| Hotline: 0983.970.780

Điêu đứng vì nghêu

Thứ Năm 21/04/2011 , 09:48 (GMT+7)

* Ngày xưa nuôi nghêu mua đất xây nhà, bây giờ nghêu đòi lại hết

Thống kê mới nhất của UBND xã Tân Thành, huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang tính đến ngày 18/4/2011 cho thấy diện tích nghêu chết đã lên đến 500 hécta. Tiền tỷ đã bị nước biển cuốn đi, hàng ngàn hộ dân đang phải đối mặt với món nợ ngân hàng nhiều tỷ đồng.

 

Đâu là nguyên nhân nghêu chết?

Hơn 400 hộ nuôi nghêu ở xã Tân Thành chưa kịp hoàn hồn vì năm 2010, gần như 100% diện tích nuôi nghêu bị chết gây thiệt hại nặng nề thì năm nay, nghêu lại tiếp tục chết trắng sân. Tình trạng này cứ lặp đi lặp như vậy nhưng đến nay vẫn chưa tìm ra nguyên nhân. Năm 2010, do thời tiết nắng nóng, độ mặn cao nên tạm chấp nhận nguyên nhân nghêu chết là vì thời tiết.

Năm nay, theo kết quả quan trắc môi trường của Chi cục Thú y Tiền Giang cho thấy thời tiết không có gì bất thường (nhiệt độ trung bình 30oC, độ mặn 25mg/l). Ông Nguyễn Văn Mánh, ấp Cây Bàng, có 17 hécta nghêu nói: “Bãi bồi Tân Thành giống như một cái túi chứa. Vào mùa gió chướng, dòng thuỷ triều từ Vũng Tàu và cửa sông Soài Rạp hướng thẳng vào bãi Tân Thành, khi đó những loại chất thải công nghiệp của các nhà máy sẽ đổ vào, biến sân nghêu thành một bãi chứa chất thải khổng lồ, gây ô nhiễm cho cả ngàn hecta, nghêu chết cũng là điều dễ hiểu”.

Nhưng theo ông Võ Minh Hùng, ấp Cây Bàng, một “đại gia” trong làng nuôi nghêu Tân Thành thì ngoài những nguyên nhân nói trên còn có nguyên nhân rất quan trọng khác là lượng nước sông Mekong bị giảm đi rất nhiều do bị Trung Quốc chặn phía trên đầu nguồn. “Hiện tượng lạ là hai năm nay bà con ở Đồng Tháp và một số tỉnh miền Tây khác không phải chạy lũ nữa. Chứng tỏ nước sông Mekong giảm đi rất nhiều. Lượng nước sông ít đi khiến dòng chảy yếu, chất ô nhiễm đọng lại vì không được dòng chảy cuốn đi, còn độ mặn tăng lên”, ông Hùng nói.

Ngoài Tiền Giang, tỉnh Bến Tre cũng có khoảng 16.000 héc ta diện tích nuôi nghêu, tập trung ở huyện Ba Tri, Bình Đại và Thạnh Phú và 10 HTX nuôi nghêu với hàng chục ngàn hộ dân hiện cũng đang đối mặt với tình trạng nghêu chết trắng sân mà chưa tìm ra nguyên nhân và giải pháp đối phó.

Lại quay về thuở cơ hàn?

Ông Phạm Văn Kiệp, Phó Chủ tịch phụ trách kinh tế xã Tân Thành cho biết toàn xã Tân Thành có 1.800 hécta diện tích nuôi nghêu, mỗi năm giải quyết việc làm cho hơn 2.000 lao động của xã và các địa phương lân cận, với hơn 300 nghìn ngày công lao động/năm. Nghêu chết không chỉ mất việc làm cho hàng ngàn lao động mà thiệt hại tính ra tiền lên đến con số ngàn tỷ đồng. Nghiêm trọng hơn là hàng trăm hộ nuôi nghêu đang đối mặt với món nợ ngân hàng từ vài trăm triệu đến hơn 1 tỷ đồng/hộ mà không có cách nào trả được.

Ông Kiệp cho biết: “Năm 2010, các hộ nuôi nghêu ở Tân Thành gần như mất trắng vì nghêu chết. Nợ ngân hàng chưa trả được. Nhưng sang năm 2011 này ngân hàng đã hỗ trợ bà con bằng cách khoanh nợ và tiếp tục cho vay tái đầu tư. Năm nay nghêu lại chết, chắc ngân hàng không dám mạo hiểm nữa đâu. Sắp tới bà con sẽ rất khốn đốn”. Còn ông Võ Minh Hùng nói như mếu: “Tôi có 4 sân nghêu, diện tích hơn 22 héc ta. Năm nay tôi đầu tư 6 tỷ, trong đó vay ngân hàng hơn 1 tỷ, nợ năm trước chưa trả. Tổng cộng tôi đang nợ ngân hàng ngót 2 tỷ đồng. Nhưng vay ngân hàng không đáng lo bằng vay ngoài. Hiện tôi đang còn nợ bên ngoài hơn 2 tỷ với lãi suất 4%/tháng. Ngày xưa nuôi nghêu để mua đất mua nhà, bây giờ nghêu đòi lại hết rồi”.

Ông Nguyễn Văn Nhịn, ấp Chợ, xã Tân Thành, người có thâm niên gần 30 năm nuôi nghêu và cũng là một trong số ít “đại gia” ở Tân Thành phất lên nhờ con nghêu, thẫn thờ nói: “Năm ngoái, con nghêu đã ngốn của tôi gần 10 tỷ đồng. Năm nay gần 80 héc ta nghêu của tôi chết khoảng 60% rồi. Tôi đang nợ ngân hàng hơn 2 tỷ, nợ ngoài 2 tỷ nữa. Chắc có lẽ phải bán cơ ngơi này đi mà trả nợ thôi”.

Xem thêm
Hơn 200 đơn vị tham gia Triển lãm công nghệ, dịch vụ cho thú cưng

TP.HCM Triển lãm Quốc tế chuyên ngành công nghệ, sản phẩm, dịch vụ chăm sóc thú cưng tại Việt Nam - Petfair Vietnam và Livestock Vietnam 2024 được tổ chức tại SECC, quận 7, TP.HCM.

Hồi sinh giống lúa đặc sản nếp cái hoa vàng Kinh Môn

Hải Dương Giống lúa nếp cái hoa vàng Kinh Môn sau phục tráng cho năng suất và giá trị kinh tế cao hơn so với nếp cái hoa vàng thông thường.

Tháo gỡ 2 điểm nghẽn chính

Ngành mía đường có những điểm nghẽn cần phải giải quyết để phát triển ổn định, bền vững, đó là chia sẻ của TS Cao Anh Đương, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Mía đường (SRI).

Bình luận mới nhất