| Hotline: 0983.970.780

Đỗ Đình Thiện, nhà tư sản luôn chia ngọt sẻ bùi với Quốc gia

Thứ Năm 16/11/2017 , 08:01 (GMT+7)

Khi ông bà Đỗ Đình Thiện đưa cả gia đình lên chiến khu Việt Bắc tham gia kháng chiến. Đồn điền Chi Nê, xã Cổ Nghĩa, huyện Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình được giao cho Ban Kinh tế Tài chính của Đảng quản lý.

Nhà máy in tiền ở đồn điền Chi Nê

Để có máy in tiền, giải quyết những khó khăn lớn về tài chính của chính quyền cách mạng, ông bà Đỗ Đình Thiện đã bỏ tiền mua nhà máy in Taupin của người Pháp biếu cho Chính phủ.

23633194-800152083504454-1310431008-o100656251
Nhà tư sản dân tộc Đỗ Đình Thiện (1904 - 1972)

Từ tháng 11/1946, Bộ Tài chính sử dụng một cơ sở của đồn điền Chi Nê, thuộc sở hữu của ông bà Thiện, để đặt nhà máy in tiền. Bộ trưởng Bộ Tài chính Lê Văn Hiến đã có mặt tại đây từ ngày 19/12/1946. Hai ngày sau, Trưởng Ban Tài chính của Đảng Nguyễn Lương Bằng cũng về đây. Tại đây, tờ giấy bạc 100 đồng (tờ bạc con trâu xanh) đã ra đời. Bộ trưởng Lê Văn Hiến kể lại:

“Ông Đỗ Đình Thiện dành cho chúng tôi nhà xưởng và nhiều tiện nghi khác để đặt cơ sở in tiền. Chỉ trong 1 tháng cơ sở đã bắt đầu hoạt động và đã in được một số tiền dự trữ cho Bộ Quốc phòng”.

Đồn điền Chi Nê đã không giấu nổi con mắt do thám của thực dân Pháp. Chiều ngày 22/2/1947, tám máy bay Pháp đến oanh tạc, gây tổn thất lớn cho đồn điền. Nhật ký của Bộ trưởng Lê Văn Hiến viết: “Hai vựa café của ông Đỗ Đình Thiện bị tiêu ra tro, cháy trong một tuần lễ vẫn chưa tắt. Trong cuộc kháng chiến này, sự hy sinh của gia đình Đỗ Đình Thiện đối với quốc gia thật rất lớn, một sự nghiệp to tiêu tan không mấy chốc".

Mười ngày sau, Bộ trưởng Lê Văn Hiến vẫn chưa hết nỗi bùi ngùi khi chứng kiến cảnh tiêu điều của đồn điền Chi Nê sau trận bom oanh tạc. Ông Thiện đi bách bộ trước sân, đôi mắt đăm đăm suy nghĩ. Còn bà Điền loay hoay sắp đặt công việc suốt ngày với một đống rác ngổn ngang trong nhà, trước sân, ngoài cửa ngõ.

“Nhìn lại nhà cửa cơ đồ của Thiện, phút chốc vì tình thế mà biến đổi như thế này, kể cũng thương tâm. Một lời an ủi từ đáy lòng đưa ra. Cảnh tượng tiêu điều nhưng đầy tình tứ cao siêu của một người dân biết chia bùi sẻ ngọt với quốc gia khi lâm nạn.

Thiện cười ngạo nghễ. Chị Thiện cũng cười và đưa tay chỉ đống đồ đạc ngổn ngang: “thế mà vui đấy anh ạ”. Không biết chị có thật vui hay không nhưng trên nét mặt vẫn vô cùng thản nhiên và quả quyết”, Nhật ký Bộ trưởng Lê Văn Hiến ghi lại.
 

Chi Nê - Vạn đại dung thân

Những ngày đầu kháng chiến chống Pháp, Bác Hồ đã nhiều lần qua lại đồn điền Chi Nê, dừng chân hoặc nghỉ đêm tại nhà riêng ông bà Đỗ Đình Thiện. Có lần Bác đến vào buổi tối, chỉ nghỉ lại mấy tiếng đồng hồ. Trước khi đi, Bác vào tận phòng ngủ, vén màn hôn “thằng bé con” một cái rồi lại lên đường. Bác thường gọi con trai út ông bà Đỗ Đình Thiện như thế. Sau này là GS.TSKH Đỗ Long Vân.

Từ đồn điền Chi Nê, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sắp xếp một chuyến đi bất ngờ đến Thanh Hóa để úy lạo các gia đình điền chủ đi theo kháng chiến, đồng thời nói chuyện cùng lãnh đạo và đồng bào địa phương về việc xây dựng một tỉnh kiểu mẫu. Lúc này, nhiều cơ quan đã tản cư về Thanh Hóa. Nhiều trí thức cũng đã về vùng đât tự do này. Thanh Hóa là đất phát tích của triều Nguyễn, lúc này Cố vấn Vĩnh Thụy vẫn đang công cán tại Trung Quốc theo nhiệm vụ Chính phủ giao cho từ năm trước. Thực dân Pháp không dám ném bom hay tấn công ngay vào vùng đất này.

Di tích lịch sử đồn điền Chi Nê (Cổ Nghĩa, Lạc Thủy, Hòa Bình)

Trước khi Bác đi Thanh Hóa, bà Trịnh Thị Điền đã chuẩn bị hai chai sữa tươi để Bác dùng dọc đường. Chẳng may, trên đường động cơ xe ô tô bị cháy. Không có nước, đành dùng 2 chai sữa để chữa cháy!

Kết thúc chuyến kinh lý bất ngờ đến Thanh Hóa, ngày 21/2/1947, Hồ Chủ tịch trở lại đồn điền Chi Nê. Bác đi thăm nhà máy, nói chuyện với công nhân và tự vệ ở đây. Qua câu chuyện của Bác đã làm cho ai nấy đều thêm tin tưởng đi theo kháng chiến.

Bác cùng ông Nguyễn Lương Bằng và gia đình Đỗ Đình Thiện đi thăm một số cơ sở của đồn điền Chi Nê. Bác nói: “Đã nghe nói từ trước, nhưng vào đây mới thấy đồn điền này lớn thật”. Ông Thiện nói đùa: “Chi Nê nhất đái vạn đại dung thân”. Biết ông Thiện vận sấm ký Trạng Trình ra để ví von đùa, Bác “hứ” một cái và cười vui.

Trong khi đi thăm đồn điền, có máy bay do thám “bà già” của Pháp bay qua. Bác cùng các con cháu ông bà Thiện chui xuống một hầm cá nhân bên vệ đường. Mọi người khác tản ra xung quanh. Khi máy bay đi khuất, Bác khuyên ông bà Đỗ Đình Thiện: “Chú thím cần tìm nơi sơ tán cho các cháu, tôi lấy làm lạ sao nó chưa đánh nơi này. Nó sẽ đánh đấy!”.

Khi nghe báo cáo lại máy bay Pháp oanh tạc đồn điền Chi Nê, Bác Hồ đã gửi thư thăm hỏi đến ông bà Thiện:

“Chú thím Thiện. Được tin chú thím, nhà Hiền và các cháu đều bình an, tôi rất vui lòng. Mất của cải không sợ. Còn trời còn nước còn non, thì còn của cải bà con họ Hồ. Kháng chiến thành công, ta làm ra của khác, chắc chắn hơn. Chúc các chú thím mạnh khỏe. Hôn các cháu. Chào thân ái và quyết thắng”.

Tròn 60 năm sau, ngày ngày 27/8/2007, Khu di tích đồn điền Chi Nê được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích cấp quốc gia để nhắc nhở con cháu đời sau ghi nhớ mốc son chói lọi của nền tài chính trong lịch sử Việt Nam.

Nhà tư sản đầu tiên được đặt tên đường phố ở Thủ đô

Ngày 2/1/2014, tại Quyết định số 31/QĐ-UBND, thành phố Hà Nội đã đặt tên đường phố Đỗ Đình Thiện tại phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm. Đây là nhà tư sản đầu tiên được đặt tên đường phố ở Thủ đô. Trước đó, năm 2008, ông Đỗ Đình Thiện đã được truy tặng Huân chương Hồ Chí Minh với những đóng góp cho đất nước.

 

Xem thêm
Nhịp sống giới trẻ phản ánh trong bộ phim ‘Bóng của thị thành’

Nhịp sống giới trẻ thời công nghệ số có những màu sắc bất ngờ, thể hiện qua bộ phim ‘Bóng của thị thành’ phát sóng trên HTV7, Đài truyền hình TP.HCM.

Rượt đuổi mãn nhãn, Man United đả bại Liverpool tại Cúp FA

Trận Tứ kết Cúp FA giữa Man United vs Liverpool đã diễn ra với kịch bản không ngờ khi hai đội rượt đuổi nghẹt thở trong suốt 120 phút của trận đấu. 

120 vận động viên tham gia giải dù lượn trên cao nguyên đại ngàn

Giải dù lượn tại huyện Sa Thầy (tỉnh Kon Tum) sẽ quy tụ 120 vận động viên, trong đó có 41 vận động viên người nước ngoài tham gia tranh tài.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.