| Hotline: 0983.970.780

DN ngành đường quyết liệt tái cấu trúc

Thứ Năm 22/01/2015 , 14:20 (GMT+7)

Sự kiện từ năm 2015, thuế nhập khẩu đường vào VN từ 5% giảm xuống còn 0% được dự báo sẽ tiếp tục gây áp lực lớn lên ngành mía đường nước ta.

 NNVN đã buổi trao đổi với ông Nguyễn Văn Lộc (ảnh) - Chủ tịch Ủy ban mía đường, kiêm Giám đốc Trung tâm nghiên cứu mía đường Tập đoàn Thành Thành Công (TTC) về cơ hội, thách thức của ngành mía đường VN…

- Thực hiện AFTA, từ 2015 VN phải giảm thuế suất nhập khẩu đường từ 5% xuống còn 0%. Theo ông, sự kiện này sẽ tác động như thế nào đến ngành mía đường trong nước?

Ông Nguyễn Văn Lộc: Theo tôi con số 5% không lớn nhưng ý nghĩa của nó lại rất rõ ràng: Lúc này VN phải theo luật chơi chung của khu vực Đông Nam Á. Ở “sân chơi chung” này, mình phải hiểu, VN là nước gia nhập các tổ chức quốc tế thường là sau người ta.

Bối cảnh trong ngành nông nghiệp nói chung, ngành mía đường nói riêng của ta, thì “sân chơi chung” đó thường không bình đẳng. Không phải tất cả đều minh bạch hết, vì rất nhiều lý do lịch sử trước đó, các thành viên tham gia đã có những giải pháp trước để hỗ trợ cho ngành, nó không hoàn toàn minh bạch như chúng ta vẫn nghĩ.

Vì thế, việc giảm thuế suất chỉ là phần nổi, còn tảng băng chìm là nhiều chính sách hỗ trợ khác mà họ không công bố ra.

Tuy nhiên, hội nhập là con đường chúng ta phải đi, không thể mãi cô lập được. Trên thế giới có gần 100 nước làm đường, vào sân chơi này, chúng ta phải xác định có rất nhiều nước ưu thế hơn mình, không phải sòng phẳng như mình đâu.

- Được biết, đến thời điểm này thế giới đang tồn kho khoảng 5 triệu tấn đường, VN cũng dư khoảng 0,6  triệu tấn. Con số này có thực sự đáng báo động cho ngành mía đường nước ta trong năm 2015 không, thưa ông?

Ông Nguyễn Văn Lộc: Đây là kết quả của 3 – 4 năm thế giới thừa cung dồn lại và dự báo năm 2015 việc thừa đường còn tiếp diễn.

Vì thế, năm 2014 ngành mía đường đã khó rồi thì sang 2015 sẽ khó tương đương hoặc hơn. Tuy nhiên, việc thế giới dư thừa khoảng 5 triệu tấn đường, theo tôi, không phải vấn đề quá lớn trong thăng bằng cung cầu.

Vì trước đây, chỉ cần 1 năm Ấn Độ thiếu đường (do ảnh hưởng của thời tiết) thì họ đã hụt tới 7 triệu tấn rồi.

Tuy nhiên, những đánh giá, dự báo về tương lai trong cung – cầu đường không sáng sủa  (nguồn cung lớn, còn nguồn cầu không tăng nhiều) khiến giá đi xuống, gây khó khăn cho ngành đường VN. Hiện giá đường đang giao dịch trên thị trường thế giới đã thấp hơn giá thành sản xuất của bất kỳ quốc gia nào (giá sản xuất 18 – 20 cent/pound, nhưng giá giao dịch chỉ 16 cent/pound).

- Được biết, TTC là đơn vị luôn áp dụng giá mua mía tốt nhất cho nông dân trong nhiều năm qua. Đây có phải là chủ trương xuyên suốt của Ban lãnh đạo TTC nhằm chia sẻ lợi nhuận với người nông dân một cách bền vững?

Ông Nguyễn Văn Lộc: Hiện TTC có 5 công ty thành viên, 6 nhà máy đường, tổng sản lượng đường của TTC chiếm 1/4 sản lượng đường của cả nước (400.000 tấn/1.600.000 tấn). Diện tích thu mua mía cho nông dân (có hợp đồng) khoảng 35.000 ha.

Về cơ bản, các nhà máy thuộc TTC đều ký hợp đồng bao tiêu, đầu tư cho vùng nguyên liệu (70 - 80% chi phí), sau đó mua mía trực tiếp tại ruộng cho nông dân. Riêng vùng Đông Nam bộ, 3 nhà máy thuộc TTC đều mua mía của nông dân với giá cao nhất nước (1.050.000 đồng/tấn mía, cao hơn 15 - 20%).

- Với vai trò là tập đoàn lớn nhất thực hiện việc dẫn dắt, định hướng thị trường ngành mía đường VN, TTC đang thực hiện việc tái cấu trúc như thế nào để hội nhập sâu vào “sân chơi” quốc tế?

Ông Nguyễn Văn Lộc: TTC xác định đang đặt vào tình thế bắt buộc phải thay đổi, buộc phải tái cấu trúc để hội nhập. Tập đoàn đang tập trung tái cấu trúc lại chuỗi liên kết sản xuất đường gồm rất nhiều thành phần, trong đó 2 thành phần chính là nông dân và nhà máy phải được củng cố lại để làm sao cho chuỗi sản xuất đạt hiệu quả cao, bền vững hơn.

Hiện tại, TTC đã thành lập Trung tâm nghiên cứu mía đường nhằm đáp ứng hướng đi mới, đầu tư sâu vào nghiên cứu, tập trung giải pháp hỗ trợ tưới, bón phân phù hợp, công tác BVTV hiệu quả cho nông dân; đưa dần cơ giới hóa vào sản xuất; nghiên cứu ứng dụng bộ giống mía phù hợp hơn, năng suất và chất lượng cao hơn.

Thực hiện đa dạng hóa sản phẩm, TTC đang cho ra khá nhiều loại đường để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của nội địa và hướng đến XK. Chúng tôi còn tập trung phát huy giá trị của các sản phẩm phụ. Cụ thể, TTC có 6 nhà máy mía, trong đó đã có 3 nhà máy phát điện (nhiệt điện từ bã mía) lên lưới, chiếm 70% lượng điện chạy từ bã mía của toàn ngành mía đường VN.

TTC cũng đang đầu tư làm cồn từ mật rỉ, ráo riết làm thủ tục sáp nhập nhiều đơn vị thành viên để tăng quy mô, sức cạnh tranh cho các đơn vị. Việc sáp nhập này sẽ bổ sung về mặt kiến thức chuyên môn cho các đơn vị, tiết giảm được nhân lực, sử dụng chung được thương hiệu… nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh khi hội nhập.


Thái Lan cho phép chở nông sản kéo theo 1 rơmooc giúp tăng sức cạnh tranh khi hội nhập quốc tế

 - Liên quan đến chính sách cho ngành mía đường, đặc biệt là việc khuyến khích chế biến phụ phẩm, ông nhận thấy có những bất cập gì cần đề xuất thay đổi?

Ông Nguyễn Văn Lộc: Về mặt chính sách chung của nước ta là tốt, định hướng đúng. Nhưng khi đi vào chi tiết, cụ thể đã khiến cho nhiều chính sách không đi vào thực tế. 

Trước đây VN có chính sách khuyến khích sản xuất các sản phẩm từ phế phụ phẩm nông nghiệp. Nhưng giờ chính sách này cho ngành đường bị gạt ra mất rồi (trừ sản xuất điện từ bã mía), trong khi ngành đường có rất nhiều phụ phẩm như mật rỉ, bã bùn… Lẽ ra chính sách hỗ trợ cho các sản phẩm đó phải tăng thêm, nay lại gạt đi thì lạ quá!?

Hay như chính sách ưu tiên cho vận chuyển nông sản, do đặc thù dễ hư hỏng, giảm chất lượng, nhà nước cần có chính sách “chiếu cố” hơn.

Tôi ví dụ như bên Thái Lan, họ cho xe chở nông sản (lúa gạo, ngô, trái cây, mía…) được kéo theo 1 rơmooc, trên nguyên tắc vẫn đảm bảo an toàn, giữ gìn đường sá, không quá tải (trọng lượng dàn đều).

Chính sách này sẽ hỗ trợ trực tiếp cho người nông dân, vì nguyên liệu mía họ làm ra được cân, đong, đo, đếm tại nhà máy chứ không phải ngay tại ruộng.

Càng vận chuyển được nhiều, nhanh thì nông dân càng có thêm thu nhập, bán được giá tốt vì chữ đường cao (nếu 2 – 3 ngày chữ đường giảm rất nhanh), giúp tính  cạnh tranh và bền vững trong chuỗi được nâng cao.

Tôi cho rằng, chính sách vận chuyển nông sản cần được nhà nước xem xét cho áp dụng càng sớm càng tốt.

Xin cám ơn ông!

Xem thêm
Tôm Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ sẽ gánh thêm thuế chống trợ cấp

Tôm Việt Nam, Ấn Độ, Ecuador xuất khẩu sang Hoa Kỳ có thể bị buộc trả thuế chống trợ cấp sơ bộ với mức dao động từ dưới 2% đến tối đa 196%.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

Tháp cao tầng là biểu tượng của các thành phố lớn trên thế giới

Cùng chiêm ngưỡng những tòa cao ốc đã và đang góp phần quảng bá hình ảnh của các thành phố và quốc gia lớn trên thế giới.

Chuyên gia: 'Thế giới có gì, Vinhomes Royal Island có đó, thậm chí còn có nhiều hơn'

Đảo Vũ Yên (Hải Phòng) đang là 'tâm chấn' của thị trường BĐS kể từ sau khi Vinhomes Royal Island chính thức ra mắt.

Bình luận mới nhất