điều hành giá xăng dầu? Ngoài ra, Nghị định 84 đã bộc lộ quá nhiều lỗ hổng trong quản lý, khiến cho các doanh nghiệp đầu mối lợi dụng việc đó để trục lợi?

Để trả lời, người đứng đầu ngành công thương vẫn “muôn năm cũ” một điệp khúc “Không phải cứ giá thế giới lên là tăng ngay, giá thế giới giảm là giảm ngay. Cũng không phải là khi giá lên tính bình quân 10-15 ngày, khi giá xuống tính bình quân 30 ngày”.

Nghị định 84 với vô số bất cập về trích quỹ, về 30 ngày hình thành giá, về hoa hồng đại lý, được Bộ trưởng Hoàng trả lời rằng “đang nghiên cứu” để ra đời một nghị định khác hoàn toàn mới. Ấy vậy mà, cái sự “đang nghiên cứu” của liên Bộ đáng lẽ đã phải kết thúc cách đây nửa năm, tháng 11/2013, theo lời hứa của ông Hoàng.

Với việc điều hành giá xăng dầu, thực sự là dư luận đã quá chán nản và thất vọng. Có điều ai cũng nhận thấy cứ mỗi kỳ Quốc hội chất vấn Bộ trưởng Công thương hoặc Tài chính, thì đều có “động thái mềm”: giảm lấy lệ. Nhưng, liền ngay sau đó là mặt hàng này tiếp tục điệp khúc “tăng và… tăng”.

Một số người lạc quan cho rằng, thôi thì “méo mó có hơn không”, dù chỉ giảm chút ít được, cũng có thể tự trào rằng, giá xăng dầu đã “điều chỉnh linh hoạt” theo cơ chế thị trường…

Bình luận mới nhất