| Hotline: 0983.970.780

Đỡ đạn cho Tưởng Giới Thạch

Thứ Năm 27/09/2012 , 10:08 (GMT+7)

Hai vụ ám sát diễn ra chỉ trong hai tháng khiến Tưởng Giới Thạch cảm thấy sinh mạng mình đang bị hiểm nguy rình rập từng phút giây.

Hai vụ ám sát diễn ra chỉ trong hai tháng khiến Tưởng Giới Thạch cảm thấy sinh mạng mình đang bị hiểm nguy rình rập từng phút giây. Binh quyền chưa tập trung toàn bộ về tay Tưởng cũng khiến ông ta ăn không ngon, ngủ không yên.

>> Ám sát Tưởng Giới Thạch như trong phim
>> Vụ ''Hành động khí cầu'' nhắm vào Stalin
>> Vụ ám sát hụt rúng động Liên Xô

Người đầu tiên được Tưởng dặn dò về an toàn sinh mạng là Liêu Trọng Khải, một trong những người được cả Quốc dân đảng của Tưởng và Cộng sản đảng của Mao Trạch Đông đánh giá cao về tài năng, đức độ.

“Liêu tiên sinh, tình hình hiện nay ở Quảng Châu rất phức tạp, ngài phải cẩn thận đề phòng với ngay cả những phe phái trong nội bộ Quốc dân đảng. Bọn chúng định giết tôi, nhưng mục tiêu thứ hai sẽ là ngài”, Tưởng nói với Liêu Trọng Khải trong phòng riêng.

Thế nhưng, Liêu chỉ cười và cho rằng mình không làm gì tư lợi, chẳng lẽ người ta giết mình? Ông bỏ qua những lời khuyên của Tưởng, và cũng từ chối đề nghị cử vệ sỹ theo kèm.

Điều Tưởng lo lắng cuối cùng cũng đến, gần nửa tháng sau vụ ám sát hụt Tưởng ở cửa thành Quảng Châu, một nhóm sát thủ đã bắn chết Liêu Trọng Khải khi ông này vừa ra khỏi cửa trụ sở Quốc dân đảng. Liêu bị trúng 4 phát đạn vào người, chết ngay tại chỗ.


Tưởng Giới Thạch và Tống Mỹ Linh

Tưởng và những quan chức khác của Quốc dân đảng mở cuộc điều tra, chủ mưu nhanh chóng được xác định là Hồ Nghị Sinh, em ruột của Hồ Hán Dân – nhân vật có quyền lực chỉ sau Tưởng trong Quốc dân đảng.

10 người trong nhóm sát thủ cũng bị bắt sau đó, tuy nhiên, điều khiến Tưởng đau đầu là số quan chức cấp cao trong Quốc dân đảng dính líu vụ này còn nhiều hơn thế, đa phần thuộc phe cánh hữu. Phe này vốn xưa nay không mấy vui vẻ với việc Tưởng Giới Thạch nắm quyền điều hành quân đội trong đảng.

Tuy thế, vụ ám sát này đã mang lại cho Tưởng cơ hội trước đó ông ta thường mơ ước: nắm toàn bộ quyền lực trong Quốc dân đảng.

Lần lượt từng người thuộc phe cánh hữu bị bắt, bị xử tù và mất quyền lực vào tay Tưởng.

Cuộc thâu tóm lực lượng tiếp tục diễn ra sau cái chết của Liêu Trọng Khải, lần này tới lượt Hứa Sùng Trí - người nắm quyền quân sự ở Quảng Châu.

Trước đó, năm 1924, Tôn Trung Sơn từng mời Hứa làm tư lệnh quân đội Quảng Đông, Quảng Tây. Lúc ấy, Hứa nhận lời làm việc với 5 yêu cầu, một trong số đó là đưa Tưởng lên chức Tổng tham mưu trưởng - bước tiến quan trọng trong cuộc đời binh nghiệp và chính trị của Tưởng Giới Thạch.

Nhưng khi “cờ tới tay ai người đó phất”, Tưởng mau chóng đẩy Hứa ra khỏi vị trí Tư lệnh quân đội lưỡng Quảng, điều ân nhân của mình tới Thượng Hải. Sau đó, Tưởng cho người viết ra một bản thảo, gọi là 10 tội trạng lớn của Hứa Sùng Trí.

Sau vụ tranh quyền đoạt vị này, Tưởng Giới Thạch nắm toàn bộ quân đội Quốc dân đảng, còn Uông Tinh Vệ nắm chính quyền. Hai người này trở thành người được lợi nhiều nhất sau cái chết của Liêu Trọng Khải.

Vụ ám sát nguy hiểm nhất

Giới quan sát khi đó cho rằng, sự ra tay quá gấp, quá quyết liệt của Tưởng sẽ khiến nhiều người thù hận, và khả năng xảy ra ám sát lần 3 là rất lớn.

Sáng sớm 2/10, Tưởng Giới Thạch mang theo cả hai xe bọc thép chống đạn đi dự một hội nghị quan trọng ở trụ sở Bộ Tài chính. Tầng tầng lớp lớp cảnh sát, quân đội bảo vệ nghiêm ngặt, chỉ có các quan chức của Quốc dân đảng mới có thể vào trong.

Vì thế, Tưởng Giới Thạch không thể ngờ rằng vụ ám sát nguy hiểm nhất trong đời ông ta sẽ xảy ra ở đây.

Khi Tưởng mới vào phòng khách trong tòa nhà Bộ Tài chính, một người thanh niên cầm tờ báo ngồi trong góc bỗng đứng dậy và đi tới. Số lượng người trong phòng quá đông, chẳng mấy ai chú ý tới người thanh niên bỗng xuất hiện ngay trước mặt Tưởng, hét lớn: “Ông chiếm quyền của anh em tôi, đuổi anh em tôi ra khỏi quân đội, hôm nay ông phải lấy máu trả nợ”.

Người nọ rút súng bắn thẳng vào ngực Tưởng, lúc đó ai cũng nghĩ Tưởng không chết cũng sẽ bị thương. Nhưng chính trong phút giây cận kề cái chết của Tưởng, một cận vệ thân tín là Tưởng Phú Xuân lao ra trước, đỡ đạn cho Tưởng Giới Thạch.

Những cận vệ khác áp sát, tước súng của sát thủ trong khi Tưởng Giới Thạch còn chưa hết hốt hoảng, vội vã rút lui vào phòng kín trong Bộ Tài chính.


Tưởng Giới Thạch

Toàn bộ tòa nhà lập tức bị giới nghiêm, sát thủ được xác định là Hứa Sở, em họ của Hứa Sùng Trí, người vừa bị Tưởng tước đoạt binh quyền.

Tưởng quay lại nói với cận vệ: “Đưa Tưởng Phú Xuân vào bệnh viện, vết thương ở vai tuy không nguy hiểm tính mạng nhưng cần chữa trị ngay. Lập tức lấy ngân quỹ thưởng cho anh ta, đây là người đồng hương của tôi”.

Sau đó, Tưởng gửi tới cho Hứa Sùng Trí 200.000 đồng tiền Quốc dân đảng, nói là để an ủi Hứa vì phải ở Thượng Hải xa xôi. Hứa lập tức hiểu ý của Tưởng, đây thực chất là tiền dưỡng già, ông ta chỉ có 2 lựa chọn: Nhận tiền và làm yên lòng thuộc cấp, yêu cầu họ tuân theo lệnh Tưởng; lựa chọn thứ hai là cái chết, bởi lúc này Hứa đã không còn trong tay chút quyền lực nào.

Hứa Sùng Trinh lập tức cử người đến Quảng Châu nói với Tưởng Giới Thạch và các tướng lĩnh: “Hứa Sở ám sát Tưởng tướng quân là do ý cá nhân của anh ta, không liên quan gì tới tôi. Tôi đến Thượng Hải cũng là do ý muốn của chính mình, mong rằng các tướng lĩnh từng làm việc với tôi không nên có những hành động sai trái”.

Từ đó về sau, Tưởng không còn bị người trong nội bộ Quốc dân đảng ám sát nữa. Còn về số phận của Hứa Sở, có người nói Tưởng vì nể mặt Hứa Sùng Trí mà tha mạng cho anh ta. Tuy nhiên, sau ngày định mệnh đó, trong lịch sử không còn thấy xuất hiện cái tên Hứa Sở. (Hết)

Xem thêm
4,2 triệu Euro hỗ trợ nông dân ĐBSCL làm nông nghiệp sinh thái, thông minh

Trà Vinh Dự án được tài trợ bởi Liên minh Châu Âu và triển khai tại các tỉnh Đồng Tháp, Kiên Giang và Trà Vinh, với tổng vốn đầu tư 4,2 triệu Euro.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Cầu Trần Hoàng Na phục vụ lưu thông từ ngày 26/4

Từ ngày 26/4, cầu Trần Hoàng Na, bắc qua sông Cần Thơ chính thức đưa vào khai thác sử dụng, phục vụ nhu cầu lưu thông cho người dân.

Bình luận mới nhất