| Hotline: 0983.970.780

Điều gì xảy ra khi quan chức bảo kê tội phạm?

Thứ Sáu 23/03/2018 , 06:30 (GMT+7)

Ông Lê Như Tiến, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội nói rằng, một khi quan chức dính sâu vào hoạt động phi pháp của doanh nghiệp thì chính sách quản lý sẽ méo mó, tội phạm sẽ hoành hành và đất nước sẽ kiệt quệ.

17-03-52_dbqh_le_nhu_tien_trong_mot_cuoc_tr_loi_pv_nnvn
Ông Lê Như Tiến

Thưa ông, vì sao gần đây có nhiều việc phát hiện xử lý đều thấy có bóng dáng quan chức "bảo kê" cho doanh nghiệp làm ăn phi pháp?

Có ai nghĩ rằng Thiếu tướng, Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao - một cái tên nghe qua đủ để làm e ngại cho bất cứ một công dân bình dị nào, lại là một tội phạm tầm cỡ, lợi dụng đúng mảng quản lý của chính mình, để phá hoại đất nước! Biết được việc này chúng ta ai cũng ngỡ ngàng và đau lòng.

Tôi cho rằng, họ vì lòng tham và lạm quyền, họ thiếu tu dưỡng, rèn luyện để vượt qua cám dỗ. Và nữa, thiếu trách nhiệm giám sát, quản lý của cấp trên, cũng như của tổ chức nơi người đó công tác.

Nhiệm vụ của quan chức là triển khai thực hiện các yêu cầu của Đảng, pháp luật nhà nước để phụng sự nhân dân, trong đó công việc chính của họ là tham mưu chính sách, xây dựng văn bản, hướng dẫn, thanh tra, kiểm tra, kỷ luật… song có không ít quan chức nhúng tay quá sâu vào công việc của doanh nghiệp, thậm chí bắt tay với chủ doanh nghiệp, bảo kê cho doanh nghiệp làm ăn phi pháp. Nó tệ hại và nguy hiểm vô cùng cho Tổ quốc.

Nhiều quốc gia, ranh giới giữa người kinh doanh và quan chức khác nhau hoàn toàn. Các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh lấy lợi nhuận làm mục tiêu, còn quan chức nhà nước là phục vụ cho quản lý xã hội. Ở ta, tình trạng quan chức nhúng tay quá sâu hoạt động doanh nghiệp, doanh nghiệp trở thành sân sau của quan chức có xu thế phổ biến. Nó vào sâu cả những cơ quan mà ngày thường tưởng là nơi bất khả xâm phạm như Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao ở Bộ Công an.

Nếu không ngăn chặn được tình trạng này thì đúng như ông nói sẽ nguy hại vô cùng cho đất nước?

Một khi quan chức bị doanh nghiệp dẫn dắt và hoa mắt trước đồng tiền thì sẽ rất nguy hiểm. Từ đó nó sẽ làm méo mó chức năng quản lý của nhà nước, méo mó chức năng thanh tra, kiểm tra, méo mó chức năng xây dựng chính sách. Đã đến lúc phải báo động đỏ, xem như tiếng chuông cảnh tỉnh đối với quan chức.

Quan chức tham gia vào hoạt động doanh nghiệp, bình thường đã ảnh hưởng đến công việc chuyên môn rồi; còn nếu bị doanh nghiệp "dắt mũi" thì chỉ phục vụ cho lợi ích của bản thân nhóm sân si, quên đi lợi ích quốc gia, dân tộc.

Thời gian qua đã có những quan chức tham gia quá sâu vào hoạt động của doanh nghiệp, ngay cả cơ quan thuộc cục, vụ, tổng cục đến cả cấp Bộ như Bộ Công thương.

Nhà nước cần làm gì để ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng này thưa ông?

Trước hết Quốc hội phải sớm hoàn thiện các đạo luật, trong đó phải rạch ròi giữa chức năng quản lý nhà nước và chức năng sản xuất kinh doanh. Những người làm quản lý nhà nước thì không được trực tiếp điều hành hoặc đứng sau các doanh nghiệp.

Luật Phòng chống tham nhũng tới đây phải khẳng định rõ công chức, viên chức là công bộc của nhân dân để phục vụ hoạt động của nhân dân của doanh nghiệp chứ không phải để bảo kê cho doanh nghiệp làm sai, đến khi biết sai rồi thì hoặc là thoái thác hoặc là tiếp tục bảo kê để bảo vệ cho bằng được cái sai đó.

Phải coi trọng việc thực thi pháp luật một cách nghiêm minh, xử lý nghiêm khắc người đứng đầu nếu để xảy ra tình trạng trên. Các cơ quan giám sát, kiểm tra, bảo vệ pháp luật phải hành động thực sự vì nước, vì dân, chứ không chỉ là những mệnh lệnh hành chính, nói suông. Đã gột rửa, làm trong sạch bộ máy là phải làm đồng bộ, quyết liệt, làm từ trên xuống dưới chứ không như ở một số địa phương chỉ “tắm từ cổ xuống”.

Nên nhớ, mục tiêu của doanh nghiệp là lợi nhuận, còn mục tiêu của quan chức là phục vụ nhân dân, đứng ở góc độ quản lý nhà nước chứ không phải là tiếp tay cho các tập đoàn, doanh nghiệp để rồi làm sai, vi phạm pháp luật.

Trong các giải pháp, tôi nhấn mạnh đến nhóm giải pháp hoàn thiện đồng bộ hành lang pháp lý để quan chức coi đó như cái khung mà không dám vượt ngưỡng ra ngoài khuôn khổ đó, cùng với đó là tính nghiêm minh trong thực thi pháp luật. Ngoài ra, một giải pháp khá quan trọng đó là phát huy vai trò quần chúng nhân dân và báo chí trong giám sát, phản biện. Bởi lẽ, quan chức sinh ra từ nhân dân và sống trong lòng nhân dân nên quan chức làm gì là quần chúng nhân dân họ biết hết.

Vấn đề là chúng ta phải tạo ra cơ chế để cho nhân dân nói ra, bảo vệ được tiếng nói của nhân dân, lắng nghe và xử lý quan chức vi phạm. Tôi đảm bảo, không gì bằng tai mắt của nhân dân. Cứ bám chặt vào nhân dân thì mọi manh mối sẽ được dẫn đến sáng tỏ và đó cũng là điều mà quan chức phải biết sống với dân và đất nước này cho phải đạo.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

“Nếu không có quyết tâm chính trị, không có sự vào cuộc quyết liệt, mạnh mẽ, dũng cảm có trách nhiệm, đúng đắn trước Đảng, trước nhân dân của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và các cơ quan Đảng, cơ quan bảo vệ pháp luật thì không biết những quan chức thoái hóa, biến chất ấy sẽ còn ăn tàn, phá hoại đất nước này đến chừng nào nữa?

Nhân dân mong Đảng và Tổng Bí thư tiếp tục giữ vững ý chí và lập trường kiên định để đấu tranh loại bỏ những con sâu mọt, đục khoét của công, mồ hôi xương máu của nhân dân ra khỏi bộ máy.

Khi Đảng lấy lại được niềm tin quần chúng nhân dân, Đảng sẽ có một sức mạnh vô địch” - Ông Lê Như Tiến.

 

(Kiến thức gia đình số 12)

Xem thêm
Đồng Tháp đặt mục tiêu thành tỉnh kiểu mẫu nông nghiệp sinh thái

Mục tiêu là biến Đồng Tháp trở thành địa phương dẫn đầu cả nước trong lĩnh vực nông nghiệp và trở thành trung tâm nông nghiệp, du lịch sinh thái của vùng ĐBSCL.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

149 dự án tham gia cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp Quốc gia học sinh trung học

Cuộc thi khoa học, kỹ thuật cấp Quốc gia học sinh trung học năm học 2023-2024 có sự tham gia của 74 đơn vị, 149 dự án thuộc 21 lĩnh vực.

Rủ nhau đi hái lộc rừng

Quảng Bình Cứ vào tháng Ba hàng năm, nhiều người dân sống ở các xã Quảng Kim, Quảng Châu, Quảng Hợp (Quảng Trạch, Quảng Bình) rủ nhau lên rừng hái dâu và có nguồn thu đáng kể.