| Hotline: 0983.970.780

Đìu hiu hàng ăn sau Tết

Thứ Ba 19/02/2013 , 10:00 (GMT+7)

Dường như thời suy thoái kinh tế đã khiến nhiều người dân hình thành một thói quen tằn tiện trong cách chi tiêu…

Nếu như mọi năm, bước vào những ngày đầu xuân năm mới các hàng ăn với các món chống ngán là bún ốc, bún riêu cua, bún cá… đều rất đắt hàng và đông đúc khách vào ra, thì cùng thời điểm này thảm cảnh đìu hiu đang bao trùm dịch vụ hàng ăn uống ở nhiều khu vực Hà Nội.

Không chỉ số lượng hàng quán mở ra kinh doanh giảm trông thấy, không còn nở rộ đông đảo như các năm trước, mà số lượng khách ăn cũng rất thưa vắng, và dường như thời suy thoái kinh tế cũng khiến nhiều người dân hình thành một thói quen tằn tiện trong cách chi tiêu…

Số lượng quán ăn giảm

Ở một số thành phố lớn của các tỉnh phía Bắc như Hà Nội, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định…, những Tết trước ta có thể bắt gặp nhan nhản các quán hàng ăn ở vỉa hè của ngõ nhỏ cho tới phố lớn vào những ngày đầu năm mới âm lịch.

Thế nhưng, năm nay chiều hướng có vẻ đổi khác khi mà số lượng hàng ăn phục vụ bún ốc, bún riêu, bún cá… ít đi trông thấy. Ví dụ, tại các khu vực phố cổ của Hà Nội, mọi năm thì hầu như chả có một con phố nào lại thiếu các hàng ăn kinh doanh theo thời vụ mở ra. Có phố “hiện diện” tới cả dăm, bảy hàng ăn, thậm chí là nhiều hơn thế… Ấy vậy mà năm nay, mấy ngày Tết qua, chúng tôi dạo quanh phố phường thí thấy rất thưa vắng số lượng quán ăn mở ra.

Có khi khách ăn phải tìm qua mấy phố mới thấy một vài hàng. Ngay như quanh các điểm là chùa chiền, đền phủ là Chùa Hà, Phủ Tây Hồ, Bia Bà…, vốn rất đông đúc người đi lễ bái, cầu khấn, và thường là khách cũng ăn uống nhiều, vậy mà năm nay số lượng quán hàng ăn cũng giảm đi một nửa so với năm trước. Chị Nguyễn Thu Hà, chủ nhà hàng bún ốc, bún riêu cua trên đường vào Phủ Tây Hồ cho hay: “Mọi năm chỉ riêng con đường vào phủ đã có tới cả trăm nhà hàng, quán xá phục vụ bún ốc, bún riêu, vậy mà mùa này chỉ có chưa đến 50 hàng. Dường như nhiều hộ nắm bắt được chiều hướng kinh doanh sẽ ế ẩm nên họ chuyển hướng sang kinh buôn bán cái khác thì phải…”.

Dạo qua khu Chùa Hà chúng tôi cũng thấy không nhiều hàng ăn bán bún mọc lên, khi chỉ có khoảng chưa đến 10 hàng trong phạm vi bán kính 1 - 2 km quanh khu vực này. Bà Tâm, chủ một quán bún chuyên ốc, đầu một con ngõ cách chùa chưa đến 100 m kể rằng, bình thường mọi năm hàng xóm nhà bà cũng mở bún ốc, bún riêu bán tới 3, 4 hàng, vậy mà năm nay chỉ còn mình bà bán thôi…

Vâng, sáng ngày mồng 5 Tết, tôi cùng một người bạn đã phải đi kiếm suốt phố Dương Quảng Hàm, sang đường Nguyễn Khánh Toàn (quận Cầu Giấy) mà chẳng thấy có một hàng bún nào mở ra. Một chị bán hàng nước tại cổng trường Cao đẳng Sư phạm Hà Nội nói rằng, mọi năm chỉ con phố này có gần chục hàng vậy mà năm nay chẳng có lấy 1 hàng, rồi chị chỉ cho chúng tôi ra khu vực chợ Nghĩa Tân may ra mới có…

Khách ăn thưa thớt, lèo tèo

Theo quy luật, khi ít người bán thì những hàng còn lại sẽ rất đông khách, thế nhưng quy luật ấy lại không hề đúng với thực trạng năm nay khi mà quán hàng dẫu ít nhưng khách ăn cũng không hề đông, thậm chí là lèo tèo, thưa vắng. Bà Nguyễn Thị Lượt, chủ quán bún ốc gần chợ Nghĩa Tân buồn buồn kể: “Kinh doanh năm nay ế ẩm và chán quá. Mọi năm quán nhà tôi bán mỗi ngày đầu năm mới phải 40 - 50 kg bún, vậy mà năm nay ngày chưa bán nổi 15 kg. Từ khi mở quán bún bán Tết gần chục năm nay chưa bao giờ phải chịu cảnh chủ và nhân viên phải đợi đón từng khách từng khách vào ăn. Ngay chỉ năm ngoái thôi, tôi bán không ngơi tay lúc nào suốt từ sang tới tối khuya…”.

Dạo qua mấy quán bún ốc bún riêu cua có “số má” trên khu phố Hàng Bún, Hàng Than, Thi Sách, Bùi Thị Xuân…, chúng tôi thấy khách cũng khá đông, thế nhưng qua tìm hiểu từ các chủ quán chúng tôi được họ cho hay tuy lượng khách nhìn có đông, nhưng so với mọi năm cũng giảm nhiều, mà bằng chứng thực tế là số lượng bún bán ra của hầu hết các quán chỉ ở mức 2/3 so với các năm trước…

Tâm lý của nhiều người hạn chế đi ăn hàng quán đầu xuân năm mới vì họ cho rằng giá cả chặt chém. Quá đắt đỏ. Thế nhưng, nhìn nhận mặt bằng giá cả chung năm nay thì không phải là quá đắt, trong khi giá thực phẩm, giá nhân công tăng nhiều so với mọi năm. Một bát bún cua, ốc… dao động từ 30.000 - 50.000 đồng (tùy chỗ, cũng như chất lượng), và vẫn biết là nó đắt hơn ngày thường nhưng so với năm ngoái thì chỉ là ngang bằng mà thôi. Theo như nhận định của tôi và nhiều chủ quán hàng kinh doanh hàng ăn uống thì nguyên nhân của việc khách ăn vắng vẻ là do nền kinh tế suy thoái, dân ta ít tiền nên họ phải tiết kiệm, phải tằn tiện trong chi tiêu, và kể cả có tiền thì người ta cũng hình thành dần một thói quen chi tiêu “thắt lưng buộc bụng”, bởi tình hình kinh tế không biết đến bao giờ mới… sáng sủa(?!).

Xem thêm
ASEAN cần tiếp tục ưu tiên duy trì đoàn kết, độc lập, tự cường

Ngày 23/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp Tổng Thư ký ASEAN Kao Kim Hourn nhân chuyến thăm làm việc và tham dự Diễn đàn Tương lai ASEAN.

Công đoàn NN-PTNT Việt Nam phát động Tháng Công nhân và an toàn lao động

Sáng 24/4, tại Công đoàn NN-PTNT Việt Nam tổ chức phát động 'Tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động và Tháng Công nhân năm 2024'.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Chuyện làm du lịch ở miền núi Phú Thọ: [Bài 1] Đồi chè Long Cốc, nàng tiên không ban cho dân được mấy tiền

'Không mấy ai nhìn ra giá trị của rừng Xuân Sơn, Tân Sơn nên bỏ lỡ cơ hội phát triển du lịch', TS. Ngô Kiều Oanh tiếc rẻ.