| Hotline: 0983.970.780

Điều kỳ diệu của cô gái hồi sinh từ cơ thể đóng băng

Thứ Bảy 17/03/2018 , 13:15 (GMT+7)

Jean Hilliard luôn được mô tả giống như một “điều kỳ diệu” vì lần hồi sinh từ cõi chết đầy ly kỳ cách đây gần 40 năm. Khi bạn tìm kiếm trên Google về thị trấn Lengby, vô vàn thông tin hiện lên nhưng nổi bật và dày đặc hơn cả có lẽ là một câu chuyện xảy ra cách đây gần 40 năm. 

Người ta đến giờ vẫn gọi nó là “điều kỳ diệu”.

Vào đêm 20/12/1980, chiếc xe do Jean Hilliard điều khiển gặp tai nạn lao xuống mương. Bị thương nhẹ, cô gái cố gắng đi bộ tìm kiếm sự giúp đỡ. Nhưng sáng hôm sau, người ta tìm thấy Hilliard ở sân trước ngôi nhà của một người chăn nuôi gia súc địa phương. Cơ thể cô đông cứng như khúc gỗ. Song đây chưa phải phần kỳ diệu.

14-27-52_nh-1
Jean Hilliard nghỉ ngơi tại bệnh viện Fosston sau khi hồi sinh từ cơ thể đóng băng năm 1980. Ảnh: Star Tribune

Lý do câu chuyện tới tận ngày nay vẫn được lan truyền rộng rãi trên các trang mạng khởi nguồn tại bệnh viện Fosston, cách Lengby khoảng 10 phút lái xe. Nơi đây, cơ thể Hilliard từ chỗ “đông cứng như đá” ấm dần lên. Và cô tỉnh dậy.

Hầu hết các bản tin đưa về sự hồi sinh của Hilliard đều nghe khá kịch tính. Cô còn xuất hiện trong một chương trình truyền hình ăn khách mang tên “Những bí ẩn chưa có lời giải”. Suốt 37 năm qua, câu chuyện về Hilliard được kể đi kể lại trong các chương trình đêm muộn, những chuyên trang chuyên điều tra, nghiên cứu các sự kiện siêu nhiên. Nhưng khi Hilliard kể câu chuyện của chính mình, mọi thứ trở nên gần gũi với hiện thực hơn.
 

6 tiếng ngoài trời -20 độ C

“Hôm đấy, tôi vào thị trấn để gặp gỡ vài người bạn”, Hilliard nhớ lại trong một cuộc phỏng vấn mới đây với MPR News. “Tôi về nhà vào khoảng nửa đêm”.

Hilliard quyết định đi vào một lối tắt trên con đường sỏi phủ băng phía nam Lengby. Chiếc xe Ford LTD của cha cô dẫn động bằng hệ thống cầu sau và không có phanh chống bó cứng, thế nên nó trượt xuống mương. Hilliard quen một người bạn sống ở cuối con phố nên cô bắt đầu cuốc bộ tới nơi cần đến.

Nhiệt độ đêm ấy khoảng -20 độ C và Hilliard mang một đôi ủng cao bồi. “Tôi cứ nghĩ mình chỉ cần vượt qua một ngọn đồi là sẽ đến được nhà của người bạn nhưng hóa ra nó lại không ở đó”, cô kể. “Tôi cảm thấy nản lòng hơn sợ hãi”.

Đi thêm khoảng ba cây số, Hilliard cuối cùng cũng tìm thấy nhà người bạn ngay cạnh những rặng cây. Đúng lúc này, không gian xung quanh cô bỗng tối sầm lại. Về sau, Hilliard nghe mọi người bảo rằng cô đến được sân nhà người bạn, bò bằng tay và đầu gối tới bậc thềm. Họ ước tính rằng cô đã nằm đấy khoảng 6 tiếng, đôi mắt mở trừng trừng, đông cứng. Hilliard không nhớ bất cứ điều gì.

Wally Nelson, người chăn gia súc địa phương, bạn của Hilliard, nhớ rõ chuyện hơn cô. Lúc bấy giờ, Nelson sống gần thành phố Clearbrook, bang Minnesota, phía bắc thị trấn Lengby. Cậu trông giống một gã cao bồi những năm 1800. Nelson có đôi bàn tay xương xẩu và ánh mắt lơ đễnh. Cậu bị ngựa đá trúng đầu lúc còn nhỏ. Dù vậy, tất cả chi tiết về buổi sáng hôm đó, khi cậu tìm thấy Hilliard, chưa bao giờ mờ nhạt trong trí nhớ Nelson.

14-27-52_nh-2
Ông Wally Nelson hiện vẫn sống tại trang trại gia súc bên ngoài Clearbrook. Ảnh: MPR News

“Tôi vô cùng bất ngờ lúc nhìn thấy cô ấy ngoài sân”, Nelson cho hay. “Tôi túm lấy cổ áo rồi kéo cô ấy vào hiên nhà. Tôi nghĩ cô ấy đã chết, cơ thể cứng đờ như một tấm bảng nhưng tôi vẫn thấy những bong bóng nhỏ thổi ra từ mũi cô ấy”.

Nelson biết Hilliard khá rõ. Hilliard khi ấy hẹn hò với Paul, bạn thân nhất của anh. Đêm hôm trước, họ vừa đi chơi cùng nhau, uống rượu, nhảy múa tại một trong những địa điểm vui chơi nổi tiếng nhất vùng.

Nelson đêm đấy mang một cô gái về nhà. Anh phải nhờ cô gái kia bê cơ thể Hilliard đã đông cứng lên chiếc xe tải của mình. Tuy nhiên, cơ thể Hilliard quá cứng nên không thể nhét vừa cabin. Nelson đành dùng chiếc xe của cô gái “tình một đêm” đưa Hilliard tới bệnh viện.
 

Hồi sinh kỳ diệu

Các bác sĩ tại bệnh viện Fosston không hy vọng Hilliard sẽ sống. Họ thậm chí không thể tiêm vào ven trên cánh tay cô bởi nó đã đóng băng. Kim tiêm liên tục gãy. Dù phán đoán Hilliard đã qua đời 99%, bác sĩ vẫn quyết định làm ấm cơ thể cô bằng các tấm giữ nhiệt. Nhân viên phụ trách mai táng ở bệnh viện còn gọi một mục sư tới và bắt đầu cầu nguyện.

Đến giữa buổi sáng, Hilliard tỉnh dậy trong cơn co giật. Tới trưa, cô bắt đầu nói chuyện rành mạch, gãy gọn. Chỉ trong vài tiếng, Hilliard đã hồi sinh từ một khối băng lạnh lẽo, cứng ngắc trở lại thành một thiếu nữ mà mối lo âu lớn nhất là cha sẽ phát hiện ra việc cô lao xe xuống mương.

Các chi tiết nghe giống như một điều kỳ diệu song giáo sư về y khoa cấp cứu tại Đại học Minnesota David Plummer cho biết hiện tượng tương tự thỉnh thoảng vẫn xảy ra. Ông là chuyên gia hồi sinh những người có thân nhiệt bị hạ cực nhanh. Không có dữ liệu chính thức nhưng Plummer khẳng định ông đã xử lý khoảng 10 trường hợp giống như vậy trong hơn 10 năm qua.

Giáo sư Plummer giải thích khi thân nhiệt cơ thể một người hạ, máu cũng chảy chậm lại và cơ thể đòi hỏi ít ôxy hơn. Nó có những nét tương đồng với hiện tượng ngủ đông. Nếu tốc độ máu chảy tăng lên cùng nhịp độ với tốc độ cơ thể ấm lên, nạn nhân thường sẽ hồi phục.

“Chúng tôi có những bệnh nhân mà bạn có thể gõ vào họ như những khúc gỗ”, ông miêu tả. “Họ cứng như đá nhưng không điều gì ngăn được chúng tôi nỗ lực cứu sống họ. Và chúng tôi đã thành công đáng kể với các trường hợp này”.

Theo Plummer, trong cấp cứu, “khẩu hiệu đặt ra là không ai chết cho đến khi họ ấm lên và chết”. Song điều kỳ lạ đối với câu chuyện của Hilliard là cô hồi phục ở đâu và vào lúc nào.

Ngày nay, bác sĩ dùng những thiết bị đặc biệt để bơm máu của bệnh nhân thông qua một chiếc máy làm nóng, từ đó, sưởi ấm các cơ quan nội tạng từ bên trong. Vào năm 1980, tại bệnh viện vùng nông thôn Fosston, tất cả những gì đội ngũ y bác sĩ ở đây có là những miếng sưởi và lời cầu nguyện.

Các bác sĩ đã tính đến việc cắt bỏ hai chân Hilliard để tránh nhiễm trùng vì tê cóng. Vậy nên, việc cô gái có thể trở về nhà trên chính đôi chân mình đã thu hút sự quan tâm rất lớn từ dư luận. Hilliard đến nhiều nhà thờ khác nhau để chia sẻ trải nghiệm. Những chương trình truyền hình mời cô đến New York để kể câu chuyện của mình: Cô gái màu nhiệm đến từ Lengby, Minnesota.

Nhưng khi sức thu hút từ câu chuyện giảm dần, Hilliard cho hay trải nghiệm có một không hai ấy không thay đổi quá nhiều quỹ đạo cuộc đời cô.

Hilliard, hiện 57 tuổi, bộc bạch bà vẫn mong chờ những điều kịch tích đến với mình. Hầu như tất cả mọi người đều bảo Hilliard rằng bà được cứu sống nhờ phép màu. Những sự việc ấy xảy ra chắc chắn bắt nguồn từ một lý do nào đấy. Nhưng cuộc sống của bà vẫn bình thường.

14-27-52_nh-3
Jean Hilliard hiện sống ở Cambridge. Ảnh: MPR News

Hilliard kết hôn và có con, sau đó ly hôn. Bà sống ở Cambridge, Minnesota, và đang làm việc tại Walmart. Hilliard cho rằng nếu bà nhớ được 6 tiếng mình đóng băng trước sân nhà Nelson, mọi chuyện đã khác.

“Tôi chỉ cảm giác như mình vừa ngủ và tỉnh dậy trong bệnh viện”, Hilliard kể. “Tôi chưa bao giờ nhìn thấy ánh sáng hay thứ gì tương tự. Tôi khá thất vọng. Rất nhiều người nói về chuyện ấy, tôi lại chẳng thấy gì”.

Từ lúc “hồi sinh” đến nay, Hilliard không có vấn đề về sức khỏe nào quá nghiêm trọng. Bà không còn dành nhiều thời gian suy nghĩ về đêm năm 1980 nữa. Bà chỉ cẩn thận hơn, không lái xe trên những con đường vào ban đêm.

(Kiến thức gia đình số 11)

Xem thêm
Tìm thấy virus dịch tả lợn châu Phi trong xác lợn rừng

Thủ phạm virus gây dịch tả lợn châu Phi (ASF) đã được phát hiện trong xác một con lợn rừng vừa được tìm thấy ở phía tây bắc Singapore.

Ukraine nỗ lực xâm nhập lãnh thổ Nga, Moscow xuyên thủng Patriot

Ukraine tăng cường các vụ tấn công bằng UAV và tổ chức nhiều đợt xâm nhập lãnh thổ Nga, trong khi đó, mục tiêu của Moscow là khu vực hậu phương của Kiev.

Chuyên gia Ukraine thừa nhận sự vượt trội của máy bay không người lái Nga

Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Trinh sát Trên không Ukraine Maria Berlinskaya thừa nhận rằng quân đội Nga vượt trội hơn trong phát triển và sản xuất máy bay không người lái (UAV).