| Hotline: 0983.970.780

DN về làng& những cú ngã ngửa

Thứ Năm 30/12/2010 , 10:06 (GMT+7)

Có những cụm công nghiệp làm ăn nghiêm chỉnh nhưng cũng có nơi lại khiến người dân địa phương giận dữ, mất lòng tin. Cụm công nghiệp Bình Giang (Hải Dương) là một ví dụ điển hình.

Ô nhiễm từ khi có cụm công nghiệp
Đã có một thời, người ta trống dong cờ mở đón các cụm công nghiệp về làng với hy vọng đổi đời cho người dân quê. Có những cụm công nghiệp làm ăn nghiêm chỉnh nhưng cũng có nơi lại khiến người dân địa phương giận dữ, mất lòng tin. Cụm công nghiệp Bình Giang (Hải Dương) là một ví dụ điển hình.

Động đâu sai đấy

Để minh chứng cho chúng tôi, ông Vũ Văn Tắp, Trưởng thôn Mi Cầu, xã Tân Hồng (Bình Giang) kể tên một loạt Cty nằm trong “danh sách đen” mà chính quyền xã đã từng phối hợp với Công an huyện Bình Giang, Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện, Cảnh sát môi trường tỉnh bắt quả tang và tiến hành xử phạt, điển hình như Cty Phú Thiên Long (sản xuất nhôm), Cty Minh Luyến (sản xuất gỗ), Cty Lục Lam (xử lý rác thải), Cty DFG, Cty may Minh Ngọc, Cty Đại Phát...

Sát cụm công nghiệp có hơn 10 mẫu ruộng của người dân trong xã. Diện tích này lúa thường xuyên bị mất mùa, năng suất giảm cỡ 30 - 40% từ ngày các nhà máy ở đây hoạt động. Không chỉ có khói bẩn đầu độc con người, gia súc, cây cỏ, nhiều nhà máy ở cụm công nghiệp này còn không có hệ thống xử lý chất thải đúng tiêu chuẩn, đúng thiết kế nên buộc phải xả nước thải trực tiếp ra ruộng đồng, sông máng khiến những con mương con ngòi trở thành mương chết. Nước ô nhiễm dẫn vào ruộng, dân lội chân trần xuống cấy gặt về gãi tuột từng mảng da, đỏ hon hỏn mà vẫn không hết ngứa.

 Nước bẩn ngấm đến đâu hoa màu đỏ úa rồi tàn lụi dần đến đấy. Trong mấy năm liên tiếp, hàng mẫu lúa của dân ở cánh đồng gần cụm công nghiệp đều bị chết như vậy, dân xúm đông xúm đỏ đi đòi công lý khiến các Cty phải xuất tiền đền. Xong đâu lại vào đấy, cực chẳng đã, hiện nay thôn đành phải ra lấp đoạn mương này lại nhằm ngăn việc thải trộm nước, chấp nhận bỏ không 2 máy bơm đầu nguồn để lánh nạn cho cây lúa.

Chính ông Lê Xuân Hoàn, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Bình Giang, từng thú thật một cách cay đắng với báo giới rằng đa số các Cty hoạt động trong cụm công nghiệp Bình Giang vi phạm nghiêm trọng về môi trường là có thật. Nguyên nhân là do các Cty chưa có khu xử lý chất thải, hoặc nếu có cũng không làm đúng quy trình. Cũng theo ông Hoàn, cụm công nghiệp Bình Giang có tổng diện tích 30ha nhưng hiện có tới 3 Cty về xử lý rác thải, phế liệu cộng các Cty làm về nhôm, sơn, xốp… đã ô nhiễm thế chẳng biết thời gian tới xuất hiện thêm một nhà máy xử lý rác thải quy mô thì tình hình còn tệ hại đến đâu?

 Ông đề xuất ý kiến nếu cứ vi phạm thì rút giấy phép sản xuất nhưng xem ra thực hiện nổi nó còn khó hơn cả đường lên trời.

"Các ông muốn dân sống hay chết đây?"

Ông Tắp dẫn tôi đi ra cụm công nghiệp đầu làng để thị sát tình hình ô nhiễm sau mấy năm công nghiệp về. Thấy chúng tôi nghiêng ngó, một bà già te tái đạp xe chạy theo hét: “Các ông cán bộ muốn cho dân sống hay chết đây? Làm công nghiệp gì mà nước thải chảy đen cả cánh đồng, khói bay mù mịt vào các lớp mẫu giáo khiến các cháu phát ngộp, khói bay vào từng nhà khiến dân không thở nổi thì còn sống nổi nữa không hả giời?”.

Từ đầu năm tới giờ đã có 4 đoàn như thế về Mi Cầu rồi. Họ khám cho người già trong làng mà bác sĩ nào cũng lắc đầu bảo có tới 60-70% bị bệnh về đường hô hấp là điều quá sức tưởng tượng.
Nghe mấy lời đường đột đó, chỉ thấy trưởng thôn cúi gằm mặt mà đi bởi hễ thấy có người lạ đến gần cụm công nghiệp, dân làng đều tưởng là cán bộ cấp trên về nên gửi gắm những bức xúc như vậy cả. Trưởng thôn buồn rầu bảo mới mấy năm có công nghiệp ô nhiễm về, số người bị xoang cỡ 30-40%, bị ho hen cò cử rồi đủ các bệnh khác tăng đột biến. Nhà máy về làng mới có cảnh năm nào cán bộ thôn cũng bận rộn tổ chức bàn ghế, hội trường đón tiếp cỡ dăm bảy đoàn bác sĩ, mỗi đoàn cả chục người tình nguyện về khám chữa bệnh cho dân.  

Trở lại chuyện mấy năm trước, giá bán ruộng cho khu công nghiệp chỉ 7 triệu/sào, dân Mi Cầu đang ngần ngừ do quá rẻ. Các bác đền bù mới chơi chiêu độc đáo là cận Tết ông Công ông Táo họ đem tiền đến “dứ” cho dân thèm. Năm cùng tháng tận, đang túng thiếu, con cái nhì nhèo bố mẹ tiền mua quần mua áo mới, vợ dấm dẳng chồng mua sắm cái ti vi, tủ lạnh nên tự nhiên thấy có tiền bày trước mặt, dân thích mê tơi, đổ xô rủ nhau đến ký nhận, giao ruộng. Khi nhận những mảnh bờ xôi ruộng mật, các nhà máy hứa hẹn vuốt đuôi cho con em nông dân trong làng vào làm công nhân. Đến khi các nhà máy hoạt động, dân làng mới ngã ngửa về những mộng ảo thuở nào.  

Dân thất nghiệp toàn làm công việc độc hại, nặng nhọc hay tạm bợ

6/8 nhà máy ở cụm công nghiệp toàn sản xuất theo công nghệ rất ô nhiễm như nhựa tái chế, xốp, nhôm… Nhà máy nào cũng nhăm nhăm đốt trộm chất thải, đổ nước thải trộm. Dân có ra nhắc nhở họ lại phụt nước để dập tang chứng thậm chí đào lỗ chôn rác, đốt rác cháy ngầm bên dưới rồi tối dùng gậy móc lên cho lửa cháy bùng bùng. Khói độc mù mịt lan tỏa vào ban đêm, cả làng đóng sập cửa kín mít, đắp khăn mặt ướt để ngủ mà sáng ra mồm miệng đắng ghét như vừa ốm dậy. Mỗi bận như vậy, chỉ ra sân vài phút vào ban đêm cảm tưởng trông mồm có thứ bột gì lợm lợm đến nôn nao rất khó tả.

Bức xúc quá đã có lúc vài chục người làng định vọt qua hàng rào xông vào khu nhà máy xô xát với công nhân, an ninh thôn xã phải ngăn cản quyết liệt mãi mới thôi. Không bức xúc sao nổi khi lúa đến mồm ăn mà hỏng, vườn vải 2,5 mẫu của thôn ba bốn năm nay từ hồi công nghiệp về làng là thành vườn cây vô sinh, chẳng mùa nào đậu nổi quả, rau ở ao làng không dám cho lợn ăn, mương nước không còn con tôm, con cá mà nếu có cũng không ai dám ăn vì ngay cả con lợn con gà ăn phải cũng bị ngộ độc chí chết.

Gần như làng quê giờ chia hai phái, giàu nghèo. Đám hiếu, đám hỉ, cán bộ còn có tiền, còn đi được. Nông dân được mời đấy nhưng hết gà, vịt, thóc gạo để bán, không có đồng xu dính túi đành sượng mặt mà vờ ốm đau cáo bận. Ngay như bản thân anh trưởng thôn, tiếng là chủ thầu nhưng lắm buổi ốm sịt soạt, sốt nổi gai ốc vẫn không dám bỏ việc bởi ráo mồ hôi là hết tiền ngay.
Khổ nhất là hai lớp mầm non ở ngay hướng đầu của ngọn gió, mới đây, ở nhà máy sơn tại cụm công nghiệp chẳng biết thải ra thứ bụi gì mà dính khắp vườn vải, bám chặt từng ngọn lúa, kết trắng đầu những cháu nhỏ lớp mầm, lớp chồi, lớp lá ở trường mẫu giáo đầu làng khiến dân tình than vãn mãi không nguôi. Người ngủ không yên giấc, phải buổi trở trời, trẻ nhỏ, cụ già phải bỏ nhà, bỏ cửa đi di tản tránh luồng gió độc thổi thốc tháo vào làng. Tối tối dân làng Mi Cầu đã khó ngủ vì khói độc lại càng khó ngủ hơn vì tiếng chém nhựa xoảng xoảng đinh tai nhức óc vang vang từ nhà máy tái chế.

Đổi lại cuộc sống, tính mạng, sức khỏe đang bị ăn mòn, tước đi hàng ngày, hàng giờ vì ô nhiễm môi trường, dân làng Mi Cầu được gì? Cả làng cũng có khoảng 40 người được nhận vào công nhân trong nhà máy may hay nhựa, sơn nhưng lương bèo bọt chỉ hơn triệu, lại không có việc liên tục nên nhiều người chán ngán bỏ đi. Hơn nữa số nhận vào nhà máy, thống kê cũng chỉ chưa đầy 10% số người trong độ tuổi lao động ở Mi Cầu, hoàn toàn trái ngược với những lời hứa mật ngọt bằng văn bản, giấy tờ lúc thuyết phục dân giao đất.

Cứ tờ mờ sáng, cỡ 300 lao động nườm nượm kéo nhau từ cổng làng Mi Cầu đi làm thuê, đi đến sạch bách cả làng chẳng thấy bóng người trẻ. Đa số con em nông dân chỉ học hết cấp 2 cấp 3 là nghỉ, đại học cả thôn chỉ dăm ba em gọi là. 70-80% con em của làng lớn lên chỉ làm được may hay làm Cty hai xô (xách vôi, xách vữa), Cty hai vai (vác đất) khắp chốn, chỉ những đứa ấm ớ, dạng sứt môi, hở rốn mới chịu ở làng. Bản thân trưởng thôn cũng là một chủ thầu xây dựng nên anh hiểu rất rõ cảnh này nên bảo tôi rằng giờ làm ruộng chỉ toàn người già với trẻ con. (Còn nữa)

Xem thêm
Đưa tư duy thị trường vào phát triển khoa học - công nghệ trong nông nghiệp

Chiều 19/4, Bộ NN-PTNT phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức Hội nghị trao đổi về nội dung phối hợp hoạt động khoa học - công nghệ (KHCN) giữa hai bộ.

Giá cam sành giảm mạnh, nông dân thất thu

ĐBSCL Hiện tại, cam sành loại 1 chỉ còn 5.000 đồng/kg, giảm 4.000đồng/kg so với dịp Tết Nguyên đán. Với giá bán hiện tại người trồng cam thua lỗ từ 2.000 - 3.000 đồng/kg.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Giá đất bồi thường thấp hơn giá thị trường ảnh hưởng đến giải phóng mặt bằng

THỪA THIÊN - HUẾ Giá bồi thường đất ở, đất trồng rừng sản xuất thấp hơn nhiều so với giá thị trường dẫn đến công tác giải phóng mặt gặp rất nhiều khó khăn.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm