| Hotline: 0983.970.780

DN TĂCN nội địa: Thay đổi để lấy lại thị phần

Thứ Hai 05/12/2011 , 08:52 (GMT+7)

Việc tổ chức lại ngành sản xuất TĂCN nội địa đã đến hồi cấp thiết nếu các DN trong nước muốn tồn tại.

Sản xuất TĂCN ở Cty Thanh Bình (Đồng Nai)

Trong cuộc cạnh tranh cung cấp nguồn thức ăn cho chăn nuôi ở thị trường nội địa, DN trong nước ngày càng tỏ ra đuối thế và đến nay, phần lớn thị phần TĂCN  rơi vào các doanh nghiệp nước ngoài. Bởi vậy, việc tổ chức lại ngành sản xuất TĂCN nội địa đã đến hồi cấp thiết nếu các DN trong nước muốn tồn tại. 

Nhiều mà nhỏ

Theo Cục Chăn nuôi, cả nước ta hiện có 233 nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi. Trong đó, 175 nhà máy là vốn trong nước, còn 58 nhà máy có vốn nước ngoài. Như vậy, xét về số lượng thì doanh nghiệp có vốn trong nước đang áp đảo. Nhưng phần lớn “cái bánh” thị trường thức ăn chăn nuôi, lại đang thuộc về các doanh nghiệp có vốn nước ngoài (60-70%). Thậm chí theo nhận định của ông Dương Ngọc Minh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chế biến Xuất khẩu Thủy sản, ở mảng thức ăn nuôi tôm, doanh nghiệp có vốn nước ngoài đang nắm tới 95% thị phần.

Để chiếm được ưu thế trên thị trường thức ăn chăn nuôi Việt Nam, các doanh nghiệp có vốn nước ngoài đã có sự phát triển khá mạnh trong thời gian qua và đang tích cực xây cất thêm nhà máy trong thời gian tới. Cty CP Dinh dưỡng Nông nghiệp Quốc tế (ANCO), sau 10 năm thành lập hiện đã có 3 nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi với tổng công suất trên 800 ngàn tấn/năm. Theo ông TGĐ Cty CP Việt Nam, hiện nay, Cty này đang chiếm từ 18-20% thị phần trên thị trường TACN Việt Nam. Chưa dừng ở đó, CP Việt Nam đang có kế hoạch xây dựng thêm các nhà máy chế biến TACN, mà sắp tới sẽ là 1 nhà máy ở Bình Dương. Như vậy, nhiều khả năng, thị phần TACN của CP sẽ còn tăng thêm nữa.

Trong khi đó, các doanh nghiệp TACN nội địa đang tồn tại một cách khó khăn. Nhiều doanh nghiệp đang phải thu hẹp sản xuất. Thậm chí đã có những nhà máy phải đóng cửa.

Thay đổi để tồn tại

Theo ông Phạm Đức Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thức ăn Chăn nuôi, các doanh nghiệp nội địa không nên trách các doanh nghiệp nước ngoài mà nên tự trách mình. Trước hết đó là sự lãng phí xa xỉ. Một tình trạng khá phổ biến trong ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi nước ta là nhiều nhà máy thức ăn quy mô không lớn, mà công nhân thì “đông như quân Nguyên”, còn ông chủ vi vu xế hộp bạc tỷ. Nhỏ mà lãng phí, xài sang như thế, thì khó mà cạnh tranh được với các doanh nghiệp có vốn nước ngoài. Vì thế, việc cần làm ngay đối với các nhà máy thức ăn chăn nuôi nội địa là phải có chi phí sản xuất thấp. Ông Bình cho biết, việc giảm chi phí sản xuất không phải là vấn đề khó. Chẳng hạn, trong việc nhập khẩu nguyên liệu, thay vì đóng bao cho vào container như cách làm của nhiều doanh nghiệp hiện nay, nên chuyển hẳn sang nhập khẩu theo dạng hàng xá (hàng rời). Làm như vậy sẽ giảm được chi phí bao bì, bốc xếp … với mức giảm khoảng 100 đ/kg nguyên liệu.

Nếu nắm chắc diễn biến mùa vụ trồng trọt, các nhà máy cũng sẽ có cơ hội để mua được nguyên liệu giá rẻ, qua đó giảm được giá thành sản phẩm. Như hiện nay, lũ lụt dài ngày ở Thái Lan đang ảnh hưởng tới giá khoai mì, giá cám … Nếu thấy giá giảm, các nhà máy nên mua vào ngay. Không nên như lâu nay, lúc giá rẻ thì không sốt sắng mua vào. Đến khi thấy các nhà máy khác đua nhau mua, mới vội vàng mua nguyên liệu theo kiểu phong trào, khiến cho giá cả bị đẩy lên cao.

Một giải pháp quan trọng là các nhà máy thức ăn chăn nuôi nội địa cần phảm thay đổi phương thức bán hàng. Theo ông Bình, các nhà máy có vốn nước ngoài thường đi từ nông dân lên, tức là họ tổ chức quảng bá, tiếp thị, bán hàng thẳng tới các trang trại. Còn các doanh nghiệp Việt Nam lại đi từ đại lý xuống. Cách làm này khiến cho giá cám từ nhà máy khi xuống tới nông dân đã phải đội thêm từ 5-8%. Không những thế, để các đại lý chấp nhận bán cám của mình, các nhà máy còn phải ra sức chiều chuộng bằng nhiều hình thức khuyến mãi, tặng quà, thay vì nâng cao chất lượng, hạ giá thành sản phẩm.

Các doanh nghiệp có vốn nước ngoài chiếm lợi thế trên thị trường thức ăn chăn nuôi, cũng nhờ họ đã đi vào chiều sâu trong sự cạnh tranh, đó là chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi, tổ chức đầu ra, chăm lo cho khâu hậu mãi … Để cạnh tranh được với các doanh nghiệp có vốn nước ngoài, các nhà máy thức ăn chăn nuôi vốn nội địa, cũng đã đến lúc phải gắn bó, chia sẻ trách nhiệm, rủi ro với người nông dân. Theo ông Bình, để làm được điều này, các nhà máy nên có cam kết nếu người chăn nuôi bị thua lỗ thì nhà máy sẽ có trách nhiệm hỗ trợ lại. Ông Bình khẳng định: “Phải cạnh tranh đến mức quyết liệt như vậy thì các nhà máy có vốn nội địa mới có thể tiếp tục tồn tại, phát triển và có cơ hội dần dần lấy lại thị phần trên thị trường thức ăn chăn nuôi”.

Xem thêm
Xử phạt nhiều công ty, đại lý cung ứng phân bón giả, kém chất lượng

Cơ quan chức năng tỉnh Đồng Nai phát hiện, xử phạt nhiều công ty, đại lý cung ứng, phân phối phân bón giả chất lượng, kém chất lượng... cho bà con nông dân.

Lộc Trời ra mắt 2 sản phẩm sinh học mới

CẦN THƠ Ngành Vật tư Nông nghiệp Lộc Trời đã chính thức công bố, ra mắt hai bộ giải pháp canh tác sinh học với các sản phẩm dành riêng cho cây lúa NEMACES và ANMITE 40SC.

Tập đoàn Hùng Nhơn có thêm thành viên thứ 16

Sau thương vụ mua bán và sáp nhập (M&A) với Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển công nghệ sinh học Visakan, Hùng Nhơn Group chính thức có thêm thành viên thứ 16.